Hai vợ/Chương 6
Một bữa cô Quyên nấu cơm rồi dọn cho cha chồng ăn. Cô ngồi bên chan canh gắp cá cho ông.
Ông Thuận than:
- Đại đồn thất thủ, binh ta vỡ tan. Binh đội Pháp tràn ra chiếm trị hết mấy tỉnh, việc đã lâu rồi, mà thằng Hào bặt tin. Cha nghĩ nó đã chết rồi, không còn gì mà trông nữa.
- Tuy đại binh thất trận, song cũng còn tụ tập đâu đó, chớ không lẽ chết hết. Con chắc anh Hào còn theo mấy tốp binh đó nên về chưa được chớ không chết đâu cha.
- Nếu không chết thì nó về, chớ theo đám tàn binh làm chi nữa.
- Con nhớ năm trước có người bạn học của anh Hào trong Sơn Qui ra kêu anh đi với người đó. Vậy cha để cho con kiếm người cậy vô Sơn Qui hỏi thăm coi người bạn học của anh Hào đó đã về hay chưa.
- Ừ, phải có ai rảnh cậy vô Sơn Qui hỏi thăm coi. Người đó tên Minh. Lý Quang Minh.
- Xin cha để cho con liệu.
Tối lại cô Quyên về nhà nói với ông Bá hộ rằng ông Thuận muốn cậy người vô Sơn Qui kiếm người bạn học của Hào coi về hay chưa. Nhưng người ấy về rồi hỏi hay Hào con hay mất mà không thấy về.
Ông Bá hộ sực nhớ nên ông nói:
- Ừ, phải à. Từ năm ngoái tới giờ cha quên lửng chuyện đó. Để cha cậy người đi hỏi thăm coi. Ở đây có thằng Kỳ với anh Phó Tha biết cậu Lý Quang Minh. Năm cậu ra kêu Hào đi, thì hai người nầy có ăn uống với cậu. Bây giờ vô hỏi thăm Hào thì trước hết nên kiếm nhà ông Nhiêu Hiền mà hỏi coi môn đệ của ông đều có đi lên Gia Định cũng như Hào, vậy mà có người nào đã về rồi, anh nào chưa về. Cậu Minh ở Sơn Qui nếu cậu về rồi tự nhiên ông hay, mình xin ông chỉ giùm nhà rồi mình lại đó mà hỏi. Đi hỏi thăm thằng Hào, cha còn muốn hỏi thăm việc khác nữa. Thằng Kỳ khờ lắm, nó không biết nói chuyện, vậy để mai cha nói với anh Phó Tha có rảnh đi giùm được hay không. Ảnh đi thì rảnh hơn.
Bữa sau ông Bá hộ cậy Phó Tha vô Sơn Qui hỏi thăm. Phó Tha chịu đi. Hai người dắt nhau lại thăm ông Thuận.
Ông Thuận nghe Phó Tha chịu đi vô Sơn Qui hỏi thăm coi Hào còn sống hay đã chết mà bặt tin, ông có bụng mừng, mà ông còn căn dặn Phó Tha nếu cậu Minh về rồi thì hỏi chuyện Hào và luôn dịp hỏi coi tại sao binh ta đóng cả muôn mà lại thất đại đồn, ai cầm binh giỏi quá như vậy, bây giờ có tính kháng cự nữa, hay là bỏ xuôi cho mất nước. Ông còn dặn ghé thăm ông Nhiêu Hiền và hỏi coi ông có nghe tin tức gì về chiến cuộc hay không, cho ông biết ngoài nầy bà con mình nóng nảy tức giận lắm.
Phó Tha đi một bữa rồi về ghé nhà ông Bá hộ mà nói có gặp ông Nhiêu Hiền với cậu Minh. Cậu Minh nói năm đó lên tới đại đồn rồi quan sai cắt mỗi người theo một đội đóng riêng nên anh em không gặp nhau được, bởi vậy không biết Hào còn sống hay mất. Cậu Minh có thuật chuyện mất đại đồn. Còn ông Nhiêu Hiền thì ông có cho biết một tin rất quan hệ, bà con trong xóm cần phải bàn tính với nhau.
Ông Bá hộ nói Phó Tha đi Sơn Qui thì ông Thuận nằm nhà tin trông con. Vậy ông vô liền qua nói chuyện cho ông nghe rồi có bàn việc gì thời bàn với ổng luôn thể.
Ông Bá hộ với Phó Tha dắt nhau đi vô nhà ông Thuận. Vừa tới cửa thấy cô Quyên đứng đó. Ông biểu con nấu cơm gấp đặng dọn cho Phó Tha ăn, vì đi đường xa chắc đói bụng.
Ông Thuận nghe nói chuyện thì biết hai người bạn thân, nên lòm còm ngồi dậy, mời hai bạn lại ngồi gần đặng cho ông biét tin tức của Hào một chút.
Bây giờ Phó Tha mới nói rõ:
- Vô tới Sơn Qui tôi hỏi thăm rồi tôi đi ngay lại nhà ông Nhiêu Hiền mà nói chuyện. Ông Nhiêu nói môn đệ của ông đã về bộn rồi, mấy người về đều có đến thăm ông, cậu Minh về mấy tháng nay cậu đau rề rề, còn năm sáu người không có đến thăm ông, trong số đó có cậu Hào, nên ông chắc chưa về tới. Rồi đó ông sai người nhà đi kêu cậu Minh lại đặng tôi hỏi thăm cho rành. Cậu Minh còn đau nên ốm và mét xanh. Cậu thấy tôi thì cậu biết liền cậu hỏi Hào đã về hay chưa, tôi nói vì Hào bặt tin nên tôi mới vô kiếm cậu mà hỏi thăm đây. Cậu Minh nói cậu về được mấy tháng rồi, cậu muốn ra xóm Tre kiếm thăm Hào mà vì cậu cứ bịnh hoài nên đi không được, cậu mới nói chuyện cho tôi nghe năm đó mới lên tới Chí Hòa, đồn đóng dài từ Gò Vấp vô tới Rạch Cát. Quan trên phân phát cho anh em mỗi người một đội đặng coi sổ sách và viết giấy tờ chớ không phải ở chung với nhau, bởi vậy anh em không gặp nhau nữa được. Cậu không dè Hào chưa về, cậu không hiểu tại sao vậy. Giặc tấn công tất cả các đồn luôn một lượt, đánh tới mấy ngày, súng lớn súng nhỏ đều đánh dữ lắm, nhưng vì súng của mình ít quá, lại bắn chậm, nên chịu không nổi. Binh lính của mình bị súng của địch bắn nà, mà mình không trả đũa được thì tức giận nên có nhiều chỗ bỏ đồn xông ra đánh ráp lá cà nghĩ vì trong đồn hay dưới hào bị đạn cũng chết thà xông ra đánh giết cho được giặc dầu có chết cũng mát ruột. Tại như vậy tướng sĩ hai bên chết nhiều.
Ông Thuận chặn mà nói:
- Thằng Hào nhà tôi có tập võ thuật. Đánh cách đó chắc nó tham chiến nên phải tử trận. Chú nghĩ coi phải vậy hay không chú Phó?
- Anh nói phóng chừng chớ làm sao mà dám chắc.
- Chú có hỏi cậu Minh ông quan nào cầm binh mà để thất bại đồn đó hay không?
- Cậu Minh nói cậu nghe cụ Kinh Lược sử Nguyễn Tri Phương được lịnh triều đình cử vô làm chánh tướng có cho cụ Phạm Thế Hiển theo làm tham tán hai cụ vô hiệp với cụ Tôn Thất Hạp, rồi lập đại đồn và cầm binh chống với giặc. Cậu nghe nói như vậy chớ không thấy mặt mấy cụ lớn đó được.
- Để thất bại đại đồn thì mấy cụ lớn đó tính chịu thua hay sao mà để giặc hoành hành đem binh đi chiếm cùng hết vậy?
- Cậu Minh nói cũng có nghe ông Nguyễn Duy, là em của cụ Nguyễn Tri Phương tử trận, còn hai cụ kia thì bị thương, nhưng cụ Nguyễn Tri Phương thì bị thương nhẹ nên trở về Huế, còn cụ Phạm Thế Hiển bị thương nặng nên chạy lên tỉnh Biên Hòa rồi cụ mất.
Ông Bá hộ thở dài mà nói:
- Cầm binh ít nữa cũng phải xông lên lướt đạn với tướng sĩ như vậy mới được, chớ xuất trận mình xúi binh lính tiến dặng chết, còn mình ẩn núp ở sau xa, coi mòi không xong thì thối lui rồi chạy trốn. Cái đó người ta phiền lắm, còn hồi nãy anh Phó nói ông Nhiêu Hiền có cho hay tin gì đó. Bây giờ có anh sui tôi đây, vậy anh nói luôn nghe coi thử.
Phó Tha mới nói:
- Ông Nhiêu hay tôi ở xóm Tre vô thăm tin tức của cháu Hào, thì ông niềm nở dữ lắm. Ông hối người nhà nấu cơm cho tôi ăn. Ông nói năm trước ông nghe cháu Hào vô thuật chuyện nhân dân xóm Tre đồng tổ chức cuộc phòng thủ để nghinh địch, thì ông khen lắm, khen bà con mình nhiệt bảo tâm cứu quốc cứu dân. Ông nghe triều đình bất lực để thua trận Chí Hòa rồi e rằng không dám tính chuyện kháng chiến đánh đuổi giặc, nên lo năn nỉ với quan Pháp mà nghị hòa, thà xuất tiền chuộc mấy tỉnh đã mất và chịu tổn phí cho quân đội Pháp chớ không dám chống cự nữa. Hạng sĩ phu của mình đều hết thảy bất bình, bởi vậy có nhiều anh hùng nghĩa sĩ không thèm kể tới triều đình nữa, họ vận động khuyên dân theo họ đặng đánh đuổi binh Pháp mà lấy đất nước lại. Có ông Quản Định đương chiêu mộ nhân dân trên vùng Rạch Lá đã được mấy ngàn, nay mai gì đây sẽ kiếm xuống đánh úp Gò Công đặng đuổi binh Pháp khỏi xứ. Ông Nhiêu nói binh Pháp đóng trong huyện mình chừng 100 chớ không có nhiều. Binh của Quản Định kéo xuống quét sạch dễ như chơi. Mà hễ binh Pháp thua thì chắc họ chạy ra phía Bao Ngưọec đặng kiếm thuyền mà về Cần Guộc goặc Gia Định. Vậy ở xóm Tre nếu nghe binh ta đánh úp Gò Công thì trai trong xóm, đã có tập luyện sẵn rồi hết thảy đều vô Truông Cóc mai phục, chờ tàn binh của Pháp chạy ngang qua thì đánh mà bắt hết. Ông Nhiêu cũng sắp đặt cho dân Sơn Qui chặn phía trong mà đánh trước; đón từ chặng như vậy thì binh Pháp không lọt khỏi. Ông Nhiêu căn dặn như vậy. Ông biểu tôi nói lại như vậy cho bà con trong xóm hay đặng sắp đặt trước mà rửa cái nhục thất bại giùm cho mấy ông trên Chí Hòa năm trước.
Ông Thuận nghe nói việc mai phục tại Truông Cóc đặng bắt giặc giống như kế của ông bày hồi năm ngoái, thì ông đắc chí, ông quên việc bắt tin của con ông, mà ông cũng quên cặp mắt đã mù quáng hết đi đâu được nữa. Ông vỗ ván mà nói lớn:
- Dịp may đã đến cho dân xóm Tre mình rồi. Mình nên cám ơn ông Nhiêu Hiền cho mình cái tin ấy. Thiệt nghe tin nầy tôi muốn xé mây mà tôi đi.
Cô Quyên bưng ra một mâm cơm có tôm có cá đủ hết. Cô để trên ván mà mời ông Phó Tha ăn. Cô hỏi ông Thuận như đói thì ăn thêm với ông Phó Tha, vì hồi sáng ăn cơm sớm quá. Ông Thuận nói được nghe tin của ông Nhiêu cho, ông mừng quá, nên ông no. Ông tiếp với ông Bá hộ mà mời Phó Tha ăn, xin ăn cho no rồi bàn tới việc phục kích Truông Cóc.
Ông Bá hộ nói:
- Theo lời ông Nhiêu nói, thì chưa biết chắc bữa nào ông Quản Định đem binh đánh úp Gò Công. Không lẽ mình bắt dân trong xóm mỗi ngày phải vô Truông Cóc mà chực hờ hoài cho được. Phải để cho dân làm ăn chớ. Còn cái nầy nữa chờ lâu quá mà không thấy gì hết, dân mòn chí, rồi tới việc tự nhiên giảm hăng hái. Vậy tôi tính như vầy: ngày mai cho người đi thuyền rao cho bà con trong xóm từ 18 đến 45 tuổi hay rằng sắp có giặc đi qua Truông Cóc nhưng chưa biết chắc đi qua ngày nào. Những người trong hạng tuổi đó phải sửa soạn binh khí cho sẵn. Chừng tôi biết chắc ngày nào, giờ nào phải mai phục thì tôi đánh mõ. Hễ nghe mõ thì tựu hết sân tôi, tay cầm binh khí hẳn hoi, rồi có người dắt vô Truông Cóc.
Ông Thuận nói:
- Phải có thằng Hào về, nó lo việc nầy cho mình thì tiện quá.
Ông Bá hộ nói:
- Để tôi sai thằng Kỳ nó đi truyền rao trong xóm hay. Chừng đi mai phục tôi biểu nó dắt dân đi cũng được, chớ tụi già mình lụm cụm không đủ lẹ làng mà làm mấy việc như vậy được. Còn việc muốn biết chắc bữa nào giặc sẽ chạy qua Truông Cóc, cái đó khó một chút. Chớ chi có thằng Hào thì tiện nhiều. Bây giờ không có nó tôi muốn cậy anh Phó nghỉ chơn một bữa rồi đi giùm một lần nữa.
Phó Tha hỏi:
- Ông Bá hộ muốn tôi đi đâu? Mai tôi đi được mà. Có mệt mỏi gì đâu mà nghỉ.
- Anh đã quen với ông Nhiêu rồi. Tôi muốn ngày mai anh nghỉ một bữa rồi sáng mốt anh chịu khó trở vô Sơn Qui nữa. Anh thay mặt cho anh em lớn nhỏ ở xóm Tre mà cám ơn ông Nhiêu cho mình tin quan hệ đó. Anh cho ông biết bà con mình sẵn sàng phục kích tại Truông Cóc, y theo lời ông dặn, song mình phải biết chắc bữa nào sẽ có giặc chạy ngang qua đó đặng mình mai phục. Vậy anh em mình xin ông làm hơn hễ ông Quản Định huy động nghĩa binh khắc phục Gò Công thì ông mướn người chạy ra xóm Tre báo tin cho mình hay liền, đặng mình gom dân mai phục Truông Cóc. Tiền mướn đó hễ người báo tin ra đây thì tôi trả. Tôi không để cho ông tốn hao. Được như vậy thì tiện cho mình lắm.
- Được mà. Tôi sẽ trở vô Sơn Qui nữa cho. Sáng mốt tôi đi.
Ông Thuận nói:
- Hữu sự mà cặp mắt tôi hết thấy đường, buộc tôi phải ngồi một chỗ thiệt tức quá. Nhưng tôi đi phục kích không được, thì tôi sẽ biểu thằng Tư Cầu đi thế cho tôi.
Phó Tha ăn cơm rồi. Ba ông bàn tính một hồi nữa, rồi ông Bá hộ với Phó Tha từ giã chủ nhà mà về.
Ông Bá hộ sai con Hai Kỳ đi khắp xóm mà truyền huấn lịnh cho dân hay theo ý của cha định. Ai cũng hăng hái làm phận sự đặng trả nợ non sông, không ai thối thác.
Phó Tha trở về Sơn Qui nói chuyện với ông Nhiêu Hiền. Ông Nhiêu hứa hễ ông hay tin ông Quản Định huy động nghĩa binh thì ông sẽ sai người ra xóm Tre báo động liền.
Thiệt quả cách mười ngày sau. Quản Định ở vùng Rạch Lá đem binh vây bắt Thiên Hộ Huy là tên phản quốc dắt binh lính bắt giết Huyện Toại, là một chiến sĩ ái quốc đương chiêu mộ nghĩa dõng đặng chống với giặc xâm lăng. Quản Định đem Thiên hộ Huy ra trước đình làng mỗ bụng Huy cúng tế vong linh Huyện Toại, rồi làm lễ tế cờ và dắt hơn hai ngàn nghĩa binh cờ trống đàng hoàng, mác dao sáng ngời, rần rộ kéo xuống Gò Công, quyết tử chiến với giặc một trận.
Số binh Pháp chiếm giữ Gò Công có hơn một trăm, chớ không đông, thình lình hay binh nghĩa dõng đông quá, phân làm hai cánh kéo tới hùng hào rần rộ thì mất tinh thần. Tuy có súng song số binh ít quá, sợ giặc bao vây rồi xung phong đánh xáp lá cà không thể cự nổi, bởi vậy quan chỉ huy truyền lịnh htối lui ra phía Bao Ngược đặng sai người về Gia Ðịnh báo ngay và xin binh tiếp viện. Ðạo binh pháp ra tới Sơn Qui bị nghĩa binh mai phục tại đó đánh một trận làm cho rã làm hai tốp. Tốp xuống giồng Tháp bị dân ở đó đánh làm tổn thương hết một mớ còn lớp đi ra Truông Cóc, thì bị dân xóm Tre xông ra vây đánh một trận nữa, làm cho binh giặc hao hết phân nữa.
Ở truông Cóc giặc thất nặng là vì giặc không biết đường sá, còn rừng thì rậm rạp hoang vu; dưới chơn thì đất sình lầy lội hút đầu gối, còn ở trên thì cây xàng xịu day trở không được. Dân ta quen biết chỗ ẩn núp rồi lui tới lẹ làng làm cho binh địch không biết đâu mà bắn, nên có súng mà phải thua mác thong chĩa nhọn.
Hai bên rượt nhau đánh tới tối, rừng rậm hết thấy nhau, dân xóm Tre mới hú hí kêu nhau, ra về, gần nửa canh một mới tới nhà ông Bá hộ.
Ông Bá hộ với Phó Tha ở nhà chờ tin tức đã có dạy người nhà làm thịt một con heo mà nấu cơm sẵn để cho quân. Nghĩa binh về từng tốp, ai về trước thì ăn trước, ai về sau thì ăn sau. Ông Bá hộ với Phó Tha nghe tin xóm Tre đại thắng thì vui mừng hết sức.
Qua canh hai không còn ai về nữa, mới kiểm điểm lại thì thiếu hai người Tư Cầu với tên Giác, là con trai của Hai Chỉ, hai người đó không có về. Ai cũng lo ngại, sợ hai người đã tử trận còn số đã về rồi có 7 người bị thương, nhưng có hai người bị nặng, một người bị đạn tại bắp vế và một người bị đâm tại cánh tay, còn năm người bị thương nhẹ không đáng kể gì. Ai cũng nói bên địch chết và bị thương ít lắm cũng ba chục người.
Ông Bá hộ biểu thân nhơn mấy người bị thương đem bệnh nhơn về điều dưỡng, ông hứa sẽ giúp tiền cho uống thuốc.
Ăn uống rồi chiến sĩ ai cũng rã ra ai về nhà nấy. Phó Tha cũng về, nói sẽ đi thẳng lại báo tin cho ông Thuận mừng. Còn Tư Cầu với Giác không về thì anh em nói để sáng rồi sẽ đi kiếm.
Đến sáng ông Bá hộ vô nhà Ông Thuận mà phân ưu về sự Tư Cầu không về.
Ông Thuận nói:
- Tôi nuôi thằng Cầu từ nhỏ đến giờ, vì nó khùng khịu nên tôi thương lắm. Nếu rủi nó tử trận thì thôi. Mà chết vì nước thù vinh quang quá có gì đâu mà buồn.
Một lát Phó Tha lại nữa. Ông nói với hai ông bạn rằng Hai Chỉ với một người nữa giả dạng tiều phu đã lập thế vào rừng đặng kiếm tên Giác và Tư Cầu. Ông có dặn hai người phải cẩn thận vì binh giặc đêm nay có lẽ còn lẫn quẩn trong rừng. Nếu mình vô ý ắt phải bị chúng bắt.
Thiệt quả gần nữa buổi. Hai Chỉ với người bạn hào hển chạy về nói giặc còn ẩn núp trong rừng. Khi hai người vô gần tới mé rừng, thì giặc ở trong bắn súng ra, nên hai người phải chạy thôi, lại mới khỏi bị đạn. Ai nấy đều khuyên đừng vô rừng nữa, nên coi chừng giặc đi hết rồi sẽ hay.
Cách ba ngày sau ở xóm Tre người ta thấy có một chiếc tàu lớn với cả chục tàu nhỏ đậu tại Vàm Rạch Nhợ. Đến trưa chỉ có ba chiếc ở lại còn bao nhiêu thì chạy luôn về phía sông Tra.
Dân xóm Tre lo sợ giặc kêu binh tiếp viện đặng phản công xóm mình nên ai nấy lao nhao, muốn chờ đến tối sẽ lấy ghe đưa hạng già và giới đàn bà con nít đi kiếm mấy rạch nhỏ mà ẩn núp. Té ra đến xế chiều có người rình coi thì thấy binh lính dìu dắt nhau đi xuống tàu rồi tối ba chiếc tàu đậu tại Vàm Rạch Nhợ kéo neo chạy lên phía sông Tra nữa.
Bây giờ người ta mới đoán chắc đoàn tàu chạy qua để ba chiếc ở lại tại Rạch Nhợ đặng tom góp tàn binh thất trận hôm nọ mà chở đi, còn bao nhiêu thì vô đánh chiếm Gò Công lại.
Thật vậy, bữa sau ông Nhiêu Hiền cho người ở Sơn Qui ra thông tin cho xóm Tre hay viện binh Pháp đi khắc phục Gò Công. Chúng bắn súng thần công nà quá, nghĩa binh của quan lớn Trương Công Định không thể chống cự nổi, nên phải rút lui, một phần chạy xuống phía Cầu Muống, còn một phần vào ẩn núp trong mấy đám lá “Tối trời” dọc theo mé sông cửa Tiểu.
Ông Bá hộ với Phó Tha nghe tin ấy thì buồn nhưng chắc giặc đã bỏ giăng rừng Truông Cóc rồi, mới để dân xóm Tre vào kiếm Tư Cầu với tên Giác. Dân ruồng kiếm cả ngày, gặp thây chết rải rác đến vài chục, nhưng thây nào cũng rục rã không nhìn được.
Ông Bá hộ cũng như Ông Thuận với Phó Tha đoán chắc tên Cầu với tên Giác đã tử trận. Ông Bá hộ hiến hai con heo cho anh em làm thịt cúng chiến sĩ vị quốc vong thân, rồi ăn uống với nhau một bữa. Ông cho vợ chồng Hai Chỉ 200 quan tiền, giúp mấy người bị thương mỗi người 10 quan tiền đặng mua thuốc uống.
Hổm nay không có Tư Cầu nữa, cô Quyên phải ở luôn ngày đêm tại nhà cha chồng đặng chăm nom giúp đỡ ông.
Cúng Tư Cầu với tên Giác xong rồi tối lại ông Bá hộ Cầm vô thăm ông Thuận, đi ngang nhà Phó Tha, ông kêu Phó Tha đi với ông.
Vô tới nhà Ông Thuận, trước mặt Phó Tha với cô Quyên, ông Bá hộ nói:
- Bà con xóm Tre nầy đã làm tròn phận sự con dân đối với cỏ cây đất nước. Vậy cũng là vinh. Rất tiếc có hai nhà bị hại, anh sui đây với Hai Chỉ. Mà anh sui bị hại nhiều hơn, vì một đứa cháu tử trận lại thêm một thằng con cũng ra giúp nước mà mấy năm nay biệt tích không biết mất hay còn. Đã vậy mà anh còn chịu mù quáng nữa. Thiệt là khổ!
Ông Thuận động lòng nên rơi nước mắt mà đáp:
- Con với cháu tôi hiến thân đặng cứu dân cứu nước. Dầu hai đứa thiệt chết đi nữa, tôi cũng không than phiền. Ngặc thuở nay tôi nhờ thằng Cầu nó giúp tôi làm ruộng mới có lúa mà nuôi sống. Nay nó chết mà tôi lại tối hết hai con mắt, cái đó mới thiệt là khổ. Mấy bữa rày tôi muốn chết đi cho phứt để yên thân.
- Anh đừng thối chí. Chết làm chi? Phải sống đặng nghe thế cuộc thay đổi cách nào chớ. Từ bữa thắng trận Truông Cóc mà Tư Cầu không có về với anh em trong xóm thì tôi đã có nghĩ đến việc nhà của anh rồi. Tôi tin nếu Tư Cầu chết thiệt, thì tôi sẽ kiếm một người khác về ở với anh đặng giúp anh trong việc ruộng nương. Còn việc trong nhà thì vợ chồng tôi đã quyết định để con Quyên ở trong nầy luôn đặng nó săn sóc lo cơm nước cho anh. Vì thời cuộc bối rối nên vợ chồng nó chưa có lễ cưới. Nhưng một lời đã giao kết, thì trăm năm không được quên. Bề nào con Quyên cũng là dâu của anh. Đã vậy ngày Hào đi, con Quyên có hứa với Hào nó sẽ ở nhà thay thế chăm nom nuôi dưỡng anh, dầu Hào nó chết đi nữa, con Quyên cũng phải giữ cho vẹn lời hứa.
- Anh tính như vậy thì tội nghiệp cho con Quyên lắm. Nhà tôi bị tai nạn, nó can cớ gì mà phải chung chịu với cha con tôi. Tôi chắc thằng Hào đã chết rồi. Hổm nay tôi có ý định đợi giặc giã yên rồi tôi sẽ mời anh vô đặng bàn tính việc vợ chồng của thằng Hào. Nay sẵn dịp anh nói ra, lại may có chú Phó lại đây nữa, vậy anh em mình nên nói cho dứt chuyện.
Mấy năm trước tôi mạnh khỏe, con Quyên ra vô giúp việc trong nhà tôi chút đỉnh chẳng nói làm chi. Từ ngày tôi có bịnh rồi lại tối hết hai con mắt thì con Quyên phải cực khổ với tôi không biết chừng nào. Tôi nghĩ tới phận nó thì tôi khó chịu hết sức. Chồng mới bỏ trầu cau chớ chưa cưới, lại chồng còn hay mất không biết được, mà phải nuôi cha chồng già cả đui mù, phải lo manh quần tấm áo, phải lo phơi chiếu giặt mền, phải gắp từng miếng cá, múc từ miếng canh lo nuôi cho tôi sống. Con Quyên nó mắc nợ hồi nào đâu, mà bây giờ nó phải trả nợ? Nó có chịu ơn nghĩa gì đâu mà bây giờ nó phải đáp nghĩa đền ơn? Vì tôi nghĩ như vậy nên tôi không muốn cho nó mang chung tai họa với cha con tôi. Tôi bị tai họa mà tôi kéo nó vô nữa thì mất công bình, tôi mang tội ác. Ấy vậy hổm nay tôi muốn mời anh sui vô nhà tôi mà hồi việc hôn nhân, xin anh sui gả con Quyên cho người khác đặng nó sung sướng tấm thân. Thằng Hào đã chết rồi, nó không còn đâu mà chờ đợi.”
Ông Thuận nói như vậy rồi ông khóc.
Ông Bá hộ với Phó Tha nhìn nhau bối rối không kiếm được lời mà khuyên ông bạn.
Cô Quyên bước lại gần cha chồng chậm nói:
- Thưa cha, con có cực khổ chi đâu mà cha nói con cực khổ. Còn ơn nghĩa thì có chớ sao cha lại nói không có. Anh Hào đã hiến thân cứu dân cứu nước. Đó là một đại ân đại nghĩa đối với tất cả mọi người. Phần con tuy gái song cũng là một người của đất nước. Con phải đền ơn đó, đáp nghĩa đó, con có được phép làm lơ đâu. Huống chi con có hứa lời nuôi cha thế cho anh Hào, con quên làm sao được. Ảnh ra trận dãi nắng dầm sương, vùi thân trong khói lửa. Mà ảnh không than. Con ở nhà nấu cơm giặt áo cho cha có gì đâu mà cực. Cha nói anh Hào chết rồi. Có tin nào chắc chắn đâu mà cha quả quyết như vậy. Dầu phải chờ ảnh cho tới bạc đầu rụng răng con cũng chờ chớ. Cha mẹ đã định rồi. Không bao giờ con thay lòng đổi dạ. Dầu cho anh Hào thiệt chết đi nữa, con cũng thủ tiết với anh mãn đời. Con nuôi cha, chừng nào cha trăm tuổi già thì con trở về nhà phụng sự cha mẹ con. Hai bên cha mẹ đều định con là vợ của Lê Hữu Hào, thì kiếp nầy con quyết giữ bổn phận làm vợ của anh Hào, chừng nào con chết con đem bổn phận ấy theo, đặng xuống âm phủ nếu được gặp anh Hào thì con khỏi hổ.
Ông Thuận nghe dâu nói những lời trung hậu như vậy thì ông xúc động cực điểm. Ông càng khóc lớn hơn nữa chớ không cãi được.
Ông Bá hộ ngó Phó Tha, ông ứa nước mắt. Ông nói: “Con Quyên nói như vậy thì phải lắm. Vậy anh sui an lòng, đừng buồn, đừng lo chi hết.”
Ông Bá hộ day lại nói với Quyên:
- Sáng mai con về gói hết áo quần đem xuống đây ở luôn mà nuôi anh sui. Con phải tận tâm với anh sui như nuôi cha ruột vậy, cha sẽ kiếm và cậy một người trọng tuổi và siêng năng cũng như Tư Cầu để lo ruộng nương và câu tôm cá mà ăn mỗi bữa.
Phó Tha tiếp nói với ông Thuận:
- Ông Bá hộ tính như vậy thì xong. Anh lo tiếp dưỡng sức khỏe, chớ đừng buồn rầu chi hết. Bà con xóm Tre này không ai bỏ anh đâu.
Ông Thuận bệu bạo tỏ lời cảm ơn.
Ông Bá hộ với Phó Tha nói bà con một xóm cơn nguy phải lo giúp đỡ nhau. Đó là phận sự của con người một giống, một dòng sống chung trong đất nước.
Hai người từ mà về.
Cô Quyên quét giường giũ chiếu rồi dắt cha chồng đi nghỉ.
Cô gài cửa tắt đèn vô trong nằm, nghe tiếng gà trong xóm tiếp nhau mà gáy, từ đầu trong ra tới đầu ngoài.