Hăm ba tháng năm, ngày không đáng gọi là "quốc sỉ"

Hăm ba tháng năm, ngày không đáng gọi là "quốc sỉ"  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 33 (21 Juin 1935), trang 1

Còn hai hôm nữa đến ngày 23 tháng 5, ngày thất thủ kinh đô Huế 50 năm trước. Theo lệ thường, đến ngày ấy, công tư đều có cúng tế: tại Đàn Âm linh phía tây thành, nhà vua có dạy quan bộ Lễ tri tế một diên; ở chợ Đông Ba và các miếu âm hồn, các phường các xóm cũng có làm chay làm tiếu.

Trước đây có một người Tàu đi ngang qua Huế trong ngày ấy, thấy những đám cúng tế, về viết trong sách du ký của mình rằng: “Người An Nam cũng còn dễ thương lắm, họ vẫn không quên kỷ niệm một ngày “quốc sỉ” trước đây hầu nửa thế kỷ!”

Bảo rằng “kỷ niệm” thì phải. Bản báo ra số đặc biệt này về ngày ấy để kỷ niệm một việc trong lịch sử đã qua.[1] Nhưng, ngày ấy mà cho là ngày quốc sỉ của nước Nam thì chúng tôi tưởng là không đúng.

Có lẽ trong chúng ta cũng vẫn có nhiều kẻ nhận cho ngày ấy là ngày quốc sỉ. Vậy chúng tôi viết bài này không cốt để biện bác một câu trong sách du ký của người Tàu ấy mà chính để chữa một cái quan niệm sai lầm của người mình.

Nước ta từ khi giao thiệp với người Pháp, hở ra đâu là bị thất bại đó luôn luôn. Mất ba tỉnh phía bắc Nam Kỳ rồi mất luôn ba tỉnh phía nam. Ngoài kia, tỉnh thành Hà Nội đến hai lần thất thủ. Lần thất bại cuối cùng đến phải ký điều ước 1884 nhận nước Pháp làm nước Bảo hộ sau trận đánh ở cửa Thuận An.

Nếu ta muốn lấy một ngày hay mấy ngày làm ngày quốc sỉ thì nên lấy những ngày đã xảy ra những việc vừa kể trên kia. Bởi vì nó là những tờ lịch sử ghi những sự thất bại của dân tộc ta khi gặp một dân tộc khác, và sự thất bại ấy đáng cho ta lấy làm xấu hổ.

Đến ký điều ước 1884, nhận nước Pháp làm nước Bảo hộ, ta phải kể cho cuốn lịch sử thất bại của ta đã đến tờ cuối cùng rồi, xấu hổ đến thế là tột rồi, không còn có thể gây thêm cuộc thất bại nào nữa cho xấu hổ hơn nữa!

Ta hiểu đến đó rồi ta không còn nên kể cái ngày 23 tháng 5 là ngày gì; hay nói một cách khác, nó là ngày không đáng có.

Bạn đọc hãy đọc những bài kể chuyện về ngày ấy trong số đặc biệt này, sẽ thấy cuộc thất thủ kinh đô trong ngày ấy chỉ là việc riêng của một mình ông Tôn Thất Thuyết mà thôi, cái tội về ngày ấy chỉ đổ trên một mình ông Tôn Thất Thuyết mà thôi.

Việc do một mình ông Tôn Thất Thuyết làm ra, không lẽ cho là sự xấu hổ của chung cả một nước. Cái tội của một mình ông Tôn Thất Thuyết không lẽ kể là tội của một dân tộc.

Một nước đã chịu mất hết những nơi màu mỡ hiểm yếu, đã chịu cho bên địch vào cứ chỗ tâm phúc là trấn Bình Đài, rồi khi ấy mới trương súng lên thành bắn qua bên địch, chẳng để làm chi, bắn như thế chỉ để kéo nhau chạy trốn, thì nước ấy cũng đáng kể là nước trẻ con hay còn quá trẻ con! Nếu chúng ta nhận ngày 23 tháng 5 là ngày quốc sỉ, chẳng hóa ra cái dân tộc có lịch sử bốn ngàn năm này là một dân tộc trẻ con?

Không, không có thế. Việc ngày 23 tháng 5 là việc bởi một mình ông Tôn Thất Thuyết gây ra, ông ấy đối với lịch sử mà chịu hoàn toàn trách nhiệm, dân tộc Việt Nam không có dính dấp gì vào đó.

Cái bất tài, cái thất bại, cả dân tộc Việt Nam nên nhìn nhận rằng trước kia mình quả có thế. Nhưng đến làm điều vô ý thức, làm điều trẻ con, gây ra cái vết bẩn ngày 23 trên lịch sử, là tội của ông Tôn Thất Thuyết, xin đừng gán cho dân tộc Việt Nam.

Mất nước là sỉ nhục. Nhưng một dân tộc mất cái tư cách người lớn lại còn sỉ nhục hơn. Chúng ta phải giữ tư cách của một dân tộc nên chúng ta không nhận ngày 23 làm ngày quốc sỉ.

Dù vậy, cái việc ông Tôn Thất Thuyết đã làm ra một cách liều lĩnh, ngu dại, không có thể dung thứ được ấy, chúng ta cũng không có thể xóa bỏ được trong đầu chúng ta. Kỷ niệm ngày 23 tháng 5, chẳng những để nhớ những kẻ thác oan, những cô hồn siêu bạc mà cũng để không quên một vết dơ đã đồ thêm trên lịch sử.

Cũng bởi có ngày 23 tháng 5 ấy mà mới có cuộc diện ngày nay, mới có sự dày đạp điều ước 1884 mà các quan Bảo hộ can thiệp vào nội chánh của Nam triều, thì ngày ấy cũng hệ trọng lắm, chúng ta quên sao được?

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Tràng an số 33 (21/6/1935) dưới manchette tên báo ghi rõ: “Số đặc biệt 6 trang về ngày 23 tháng 5 năm Hàm Nghi ất dậu thất thủ kinh đô”, với các bài chính do Phan Khôi và Hoài Thanh viết; ngoài các bài lớn có ký tên còn nhiều bài nhỏ không ký tên, kể chuyện các sự việc và con người liên quan đến sự kiện kinh thành thất thủ 1885.