Hạnh phúc lối nào/Chương 7
Trong lúc bên Đất Hộ cô Hưởng vui vẻ rước bà Xã về nhà đặng thố lộ tình yêu chơn chánh của mình cho bà nghe, thì bên Chí Hòa huynh Huệ Minh, hồi chiều ăn cơm rồi huynh ngồi đọc mấy trương giấy di ngôn của cha, nhìn tấm hình, xem khai sanh, huynh xúc động nên bối rối, vì đứng trước hai ngả đường, một ngả tụng niệm đặng ung đúc đạo tâm, còn một ngả thảo thuận đặng duy trì tông tộc, không biết phải đi theo đường lối nào.
Huynh thơ thẩn dưới hàng cây mà suy nghĩ, đợi công phu tối huynh làm xong phận sự Phật tử rồi, huynh cầm hết các giấy tờ đi vô am đặng hỏi ý cô Diệu Nga.
Cô Diệu Nga nghe tiếng trống công phu ngoài chùa, cô qua trước bàn thờ Phật mà tưởng niệm nãy giờ, cô mới trở về phòng khách ngồi uống nước thì huynh Huệ Minh vô tới. Huệ Minh thi lễ rồi nói:
- Em xin cô cho phép em làm rộn cô một lát. Em mới có một việc thắc mắc quá, em tính không ra, nên em vô đây tính bày tỏ với cô rồi yêu cầu lòng sáng suốt và chơn chánh của cô chỉ giùm đường ngay lối phải cho em biết mà đi đặng khỏi lầm lạc.
Cô Diệu Nga chấp tay nói: “Mô phật” rồi chỉ cái ghế trước mặt mà biểu Huệ Minh ngồi đặng nói chuyện cho cô nghe.
Huệ Minh nói:
- Thưa cô, hồi em còn thơ ngây em được người ta nuôi dạy, chớ không có cha mẹ ông bà nào hết. Khi em được tám chín tuổi, em buồn, em theo mấy bạn trẻ của em mà đi bán báo bán sách. Em tưởng em là con mồ coi như nhiều đứa nhỏ khác, không có cha mẹ bà con nào hết. Ban ngày em vất vả, ban đêm em theo chúng bạn vô chùa Nhơn Hòa mà ngủ. Chừng bà với cô xuống đây giúp sức sùng tu chùa lại đàng hoàng em mới quy y thọ phái để ung đúc đạo tâm và ước nguyện hiến thân cho nhà phật đặng lo việc cứu nhơn độ thế. Nào dè hôm trước có một cô vô chùa tìm em, nhìn em là con, vì hửu sự nên mẹ con phải phân ly nhau trót 17 năm. Cô xin rước em ra nhà ở dưới Saigon đặng bày tỏ nguồn gốc của em cho em hiểu. Em nghĩ em tu đã được 4 năm rồi, em hết ham mùi đời, hết muốn việc thế gian nữa, bởi vậy em từ chối, không muốn biết nguồn gốc làm chi, xin để cho em an trí tịnh tâm đặng em tu niệm cho mau tinh tấn. Ngày hôm kia bà mẹ em trở qua chùa có dắt theo một ông nữa. Ông nầy nói với em rằng cha em chết đã 4 năm rồi, không có anh em, cũng không có con nối dòng. Bà nội em ở dưới Cần Giuộc già cả lại giàu có, nhưng không có con cháu nào hết, hay em ở tu trong chùa nên cậy ông lên nói mà rước em về đặng quản uất sự nghiệp và phụng tự tổ tiên. Em cũng cáo từ em không chịu đi, xin để cho em ở luôn trong chùa mà tu niệm mà cầu đạo vì em không muốn nhập thế tục nữa, bữa chiều nay mẹ em với ông đó cùng bà nội em đi xe hơi vô chùa nữa. Bà nội em vừa thấy em thì bà níu mà khóc. Bà đưa hình của cha em chụp hồi còn trai em xem, đưa khai sanh của em với tờ di ngôn của cha em cho em đọc. Bà thiết tha yêu cầu em về ở nhà mà tu đặng cúng quảy ông bà luôn thể. Bà hứa nếu em chịu về ở với bà em muốn thế nào bà cũng làm cho em vui lòng hết thảy, miễn là em phụng tự tổ tiên, kế nghiệp cho dòng họ đặng khỏi tuyệt tộc. Nếu em mộ đạo thì bà dọn bàn thờ Phật trong nhà cho em tưởng niệm. Nếu em muốn bà tu với em, thì bà cũng tu. Nếu em muốn cất chùa để ung đúc đạo tâm cho chúng sanh thì bà sẽ cất chùa cho đặng em làm chủ chùa rước đạo hữu về ở tu mà cảm hóa người trong làng trong xóm. Bà nài nỉ quá làm cho em động lòng nên em xin để cho em suy nghĩ rồi em sẽ quyết định. Bà mới để mấy trương di ngôn với tấm hình của cha em đây. Em xin cô đọc thì hiểu hết gia đạo của cha em và bà nội em.
Huệ Minh trao hết giấy tờ trong bao thơ cho cô Diệu Nga xem.
Diệu Nga giở xấp giấy của Đường viết mà trối, cô ngồi xem kỹ lại im lìm. Huệ Minh ngồi chờ cho cô đọc và liếc mắt nhìn coi cô cảm xúc hay không, thì thấy sắc mặt cô vẫn bình tĩnh như thường, đọc tới đứt mà không lộ vẻ động dung chút nào hết. Cô lần lượt xem qua tờ khai sanh, bổn sao án Tòa. Chừng nhìn tấm hình chụp cô mới ngước mặt nhìn Huệ Minh mà nói:
- Huynh giống người trong hình nầy quá.
Huệ Minh vội vã đáp:
- Em chắc người trong hình và viết mấy trương giấy di ngôn đó là cha của em, bởi vậy em không nghi ngờ chi hết. Mà bà nội với bà mẹ kiếm đặng nhìn em là con cháu cũng phải nữa chớ, giả dối gạt em làm chi. Em muốn biết em sanh ra trong trường hợp nào có lẽ như vậy. Lại cha em để lời trối cho bà nội em, thì đính theo đủ giấy tờ chứng nhận em là con cho bà nội em biết vậy thôi, chớ không nài nĩ bà kiếm đặng nối dòng kế nghiệp và phụng tự tổ tiên. Thế thì em có nên bỏ chùa về ở với bà nội em hay không chớ?
- Huynh được ra đời là nhờ có mẹ cha cấu tạo nên mới thành hình, bởi vậy bất luận sanh với trường hợp nào cha mẹ là cha mẹ, huynh không phép quên ơn nghĩa đó được. Đọc lời trối nầy rồi huynh không nhận thấy tâm hồn của ông thân sanh huynh hay sao? Từ nhỏ mồ côi cha ông sống với bà mẹ, ông hấp thụ giáo dục theo gia đình mẫu Nho giáo, nên ông thành một người chí hiếu không dám làm một việc gì cho mẹ buồn. Vì bà mẹ nuôi dạy con, bà hướng về một mục đích duy nhứt là mong con mau lớn đặng cưới vợ cho con để nó sanh cháu mà duy trì tông tộc, phụng tự ông bà, nối nghiệp của ông cha lưu hạ. Vì mục đích đó mà bà lo vợ cho con quá sớm. Con chưa biết tình yêu là cái gì, con cứ phú cho mẹ định liệu. Thiệt bà mẹ cũng chọn nhà chức sắc có tiếng hiền lành tử tế mà làm sui, rủi gặp con dâu không tốt, không hiểu đạo làm dâu, làm vợ, bởi vậy hạnh phúc bà quyết định xây dựng cho con mới hóa ra tai hại. Ông thân sanh của huynh buồn rầu chán nãn, nhưng vì chữ hiếu ràng buộc, ông không dám phá gia thất của mẹ định cho ông. Ông phải cắn răng rán bận cái áo chật hẹp của mẹ sắm, rán chịu cái cối xay nằm chàng ràng đặng có làm ra gạo, theo lời ông thân đó huynh nhớ hôn?
- Em nhớ. Em hiểu vì ông bực tức nên ông phải kiếm tình yêu chỗ khác mà thố lộ nỗi lòng, tại vậy nên mới sanh ra mà bà nội em không hay biết.
- Sanh huynh ra rồi ông thân của huynh không có ý bỏ rơi huynh. Khai sanh và án Tòa đây là bằng cớ chứng minh ông giữ vẹn đạo làm cha. Còn bà mẹ vì danh dự - mà vì có lẽ sợ gia đình của người yêu xào xáo mà thất hiếu với mẹ nữa - bởi vậy bà phải lánh mặt và giấu huynh. Trót mười mấy năm ông thân của huynh tìm huynh hết sức mà tìm không được nên ông buồn rầu đến sanh bịnh. Sợ chết mà mẹ không hay, nên ông viết tờ trối mà để lại cho mẹ. Ông không xin mẹ tiếp kiếm huynh, làm như vậy ông đã trọn chữ hiếu với mẹ, vì ông không dám ép buộc bà mẹ nhìn nhận đứa con tự ông cấu tạo ngoài ý muốn của mẹ mà ông cũng trọn đạo làm trai trong tông môn, khỏi mang tội bất hiếu để tuyệt tộc. Mà tôi cũng lại khen ông khôn ngoan, kín đáo nữa. Ông dư biết bà mẹ mong ước có một điều là ông sanh con đặng nối dòng. Vậy ông chỉ đứa con của ông thì tự nhiên bà mẹ kiếm, cần gì ông phải biểu.
- Trong tờ di ngôn cha em nói có thêm một đứa con gái nữa. Vậy thì đem đứa con gái đó về nuôi cũng được cần gì phải nài ép em về.
- Con gái mà phụng tự tổ tiên và nối dòng gì được. Tại như vậy nên ông không khai sanh, ông nói phớt qua, ông xin châu cấp đặng nó no ấm vậy thôi.
- Bây giờ em xin hỏi gắt cô vậy chớ em phải đi đường lối nào? Em phải ở luôn trong chùa nầy mà tu niệm cho đắc đạo, hay là em phải vì tông tộc mà trở về ở với bà nội đặng tu tại gia?
Cô Diệu Nga trầm ngâm suy nghĩ một chút rồi cô chậm rãi nói:
- Đã mấy ngàn năm rồi tổ tiên ta xây dựng văn hóa trên nền tảng Tam giáo là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Nồng cốt văn hóa ấy rất vững chắc nên dân tộc Việt Nam ta tấn bộ mạnh mẽ luôn luôn. Thiệt nhiều lúc gặp gió to sóng lớn chiếc thuyền Việt Nam phải chìm ngấm trong thời gian, may nhờ văn hóa đặc biệt của ta ung đúc tinh thần dân tộc ta rất mạnh mẻ, rất cao, nên chìm một lúc rồi chiếc thuyền Việt Nam cũng nổi lên lại, dân tộc Việt Nam cũng vỗ ngực ngó thiên hạ mà nói: “Ta cũng như ai, ta không thua ai, ta không sợ ai hết. Ai giúp gìn giữ cõi bờ của ta là bạn, ai toan chiếm đất nước của ta là thù. Với bạn ta từng biết hòa nhã thân yêu để tương trợ mà với thù ta cũng từng đám đổ máu phơi xương mà chống cự. Sở dĩ dân tộc ta có hào khí tốt đẹp, mạnh mẻ, cứng cỏi như vậy, là nhờ văn hóa của ta xây dựng với nòng cốt là Tam giáo đó. Nho giáo thì giúp cho ta cư xử với nhơn nghĩa đạo đức. Đạo giáo thì giúp chỗ ẩn núp cho người khỏi nãn tâm chí, còn Phật giáo thì giúp cho ta hưng vượng tinh thần, dám bền gan chịu khổ để cứu người, biết nghĩ đến hạnh phúc tương lai nên dám hy sinh vui sướng hiện tại. Ấy vậy Nho giáo với Phật giáo là hai đồng trụ hai cột cái của nhà Việt Nam. Người mình phải nương Nho giáo mà tấn bộ với đời, tiếp xúc với người, trên đường thực tế, mà cũng phải nương Phật giáo đặng bồi bổ tinh thần cho có đủ kiên nhẫn, từ bi mà tiến tới vinh quang và đối phó với tai họa. Hiện giờ huynh đi tới khoảng đường phân ra hai ngả, huynh dụ dự không biết phải đi ngả nào. Theo ý tôi, hai ngả đều cần thiết hết. Vậy hãy dung hòa mà noi theo cả hai ngả mới có lợi ích cho huynh, mà cũng lợi ích luôn cho đời nữa.
- Theo trí em hiểu thì phụng tự tổ tiên và nối nghiệp cho tông môn, điều đó thuộc về Nho giáo. Còn ở chùa mà tu niệm để tập phật tánh phật tâm, đó thuộc về Phật giáo. Hai quan niệm khác nhau, làm sao dung hòa mà đi đôi cho được?
- Được chớ, Phật tại âm của mình, chớ nào phải ở chùa mới có phật, còn ở nhà không có hay sao. Nếu huynh có cơ cảm thì tu tại gia huynh cũng có thể đắc đạo vậy, mà huynh lại thêm tròn chữ hiếu với ông bà.
- Muốn tròn chữ hiếu thì phải cưới vợ sanh con đặng nối dòng. Tu mà có vợ con lòng thòng thì đắc đạo sao được.
- Ngũ giới cấm: “tà dâm”, nghĩa là núp lén mà kết tình với vợ của người khác, hoặc dụ dỗ làm cho con gái người mất trinh mất tiết, chớ có cấm cưới vợ chính thức đâu. Vì hiểu ngủ giới theo trí ý đó nên kinh pháp mới dạy hai cách tu: tu tại gia và tu xuất gia chớ. Thuở xưa vua Tráng Niệm làm vua, có vợ có con đủ hết. Ngài với hai hoàng tử đều thành tâm tu niệm ngài cũng đắc đạo thành phật còn hai hoàng tử thành Bồ tát là Quan thế âm Bồ Tát với Đại thế chí Bồ Tát đó. Phái tiểu thừa hiểu ngũ giới theo trí ý rộng rãi, bởi vậy ngũ giới cấm "sát sanh" mà họ ăn thịt ăn cá như người thường. Họ nói cấm sát sanh là cấm không cho mình giết chết loài có sự sống, chớ không phải cấm ăn thịt cá do người khác giết mà nấu chín rồi. Tại như vậy nên, người Thổ tu theo tiểu thừa, sớm mơi mấy ông lục mới mang bình bát đi cùng trong sốc mà khất thực. Tín đồ cúng thực phẩm thứ gì cũng để hết vô bình mà mang về chùa rồi đúng ngọ dọn ra ăn với nhau.
- Bà nội em có nói nếu về ở nhà mà em muốn tiếp tục tu niệm thì bà sẽ dọn chỗ đặt bàn thờ phật cho em tu. Nếu em muốn thì bà cũng tu niệm với em. Như sau trong xóm trong làng có nhiều người mộ đạo tưởng Phật, thì bà cất chùa để cho em làm chủ chùa, em rước ít đạo hữu về ở trụ trì rồi hiệp nhau ung đúc đạo tâm cho thiện nam tín nữ trong vùng Cần Giuộc.
- Được vậy thì càng hay hơn nữa, sao huynh còn dụ dự? Huynh có hỏi ý kiến của ông Yết Ma hoặc của ông bà chủ chùa hay chưa?
- Em không có dọ ý của ba người đó. Vì trước khi đưa bà nội em vào nhìn em, má em có thăm em hai lần và nói chuyện với em trước mặt ông Yết Ma và ông bà chủ chùa. Em thấy ý ba người đều muốn cho em về, nhứt là ông Yết Ma có nói với nội em rằng về hay ở tự ý em, chớ ông không ép buộc phải ở hay là xúi đi về được. Vì vậy nên em mới vô đây mà hỏi ý kiến của cô. Em biết chắc hễ hỏi ba người ấy thì ai cũng xúi em về ở với bà nội em, nên em không muốn hỏi.
- Có lẽ huynh cũng có nghe người ta nói: “Phật trong nhà không thờ lại thờ Thích ca ngoài đường”. Người ta nói có ý khinh bỉ những kẻ dối thế, ở trong nhà không biết thờ cha kính mẹ, mà lại làm mặt đạo đức, đi chùa cúng phật, đốt nhang vái lạy lăng xăng. Nếu huynh không kể bà nội già cả không trọng bà mẹ mang nặng đẻ đau không tưởng niệm ông bà tổ tiên nào hết, huynh là bất hiếu, dẫu huynh tu sợ e phật cũng khó tin lòng thành thiệt của huynh được mà chứng kiến. Ngoại tôi với tôi vì nuôi tâm chí cứu nhơn độ thế nên xuống đây cất am ở mà tu. Tôi phục các quan niệm về đạo với đời của ông Yết Ma và ông chủ chùa lắm. Hai ông nghĩ đời tấn hóa thì đạo cũng phải biến chuyển mà theo cho ăn nhịp với đời, phải như vậy cuộc tấn hóa mới mạnh mẽ về hình thức và tốt đẹp về tinh thần. Đạo với đời phải sát cánh đi đôi cùng nhau mới có hiệu quả, chớ đạo phưởng phất ở trên cao, đời vói không tới, rồi đạo đi theo đạo, đời đi theo đời, lờ mờ, đời hổn độn, có đạo cũng như không. Tu niệm với am chùa không ích cho ai hết. Đạo phải tiếp xúc chặt chẽ với đời, đặng đạo cảm hóa mà dìu dắt đời, còn đời nương níu lần theo đạo, phải như vậy đạo mới đắt nghi, đời mới hòa nhã. Với ý trí theo quan niệm đó, mấy năm nay chùa am Nhơn Hòa mới hiệp tác với hội: “Xây dựng đời sống mới” để cứu nhơn độ thế, hội cứu về mặt thực tế, chùa cứu về mặt tinh thần, làm như vậy đời với đạo đều được kết quả mỹ mãn cả hai. Huynh có cơ cảm với phật, huynh lục đục ở trong chùa mà tu niệm tự nhiên huynh được công quả mà công quả đó chỉ có một mình huynh hưởng, chớ đời không được nhờ mà ông bà cha mẹ của huynh cũng không được nhờ chút nào hết. Sao cho bằng huynh nghe lời bà nội về ở nhà mà tu, trước hết bà mẹ với bà nội được vui lòng, ông bà được phụng tự và có người nối dòng, sau nữa huynh giúp ung đúc đạo tâm cho các thiện nam tín nữ sống chung quanh huynh, huynh giúp gieo rắc mùi đạo cho đời, làm cho đời hết ham xa hoa, khỏi bị trụy lạc, tu như vậy mới có công quả lớn chớ. Vậy huynh hãy suy nghĩ lại.