Hỏng cả hai, vệ sanh và luân lý: Đường xe hỏa Saigon - Nha Trang

Hỏng cả hai, vệ sanh và luân lý: Đường xe hỏa Saigon - Nha Trang  (1928) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 754 (9.8.1928)

Trong số báo vừa rồi, nơi mục Câu chuyện hằng ngày chúng tôi có đăng tin Dịch phát trên xe hỏa về con đường Saigon-Nha Trang, và nơi cuối bài đã tỏ ra ấy là tin đồn huyễn.

Tin ấy là tin đồn huyễn, chúng tôi thật lấy làm may, song về các tình tệ trên xe hỏa Saigon- Nha Trang thì thật không có thể bỏ qua mà không nói.

Sự dơ bẩn trên các thớt xe hạng tư của con đường ấy, đã nói trong số báo trước rồi, ai đã từng đi qua một lần, chắc phải tin lời chúng tôi là thật. Trong bài nầy, chúng tôi chỉ nhơn đó mà bàn đến vấn đề vệ sanh và vấn đề luân lý của xã hội loài người hay đem mà khoe khoang hợm hĩnh cùng nhau.

"Vệ sanh cốt phải ở cho sạch sẽ", người ta dạy nhau trong nhà trường như vậy, thì làm sao trên xe hỏa là nơi hằng ngày có hàng trăm tánh mạng gởi tại đó, người ta lại bắt phải ở dơ?

Chúng tôi nói "bắt" không phải là nói quá. Vì phần nhiều người không muốn ở dơ, mà khi đi trên xe hỏa ấy thì thấy chơn cũng phải dẵm trên nước trầu, mũi cũng phải ngửi những phân tiểu của loài vật, không khác gì có một cái quyền lực nào bắt mình phải chịu lấy sự ấy, là sự chẳng vừa lòng mình.

Trong châu thân con người thì biết vệ sanh, trong nhà ở thì biết vệ sanh, nói tóm lại, các nơi khác thì giữ vệ sanh, mà đến trên xe hỏa thì không cần vệ sanh nữa, ấy là nghĩa gì? Hay là cho rằng những tánh mạng của thứ người đi trên xe hạng tư đó là không đáng quý?

Có lẽ cũng nghĩ như vậy, nên trên các thớt xe hạng tư mới có những heo, chó, gà, vịt cùng đi với người ta.

Nói đến đây, lại động đến vấn đề luân lý rồi.

Cho loài vật đi chung ở lộn với người ta, ấy là tỏ ra cái thứ người ta ấy cũng không khác chi loài vật!

Cái thứ người ta ấy có khác với loài vật không, lại là một vấn đề, đây không nói đến; song dầu thế nào nữa, chắc họ cũng không muốn đi chung ở lộn với loài vật đâu.

Không muốn thế mà phải thế, ấy lại là như có một cái quyền lực nào bắt họ phải chịu lấy sự ấy, là sự không vừa ý mình.

Thấy người ta ở chung với loài vật thì phải cho là điều bất luân lý, mà nghĩ đến sự bắt người ta ở chung với loài vật, thì lại phải cho là điều bất luân lý hơn nữa.

Hỏng hết cả! Vệ sanh mà chi! Luân lý mà chi! Ngán cho cái văn minh giả dối của xã hội loài người!

Có người bảo rằng: đường xe hỏa nào đi xa đến cả ngày, thì phải cho bán đồ ăn trên xe cho hành khách, sự dơ bẩn bởi đó mà sanh ra. Song, nói vậy không phải. Cho bán đồ ăn, cho ăn, nhưng mà không cho xả bậy ra, thì can gì mà dơ bẩn được?

Lại có người bảo: tại An Nam ta quen ở dơ, cho nên trên xe hỏa mới dơ như vậy. Ừ phải, thuở nay An Nam vẫn mang tiếng ấy; song, dầu có vậy đi nữa, ở đâu có kỷ cang ở đó, có người cai trị ở đó, nếu một mực đổ tội cho hành khách, thì sở hỏa xa đặt ra luật lệ làm gì? đặt ra các viên chức làm gì?

Sao người ta không chịu coi con đường Tourane-Vinh từ năm ngoái đến giờ? Các thớt xe hạng tư con đường ấy không những sạch sẽ thôi, mà lại có thứ tự nữa. Mà đường ấy cũng không phải gần, cũng phải đi đến một ngày.

Chỉ có người ta biết nghĩ, biết giữ gìn vệ sanh của công chúng và nhớ đến luân lý loài người thì làm cho sạch sẽ đến đâu cũng được cả.

Người ta biết nghĩ như vậy rồi, chỉ dán trên mỗi thớt xe một cái yết thị là đủ, không phải khó nhọc gì, cũng không phải hao tổn gì.

C.D.