Giản Công bộ Thiêm sự Trần

Giản Công bộ Thiêm sự Trần[1]
của Nguyễn Du
Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa

Thanh sơn ngoại hữu bất qui nhân[2],
Sơn bắc sơn nam tẫn bạch vân.
Thất nguyệt hựu phùng thu đáo nhãn.
Thiên nhai không đái lão tùy thân.
Bách niên cổ lũy yên hà hợp[3],
Nhất đái hàn sa thảo thu phân.
Ỷ biến lan can vô dữ ngữ,
Kỷ hồi kinh tọa ức Trần Tuân[4]!

Ngoài rặng núi xanh, có người chưa trở về,
Phía bắc phía nam núi đều đầy mây trắng.
Tháng bảy lại gặp tiết thu đến trước mắt,
Ở góc trời luống đeo cái già theo người.
Trên lũy cổ trăm năm khói mây tụ lại,
Một dải cát lạnh chia cách cỏ cây.
Tựa khắp lan can không biết chuyện trò cùng ai,
Bao lần giật mình tưởng Trần Tuân đến.

Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa

Thanh phong niểu niểu tự giang tân,
Minh nguyệt thanh sơn thướng hải tần.
Nan đăc tương phùng như thử dạ,
Khả liên đồng thị vị qui nhân.
Âm phù tuế vãn sinh tiên đố[5],
U thất thu hàn hiện quỉ lân.
Dạ độc minh minh Chiêu ẩn phú[6],
Hồng Sơn tàm phụ nhất sơn vân.

Gió mát hiu hiu từ bên sông thổi lại.
Trăng sáng, núi xanh hiện trên bãi bể.
Khó được gặp nhau như đêm nay.
Thương thay hai ta cùng là người chưa từ quan về được.
Sách Âm phù để lâu không xem đến, mọt đã xông lên.
Căn nhà lạnh tối, về mùa thu, ma trơi hiện ra.
Đêm đọc bài phú Chiêu ẩn, chữ nghĩa rành rành,
Thẹn mình phụ mây núi Hồng.

   




Chú thích

  1. Theo câu cuối thì ông thiêm sự họ Trần này có lẽ là Trần Tuân, làm thi tri Bộ Lại dưới triều Gia Long đồng thời với Nguyễn Du.
  2. Tự nói mình
  3. Bài này làm lúc ở Quảng Bình cho nên mới nói đến "bách niên cổ lũy" (lũy cũ trăm năm), chỉ Lũy Thầy.
  4. Trần Tuân: người đời Hán, tự Mạnh công, tính mến khách thường tháo chốt xe của khách ném xuống giếng để lưu khách lại. Ông người cao lớn, vạm vỡ, đi đến đâu, ai cũng trọng vọng. Hồi đó có một người trùng tên họ với ông, mỗi khi đi đến nhà ai, xưng là Trần Mạnh công, mọi người đều kinh động, nhưng khi vào đến nơi thì không phải, do đó người ta đặt cho cái tên là "Kinh tọa" (làm mọi người kinh động). Câu này ý nói: người mình nhớ trùng tên với Trần Tuân, người đời Hán.
  5. Âm phù: tức Âm phù kinh, một bộ sách cổ của Trung Quốc, nói về đạo lão, đạo tiên.
  6. Chiêu ẩn phú: chỉ bài phú Chiêu ẩn sĩ của học trò Hoài Nam Tiểu Sơn đời Hán, đại ý hiệu triệu các bậc cao sĩ còn đi ở ẩn.