Học hỏi
Trong tiếng Việt Nam ta có cái thành ngữ "học vấn", ấy là dùng chữ sẵn của Hán văn. Nhưng riêng về người Nam kỳ, lại cắt nghĩa nôm ra mà nói là "học hỏi". Thật vậy, ai nấy hãy để ý mà coi: duy có trên các báo chí Nam kỳ thì mới có dùng chữ "học hỏi"; còn ở ngoài Trung Bắc, có nói, người ta nói "học vấn" mà thôi. Họ lại còn lấy làm ngượng tai trong khi nghe ai nói "học hỏi".
Theo ý tôi, nói "học hỏi" là hay hơn.
Vấn cũng là hỏi; mà nó là chữ Tàu, khi nói "học vấn", người không thạo chữ Tàu, nghe qua không hiểu, tưởng đâu là tiếng đệm, cũng như năng trong nói năng, lụng trong làm lụng, không lấy làm khinh trọng chi. Còn người biết nhiều chữ Hán, vì quen quá rồi không để ý mà cũng không lấy làm khinh trọng.
Nói "học hỏi", người nghe đã biết chữ "hỏi" nghĩa là gì rồi, thấy nó đi theo chữ "học", phải để ý mà suy nghĩ. Họ sẽ bụng bảo dạ: À! té ra "hỏi" cũng là một sự hệ trọng lắm, nó đi song song với chữ "học", thế thì cái giá trị nó cũng ngang với sự học chẳng chơi!
Phải, trong sự học, hỏi là sự cần yếu hơn hết, cho nên người ta mới cho đi kèm với chữ "học" mà nói là "học vấn".
Trong Hán văn, phàm hai danh từ nào có giá trị ngang nhau thì mới được bình hành với nhau. Người có học cần phải có thức (thạo biết); học nhiều mà thức kém, cũng hầu như không có học: bởi vậy mới nói rằng "học thức". Học xong rồi phải hành (làm ra), hay là vừa học phải vừa hành, có học không hành thì cái học thành ra vô dụng: bởi vậy mới nói rằng "học hành". Chữ "thức" chữ "hành" được đi ngang với chữ "học" là bởi nó có giá trị như thế; thì chữ "vấn" là "hỏi" được đi ngang với chữ "học" cũng phải nhờ ở giá trị của nó.
Cái giá trị của chữ "vấn" thế nào, sự hỏi là cần yếu trong sự học thế nào, tôi xin dịch bài "Vấn thuyết" (cắt nghĩa về sự hỏi) của Lưu Khai là một bậc danh nho ở đời Thanh ra đây. Đọc bài dịch nầy rồi, độc giả sẽ thấy cái danh từ "học hỏi" của người Nam kỳ là hay lắm, ta nói "học hỏi" thay vì "học vấn" là có ý vị lắm.
VẤN THUYẾT
Cái học của người quân tử ắt ham hỏi. Hỏi là cái nương nhau với học mà đi. Chẳng học, không nhờ đâu mở rộng sự hay biết. Ham học mà không siêng hỏi, cũng còn chưa phải là người ham học thật.
Lẽ đã sáng rồi, mà hoặc còn chưa thông ra việc; điều lớn đã biết rồi, mà hoặc còn chưa hiểu đến điều nhỏ; như vậy, nếu không nhờ hỏi để giải quyết thì nhờ đâu? Kẻ giỏi hơn mình, mình hỏi họ để phá sự nghi ngờ, tức như sách Luận ngữ nói rằng "tới bậc hữu đạo mà chất chánh". Kẻ không bằng mình, mình hỏi họ để may ra có được điều gì chăng, tức như nói rằng "lấy hay hỏi nơi chẳng hay, lấy nhiều hỏi nơi ít". Còn kẻ ngang mình, mình hỏi họ để giúp sự dồi mài cho nhau, tức như sách Trung dung nói rằng "hỏi kỹ lưỡng và phân biệt rõ ràng".
Người đời xưa trống lòng và lấy điều lành làm vui, chẳng lựa việc mà hỏi, chẳng lựa người mà hỏi, miễn lấy được điều có ích cho mình mà thôi. Vậy nên, thánh nhân chọn đến lời nói của kẻ điên khùng, tiên dân đon ren đến người cắt cỏ; chẳng phải làm bộ nhún nhường đâu, thật tình, có vậy thì lấy điều lành mới được rộng.
Người đời sau, có học mà không hỏi. Bạn bè giao du cùng nhau, họ cho khuyên điều lành răn điều lỗi là đủ; chớ còn đem nghĩa lý ra hỏi nhau, đau đáu lo việc tấn tu cho cần kíp, thì chẳng thấy được mấy ai. Đám sĩ phu còn vậy thay, huống chi là lưu tục!
Cho mình phải, cho người quấy, ấy là cái bịnh mà tục tình đều mắc phải. Học có chỗ chưa thông, cũng cho mình là biết nhiều đi; lý có chỗ chưa thỏa, cũng nghĩ ức chừng rồi nói bướng đi; như vậy thì suốt đời hầu không còn có việc gì là việc đáng hỏi nữa. Kẻ giỏi hơn mình, thì ganh ghét mà không muốn hỏi; kẻ không bằng mình, thì khinh thị mà không thèm hỏi; kẻ ngang mình thì lờn mặt mà không chịu hỏi; như vậy thì cả thiên hạ hầu không còn có người nào là người đáng hỏi nữa. Người, không có người nào cho mình phục; việc, không có việc nào cho mình nghi; mà kỳ thật có phải là không người đáng phục, không việc đáng nghi đâu, ấy chỉ tại mình làm thánh làm tướng, tự dụng quá đó thôi.
Kẻ tự dụng còn chưa mấy. Có kẻ biết mình bậy rồi, mà lại cúm núm giữ gìn cho điều lầm lỗi, thà chịu cái học của mình trọn đời không tấn tới, chớ không muốn hạ mình xuống để hỏi ai. Cái kiểu đó làm hại cho tâm thuật rất lớn, thế mà mười người hết tám chín thường hay mắc phải.
Còn như chẳng làm vậy thì cái điều hỏi lại không phải cái điều học: Hỏi những chuyện lạ chuyện nhảm trong đời để đàm luận cho khoái; rất đỗi cái điều trong lòng mình đã rõ rồi, còn đem hỏi đố kẻ khác để thử họ chơi; lại nhè những việc không thể cắt nghĩa được đem hỏi người ta để cho họ bí; ngoài ra, dầu là việc thiết với tâm thân tánh mạng, giá hỏi thì có ích lợi cho mình lắm, nhưng chẳng hề. Hỡi ôi! Cái học sở dĩ không kịp đời xưa được, há chẳng phải là bởi đó, ôi!
Vả, kẻ không ham hỏi, là bởi trong lòng không chịu để trống; lòng không trống, là bởi sự ham học chẳng phải thật tình. Nói rằng không thật tình, không phải là nói họ không chịu chuyên lòng gắng sức; nhưng là nói cái học của họ không phải cái học của người đời xưa, và sự ham cũng không phải sự ham của người đời xưa. Thế thì họ không chịu hỏi, là phải lắm.
Kẻ trí toan tính một ngàn điều, ắt có sai sẩy một điều; cái điều ông thánh không biết, chưa ắt chẳng phải là cái điều mà người ngu biết; cái điều người ngu làm được, chưa ắt chẳng phải là cái điều mà ông thánh không làm được. Chơn lý không ở hẳn một chỗ nào, và sự học chẳng biết đến đâu là cùng tột.
Bởi vậy, người sang có thể hỏi người hèn, kẻ hiền có thể hỏi kẻ chẳng hiền và cụ già có thể hỏi con nít, tùy theo lẽ phải: lẽ phải ở cùng khắp cả, thì hỏi đâu cũng được.
Xưa kia, Khổng Văn tử chẳng lấy sự hỏi kẻ dưới mình làm xấu hổ, đức Khổng Tử khen là hiền. Người đời xưa lấy sự hỏi làm đức tốt; còn quân tử đời sau lại lấy sự hỏi làm sỉ nhục. Thế thì những điều người đời xưa cho là sỉ nhục lắm mà không làm, người đời sau lại làm mà cho là không sỉ nhục, chẳng là nhiêu lắm thay! Thương thay!
*
* *
Hai chữ "Học vấn" đi chung một chỗ song rời ra, thì thấy trong Trung dung, câu "bác học chi, thẩm vấn chi"; đến như đi liền nhau thì thấy trong Mạnh Tử, câu "học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hĩ". Nhà nho xưa nay vẫn lấy làm hệ trọng, nhưng chưa ai đem ra mà bàn luận cho thấu đáo như cái bài ông Lưu Khai dịch ra trên đó.
Trong bài đó, đáng chú ý nhứt là chỗ làm phách không thèm hỏi và hỏi mà hỏi những đâu đâu. Tác giả khéo liệu đúng như tâm lý người đời, hay hỏi bông lông, hay hỏi đố, hay hỏi ngặt, là những cái hỏi không ích gì cho sự học hết mà chỉ vạch ra cho ai nấy đều thấy. Kẻ học hễ đã biết mà chữa những cái hỏi ấy đi được, tức là biết thâu lấy cái ích của sự hỏi.
Khi đọc bài nầy rồi, chúng ta sẽ thấy chữ "hỏi" thành ra một chữ rất lớn; không phải nó đi theo chữ "học" mà nó đi ngang với chữ "học". Bởi vậy tôi muốn trọng tiếng ta nên dùng "học hỏi" theo như người Nam kỳ để cho cái công dụng nó càng rõ rệt ra, cái giá trị nó càng cao quý lên. Kẻ học nước ta sẽ tìm được sự ích lợi trong đó mai sau nầy.
P. K.