Giải quyết một vấn đề gia đình

Giải quyết một vấn đề gia đình  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 159 (14. 7. 1932)

Con có vợ rồi, có nên ở chung với cha mẹ chăng?

Trước khi thảo luận vấn đề nầy, tưởng nên nhận định cái nguyên tắc tổ chức gia đình là thế nào. Nói cho rõ ra: tức là cái gia đình mà chúng ta tưởng tượng và ao ước là cái gia đình thế nào. Cho được trả lời câu hỏi ấy, chắc ai cũng nói rằng cái gia đình chúng ta tưởng tượng và ao ước chẳng gì khác hơn là được hạnh phước và càng phát triển thêm. Như thế, chúng ta có thể không ngần ngại gì mà quyết đoán rằng cái nền móng gia đình là lập lên trên sự hạnh phước và phát triển vậy.

Cái nền móng gia đình đã lập lên trên sự hạnh phước và phát triển, thế thì phàm những điều gì có thể tăng tấn cho sự hạnh phước và phát triển, chúng ta nên hết sức mà làm. Còn trái lại, điều gì đủ mà trở ngại sự hạnh phước và phát triển, chúng ta nên hết sức tránh đi cho khỏi.

Theo cái nguyên tắc đó, không khó gì mà giải quyết cái vấn đề trên kia hết: Nếu như con có vợ rồi ở chung với cha mẹ mà làm cho trong gia đình sự hạnh phước và phát triển hơn ở riêng, thì chúng ta nên tán thành sự ở chung. Còn nếu ở chung mà sanh ra lắm cái hiện tượng không tốt, làm cho sự hạnh phước và phát triển kém xuống, thì chúng ta cũng nên chủ trương cho sự ở riêng là phải.

Trên đó chẳng qua như lời nói rao, tóm tắt đại khái của vấn đề nầy mà giải quyết một cách trực triệt; chớ kỳ thiệt trong vấn đề ấy có nhiều điều phiền phức, có nhiều từng khúc chiết, chúng ta phải xem xét cho tới nơi tới chốn rồi mới có thể hạ lời phán đoán về sau. Thế thì ở đây ta nên bắt đầu đi lọt vào trong các gia đình của xứ ta mà quan sát thử cái hiện tượng ra sao mới phải.

Gia đình xứ ta phần nhiều là đại gia đình: con trai đã có vợ có con rồi mà còn ở chung với cha mẹ. Thứ gia đình ấy, bề ngoài coi như có vẻ đầm ấm vui vầy, mà bề trong, không nói tới thì thôi, nói tới thật có nhiều điều đau đớn. Mười nhà thì đã hết chín nhà sùng sục không yên, còn nói gì hạnh phước, còn mong gì phát triển! Cái nguyên nhơn sùng sục không yên ở trong đó, đại để là bởi sự xung đột giữa bà gia với nàng dâu.

Đã đành như vậy, song chúng ta phải hỏi những câu nầy: Giữa bà gia với nàng dâu, tại sao lại hay phát sanh ra sự xung đột? Vả lại tại sao sự xung đột ấy ở ngày nay lại coi bộ kịch liệt hơn ngày xưa? Phải chăng bởi sự ở chung mà sanh ra có sự xung đột đó? Ngoại trừ sự ở riêng ra, còn có phương pháp gì để hòa giải mà làm cho tiêu diệt sự xung đột ấy đi? Đó, bao nhiêu câu hỏi đó, nếu ta trả lời được song suốt cả, tức là ta đã tìm được một mớ chứng cớ để giải quyết cái vấn đề gốc trên kia rồi vậy. Bấy giờ cái vấn đề "con có vợ rồi có nên ở chung với cha mẹ chăng", nên hay chăng, chúng ta sẽ có thể mạnh miệng mà trả lời.

Cái nguyên nhơn bà gia với nàng dâu xung đột nhau, chẳng qua ở mấy điều sẽ chỉ ra dưới đây.

1- Bởi ảnh hưởng của thời đợi. Sự xung đột giữa bà gia với nàng dâu ở xứ ta từ xưa vẫn có, nhưng ngày nay coi bộ còn kịch liệt hơn, có phải không? Nếu là ở chung thì nhà nào cũng khó mà tránh khỏi sự chẳng lành ấy. Ai hay để ý xem xét, tưởng cũng đều nhìn thấy rằng kẻ làm dâu ngày nay có ý không sợ mẹ chồng bằng lớp trước, cho nên càng dễ gây ra sự bất hòa hơn.

Chớ ai lấy làm lạ về sự đó. Cái chế độ gia đình xứ ta là bởi cái chánh thể chuyên chế đẻ ra. Vị gia trưởng tức là ông vua mà rút nhỏ lại. Lại thêm cái thế lực của lễ giáo lớn hèn chi vai dưới phải cúi đầu chịu lụy bề trên trong mọi sự, điều ấy đã nhờ lễ giáo mà thành ra như cái luật trong gia đình. Lúc bấy giờ nàng dâu chỉ một mực bóp bụng nghe theo bà gia mà không dám chống cự. Tuy vậy, sự phục tùng đó là bởi cượng bức mà phục tùng, mặc dầu không dám chống cự, chớ cái mầm xung đột vẫn ngậm sẵn, bao giờ cũng có thể nứt ra.

Chánh thể chuyên chế cứ còn hoài thì sự áp chế trong gia đình cũng còn hoài. Đến phiên nàng dâu bị áp chế hồi trước nhảy lên cái địa vị bà gia, thì cũng lại cứ nền nếp mà làm, hồi trước mình đã chịu làm sao, thì nay cũng ban ra làm vậy. Cũng một thân người đàn bà ấy, mà khi làm nàng dâu thì bị bà gia áp chế, song đến khi làm bà gia, lại áp chế nàng dâu mình.

Cái tình trạng ấy đến ngày nay đã thay đổi rồi. Có câu chuyện của nhà người ta mà chúng tôi đem thuật ra đây, thật đáng làm một cái chứng chắc cho sự thay đổi ấy.

Nhà kia, bà gia với nàng dâu rầy lộn nhau, lúc đã hơi dịu rồi, bà bèn thuật lại cái lịch sử hồi mình còn làm dâu cho dâu mình nghe như vầy:

"Hồi trước, tao còn làm dâu, bà gia tao mắng một trăm câu, tao không dám mở miệng nói lại lấy một câu; trong bụng tức giận mặc dầu, ngoài mặt giả bộ vui cười kia nữa. Chớ có đâu như bây giờ, tao nói một câu thì mầy cũng đối đáp lại một câu, mầy tay đôi xành xãnh với tao? Hứ! tao biết rồi mà! hèn chi cái đời loạn thì phải!"

Đó, độc giả thấy chưa! Ngày nay ở xứ ta phần nhiều nhà có cái tình cảnh giữa bà gia với nàng dâu như nhà ấy. Thế nhưng theo chúng tôi thì có lấy gì làm lạ đâu.

Cái ảnh hưởng của thời đợi mà! Thời đợi nầy là thời đợi mà cái chuyên chế đâu đâu cũng bị đánh đổ. Riêng về xứ Nam Kỳ ta lại ở dưới chánh thể dân chủ của nước Pháp. Cái chánh thể đã khác với trước thì tự nhiên cái hoàn cảnh của xã hội cũng có thay đổi ít nhiều. Huống chi còn thêm văn hóa mới của Âu-Mỹ, của Tàu, của Nhựt tràn sang, đàn bà con gái cũng hấp thọ lấy những cái tinh thần bình đẳng tự do, thì còn thế nào chịu được sự áp chế vô lý như xưa nữa? Bởi đó sự xung đột giữa bà gia với nàng dâu ngày nay, chẳng những mới vừa nứt mầm như trước, mà lại mọc cây đâm chồi ra, gặp nhau và chống nhau kịch liệt.

Làm dâu hồi xưa, bà gia bảo sao nghe vậy, chớ nàng dâu bây giờ đã dám bày tỏ ý kiến mình ra trước mặt bà gia. "Mẹ làm vậy mặc mẹ, chớ tôi thì tôi làm vầy", – những câu như câu  nầy, bảo các bả nghe mà làm thinh sao được, cho nên càng sanh rầy, càng sùng sục trong nhà là phải lắm.

2- Bởi sự khác nhau về tuổi tác. Hai cái tuổi cách xa nhau, thì tự nhiên tâm lý không có thể đồng nhau. Người già thì tâm lý lúc nào cũng hướng chiều về tiêu cực; người trẻ thì tâm lý lúc nào cũng hướng chiều về tích cực. Cái tâm lý về tiêu cực ấy cho là đồi đường[1] cũng được; còn cái tâm lý về tích cực ấy cho là hoạt bát cũng được. Bà gia với nàng dâu sai nhau ít nữa cũng đến 20 tuổi, vậy thì có thể nào bảo rằng hai bên tâm lý giống nhau? Tánh ưa lùi xùi thì phải ghét sự sửa soạn làm tốt; tánh ưa nằm một chỗ cho khoẻ thì phải ghét sự đi ra giao thiệp với chị em. Bà gia không ưng nói chuyện, nhưng nàng dâu lại ưng nói chuyện. Bà gia theo thói mê tín cũ, cúng quảy luôn luôn; nhưng nàng dâu nhiễm tư tưởng mới, lại không muốn nấu dọn cúng kiếng quỷ thần. Một đằng gần chết, trăm việc chi cũng tính gọn lại đặng có chết, trái với một đằng đương giàu sự sống, trăm việc chi cũng tính vung ra đặng cho thỏa sự sống. Thật là một già một trẻ chỗ tánh tình không có thể dung nạp được nhau.

Đó lại là một mớ nguyên nhơn nữa cho sự xung đột. Những nguyên nhơn ấy trước kia vì lễ giáo bó buộc mà nó dẹp lại một bên trong lòng những kẻ làm dâu. Đến ngày nay, chịu ảnh hưởng của thời đợi, bị thích khích bởi hoàn cảnh, thì nó biểu lộ ra chớn chở chớ có khó gì!

3- Bởi sự khác nhau về cảm tình. Đương làm con gái bỗng bắt vào làm dâu, thật chẳng khác nào con chim bay giữa trời mà bỗng bị nhốt vào lồng. Hồi trước tự do bao nhiêu thì bây giờ bị trói buộc bấy nhiêu. Thấy mặt bà gia thì chỉ thấy cái vẻ tôn nghiêm chớ không thấy được cái vẻ thân yêu như mẹ mình ở nhà. Bởi vậy nàng dâu đối với bà gia mà ăn ở có hết bổn phận đi nữa, cũng chỉ là làm chiếu lệ chớ không phải làm thiệt tình như ở nhà đối với mẹ. Đã vậy thì tự nhiên bên bà gia cũng không coi nàng dâu là thân thiết như con gái mình vậy.

Bà gia đã coi nàng dâu không bằng con gái thì đối đãi nàng dâu cũng không bằng con gái. Nhưng, tréo nhau là ở chỗ không đãi nàng dâu như con gái, mà bà gia lại muốn nàng dâu hết lòng đối với mình như đối với mẹ ở nhà, hoặc còn muốn nó hết lòng hơn đối với mẹ ở nhà nữa. Cái sự muốn ấy vô lý quá, kết cuộc nó phải thất bại. Mà hễ đã thất bại thì hai bên càng không ưa nhau, càng không thuận nhau, rồi sanh giặc lùm tum ở trong nhà.

Xem cả ba điều đó thì thấy sự xung đột giữa bà gia với nàng dâu chỉ bởi cách biệt nhau về thời gian, về tâm lý và về cảm tình. Hai bên, mỗi bên một thế, không chịu hiểu nhau, tài nào khỏi sự rầy rà cho đặng? Đó còn chỉ mới nói về hạng nàng dâu là người cũ; chớ đến như nàng dâu nào có ăn học theo kiểu mới, thì lại e cho một giờ một khắc cũng không chịu nổi với bà gia kia.

Sự xung đột giữa bà gia và nàng dâu đó, có khi lại buộc ông gia và chồng cũng dính vào mà làm cho cuộc bất hòa càng đậm thêm và càng lan rộng thêm. Đến nỗi nầy thì thôi, gia đình không còn mong gì hạnh phước nữa, mà tai họa đến ngày nào chưa biết!

Tóm lại, bà gia với nàng dâu, muôn phần thật không phần nào có thể hiệp tác cùng nhau, mà bao nhiêu cái nguyên nhơn xung đột đều bởi sự ở chung hết cả; vả lại, tìm cho hết nước, ngoài cách ở riêng ra, cũng chẳng biết còn có cách nào để điều hòa cho êm thấm được đâu. Ví bằng con trai có vợ rồi cứ việc ở riêng ra, thì những câu chuyện xung đột nói hồi nãy đến giờ chẳng còn vì cớ gì sanh ra được, chẳng thành ra vấn đề.

Trên đó là một cái lý do trọng yếu mà con với cha mẹ phải ở riêng; dưới nầy còn hai cái lý do nữa, tuy không trọng yếu bằng cái trên, chớ cũng phải cho là quan hệ.

Một là: con ở chung với cha mẹ thì làm cho đứa con ấy và vợ nó sanh ra cái thói quen hay ỷ lại, mà mòn mỏi cái tinh thần độc lập đi. Hạnh phước đã chưa chắc được, mà cái gia đình ấy phải đành chịu là khó bề phát triển.

Còn ở riêng ra thì vợ chồng nó lo mà làm ăn, lo mà tự lập, cha mẹ chỉ ở một bên mà nhắc chừng là đủ được rồi. Thứ vợ chồng thanh niên, phải để cho họ đứng mũi chịu sào lấy thì mới giàu sự lịch duyệt và kinh nghiệm mà về sau làm nên cơ nghiệp đồ sộ hơn cha mẹ cũng chưa biết chừng được.

Sự cho con ở riêng, lập tiểu gia đình như thế, ở các nước bên Âu Mỹ đã thiệt hành và có hiệu quả lâu rồi. Bên Tàu và Nhựt Bổn gần nay cũng có cái khuynh hướng ấy. Cho nên, nói về mặt phát triển cho gia đình, chúng ta nên lấy cái lý do trên nầy mà nhận cho sự ở riêng là phải.

Hai là, người Việt Nam ta coi gia tộc quá trọng, giữa cha mẹ và con có sự quan hệ khí mật thiết quá một chút. Cha mẹ đẻ ra một đứa con trai, đã coi nó như một món tiền vốn mong về sau sanh lời đẻ lãi. Do cái tâm lý ấy, cha mẹ chỉ muốn bắt con làm nô lệ trong gia đình mà thôi, chớ không muốn nó ra phục dịch cho xã hội. Người mình có cái quan niệm thờ ơ đối với quốc gia xã hội cũng có tại vì cớ ấy.

Nay nếu cho con ở riêng khỏi cha mẹ thì tự nhiên cái nhân cách của đứa con được cao lên, và nó muốn làm mọi việc theo như ý chí mình. Cái quan niệm sốt sắng về quốc gia xã hội cũng có thể bởi đó mà sanh ra được. Cho nên, nói về phương diện ấy, chúng ta cũng nên tán thành cho sự ở riêng.   Có những điều nầy hơi ngại một chút, chắc có người sẽ đem ra mà hỏi:

1/ Cha mẹ già rồi mà con ở riêng ra thì làm cho cha mẹ phải buồn; 2/ cha mẹ với con ở riêng ra, nếu một bên có xảy ra điều gì bất hạnh thì sự giúp đỡ nhau sẽ không trọn vẹn bằng ở chung; 3/ ở riêng ra thì về phần kinh tế của cha mẹ sẽ liệu thế nào, vì già rồi mà nếu không có của sẵn thì không còn có sức kiếm tiền để nuôi sống được.

Về điều thứ nhứt, ở riêng thì cha mẹ có buồn thật đó chút. Nhưng chúng tôi nói ở riêng, chớ không bảo dứt hẳn sự quan hệ đâu. Ở riêng thì ở, nhưng đối với cha mẹ, cái ái tình của con và dâu vẫn đậm đà như hồi còn ở chung. Thế thì, về tinh thần, sự khoái lạc cũng chẳng hề giảm bớt, thì cũng chẳng lấy gì làm buồn. Mà có lẽ, ở riêng như thế, bà gia với nàng dâu khỏi rầy rà nhau, một vài ngày tới thăm nom hầu hạ một lần, tưởng lại còn vui hơn nữa vậy.

Về điều thứ hai cũng thật thế. Song chúng ta không nên lo quá. Nếu giữa cha mẹ với con mà giữ được cái cảm tình hoàn hảo thì tự nhiên cái sức hỗ trợ (s'entraider) lại càng hăng hái thêm. Miễn có lòng tốt thì ở riêng cũng giúp đỡ nhau được như ở chung vậy.

Về điều thứ ba, cái chế độ kinh tế ở xứ ta chưa được cá nhân độc lập như ở Âu Mỹ, thì về sự nuôi sống cho người già cũng đáng lo lắm. Song miễn cho cha mẹ và con có cảm tình tốt thì chẳng ngại gì cả. Cha mẹ già, nếu có túng thiếu thì con giúp cho; mà lâm cùng, con có túng thiếu và cha mẹ nếu là giàu, dư ăn dư để, thì cũng nên giúp cho con vậy.

Rút lại, phàm việc gì hại ít lợi nhiều thì ta nên lấy bên lợi nhiều. Huống chi, sau khi nghiên cứu vấn đề nầy, thấy sự con ở riêng khỏi cha mẹ toàn là lợi mà không có hại chi hết, thì chúng ta còn ngần ngại gì mà chẳng chủ trương sự ở riêng?

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Đồi đường: đổ nát, suy bại (Đào Duy Anh, sđd.)