Giới thiệu một nhà văn ngoại quốc: Danh sĩ Rudyard Kipling
Đầu năm nay, nước Anh đã mất một danh sĩ đại tài: ông Rudyard Kipling. Mất Kipling, tức là mất một người ca tụng, hoan nghinh chủ nghĩa đế quốc Anh mà cũng là mất một văn hào từng chiếm giải thưởng Nobel về văn chương nữa. Bởi văn nghiệp của ông vĩ đại như thế, nên tôi mới có mấy dòng sau nầy gọi là ghi lấy, một cách sơ lược, kỷ niệm của một văn hào quá vãng.
Rudyard Kipling sanh tại Bombay ngày ba mươi tháng chạp Tây 1865, con của một nhà mỹ thuật có biệt tài tên Joln Lockwood.
Thân phụ ông, từ Anh quốc sang Ấn Độ, ở tại Bombay làm thợ vẽ; ít lâu được chánh phủ gọi vào một trường mỹ thuật ở đó, làm hiệu trưởng.
Có một độ, dư luận của người Anh ở Ấn cho rằng Rudyard Kipling không phải rặt máu Anh; người ta bảo mẹ của Kipling có tư tình với người bản xứ tức là người Ấn Độ vậy. Nhưng tiếng phong văn ấy vẫn trái với sự thật.
Ở Bombay đến năm tuổi, Kipling được cha mình gởi về nước Anh, giao cho vợ chồng một vị quan thủy binh hồi hưu dưỡng giáo. Mười một tuổi vào học ở trong trường United Service Collège. Đến mười bảy trở lại Ấn Độ, thời cha người đã vào làm việc trong bảo tàng viện Lahore.
Bắt đầu từ bấy giờ, xứ Ấn Độ huyền bí kia đã lần lần gieo vào tâm trí Kipling một ảnh hưởng sâu xa, đẹp đẽ. Quanh mình ông: chị vú già người Ấn, kẻ hầu con trai; trong thân có cha ở Bảo tàng viện Lahore, có mẹ chăm nom gia đình mẫu giáo. Hoàn cảnh ấy khiến ông biết được phong tục xứ Ấn Độ, biết cả tiếng nói của giống da đen mà cũng am hiểu được cái ý nghĩa và cổ tích của những món đồ quý báu ngàn xưa, chưng trong bảo tàng viện.
Khi rảnh, ông làm bạn với người Ấn Độ; họ thuật lại cho ông nghe những chuyện cũ, những tích xưa của xứ họ, một xứ tối cổ đầy những sự bí mật, dị đoan. Ông cũng thường du lịch quanh vùng để chiêm ngưỡng những cảnh núi non hùng vĩ. Nhiều khi ông hoài nghi... nghĩ ngợi dưới tượng Phật oai phong; cũng nhiều khi ông bâng khuâng trong chốn rừng sâu tịch mịch...
Một xứ đầy kỳ quan đã ấn mạnh vào tâm trí ông một kỷ niệm sâu xa: nguồn văn liệu mà thợ trời đã vì ông đưa đến.
Nguồn văn học phong phú đó sẽ vô ích đối với ông, nếu ông không yêu văn. Nhưng sự thật trái hẳn: ông thích văn chương một cách nồng nàn. Từ nhỏ, hồi còn từng học trong trường ở Anh quốc, chính ông đã gởi cho một vài tờ báo do học sanh chủ trương, nhiều bài thơ vắn vắn của ông.
Khi trở lại thuộc địa, ông có thử làm phóng viên cho một tờ báo nho nhỏ là tờ Civil and military Gazetti ở Lahore. Trên báo ấy, thỉnh thoảng ông lại cho đăng vài bài thơ của ông có tánh cách vui cười, trào phúng.
Đến năm 1886, nghĩa là lúc được 21 tuổi, ông gom góp mấy bài thơ làm từ trước mà in thành sách đề nhan là Departmental Ditties. Bấy giờ, thấy văn của mình không đến nỗi gàn dở, ông mới làm trợ bút cho một tờ báo có danh hơn tức là tờ Pionnier d' Allahabad.
Trong hai năm tiếp tục, ông cho xuất bản nhiều quyển truyện, khiến cho văn nhơn cao sĩ phải để ý đến ông. Lúc bấy giờ ông mới có hai mươi ba tuổi!
Đến năm 1892, ông cưới Miss Caroline Stari Balestier và cùng cô vợ mới cưới đi du lịch ở Mỹ châu. Cuộc du lịch nầy chỉ mở rộng nguồn văn của ông thôi.
Trong văn học nước Pháp, nếu Victor Hugo vì mất đứa cháu cưng mà làm nên nhiều bài thơ kiệt tác thì trong văn học nước Anh, Rudyard Kipling cũng vì mất đứa con trai mà sáng tác được nhiều áng văn thâm trầm. Vì vậy nên vào năm 1917, giữa hồi đại chiến Âu châu, ông được giải thưởng Nobel về văn chương.
Từ đó về sau, những tác phẩm của ông xuất bản được nhiệt liệt hoan nghinh trong văn giới. Mãi đến năm 1932, ông gom góp những truyện ngắn và thơ ca in thành một bộ sách thì hỡi ơi, bộ sách ấy là bộ sách cuối cùng trong văn nghiệp của ông!
Đầu năm nay (1936), ông sắp sửa đi du lịch thì mắc phải bịnh đau dạ dày mà chết.
Đọc văn của Rudyard Kipling, chúng ta có cái cảm tưởng ở trong một chuyện thiệt, đúng vào một cảnh thiệt vì khi kiếm văn liệu thì ông quan sát tường tận kỹ càng như một nhà khoa học, còn khi viết bài, đặt truyện, thời ông lại tỉ mỉ điểm tô như một nghệ sĩ có tài.
Trí tưởng tượng của ông được dồi dào, phong phú, mà cách bố cục của ông lại khéo léo, rõ ràng, nên đều có mãnh lực thúc giục người đọc đi thám hiểm những nơi rừng rậm, hang sâu hoặc đi tìm những cổ tháp chôn vùi nơi hẻo lánh.
Ông tả nhiều cảnh thiêng liêng, hùng vĩ, đất sơ khai... Bởi vậy, văn ông thật hoàn toàn, đọc nó ta cảm thấy cảnh bao la của vạn vật và cái tinh thần rừng rú của cầm thú lẫn trong cõi tịch mịch, huyền vi!
Rudyard Kipling không phải chỉ bịa đặt những chuyện trơn mà thôi. Ông chú ý thêm vào nhiều tư tưởng quân chủ nữa. Ông binh vực phái quân chủ mà không bao giờ binh vực một cách chênh lệch, bất công.
Ông tán tụng chủ nghĩa đế quốc, nhưng trong sách ông, nhiều khi ông bài xích nhiệt liệt những thói dã man ích kỷ của kẻ chỉ chiếm thuộc địa để làm giàu cho giang san Tổ quốc của mình mà không muốn khai hóa cho dân tộc bị chinh phục. Ông cũng bài xích, khinh hèn những kẻ muốn khai hóa mà dùng phương pháp trầm trệ, cốt ngăn trở sự tiến hóa mau chóng (mau chóng chớ không phải táo bạo) của dân bản thổ, để được thâu lợi cho lâu dài.
Tóm lại, trong đời của ông, ông muốn sống như một nhà trí thức, thường ở trong cảnh tịch mịch để trầm tư mặc tưởng mà ông cũng vừa muốn sống như một người hoạt động phiêu lưu, thường khao khát những cuộc ngao du, hồ hải...
Ông yêu văn; sở dĩ ông chiếm được cái địa vị cao như ngày nay là chẳng qua ông nhờ nhiều dịp may đưa lại cho ông nhiều tài liệu. Hoàn cảnh đã đào tạo ông thành một nghệ sĩ có biệt tài; một nghệ sĩ có biệt tài biết tô điểm hoàn toàn cảnh thâm u của tạo vật.
Ngoài những hoàn cảnh thích hợp mà tôi đã kể lúc nãy, ông Kipling lại được một dịp may hồi ông làm báo Civil and military gazetti. Lúc ấy, ông được theo đạo binh Anh quốc đến xứ Afghanistan và xứ Birmanie (Miến Điện) về buổi loạn lạc để điều tra cho nhà báo. Nhờ vậy, ông được thấy cái tinh thần rừng rú của bọn thổ dân man dã. Ông nom theo chúng nó; ông thấy chúng nó thường ẩn núp theo hang cùng núi hẻm để thừa dịp, hùa ra đánh phá quân Anh... Bao nhiêu cử chỉ rụt rè, sợ sệt, bao nhiêu hành động táo bạo, quay cuồng, khiến cho ông nghĩ đến những loài thú dữ ở rừng sâu thường ẩn núp rồi lần lần theo mấy bụi cây rậm rạp, um tùm để chờ con thịt. Con thịt đến, nó chuyển lực nhảy ra vồ lấy, rồi nuốt sống, rồi ăn tươi!...
Bao nhiêu hồi liên tưởng làm tăng thêm giá trị của nghệ thuật Kipling và tôn ông lên địa vị tối cao trong văn giới.
CÔ HỒNG[1]
Chú thích
- ▲ Bài này gần như chắc chắn là của Phan Khôi. Thời gian làm chủ bút Phụ nữ thời đàm (1933-1934) ông đã từng ký bút danh Hồng Ngâm. Rất có thể, Cô Hồng là nhắc lại bút danh Hồng Ngâm ấy.