Hưởng ứng với "Tin văn"
Tờ báo ra đời thường có bài phi lộ để lòe độc giả. Tin văn,[1] tuần báo văn học và mỹ thuật xuất bản tại Hà Nội, ra đời cũng có bài phi lộ của nó. Nhưng đây là một bài phi lộ thành thực, do một tấm lòng nhiệt thành, thiết tha với quốc văn viết ra. Không phải chúng tôi đi nói dua theo, nhưng thực tình chúng tôi đã nhìn thấy điều đó do trong những lời nói rõ ràng, không bóng bẩy, không chải chuốt của bài phi lộ ấy.
Vậy Tin văn sẽ làm gì? Cái chương trình của Tin văn?
Cho được trả lời câu hỏi ấy, chúng tôi xin sao lại dưới đây bản tóm tắt tôn chỉ và công việc của mình sẽ làm mà bạn đồng nghiệp đã đăng trong số 2:
- Vun đắp cho quốc văn thành một nền văn minh bạch, chính xác.
- Tổ chức cuộc hội nghị các nhà văn, nhà báo, nhà in, nhà xuất bản để làm quốc văn được nhất trí.
- Gom góp tài liệu cho một cuốn Việt Nam văn học sử.
- Nâng cao giá trị các nhà văn sĩ và nghệ sĩ chân chính.
- Tổ chức những lễ kỷ niệm các nhà văn qua đời.
- Phát giải thưởng cho những văn sĩ và nghệ sĩ trẻ tuổi chưa nổi tiếng.
Thật là một cái chương trình to tát. To tát đến nỗi một ngày kia giá hoàn thành xong, ai là người yêu quốc văn mà không sung sướng. To tát nhưng không phải là không làm được: lòng sốt sắng sẽ thắng hết cả mọi sự khó khăn.
Trong bản chương trình tốt đẹp ấy của bạn đồng nghiệp chúng tôi nhận thấy có ba khoản quan trọng nhất. Ấy là khoản thứ nhất, nhì và ba. Quan trọng vì đó là những điều mong ước tối cao của chúng ta lâu nay.
Thật vậy, không có gì bực mình hơn là cùng một văn tự mà người thì viết thế nầy, người thì viết thế khác, không có thể cách, nhất luật gì cả.
Chữ quốc ngữ của ta đương ở vào cái cảnh rối beng ấy.
Những tiếng bắt đầu tr thì người Bắc viết ch, hay trái ngược lại. Người Trung và Nam thì trong óc rối bù không biết chữ nào đằng sau có g hay không g, có t hay c, nên đánh dấu ngã hay dấu hỏi.[2] Sự lầm lẫn ấy trong đám người thường không nói làm gì, đến hạng sống về cán bút mà cũng lầm nốt thì rõ chán quá. Bây giờ muốn cho sự viết chữ quốc ngữ được duy nhất, chỉ có một cách là mở cuộc hội nghị các nhà văn trong ba kỳ, nhất định một lối viết, một lối thôi, cho toàn nước. Cái ý rất hay ấy của bạn Tin văn đã có lần chúng tôi nghĩ đến; nhưng bạn phát biểu nó ra, chúng tôi xin hết sức hoan nghinh.
Chữ quốc ngữ lại không có một văn pháp nhất định. Hình như ai muốn viết thế nào thì viết. Đến nỗi chúng tôi có thể nói rằng mỗi người cầm bút có một văn pháp riêng.[3] Trong cuộc hội nghị sau nầy, đi đôi với sự thống nhất văn tự, sự thống nhất văn pháp sẽ là một điều rất cần vậy.
Nếu sự thống nhất quốc văn rất cần, thì công việc gom góp tài liệu cho một cuốn Việt Nam văn học sử sau nầy cũng đáng làm ngay lắm. Vì mãi đến năm này là năm 1935 mà chúng ta vẫn chưa có được một cuốn văn học sử, thật là một điều nhục, đáng hổ thẹn. Ngàn năm văn hiến gì mà đến chừng người ta hỏi: chớ nào quyển sử văn học nước anh đâu? thì đực người ra, không biết đàng nào mà trả lời!
Nhưng, cho được tự an ủi đôi chút, chúng ta nên công nhận rằng viết được một cuốn Việt Nam văn học sử rất khó. Một lẽ vì tài liệu ngày xưa bây giờ bị thất lạc nhiều lắm; ngay đến những nhà văn sống trong khoảng cận thời đây như Nguyễn Du, Tú Xương, mà sự biết cho rõ về đời và văn nghiệp của họ còn khó khăn thay! Chúng ta không nên đổ cả lỗi cho những cuộc biến loạn thường xảy ra trong nước ta, lấy lẽ rằng nó đã trở ngại cho sự lưu truyền văn liệu cho đời sau. Làm trở ngại cho sự lưu truyền ấy, họa chăng chỉ có tánh lười biếng, không muốn ghi chép của dân tộc ta. Nước Pháp có phải là một nước được hưởng sự hòa bình luôn đâu, vậy mà sao bây giờ hỏi đến lai lịch các nhà văn của họ, họ nói được một cách rành ròi. Ấy vì họ có óc ký sự, mỗi chuyện gì xảy ra có quan hệ đến văn học, họ đều dùng văn tự ghi lại hết.
Lẽ thứ hai là cái kho văn học của ta nó... rỗng quá, rỗng về hình thức, rỗng về tư tưởng. Thành ra bây giờ ngồi chép lại cuốn sử, chúng ta không biết lấy gì mà nói. Bởi lẽ ấy, chúng tôi có thể nói được rằng viết một quyển sử nước Việt Nam còn dễ hơn là viết một cuốn văn học sử của nước ấy. Chẳng thế mà những tay thường ngày gần gũi với tài liệu như các ông Nguyễn Văn Tố, Lê Dư, nghe nói định viết cuốn sử văn học nước nhà, rồi sau rốt cuộc, ngại ngùng, cũng không dám hạ bút.
Thật là một công việc rất khó. Khó, nhưng không lẽ ngồi im luôn. Bạn Tin văn đã có cái can đảm đứng ra gánh vác việc đó. Nhưng bạn cũng chỉ mới có cái định ý khiêm tốn là sẽ ra công gom góp những tài liệu mà thôi. Còn sự viết cuốn Việt Nam văn học sử, nếu đủ thì giờ và sức lực làm được càng tốt, bằng không, xin để lại người sau...
Rốt lại, những khoản có thể thi hành một cách dễ dàng của bản chương trình là những khoản thuộc về sự nhớ công người xưa và sự khuyến khích người nay. Chúng tôi muốn nói đến ba khoản cuối cùng. Kể ra thì những việc sau nầy không khó, khó hay không là do ở lòng nhiệt thành cùng không nhiệt thành. Vậy cố lên, bạn Tin văn!
Chúng tôi tuy không ra đảm đương được cái công việc tốt đẹp của bạn định chủ trương, nhưng bao giờ cũng vẫn một lòng tán thành. Chúng tôi coi cái chương trình của bạn như một cái chương trình chung của các bạn yêu quốc văn. Và trong lúc đợi được nghe một cái chương trình rõ ràng, đầy đủ hơn do bạn vạch lấy, chúng tôi xin có lời hoan nghênh bạn và hưởng ứng với bạn.
TRÀNG AN
Chú thích
- ▲ “Tin văn”, tuần báo, tòa soạn: số 2 Hàng Bông, Hà Nội, chủ nhiệm Nguyễn Đức Phong (tức Thái Phỉ), số 1 ra ngày 28/7/1935, số cuối: số 28, ra tháng 11/1936 (theo: Huỳnh Văn Tòng: Báo chí Việt Nam, từ khởi thủy đến 1945. Tái bản có sửa chữa và bổ sung, Tp.HCM.: Nxb. Tp.HCM., 2000, tr. 467).
- ▲ “những tiếng bắt đầu”: ý nói các phụ âm đầu ở mỗi âm tiết tiếng Việt, phương ngữ miền Bắc không phân biệt tr/ch,…; “chữ đằng sau có g hay không g”: ý nói các phụ âm cuối âm tiết, phương ngữ miền Nam không phân biệt n/ng; “chữ đằng sau … có t hay c”: ý nói các phụ âm cuối âm tiết, phương ngữ miền Nam không phân biệt t/c (như “xiếc” hay “xiết”,…)
- ▲ “văn pháp”: Phan Khôi dùng từ này tương đương thuật ngữ grammaire của tiếng Pháp mà ngày nay thống nhất dùng từ “ngữ pháp”.