Giới thiệu và phê bình sách Tiếng phổ thông

Giới thiệu và phê bình sách Tiếng phổ thông  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6275 (17.10.1930)

Là một thứ sách như tự vị của ông Lê Minh Mẫn ở Hương Điểm, Bến Tre xuất bản

Ông Lê Minh Mẫn mới xuất bản sách kêu là Tiếng phổ thông có gởi tặng Trung lập một cuốn, và ông có gởi thơ riêng cho tôi, nhờ coi soát lại giùm cho ông.

Sách nầy ông làm như thứ sách tự vị giản lược, chuyên cắt nghĩa về các tiếng mới, hoặc tiếng ta, hoặc chữ Hán mà nhiều người còn chưa hiểu. Trong sách ông lại cố viết chữ quốc ngữ cho thật đúng, phân biệt cả dấu hỏi dấu ngã nữa. Đương thời nầy, cuốn sách nầy ra đời, thật là có ích.Vì nó sẽ giúp người ta viết đúng, lại hiểu nghĩa các chữ mới.

Sách in tại nhà in Bùi Văn Nhẫn, Bến Tre, khuôn khổ nhỏ được non một trăm trương, giá bán 0p30.

Theo lệ thường ở nhà báo, tôi viết mấy lời này giới thiệu cuốn sách ấy cho độc giả của Trung lập. Liệt vị các ngài có ai muốn viết đúng quốc ngữ, muốn tra những tiếng mới, thì nên mua mà dùng.

Nhưng giới thiệu như vậy không đủ. Nếu mà thôi thì té ra tôi phụ lòng ông Nguyễn Minh Mẫn, tôi không làm hết bổn phận đối với ông. Vì trong bức thơ ông gởi cho tôi đã nói trên kia có một đoạn rằng :

“Tôi đã có gởi hầu tiên sanh một quyển, nhờ tiên sanh xem kỹ nếu có chỗ sai lầm xin tiên sanh dạy lại cho ; có thế thì kỳ tái bản sau nầy mới may được có phần vẹn vẻ”.

Cái chỗ ông nhờ tôi là xem kỹ rồi có chỗ nào sai lầm thì nói cho ông biết. Ông biết để mà sửa lại trong khi tái bản. Ấy, sự ông lấy làm cần là như thế.

Tôi phải xem kỹ. Vì xem kỹ cho nên tôi thấy ra còn nhiều chỗ sai lầm lắm. Song le nếu tôi chỉ hết những chỗ ấy ra thì phải viết dài choán hết nhiều cột báo quá. Vậy tôi chỉ sơ những chỗ đại khái mà thôi.

1. Trong bổn nầy viết chữ còn sai. – Như bác luận, nghĩa là làm bài luận để bẻ bác, do chữ Hán mà ra, chữ bác có chữ “mã” một bên, là bác, không phải bát.

Xướng suất không phải xướng xuất.

Xuân huyên không phải thung huyên.

Chuyết kinh không phải chiết kinh.

Còn nữa, không kể hết.

2. Có chỗ đáng hiệp mà phân. – Như bác vật quán và bác vật viện cũng như nhau, nên nhập làm một, mà ông lại chia ra. Ông giải bác vật quán là nơi chứa những tài liệu để khảo cứu về các khoa học ; rồi giải bác vật viện là nơi chứa đủ các vật tự nhiên để cho công chúng quan lãm. Như vậy thì lạ quá. Chẳng biết căn cứ vào đâu mà chia nghĩa ra như thế. Mà hai chữ ấy ông cũng đều chua chữ Pháp là “musée”.

3. Có chỗ đáng phân mà hiệp. – Như khôi tâm, nghĩa là nguội lòng, tức như Truyện Kiều nói “tắt lửa lòng”, có ý không còn ham muốn việc đời nữa ; còn hàn tâm, nghĩa là lạnh lòng, là sợ ; hai nghĩa khác nhau xa, vậy mà ông nhập lại, rồi giải rằng : Sốt ruột, ngã lòng, thối chí, thì thật là sai quá. Huống chi chữ sốt ruột, tức là nóng ruột, nghĩa nó lại phản đối với chữ hàn tâm nữa. Ấy là trong sự sai lầm lại càng sai lầm !

Cái chỗ đáng phân mà hiệp nầy còn bộn bề, tôi chỉ ra một chỗ trên đó cũng đủ.

4. Giải tiếng ta sai. – Có chỗ giải tiếng Tây đúng mà giải tiếng ta sai. Tức như giải phẫu học, ông giải là anatomie, đúng rồi. Song tiếng ta ông lại giải rằng : Môn học chia xẻ ra từng phần để nghiên cứu. Giải như vậy thì chẳng trúng với nghĩa Giải phẫu học và Anatomie chút nào hết mà lại thành ra cái học chi chi.

Muốn biết câu ấy đúng hay không, cứ nắm mà dịch y ra tiếng Pháp thì biết. Vậy câu đó chắc ai cũng phải dịch như vầy : “Science divisée en parties pour étudier.” Tôi xin hỏi, tiếng Pháp như vậy có nghĩa gì không ? Vậy ít nữa phải sửa lại như vầy : Môn học dạy mổ xẻ thân thể của các sanh vật ra từng phần để nghiên cứu – thì mới thông, phải không ?

Sự lầm nầy còn nhiều lắm. Như chữ động từ, ông biết là verbe rồi mà lại giải rằng : Những chữ có thể chuyển động dùng để nói các sự vật, thì cũng không trôi nghĩa. Vì chữ, không có thể chuyển động được ; vả lại động từ là dùng để chỉ sự hành động (action) của sự vật chớ không phải để nói các sự vật.

5. Giải tiếng Tây sai. – Có chỗ giải tiếng ta đúng mà tiếng tây sai. Như chữ kết cuộc, giải là rốt việc thì cũng được ; đến ông giải tiếng tây là réussir thì không nhằm. Bởi vì réussir là thành công, được việc, mà còn kết cuộc, thì có khi thành khi bại hoặc được hoặc mất, không nhứt định. Tôi tưởng chữ kết cuộc chỉ vừa ngang với các chữ finir, fin trong tiếng Pháp mà thôi.

6. Ta Tây đều sai. – Có mấy chỗ giải tiếng ta tiếng Tây đều sai hết. Như hiến pháp mà giải phép tắc, và règle, loi, thì sai xa quá. Hiến pháp là thứ pháp luật gốc trong một nước để chia quyền hạn của các cơ quan chánh trị, tức là constitution. Chính nó sanh sản ra règle và loi, chớ không phải nó là règle và loi.

Lại như quân phiệt mà giải là một nước lấy quân bị làm tinh thần dựng nước, thì cũng sai nữa. Rồi lại giải tiếng Tây là militarisme, cũng sai ; militarisme dịch là quân quốc chủ nghĩa tức là nghĩa vừa nói trên đó. Còn quân phiệt là một bọn quan võ cầm binh quyền, chiếm đất đai, cha truyền con nối, như cha con Trương Tác Lâm, Trương Học Lương vậy.

Chữ quân phiệt ông lại còn nhập làm một với chữ quân chế, cũng là đáng chia mà hiệp. Vì quân chế, nghĩa là chế độ nhà lính, khác nghĩa với quân phiệt, không có thể nào hiệp được.

Thôi, tôi chỉ sơ mấy chỗ cho ông thấy. Tôi phải lặp lại để ông tin rằng tôi xem kỹ lắm rồi. Nhưng có lẽ nào tôi lại chỉ hết ra được. Ấy là tại không có thể được, chớ không phải làm lấy rồi đâu.

Xin ông Nguyễn Minh Mẫn nếu có tái bản cuốn sách đó thì nên rán soát lại từng chữ cho thiệt đúng thì hay.

PHAN KHÔI