Giọt máu chung tình/Hồi thứ mười chín

HỒI THỨ MƯỜI CHÍN

Nghĩ sự tình Đông-Sơ riêng thán oán,

Luận ân nghĩa, Động chủ quytế từ hôn.

Khi Đông-Sơ ở trước khách phòng một mình với tên bộ-hạ, thì vào ra thơ thẫn, đứng nghỉ ngồi suy, rồi thầm trách Thu-Hà rằng: « Thu-Hà ôi! Mi là con nhà đại-gia vọng tộc, cũng tiếng một gái đức hạnh thuyền quyên, sao mi nở đem thói lãng hạnh bạc tình, mà phụ kẻ tình xưa nghĩa cũ. Thế thì mi quên lúc lương-đình hội ngộ, đã cùng nhau căng dặn đến đều, thế thì mi quên lúc dưới nguyệt bên hoa, đã cùng nhau nặng lời thệ ước đó sao? Hay là mi tưởng ta mắt trôi nổi theo chốn chơn trời mặt biễn, xa xui cách trở quang hà, làm cho mi nhọc công tháng đợi năm chờ, nên mi dời lòng đỗi dạ phải chăng? Hay là mi sợ cái sắc mi hương tàng phấn lợt, mà lở bề kết tóc xe tơ, nên mi vội vả kiếm nơi mà trao thân gởi phận? Hay là mi nghe người, lời ngon lẻ ngọt, nĩ non tiếng quyễn giọng kèn, làm cho mi xúc động tâm thần, mà cầm lòng chẳng đậu đó chăng, nhưng mà sự dời lòng đổi dạ, bội ước vong tình của mi đây chẳng hề làm cho ta xúc động tâm thần chút nào, và đeo phiền chát muộn chi hết. Ta chẳng hề đễ cái chí khí nam nhi nầy cho cái tình sắc dục kia nó buộc ràng kềm chế.

Thu-Hà ôi! ta vì là vì chút tình thâm nghỉa trọng, và những lời thệ ước ngày xưa, mà phải lước bụi băng rừng, xuống hang vào động, dẩn cho thiên lao vạn khổ cũng chẳng từ nan, ví dầu gặp cơn nguy hiểm thế nào, thì ta cũng dám lấy một gan đởm anh hùng mà đổi mạng sống nầy làm hi-sanh, ngỏ cam một thác với tình, cho ân nghĩa vẹn tuyền thì cũng toại chí bình sanh, yên lòng sở nguyện.

Thu-Hà ôi! nhưng mà cái sở nguyện ấy đã làm cho ta ngày nay tính lộn tưởng lầm mà đến đây, vậy thì ta cũng chịu khó chống cặp mắt hữu tình nầy lên, chờ đến ngày mai, đặng coi cái người yểu điệu thuyền quyên là mi, phối hiệp lương duyên, động phòng huê chúc, và ta củng vui lòng mà chúc mừng cho mi, vợ chồng đặng bách niên giai lảo, tùng nhứt nhi chung, đặng từ đây sấp sau, khỏi mang cái tiếng sỉ tiếc ô danh, rằng gái bạc tình lảng hạnh ấy nữa

Đông-Sơ thầm trách như vậy một hồi rồi lại nằm nơi giường, đương tầm tư nghĩ nghị. Bổng nghe tiếng nói nhỏ nhẻ bên tai rằng: Sự Thu-Hà hứa hôn cùng Nhứt-Lang ấy thì việc còn khuất lấp, vì chưa thấy tạng mắt mình, nếu mình nóng nảy hốt tốt mà trách người, vậy e chưa đúng nhằm công lý. Phải đễ mà cùng suy tột nghĩ, đợi cho bằng cớ rỏ ràng, chẳng nên nghe bốc một người, mà vội vả buông lời trách cứ. Nếu thiệt rằng Thu-Hà đem lòng lợt lẻo, thì lổi kia cho trách cũng đành. Ví bằng việc chẳng như lời, mà mình buộc một lổi nặng nề cho kẻ liểu yếu đào thơ, vậy chẳng là oan người tội nghiệp? Xét lại trong lúc anh nàng muốn ép duyên tơ tóc, mà gã cho Vương-Bích ngày xưa, nhưng nàng còn chặt dạ bền lòng, quyết giữ một lời thỉ chung cho trọn nghĩa, vì vậy nên nàng từ hôn chẳng chịu, phải ra thân lưu lạc giang hồ, và trôi nổi theo lượng sóng biển tình, kiếm chổ ký túc thê thân, đặng lần lựa mà chờ ngày trùng phùng hội diện. Nay chỉ nghe một lời Nhứt Lang nói đó, song chưa giáp đặng mặt nàng, nếu mình tin vội nghe lầm, thì sao cho phải một người trầm cơ thẩm đoán. Vã lại mình là một đứng trượng phu hào hiệp, mà chác chi những chuyện độ lượng hẹp hòi, theo lẻ quảng đại nhơn từ, nên ta chẳng nở để vậy mà điềm nhiên mặc thị. Nay trong lúc canh khuya vắng vẻ, ta xin thay mặt Thu-Hà, đặng lấy lẻ công bình mà kêu nài ít lời cho minh bạch.

Cái tiếng ấy thỉnh thoản bên tai văn vẳn, nghe càng sách hoạch rỏ ràng, làm cho Đông-Sơ đương lúc mơ màng, dực mình mà tỉnh lại, thì là một tiếng lương tâm của Đông-Sơ nói ra, chớ chẳng phải người nào xa lạ.

Cái tiếng lương tâm ấy cải lẩy một hồi, làm cho Đông-Sơ tỉnh ngộ mà rỏ đặng một chánh lý rỏ ràng, và những sự thầm trách trộm nghi chắp chứa trong lòng, bây giờ đã lần lần tang mất. Đó rồi Đông-Sơ bước lại đứng dựa cửa sổ ngó ra, muốn kiếm Bạch-thu-Hà đặng dọ thăm tình ý. Song núi non mờ mịt, chẳng biết nơi nào. Xảy nghe tiếng gỏ cữa phía sau, ngó lại thì thấy Hoàng-nhứt-Lang chẩm hẩm bước vô, tay cầm một phong thơ và đi và nói:

Xin lổi cùng Quan-nhon, tôi có một việc cẩn yếu, muốn hỏi quan-nhơn, nên chẳng nệ lúc đêm vắng canh khuya đến đây làm cho nhọc lòng quan-nhơn, xin quan-nhơn miễng chấp.

Đông-Sơ nói: Túc-hạ muốn hỏi việc chi, xin hảy nói nghe, nếu tôi có thế đợi lao, thì tôi cũng sẵn lòng phụ ích.

Nhứt-Lang nói: Tôi xin hỏi quan-nhơn một đều, khi quan-nhơn ở tại Đông-kinh quan-nhơn có biết một người gái tên là Bạch-thu-Hà chăng? »

Đông-Sơ nghe hỏi thì lấy làm lạ, và tự nghĩ rằng: thế thì Nhứt-Lang nghi ngại đều chi, nên đến đây mà dọ thăm tình ý. Nghĩ vậy rồi day lại nói với Nhứt-Lang rằng: phận gái là chổ khuê môn bất xuất, cữa đóng then gài, xưa nay nam nữ bất thân, dễ chi mà rỏ biết được người, dầu có biết cũng chẳng lẻ tôi buông lời thỗ lộ.

Nhứt-Lang nói: Vậy tôi xin tỏ thiệt cùng ân-nhân mới đây trẻ gia-đinh của tôi lượm đặng một phong thơ dưới hang cỗ tháp, đem trình cùng tôi, tôi chẳng rỏ thơ chi, liền dở thơ ra xem thữ, thì thấy thơ ấy gởi cho quan-nhơn, phía dưới có tên Bạch-thu-Hà tự ký. Vì vậy nên tôi vội vả đến hỏi quan-nhơn cho rỏ căng do. nếu quan-nhơn nói rằng chẳng biết Bạch-thu-Hà, thì thơ ấy ắc chẳng phải gởi cho quan-nhơn, và tôi phải giữ thơ nầy đặng cho người nhận lãnh.

Đông-Sơ nghe nói thơ của Bạch-thu-Hà gởi cho mình, thì mừng rồi day lại nói với Nhứt-Lang rằng: nếu quả thơ của Bạch-thu-Hà thì tôi tõ thiệt cùng Túc-hạ, người ấy là người đã gá nghĩa nhơn duyên cùng tôi, khi ở Đông-kinh, song tôi mắc việc quân vụ đa đoan, nên chưa kịp tính bề hôn thú. Vậy nếu Túc-hạ vui lòng thì xin trao thơ ấy cho tôi xem thữ. Nhứt-Lang liền trao thơ cho Đông-Sơ xem, thì thấy quã thơ của Thu-Hà. Song thơ ấy là thơ trước khi Thu-Hà xuống thuyền qua Hãi-ninh, thì đưa cho Thơ-đồng, dặn chờ Đông-Sơ tuần dương trở về thì giao lại. (Thơ ấy tự sự đã nói trước rồi, đây chẳng cần nhắc lại.) Khi ấy Đông-Sơ đễ trong túi áo, đến lúc lên thám-sơn-động, rớt mất không hay, nên gia-đinh của Nhứt-Lang lượm đặng).

Đông-Sơ xem rồi day lại nói với Nhứt-Lang rằng: Phải thơ nầy là thơ của tôi khi ở Đông-kinh, và người nầy là người tình nghĩa của tôi đã có lời thệ ước, và gá nghĩa nhơn duyên như lời tôi đã tỏ cùng Túc-hạ khi nảy đó vậy. »

Nhứt-Lang nghe nói thì nheo mày và tự nghỉ rằng: nếu vậy thì tên Bạch-thu-Hà trong thơ nầy với người mình sẻ cưới đây, hẳn là một người chẳng sai. Nhưng sao em là Nhị-Cô chẳng dò trong lóng đục, gạn hỏi sự tích cho rỏ ràng, đễ lầm lở nhơn duyên của người, làm cho rẻ phụng lìa loan, vậy sao rằng phải, hay là em mình nó thấy người thất thân lưu lạc, mà có ý cậy thế ép duyên, rồi ẩn việc tình nghĩa cùng Đông-Sơ, chẳng cho mình rỏ. Nay việc hiễn nhiên bằng cớ, thì chẳng lẻ ta vì một gái ấy mà khỏa lấp lương-tâm, và làm đều cường hôn đoạt lý cho đặng. Nghĩ rồi day lại nói với Đông-Sơ rằng:

Đây tôi xin tỏ thiệt cùng quan-nhơn, người tôi sẻ cưới ngày mai nầy, danh tánh huê hương và căng do sự tích đều in như người trong thơ đó vậy, và tôi quả quyết là một người chẳng sai. Nay gặp quan-nhơn đến đây, thật là người củ duyên xưa, đã đặng trùng phùng hội diện. Vậy thì tôi xin tỏ thật cùng Quan-nhơn, tôi nay quyết ý từ hôn, và đưa người ấy lại cho Quan-nhơn cho trọn niềm tình nghĩa. »

Đông-Sơ nói: « Nếu Túc-hạ nói vậy, ra lý tôi cố ý đến đây đặng phá hoại nhơn duyên và đoạt tranh người hôn phối của Túc-hạ đó sao? Nếu như nàng ấy quả thiệt Bạch-thu-Hà mà người đã bằng lòng gá việc hôn-nhơn cùng Túc-hạ rồi, thì sự tình nghĩa giao ước cùng tôi ngày xưa, nay đã xem dường trôi theo dòng nước. Vã lại tôi là một đứng đường đường Nam-tữ, và trong thiên-hạ chẳng thiếu chi Thục-nử thuyền quyên, lẻ đâu tôi còn nhìn một người bội ước vong tình như vậy, mà kết làm lương duyên cang lệ, và tôi chẳng hề chịu đem một danh giá anh hùng nầy, mà làm đều tranh đoạt hôn-nhơn, là một đều rất nhục nhơ phi lý ấy đâu?

Nhứt-Lang nói: việc nầy tại em tôi là Nhị-cô, ra đứng trao lời tác hiệp, buộc việc hôn-nhơn, nhưng tôi chưa hề giáp đến mặt người, và cũng chẳng rỏ là người ân tình của Quan-nhơn khi trước. Nay Quan-nhơn đã gọi rằng chẳng chịu đem một danh giá anh hùng mà làm đều đoạt hôn phi nghĩa, thì tôi lẻ đâu vì một người hồng nhan nhi-nữ, mà làm cho mích ơn tri ngộ cùng Quan-nhơn, và làm cho bại hoại một danh giá trượng phu chí khí của tôi nữa sao? Nếu thật rằng Quan-nhơn chẳng chịu nhìn người ấy làm lương-duyên, mà cho là kẻ bội ước vong tình, thì tôi đây xin tỏ một lời khẳn khái rằng: tôi đã nhứt định hai đều: Một là tôi quyết ý từ hôn, hai là tôi sẻ cho người đưa nàng về quê hương xứ sở. Nhưng trước khi đưa nàng ra khỏi sơn-động, tôi xin Quan-nhơn chịu phiền đi cùng tôi ra lại Thạch-đình, cho giáp mặt đôi đàng và gạn hỏi cho minh bạch sự tình, đặng ngày sau khỏi mang một khối sầu nghi phiền trách nơi dạ.

Nói rồi bước lại nắm tay Đông-Sơ hai người dắc nhau ra đi một lược.