ĐOẠN THỨ VII

Khách nhân-tình qua chơi ướm hỏi,
Ả nhà-băng khéo dắt nhân duyên.

Xuân-Hương thấy nói có quan hậu vào chơi, đủng đỉnh ra tiếp. Quan hậu trông thấy Xuân-Hương dáng điệu phong nhã, ý nhị tài tình, mới thung dung hỏi rằng:

— Tôi nghe thơ từ của chị bấy lâu nức tiếng lắm, dễ thường chị cũng là nàng Ban ả Tạ nước Nam chăng?

Xuân-Hương dịu dàng đáp rằng:

— Bẩm quan lớn, ngài dạy quá nhời; chúng tôi gọi là bập bẹ, chứ dám đâu đọ với các bậc tài-nữ khi xưa.

Quan hậu nói:

— Thôi, tôi biết rồi, bấy lâu nghe tiếng má đào, mắt xanh chửa để ai vào phải không?

Xuân-Hương đáp:

— Tôi đâu dám như vậy, dao vàng bỏ đẫy kim-nhung, biết rằng quân-tử có dùng cho chăng?

Quan hậu thấy Xuân-Hương ăn nói lễ phép, vừa ý gật đầu; lại nghe đọc một vài bài thơ, thì thực là giỏi giang, biết rõ Xuân-Hương là bậc tài-nữ, chứ không phải là người giăng gió giang hồ; có ý trung tình khăng khít. Từ bấy giờ không mấy hôm là không đi lại chơi bời, xướng họa văn thơ.

Bà hậu ở nhà hễ khi nào thấy quan ông bước chân đi chơi đâu, thì bà hậu hay hỏi săn hỏi đón, biết ý rằng quan hậu hay tò mò đến chơi Xuân-Hương.

Xuân-Hương thấy quan hậu đến chơi thơ thẩn khi nào, tuy rằng mải miết tự tình, nhưng xem kỹ ra thì vẫn thường có ý chập chỗm, không vững lòng ngồi dai. Xuân-Hương biết ý như vậy, mới làm một bài tục-vịnh để giễu thử chơi.

Thơ rằng:

Tình cảnh ấy, nước non này,
Dẫu không Bồng-đảo cũng tiên đây.
Hành sơn mực điểm đôi hàng nhạn,
Thứu-lĩnh đen trùm một thức mây.
Nhấp nhó đầu non vừng nguyệt chếch,
Phất phơ sườn-núi lá thu bay.
Hỡi người quân tử đi đâu đó?
Đến cảnh sao mà đứng lượm tay?

Quan hậu xem thơ, cười mà rằng:

— Tôi có phải như chàng Thúc bó tay đâu?

Xuân-Hương nói:

— Quan lớn dẫu không phải như chàng Thúc, nhưng chỉ sợ râu quan lớn quặp vào mà thôi!

— Nói xằng nào, đâu có đấy chứ, thế nào ta thu xếp cũng phải êm.

— Thôi, tôi xin quan lớn đừng đa-mang lắm nữa, mà lại có ngày trụi cả râu!

Quan hậu ngồi cười vờ, chán trò rồi lại giở ra về, biết ý Xuân-Hương có ý sợ mình còn có vợ cái con cột, nên mới nói khẩy mình thế, ngồi nghĩ ngấm ngầm rồi thừ mặt ra không nói gì cả « Bà hậu vừa đi chơi về, đặt cậu ấm mới lên ba xuống đầu ghế trường, rồi hỏi rằng:

— Quan lớn mới đâu về mà mặt thờ thẫn ra thế?

Quan hậu cứ ngồi nín lặng, giả cách làm thinh. Bà hậu biết ý quan chỉ mê man về Xuân-Hương, nên mới ngơ ngẩn cả tinh-thần, hễ xểnh ra lúc nào thì lại lên Tây-hồ xướng họa với cô ả ngay!

Xuân-Hưong nghĩ mình là thục-nữ mà gặp được ông ta cũng là người quân-tử, đôi bên trung tình đều là ngẫu nhiên. Nhưng chỉ hiềm về một nỗi ở trong đã có chị Hằng chủ trương, hồng nhan ai kém ai đâu, kẻ xe chỉ thắm, người xâu hạt vàng, không nhẽ mình lại ra luồn vào cúi đem thân làm lẽ mợn thì duyên kiếp chẳng thiệt thòi lắm ru? Vậy thường ngày đêm nghĩ vơ ngĩ vẩn không quyết ra bề nào đã bực rằng duyên trước vì ép uổng mà không ra gì. Nếu duyên này mà lại cố đấm ăn xôi, tự mình không đắn đo cho kỹ, không khéo thì thiệt mình mà lại lụy cả đến ai, Xuân-Hương nghĩ vậy nên vẫn cứ ngần ngừ, vậy có thớ rằng:

Chiếc bánh buồn về phận nổi nênh,
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.
Lưng khoang tình-nghĩa nhường lai láng,
Nửa mạn phong-ba luống bập bềnh.
Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến,
Giong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh.
Ấy ai thăm ván cam lòng vậy?
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh.

Một ngày kia, Xuân-Hương đang ngồi nhể ốc nhồi, sực đâu quan hậu vào chơi, không kịp cất, Quan hậu nhân cầm cái dùi chọc con ốc, mà bảo rằng:

— Con gái đâu lại ăn quà nhảm vậy?

Xuân Hương cười, liền đọc bốn câu chữa thẹn rằng:

Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi,
Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi.
Quân-tử có thương thì bóc yếm,
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.

Quan hậu tủm-tỉm mà rằng:

— Khéo tài thơ thẩn chữa thẹn!

Xuân-Hương vội vàng thưa rằng:

— Tôi quen mồm đọc nhảm nhí, xin quan lớn miễn chấp cho.

Nói rồi, liền ngồi hầu truyện.

Quan hậu sẽ hỏi:

— Việc đó nghĩ thế nào?

Xuân-Hương cười nụ mà thưa rằng:

— Tôi sợ quan lớn, yêu hoa yêu được một mầu điểm trang, rồi ra nhạt phấn phai hương, lòng kia giữ được thường thường mãi chăng?

Quan hậu nói:

— Ngại chi điều ấy mà ngại, lạ gì thanh khí nhẽ hằng, một ngày cũng đã tiếng rằng tương tri, thôi nàng cứ nhất quyết đi thì là xong.

Xuân-Hương thấy quan cứ một hai hẹn hò, không nhẽ mình lại phụ lòng cho được. Mà quan hậu thì thường khi lại chơi nhắc đến sự ấy luôn. Sau vì bà hậu giữ riết quá, hễ quan động bước chân ra cửa, thì bà hậu theo chân ngay, chỉ trừ ra lúc đi việc quan thì thôi; còn ngoại giả thì cũng khó lòng nói dối bà ta mà đi chơi được.

Bà hậu thấy quan hậu lắm khi thơ thẩn, biếng nhác cả việc quan: cứ để cho quan đi cả ngày cả đêm, thì về lại cười khanh khách; nếu mà cứ nắm khố giữ trịt quan ở nhà, thì quan hay bẳn gắt không chịu được. Vả lại đã có tin quan hậu sắp được bổ Tri-huyện, nếu không chiều lòng ngài cho rát, thì lắm khi ngài cứ nằm khì ở nhà, sợ rồi quan trên quở trách thì làm sao? Chi bằng ta phải cưới cho quan một chị tiểu-tinh mới xong.

Một ngày kia, quan hậu vì đã lâu không được đến xướng họa với Xuân-Hương, trong lòng buồn bực, hễ động một tí thì gắt, bà hậu hỏi:

— Tôi cưới cho ông một chị hầu non thì ông bằng lòng nhé?

Quan hậu cười:

— Chớ, mình dòm món nào?

Bà hậu nói:

— Để thong thả, xem có món nhà quê nào sạch nước cản thì tôi sẽ hỏi cho ông.

Quan hậu lắc đầu.

Bà hậu hỏi:

— Thế thì ông bằng lòng ai, Xuân-Hướng nhé?

Quan hậu ngồi lặng im.

— Bà hậu nói:

— Thôi, chỉ có cô lô-tĩ ấy hầu ngài, thì ngài mới thỏa đời! Rồi tha hồ mà thơ ra rông rổng!

Bà hậu biết quan chỉ đậm ý lấy Xuân-Hương, nếu mình không ra mặt hỏi, thì họ chẳng lấy nào, mà chồng mình thì cứ đi lại chơi bời mãi, cũng chẳng ngăn cấm được. Nghĩ vậy mới mượn người mụ mối đến hỏi Xuân-Hương,

Xuân-Hương tiếp mụ mối đến nói truyện, kể: « Bà hậu là người quê mùa mộc mạc, tính nết dẽ dàng, vì quan hậu có ý muốn kén người thứ-thất, mà đã biết cô là tài, hạnh kiêm toàn, nên mới mượn tôi đến nói truyện, tôi tưởng chả còn đâu hơn? »

Xuân-Hương nghe nói biết truyện như vậy, nhưng ý vẫn còn ngần ngại. Mụ mối giở ra về. Xuân-Hương một mình giằn giọc nghĩ ngợi thau canh, vì rằng ông ấy thì mình đã biết, bấy lâu ý hợp tâm đầu, giá có nên ra, thực là đẹp duyên phải lứa. Nhưng chỉ e về một nỗi bà ấy ở nhà, vậy nên không dám quyết tình đính ước. Nay bà hậu cũng cho người lại hỏi mình, ý hẳn quan hậu đã khuôn sếp êm rồi, mình không biết nghĩ có nên chăng? Xuân-Hương ngồi nghĩ bâng khuâng, mượn chén ngâm thơ, vậy có nên bài tuyệt diệu. Thơ rằng:

Canh khuya văng vẳng trống canh giồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vừng giăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình xan xẻ tí con con.

Sáng hôm sau, chị em bạn Xuân-Hương nghe thấy nói có bà hậu sai mụ mối đến hỏi giạm Xuân-Hương cho quan hậu, ai cũng đến chơi hỏi truyền, đều bảo rằng: « Nên, chứ không kén cá chọn canh mãi; chim khôn đậu nóc nhà quan, giai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng; xưa nay những bạn má hồng, thà hầu quân-tử, hơn chồng tiểu-nhân; về đó chỉ khôn khéo chiều lòng bà hậu là xong. » Xuân-Hương nghe nhời khuyên bảo cũng êm tai; sực lại thấy mụ mối đến nói cần-quyền. Xuân-Hương mới bằng lòng nhận nhời. Mụ mối nói xin nay mai thì bà hậu đưa đồ đến dẫn cưỡi.