Gì cũng cười  (1913) 
của Nguyễn Văn Vĩnh

Bài năng đăng trong Đông Dương tạp chí năm 1913.

An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy[1] cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.

Có kẻ bảo cười hết cả, cũng là một cách của người hiền[2]. Cuộc đời muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thảy không có chi là nghiêm đến nỗi người hiền phải nhăn mày mà nghĩ ngợi.

Ví dù được y như vậy, thì ra nước An Nam ta cả dân là người hiền. Nếu thế tôi đâu dám đem lời phường chèo mà nhủ người nhếch mép bỏ tính tự nhiên mà làm bộ đứng đắn lại, nghiêm nhìn những cuộc trẻ chơi.

Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác; có cái láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà gièm trước ý tưởng người ta; không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta.

Thực không có tức gì bằng cái tức phải đối đáp với những kẻ nghe mình nói chỉ lấy tiếng cười hì hì mà đáp. Phản đối không tức, kẻ bịt tai chẳng thèm nghe cũng không tức đến thế...

Ừ, mà gì bực mình bằng rát cổ bỏng họng, mỏi lưỡi, tê môi, để mà hỏi ý một người, mà người ấy chỉ đáp bằng một tiếng thì khen chẳng ơn, mắng chẳng cãi, hỏi chẳng thưa, trước sau chỉ có miệng cười hì hì, thì ai không phải phát tức.

Ta phải biết rằng, khi người ta nói với ta, là để hỏi tình ý ta thế nào. Ai nói với mình thì mình phải đáp. Tuỳ ý mình muốn tỏ tình ý cho người ta biết thì nói thực; không hiểu thì hỏi lại; mà không muốn nói tình ý cho người ta biết, thì khéo lấy lời lịch sự mà tỏ cho người ta hiểu rằng câu hỏi khi phạm đến một điều kín của mình. Hoặc là có khôn thì lựa lời mà tỏ cho người ta biết những điều mình muốn cho biết mà thôi, và khiến câu chuyện cho người ta không khỏi căn vặn được mình nữa.

Nhưng phàm người ta hỏi, mình đã lắng tai nghe, là mình nợ người ta câu đáp.

   




Chú thích

  1. sai, trái với lẽ phải.
  2. người có đức hạnh, tài năng.