Giữa Viện Dân biểu Trung Kỳ bộ Công đã thành ra vấn đề tranh luận

Giữa Viện Dân biểu Trung Kỳ bộ Công đã thành ra vấn đề tranh luận  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng an, Huế, số 70 (29 Octobre 1935), trang 1.

Tiếp theo bài trước, bài này chúng tôi kể thêm cho bạn đọc nghe một điều đáng chú ý ở giữa Viện Dân biểu năm nay, kỳ hội đồng mới rồi.

Như bạn đọc và chúng tôi, ai nấy đều biết, sáu bộ của Nam triều từ hồi có Bảo hộ đến giờ, mỗi ngày càng thấy kém bớt sự khẩn yếu. Có bộ như bộ Binh, vì không còn coi quân đội và đánh giặc giã gì nữa nên trong hồi cải cách đã phải giảm bỏ rồi. Còn lại năm sáu bộ gì đó, tựu trung vẫn có bộ có việc làm, nhưng cũng có bộ nhàn đáo để. Hồi trước trong dân đồng tiền dào dợt chẳng nói làm chi; bây giờ dân cùng tài tận, người ta mới thấy ra sự ăn dưng ở nể là không còn có thể dung được nữa. Nhơn đó con mắt người ngoài nhất là con mắt các ông nghị viên mới cứ nhè mấy bộ ấy mà nhòm ngó.

Mấy bộ ấy nên kể trước là bộ Công. Bộ Kinh tế mới lập ra đây, người ta còn chờ xem hiệu quả nó nên trước mang bọ Công ra làm vấn đề.

Dầu hôm các vị dân biểu đến yết kiến quan Khâm, ngài đọc diễn văn, kể công việc các quan Thượng làm, trong đó ngài có đỡ gạt cho bộ Công nhiều lắm là các vị dân biểu cũng không chịu nhận cho bộ ấy là đáng tồn tại.

Trong phiên nhóm ngày 8 Octobre, xét về ngân sách Nam triều, ông Trần Bá Vinh cất tiếng hỏi:

‒ Ngân sách bộ Công năm nay tổng cọng là 53.000 $ mà trong đó đã hết 32.000 $ chi tiền lương cho các quan bộ ấy; tiền lương choán đi 66% ngân sách như thế, hỏi còn đâu mà làm được công việc gì và bộ ấy có ích chi?

Đợi chưa thấy ai trả lời thì ông Phan Văn Giáo tiếp thêm:

‒ Một nhà buôn mà chi phí nhiều như thế ắt phải đóng cửa; một bộ mà chi phí nhiều như thế tất cũng phải đóng cửa nốt!

Rồi có mấy ông nghị viên đồng thanh xin Chánh phủ giảm bỏ bộ Công mà chỉ đặt ra một bàn giấy công tác phụ thuộc vào một bộ khác để thay nó.

Bấy giờ quan Tá lý bộ Công là ông Đặng Văn Hướng có trả lời cho câu ông Phan Văn Giáo, đại ý ông nói việc nhà nước không thể đem so sánh với việc nhà buôn. Nhưng lý sự non nớt lắm, không đủ át được những lời biện luận của mấy ông dân biểu.

Mấy ông dân biểu cũng vẫn hiểu cái lẽ đó, có điều như bộ Lại, bộ Giáo dục hay là bộ Tư pháp thì mới nói được rằng cái công hiệu của nó không thể đánh giá được, chứ còn về công tác, tiền lương phải xứng với công việc, chứ sao tiền để làm việc thì ít mà tiền để chi lương lại nhiều? Quan Tá lý dù có hùng biện mấy đi nữa cũng không làm phục được các ông nghị về chỗ này. Bởi đó mà câu chuyện tuy qua đi, các ông nghị vẫn không chịu bỏ cái nguyên ý mình đã định.

Trong cuộc biện luận đó chúng tôi thấy các vị dân biểu có lẽ phải đã đành mà cũng thấy được chỗ mạnh dạn của các ông ấy nữa.

Theo quyền hạn của Viện Dân biểu, các ông nghị không được giở những vấn đề này ra mà nói đâu. Thêm bớt một cơ quan hành chánh nào hay là thêm bớt số tiền lương của một quan chức nào đều không phải là việc ông nghị viên của Viện Dân biểu được bàn đến. Ấy thế mà trong khi các ông ấy giở vấn đề bộ Công ra mà nói, các quan đại diện cho Chánh phủ đã chẳng hề bắt các ổng “im đi”. Ấy là bởi cái việc sờ sờ trước mắt, lương tâm của mỗi người đều bảo mình không thể cãi chối được. Ông Đặng Văn Hướng, một vị đường quan bộ Công, ông há lại chẳng biết vì cái địa vị của mình mà át hẳn các ông nghị kia, không cho giở đến vấn đề ấy ra sao? Chỉ vì lương tâm của ông Đặng Văn Hướng không nỡ, nó chỉ cho ông kiếm lời nói quanh nói quẩn là cùng. Thế càng tỏ ra sự chỉ trích bộ Công thật là chánh đáng.

Mà chúng ta thử nghĩ xem, còn chẳng chánh đáng nữa là gì! Từ ngày có Chánh phủ Bảo hộ đến nay bao nhiêu những việc kiều lương đạo lộ[1] ở Kinh cho đến các tỉnh đều về sở Công chánh lo hết. Bộ Công chỉ có việc tu bổ mấy cái quan nha là việc chỉ một người thầu khoán có thể làm được thì cần phải đặt ra một bộ làm chi?  Một bộ có các quan mỗi năm ăn đến 32 ngàn đồng bạc lương mà chỉ làm công việc xứng có 21 ngàn đồng bạc, thì há chẳng phải là “ăn nhiều làm ít”?

Cái bộ chớ có phải cái gì trời sanh ra đâu, nó do người ta đặt ra thì cũng có lúc do người ta bỏ đi. Vì không một đạo binh, không một con ngựa, không một khẩu súng, ba năm về trước, bộ Binh đã bị giảm bỏ kia kìa, thì nay làm ít ăn nhiều, bộ Công há lại không thể vì lẽ ấy mà cũng giảm bỏ để cho dân đỡ nhẹ một phần đảm thọ?

Chúng ta cũng không nên non gan mà sợ sẽ có một đám quan thất nghiệp. Nếu các ngài có tài chuyên môn về công tác, các ngài sẽ mở cửa hàng thầu khoán cho chúng ta xem!

Rút lại chúng ta nên để lời mà khen mấy ông dân biểu về những cái đề nghị như cái này. Ai cho là hư ngôn chứ chúng tôi dám quyết cho cái đề nghị ấy phải có ngày thực hiện. 

TRÀNG AN

   




Chú thích

  1. Kiều lương đạo lộ: chưa rõ nghĩa, có lẽ trỏ công việc tương tự của ngành giao thông cầu đường ngày nay.