Diễn văn của Tổng thống về Iraq và chiến tranh chống khủng bố
Nhà Trắng
Văn phòng Thư ký Báo chí (Carlisle, Pennsylvania)
Ngày 24 tháng 5 năm 2004
Trường Đại học Quân sự Hoa Kỳ
Carlisle, Pennsylvania
8 giờ tối, giờ chuẩn miền đông
Tổng thống: Xin cám ơn tất cả các bạn. Xin cám ơn và chào các bạn. Tôi cảm thấy vinh dự được đến thăm Trường Đại học Quân sự. Các thế hệ sĩ quan đã tới đây học tập về các chiến lược và lịch sử chiến tranh. Tối nay tôi đến đây để báo cáo với tất cả mọi người Mỹ và nhân dân Iraq về chiến lược của đất nước chúng ta trong việc tiếp tục công việc tại Iraq và những bước đi đặc biệt nhằm đạt được mục đích của chúng ta.
Trong mấy tuần vừa qua, hành động của kẻ địch tỏ ra tàn ác, có tính toán và có rút kinh nghiệm. Chúng ta đã nhìn thấy chiếc xe hơi bị đánh bom và giết hại một người Iraq 61 tuổi. Ông tên là Izzedin Saleem, là Chủ tịch Hội đồng Điều hành Iraq. Tội ác này chứng tỏ rằng ý đồ của kể địch là nhằm loại bỏ Chính phủ tự quản Iraq, kể cả việc giết hại một nhà yêu nước lão thành và một người theo đạo Hồi tận tụy. Ông Saleem đã bị ám sát bởi bọn khủng bố đang tìm cách phục hồi ách tàn bạo và bóp chết nền dân chủ.
Chúng ta cũng đã thấy hình ảnh của một người Mỹ trẻ tuổi bị chặt đầu. Cái trò ghê tởm này tỏ rõ rằng chúng coi thường mọi luật lệ của chiến tranh và mọi tập quán của cách ứng xử văn minh. Điều này bóc trần cái thói cuồng tín. Không phải do bất cứ hành động nào của chúng ta gây nên thói cuồng tín đó và trước bất cứ sự nhượng bộ nào, thì nó cũng sẽ không suy giảm. Chúng ta ngờ rằng kẻ đang cầm dao giết người chính là đồng bọn của al Qaeda, tên là Zarqawi. Hắn và những tên khủng bố khác biết rằng hiện nay Iraq là mặt trận chính của cuộc chiến chống khủng bố. Và chính chúng ta cũng phải hiểu như vậy. Sự phục hồi của ách độc tài tại Iraq sẽ là một thắng lợi chưa từng có của bọn khủng bố và sẽ khiến cho bọn giết người hí hửng vui mừng. Điều đó cũng sẽ khuyến khích cho bọn khủng bố đánh bom nhiều hơn nữa, chặt đầu nhiều hơn nữa và giết hại nhiều hơn nữa những người vô tội trên khắp thế giới.
Sự lớn lên của một nước Iraq tự do và tự quản sẽ loại bỏ căn cứ của bọn khủng bố, bóc trần ý thức hệ bưng bít của bọn chúng và tạo xung lực cho những người cải cách khắp khu vực. Sự việc này sẽ là một đòn có tính quyết định đánh vào trung tâm sức mạnh của chủ nghĩa khủng bố và sẽ là thắng lợi của nền an ninh của nước Mỹ và thế giới văn minh.
Công việc của chúng tại Iraq khá gian nan. Liên minh của chúng ta đã phải đối diện với những điều kiện biến động của cuộc chiến, đòi hỏi sự kiên trì, hy sinh và khả năng thích nghi. Sự việc chế độ Saddam Hussein bị lật đổ một cách nhanh chóng vào mùa xuân năm ngoái đã dẫn tới một hậu quả không lường trước: những tên vệ binh tinh nhuệ của Saddam không bị giết và bị bắt trên chiến trường, đã cởi bỏ binh phục và trà trộn vào trong dân thường. Những phần tử này của chế độ áp bức Saddam và bọn cảnh sát mật đã tổ chức lại, tái vũ trang và thi hành chiến thuật khủng bố tinh vi. Chúng liên kết với các chiến binh và bọn khủng bố nước ngoài.
Ở một vài thành phố, những phần tử cực đoan đã gây rối loạn và cướp chính quyền khu vực. Những nhóm và những cá nhân này mang theo những tham vọng mâu thuẫn nhau, nhưng chúng có chung một mục đích: Chúng hy vọng có thể làm cho những người Mỹ, Liên quân của chúng ta và những người Iraq mất hết sự kiên nhẫn ngay trước khi thành lập một chính phủ tự quản có hiệu quả, trước khi người Iraq có khả năng bảo vệ nền tự do của mình.
Hiện nay Iraq đang phải đối diện với một thời kỳ có tính chất quyết định. Khi nhân dân Iraq đang tiến gần hơn tới công cuộc tự quản, thì bọn khủng bố có khả năng trở nên tích cực hơn, tàn bạo hơn. Những tháng ngày khó khăn đang ở phía trước và con đường tiến lên đôi khi dường như thật khó khăn. Nhưng Liên quân của chúng ta hùng mạnh, những cố gắng của chúng ta rất tập trung và không hề nao núng và không một sức mạnh nào của kẻ địch có thể ngăn cản sự tiến bộ của Iraq.
Giúp xây dựng một nền dân chủ ổn định sau nhiều thập kỷ dưới ách độc tài là một công việc lớn lao. Nhưng chúng ta có một ưu thế lớn. Bất cứ khi nào mà nhân dân được lựa chọn chính thể, thì người ta thích sống cuộc sống tự do hơn là cuộc sống trong nỗi hoảng sợ. Những kẻ địch của chúng ta tại Iraq rất giỏi trong việc chất đầy người vào các bệnh viện, nhưng chúng lại chẳng xây dựng thêm một bệnh viện nào. Chúng xúi giục người ta đi giết người và tự sát, nhưng lại không thể gợi cảm hứng cho con người sống, hy vọng và góp phần vào sự tiến bộ của đất nước. Ảnh hưởng duy nhất của bọn khủng bố là bạo lực và chương trình duy nhất của chúng là cái chết.
Ngược lại, chương trình của chúng ta là tự do và độc lập, an ninh và thịnh vượng cho nhân dân Iraq. Và bằng cách loại bỏ nguồn gốc của bạo lực và bất ổn do khủng bố tạo nên ở Trung Đông, chúng ta cũng làm cho đất nước chúng ta an toàn hơn.
Liên quân của chúng ta có một mục đích rõ ràng và được mọi người hiểu rõ - đó là mục đích được nhìn thấy nhân dân Iraq lần đầu tiên sau nhiều thế hệ sẽ quản lý đất nước Iraq. Nhiệm vụ của Mỹ tại Iraq không chỉ là đánh bại kẻ địch, mà còn đem lại sức mạnh cho bạn mình - một chính phủ đại diện và tự do phục vụ cho nhân dân mình và nhân danh họ để chiến đấu. Và càng đạt được mục đích này nhanh chóng bao nhiêu, thì công việc của chúng ta cũng sẽ hoàn thành sớm sủa bấy nhiêu.
Trong kế hoạch của chúng ta có năm bước để giúp Iraq thực hiện dân chủ và tự do. Chúng ta sẽ trao lại chính quyền cho Chính phủ Iraq tự chủ, gíup xây dựng nền an ninh, tái thiết cơ sở hạ tầng ở Iraq, khuyến khích sự trợ giúp quốc tế nhiều hơn nữa và tiến tới cuộc bầu cử toàn quốc để bầu ra những người lãnh đạo mới và được nhân dân Iraq trao quyền.
Tháng sau sẽ thực hiện bước thứ nhất, khi Liên quân của chúng ta sẽ chuyển giao đầy đủ chủ quyền cho chính phủ của các công dân Iraq, chính phủ này sẽ chuẩn bị con đường đi tới cuộc tổng tuyển cử. Vào ngày 30 tháng 6, chính quyền lâm thời Liên quân sẽ chấm dứt hoạt động và cũng sẽ không có lực lượng nào thay thế. Cuộc chiếm đóng sẽ kết thúc và những người Iraq sẽ quản lý công việc của họ. John Negroponte, Đại sứ Mỹ tại Iraq sẽ trình quốc thư trước Tổng thống mới của Iraq. Đại sứ quán của chúng ta tại Baghdad cũng sẽ có chung một mục đích giống các Đại sứ quán khác của Mỹ là đảm bảo quan hệ tốt đẹp với quốc gia có chủ quyền. Mỹ và các nước khác sẽ tiếp tục cử chuyên gia kỹ thuật giúp đỡ các Bộ của chính phủ Iraq, nhưng các Bộ này sẽ báo cáo lên Thủ tướng mới của Iraq.
Lakhdar Brahimi, Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc hiện đang tham khảo rộng rãi các tầng lớp Iraq nhằm quyết định cấu trúc của chính phủ lâm thời này. Tuần lễ này, vị đặc phái viên sẽ đề xuất tên các quan chức của chính phủ lâm thời. Ngoài một Tổng thống ra, có hai Phó Tổng thống, một Thủ tướng và 26 Bộ trưởng Iraq sẽ phụ trách các Bộ của chính phủ, từ Bộ Y tế đến Bộ Tư pháp và Quốc phòng. Chính phủ mới này được sự giúp đỡ của một Hội đồng Cố vấn Quốc gia mà vào tháng 7 tới sẽ được lựa chọn bởi những người Iraq đại diện cho sự đa dạng của đất nước. Chính phủ lâm thời này sẽ thực thi đầy đủ quyền lực cho đến khi tiến hành tổng tuyển cử. Mỹ hoàn toàn ủng hộ những cố gắng của ông Brahimi và tôi đã chỉ thị cho chính quyền lâm thời Liên quân giúp đỡ ông với tất cả những khả năng có thể.
Trong quá trình chuẩn bị bàn giao chủ quyền, nhiều chức năng của Chính phủ đã được chuyển giao xong rồi. Hiện nay 12 Bộ của Chính phủ đã do người Iraq trực tiếp điều hành. Thí dụ như Bộ Giáo dục hiện nay không còn làm công việc tuyên truyền mà chăm lo việc giáo dục trẻ em Iraq. Dưới sự lãnh đạo của Tiến sĩ Ala’din al-Alwan, Bộ này đã đào tạo được hơn 30.000 giáo viên và người lãnh đạo các trường học ở nước Iraq mới.
Trong suốt thời gian vừa qua, một số người đặt câu hỏi là phải chăng nhân dân Iraq đã sẵn sàng để có một chính phủ của họ hoặc thậm chí là họ muốn hay không muốn có chính phủ như vậy. Và suốt thời gian đó, nhân dân Iraq đã có câu trả lời của họ. Ở những địa điểm mà người Iraq gặp nhau để thảo luận về tương lai của đất nước, họ đã tán thành một chính phủ có tính đại diện. Và họ cũng đã thực tập công việc của một chính phủ đại diện. Hiện nay nhiều thành phố và thị trấn ở Iraq đã bầu ra hội đồng hoặc chính quyền thành phố và thị trấn và vượt qua tình trạng bạo lực, một xã hội dân sự đã xuất hiện.
Việc chuyển giao chính quyền ngày 30 tháng 6 là một cam kết quan trọng trong chiến lược của chúng ta. Nhân dân Iraq là những con người tự trọng, cũng như chúng ta họ không thích người nước ngoài điều khiển công việc của họ. Sau những thập kỷ dưới ách kẻ độc tài, họ cũng dè dặt không tin chính quyền. Giữ lời hứa về sự kiện ngày 30 tháng 6, Liên quân sẽ chứng tỏ rằng chúng ta không thích thú gì sự chiếm đóng. Toàn bộ chủ quyền sẽ khiến những người Iraq trực tiếp quan tâm tới sự thành công của chính phủ của họ. Những người Iraq sẽ hiểu rằng khi họ xây dựng một trường học hoặc chữa một cái cầu, thì không phải là họ làm việc cho chính quyền lâm thời Liên quân, mà làm việc cho bản thân họ. Và khi họ đi tuần tiễu trên các đường phố Baghdad hoặc tham gia dân quân, thì chính là họ chiến đấu vì đất nước của họ.
Bước thứ hai trong kế hoạch thiết lập nền dân chủ ở Iraq là giúp cho việc xây dựng sự ổn định và an ninh - điều thiết yếu đối với nền dân chủ. Lực lượng Liên quân và nhân dân Iraq có một kẻ thù chung - bọn khủng bố, những dân binh phi pháp, những phần tử trung thành với Saddam, những kẻ ngăn cản nhân dân Iraq đi tới tương lai của một đất nước tự do. Với tư cách là đồng minh của họ, chúng ta làm việc để bảo vệ Iraq và đánh bại những kẻ địch đó.
Nước Mỹ sẽ cung cấp lực lượng và trợ giúp mọi cái cần thiết để đạt được những mục tiêu đó. Các chỉ huy quân sự của chúng ta ước tính một quân đội dưới 115.000 người là đủ đương đầu với cuộc xung đột trong thời điểm này. Căn cứ vào mức bạo lực gia tăng gần đây, chúng ta sẽ duy trì quân đội chúng ta ở mức 138.000 người như hiện nay với thời gian theo nhu cầu thực tế. Việc này sẽ phải kéo dài thời hạn làm nhiệm vụ đối với Sư đoàn Thiết giáp số Một và Lữ đoàn Khinh kỵ binh số Hai - gồm 20.000 quân nhân nam và nữ vốn đã có kế hoạch rời Iraq vào tháng 4. Đất nước chúng ta quí trọng công việc gian khổ và những hy sinh của họ và họ có thể biết rằng chẳng bao lâu nữa họ cũng sẽ được trở về nhà. Tướng Abizaid và các vị chỉ huy khác ở Iraq đã thường xuyên ước tính số lượng quân đội cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu họ cần thêm quân, thì tôi sẽ phái đi tiếp. Nhiệm vụ của các lực lượng ở Iraq là để đáp ứng nhu cầu và đối phó với tình trạng nguy hiểm. Quân đội của chúng ta đã tỏ rõ một kỹ năng phi thường và sự dũng cảm. Tôi xin cám ơn họ về những hy sinh và nhiệm vụ mà họ đã hoàn thành.
Ở thành phố Fallujah có khá nhiều bạo lực, bao gồm vụ sát hại bốn nhà thầu Mỹ do các phần tử trung thành với Saddam và các chiến binh nước ngoài gây ra. Quân lính và hải quân Mỹ vốn đã có thể sử dụng lực lượng áp đảo. Nhưng các viên chỉ huy đã tham khảo ý kiến của Hội đồng Điều hành và các quan chức địa phương và đã quyết định rằng nếu tấn công dữ dội vào kẻ địch sẽ gây ác cảm cho dân chúng địa phương và gia tăng sự ủng hộ cho các cuộc nổi loạn. Nên chúng ta đã sử dụng một biện pháp khác. Chúng ta đã coi việc đảm bảo an ninh là trách nhiệm chung của các lực lượng ở Fallujah. Các chỉ huy Liên quân đã làm việc với Ban lãnh đạo địa phương nhằm thiết lập lực lượng an ninh toàn Iraq và lực lượng đó hiện đang tuần tiễu trong thành phố. Quân lính và hải quân của chúng ta tiếp tục ngăn chặn các cuộc tấn công của kẻ địch vào những con đường tiếp tế hậu cần, cùng những người Iraq chỉ huy các cuộc tuần tiễu chung nhằm phá huỷ những xưởng sản xuất bom và những nhà trú ẩn, đồng thời tiêu diệt và bắt bất cứ một kẻ địch nào.
Chúng ta muốn để cho các lực lượng của Iraq tiếp thu được kinh nghiệm và tăng cường sự tự tin trong việc đối phó với những kẻ địch của đất nước họ. Chúng ta muốn để cho nhân dân Iraq biết rằng chúng ta tin vào khả năng trưởng thành của họ, mặc dù chúng ta đã giúp vào việc xây dựng lực lượng Iraq. Đồng thời phải chấm dứt không để cho Fallujah trở thành thánh địa của kẻ địch, và những kẻ chịu trách nhiệm về những cuộc khủng bố phải bị trừng trị.
Ở các thành phố Najaf, Karbala và Kufa, phần lớn các bạo lực đều do một giáo sĩ trẻ chỉ huy dân binh phi pháp gây nên. Những tên địch này đã nấp sau những người dân vô tội và tích trữ vũ khí, đạn dược trong những nhà thờ Hồi giáo, xuất phát từ những điện thờ thiêng liêng mà triển khai các cuộc tấn công. Quân lính của chúng ta đã tôn trọng các địa điểm tôn giáo, đồng thời giải tán một cách có hệ thống các lực lượng dân binh phi pháp. Chúng ta cũng đang chứng kiến rằng bản thân những người Iraq phát huy trách nhiệm hơn trong việc phục hồi trật tự. Trong những tuần lễ gần đây, các lực lượng Iraq đã xua đuổi những phần tử thuộc loại dân binh này khỏi cơ quan Thống đốc ở Najaf. Hôm qua, một đơn vị tinh nhuệ của Iraq đã quét sạch một ổ vũ khí trong một nhà thờ lớn ở Kufa. Những nhà lãnh đạo đáng kính của dòng Shia đã kêu gọi dân binh rút ra khỏi những thị trấn đó. Những dân thương Iraq đã tuần hành phản đối bọn chiến binh.
Do những thách thức gia tăng ở Fallujah, Najah và một số nơi khác, nên chiến thuật quân sự của chúng ta sẽ phải linh hoạt. Các chỉ huy ở các căn cứ sẽ hết sức chú ý đến những điều kiện ở địa phương. Và chúng ta sẽ làm tất cả những gì cần thiết - với lực lượng có mức độ hoặc lực lượng áp đảo - nhằm xây dựng một nước Iraq ổn định.
Các lực lượng quân sự, cảnh sát và biên phòng Iraq đã bắt đầu thực thi những trách nhiệm lớn hơn. Cuối cùng do lực lượng của Mỹ và Liên quân đang rút quân, nên họ phải là những người bảo vệ chủ yếu của nền an ninh Iraq. Và chúng ta đang giúp họ chuẩn bị đảm nhận vai trò đó. Trong một số trường hợp, những hoạt động ban đầu của các lực lượng Iraq tỏ ra yếu kém. Một số không thi hành lệnh tấn công kẻ địch. Chúng ta đã rút được kinh nghiệm từ những thất bại đó và chúng ta đã thi hành những biện pháp để sửa chữa lại tình trạng này. Những đơn vị chiến đấu thắng lợi bao giờ cũng cần phải có một ý thức gắn kết với nhau, nên chúng ta đã mở rộng và tăng cường công việc đào tạo họ. Những đơn vị thắng lợi cần phải hiểu rằng họ đang chiến đấu vì tương lai của đất nước họ, chứ không phải vì bất cứ một lực lượng chiếm đóng nào, nên chúng ta đang đảm bảo cho các lực lượng Iraq phục vụ trong một hệ thống chỉ huy của Iraq. Các đơn vị chiến đấu thắng lợi cần phải có ban chỉ huy vững mạnh nhất, nên chúng ta đang tăng cường kiểm tra và đào tạo các sĩ quan và những người có triển vọng trở thành sĩ quan cao cấp.
Dưới sự chỉ đạo của tôi cùng với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền Iraq, chúng ta đang đẩy nhanh tốc độ của các chương trình đào tạo người Iraq nhằm bảo vệ đất nước họ. Một nhóm các sĩ quan quân sự cao cấp hiện đang đánh giá chất lượng các đơn vị thuộc các lực lượng an ninh Iraq. Tôi yêu cầu nhóm này phải theo dõi việc đào tạo một lực lượng gồm 260.000 quân đội, cảnh sát và các nhân viên an ninh khác. Năm tiểu đoàn quân Iraq hiện đang có mặt trên chiến trường và đến ngày 1 tháng 7 sẽ có thêm 8 tiểu đoàn nữa cùng tham gia với họ. Mục tiêu cuối cùng là một quân đội Iraq với 35.000 quân trong 27 tiểu đoàn chuẩn bị đầy đủ để bảo vệ đất nước họ.
Sau ngày 30 tháng 6, các lực lượng của Mỹ và Liên quân vẫn còn nhiệm vụ quan trọng. Lực lượng quân sự Mỹ tại Iraq sẽ hoạt động dưới sự chỉ huy của Mỹ như một bộ phận trong lực lượng đa quốc gia do Liên Hợp Quốc chỉ đạo. Chính phủ độc lập mới của Iraq sẽ tiếp tục phải đối diện với những thách thức lớn về mặt an ninh và lực lượng của chúng ta phải ở đó để giúp đỡ họ.
Bước thứ ba trong kế hoạch thiết lập nền dân chủ là tiếp tục tái thiết cơ sở hạ tầng của đất nước, để cho nước Iraq tự do nhanh chóng giành được độc lập về kinh tế và có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Liên quân của chúng ta đã giúp những người Iraq tái thiết các trường học, sửa chữa các bệnh viện và phòng khám, sửa chữa cầu, nâng cấp các nhà máy điện và hiện đại hóa hệ thống giao thông liên lạc. Hiện nay đã hình thành một nền kinh tế tư nhân đang phát triển. Đồng tiền mới đã được phát hành. Hội đồng Điều hành Iraq đã thông qua một đạo luật mới mà lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ đã mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Iraq đã tự do hóa chính sách thương mại của họ và hôm nay một quan sát viên Iraq sẽ tham dự cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới. Sản xuất dầu lửa ở Iraq đã đạt mức trên 2 triệu thùng dầu một ngày, năm nay sẽ mang lại mức thu nhập đến gần 6 tỷ đô-la. Thu nhập này được sử dụng để giúp đỡ nhân dân Iraq. Một phần nhờ những cố gắng của chúng ta, những cố gắng của cựu Bộ trưởng Ngoại giao James Baker, nhiều chủ nợ lớn nhất của Iraq đã cam kết xóa nợ hoặc giảm một cách cơ bản những khoản nợ do chế độ cũ để lại.
Chúng ta đã tạo nên những tiến bộ. Nhưng cũng còn nhiều việc phải làm. Qua nhiều thập kỷ dưới ách cai trị của Saddam, cơ sở hạ tầng ở Iraq bị đổ vỡ do không được trông coi, trong khi đó tiền của đổ vào việc xây dựng lâu đài, vào chiến tranh và các chương trình vũ khí. Chúng ta đang yêu cầu những nước khác đóng góp vào công cuộc tái thiết Iraq - 37 nước cùng Quĩ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đến nay đã cam kết viện trợ 13,5 tỷ đô-la. Mỹ đã đóng góp 20 tỷ đô-la vào các dự án tái thiết và phát triển tại Iraq. Để đảm bảo cho khoản tiền của chúng ta được sử dụng một cách khôn khéo và có hiệu quả, Đại sứ quán mới của chúng ta tại Iraq sẽ thành lập các văn phòng khu vực trong một số thành phố chủ yếu. Những văn phòng này sẽ cộng tác chặt chẽ với những người Iraq ở các cấp chính quyền để giúp cho việc đảm bảo hoàn thành các dự án đúng thời gian và đúng với ngân sách.
Nước Iraq mới cũng sẽ cần có một hệ thống nhà tù nhân đạo và quản lý tốt. Dưới ách tên độc tài, các nhà tù như nhà tù Abu Ghraib là biểu tượng của thần chết và sự hành hạ. Cũng nhà tù này trở thành biểu tượng của hành vi đáng sỉ nhục do một vài binh lính Mỹ gây nên. Họ bôi nhọ danh dự của đất nước chúng ta và xem thường các giá trị của chúng ta. Mỹ sẽ tài trợ cho việc xây dựng một nhà tù hiện đại và đảm bảo an ninh đến mức tối đa. Khi nhà tù này xây dựng xong, những người bị giam tại Abu Ghraib sẽ được chuyển tới đó. Rồi với sự phê chuẩn của Chính phủ Iraq, chúng ta sẽ phá bỏ nhà tù Abu Ghraib, coi như một biểu tượng mới xứng đáng với sự khởi đầu mới mẻ của Iraq.
Bước thứ tư trong kế hoạch của chúng ta là thu hút sự giúp đỡ bổ sung của quốc tế dành cho công cuộc chuyển đổi tại Iraq. Trong các giai đoạn, Hoa Kỳ đều gặp gỡ Liên Hợp Quốc - để chạm trán với Saddam Hussein, để báo trước những hậu quả nghiêm trọng do những hành động của hắn gây nên và để bắt đầu công cuộc tái thiết Iraq. Hôm nay Hoa Kỳ và nước Anh đã trình bày một nghị quyết mới về Iraq trước Hội đồng Bảo an nhằm giúp vào việc đưa Iraq tới một chính phủ tự quản. Tôi đã chỉ đạo Bộ trưởng Powell làm việc với các thành viên của Hội đồng Bảo an để xác nhận vào thời gian biểu mà những người Iraq đã đồng ý, để bày tỏ sự ủng hộ của quốc tế đối với Chính phủ Lâm thời Iraq, để tái khẳng định sự cam kết của thế giới đối với nền an ninh của nhân dân Iraq và để khuyến khích những thành viên khác của Liên Hợp Quốc tham gia vào nỗ lực này. Mặc dù những bất đồng trong quá khứ, phần lớn các nước tỏ rõ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với thắng lợi của nước Iraq tự do. Tôi tin rằng họ sẽ cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc đảm bảo cho thắng lợi đó.
Vào tháng sau, trong hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Istanbul, tôi sẽ cảm ơn 15 nước đồng minh NATO cùng đóng góp 17.000 quân tại căn cứ Iraq. Nước Anh và Ba Lan mỗi nước đã chỉ huy một sư đoàn đa quốc gia bảo vệ những miền quan trọng của Iraq. Và bản thân NATO cũng trợ giúp rất đắc lực về tình báo, giao thông liên lạc và hậu cần cho sư đoàn do Ba Lan chỉ huy. Trong hội nghị thượng đỉnh này, chúng ta sẽ thảo luận về vai trò của NATO trong việc giúp Iraq xây dựng và củng cố nền dân chủ.
Bước thứ năm - bước quan trọng nhất này là cuộc bầu cử quốc gia tự do. Một nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc do Carina Perelli dẫn đầu hiện đang ở Iraq giúp cho việc tổ chức một Uỷ ban Bầu cử độc lập sẽ giám sát cuộc bầu cử quốc gia có trật tự và đúng đắn. Trong cuộc bầu cử đó, nhân dân Iraq sẽ chọn lựa ra một Quốc hội có tính quá độ, lần đầu tiên trong lịch sử Iraq, đó là một tổ chức điều hành quốc gia thực sự có tính đại diện và được tự do bầu ra. Quốc hội này sẽ hoạt động với tư cách cơ quan lập pháp và nó sẽ chọn lựa ra một chính phủ quá độ có quyền lực hành pháp. Quốc hội quá độ cũng sẽ thảo ra một Hiến pháp mới và sẽ đưa ra trong cuộc trưng cầu ý kiến nhân dân Iraq dự định tiến hành vào mùa thu năm 2005 theo đúng kế hoạch. Theo Hiến pháp mới này, Iraq sẽ bầu ra một chính phủ bền vững vào cuối năm sau.
Thời gian gần đây với cuộc chiến, công cuộc giải phóng và tái thiết, quân đội và nhân viên dân sự Mỹ tại nước này đã có điều kiện hiểu biết và kính trọng các công dân Iraq. Họ là một nhân dân kiêu hãnh và có những ý kiến dứt khoát và đa dạng. Nhưng những người Iraq thống nhất dưới một niềm tin rộng lớn và sâu sắc: Họ quyết tâm vĩnh viễn không phó mặc cuộc đời cho kẻ độc tài. Và họ tin rằng cuộc bầu cử quốc gia sẽ đẩy lùi những ngày đen tối về phía sau. Một chính phủ đại diện bảo vệ các quyền cơ bản do những người Iraq bầu ra là cuộc phòng thủ vững chắc nhất nhằm ngăn chặn sự phục hồi của chế độ độc tài - và cuộc bầu cử đang tới gần.
Hoàn thành năm bước để đi tới một chính phủ tự quản do những người Iraq bầu ra không phải là công việc dễ dàng. Có khả năng có nhiều bạo lực hơn nữa xảy ra trước và sau khi chuyển giao chủ quyền. Bọn khủng bố và những kẻ trung thành với Saddam thích nhìn thấy nhiều người Iraq chết đi còn hơn là thấy họ được sống trong tự do. Nhưng bọn khủng bố sẽ không thể quyết định tương lai của Iraq.
Mỗi tuần trôi qua, quốc gia này lại tiến gần tới cuộc bầu cử tự do và một vị thế vững vàng giữa các quốc gia tự do. Giống như các nước đã trải qua một tiến trình đi tới dân chủ, Iraq cũng sẽ xây dựng nên một chính phủ phản ánh nền văn hóa và các giá trị của riêng họ. Tôi phái quân đội Mỹ đến Iraq để bảo vệ an ninh của chúng ta, chứ không ở lại như một lực lượng chiếm đóng. Tôi phái quân đội Mỹ đến Iraq để đem lại tự do cho nhân dân ở đó, chứ không phải biến họ thành những người Mỹ. Những người Iraq sẽ viết nên lịch sử của chính họ và tìm ra con đường đi của riêng họ. Trong khi thực hiện những công việc đó, những người Iraq có thể tin chắc rằng nước Iraq tự do luôn luôn có người bạn của họ là Hoa Kỳ.
Trong 32 tháng vừa qua, lịch sử đã đề xuất những yêu cầu gay gắt đối với đất nước chúng ta và các biến cố đã diễn ra nhanh chóng. Những người Mỹ đã nhìn thấy những đám lửa của ngày 11 tháng 9, rồi tiếp đến là những trận chiến đấu trên triền núi Afghanistan và học được những thuật ngữ mới như "báo động màu da cam", "chất rixin" và "bom bẩn". Chúng ta đã thấy những kẻ giết người hoạt động trên những tàu hỏa ở Madrid, trong một ngân hàng tại Istanbul, trong một giáo đường Do Thái tại Tunis và ở một hộp đêm tại Bali. Và bây giờ các gia đình của quân nhân và các nhân viên dân sự của chúng ta đang cầu nguyện cho con trai và con gái của họ tại Mosul, Karbala và Baghdad.
Chúng ta không đi tìm cuộc chiến chống khủng bố, nhưng đây chính là cái thế giới mà chúng ta đã phát hiện ra. Và chúng ta phải tập trung hướng vào đó. Chúng ta phải làm nhiệm vụ của chúng ta. Lịch sử đang chuyển động, nó có thể có xu hướng tiến tới niềm hy vọng hoặc dẫn tới bi kịch. Bọn khủng bố, những kẻ địch của chúng ta có một quan điểm mà tự nó đã chỉ rõ và giải thích tất cả mọi hành động sát hại đủ các kiểu của chúng.
Chúng tìm cách áp đặt ách cai trị kiểu Taliban, từ nước này sang nước khác, xuyên suốt vùng Trung Đông rộng lớn. Chúng tìm cách kiểm soát thâu tóm mỗi một con người, mỗi một bộ óc, một một tâm hồn trong một xã hội phong bế mà ở đó phụ nữ không có tiếng nói và bị đọa đầy. Chúng tìm kiếm những căn cứ hoạt động để đào tạo nhiều kẻ giết người hơn nữa và xuất khẩu bạo lực nhiều hơn nữa. Chúng thực hiện những hành động giết người thảm khốc nhằm gây những cơn sốc, làm hoảng sợ và làm mất tinh thần những nước văn minh, mong rằng chúng ta sẽ rút lui khỏi thế giới và thả lỏng cho chúng tự do hoành hành. Chúng tìm kiếm các vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm áp đặt ý đồ của chúng qua việc tống tiền và tấn công thảm sát. Không một hành động nào thuộc loại này biểu thị một ý niệm tôn giáo. Đó là ý thức hệ chính trị của chủ nghĩa toàn trị, đeo đuổi bởi cuồng tín ám ảnh, mà không có chút lương tâm nào.
Những hành động của chúng ta cũng do một quan điểm chỉ đạo. Chúng ta tin rằng có thể thúc đẩy nền tự do và thay đổi cuộc sống ở vùng Trung Đông rộng lớn hơn, cũng như tự do đã từng thúc đẩy và thay đổi cuộc sống ở châu Á, Mỹ Latinh, Đông Âu và châu Phi. Chúng ta tin rằng đó là bi kịch của lịch sử vì Trung Đông tuy đã từng ban cho thế giới những tặng phẩm lớn lao về pháp luật, khoa học và tín ngưỡng, nhưng về nhiều mặt lại bị thụt lùi do ách bạo ngược vô luật lệ và thói cuồng tín gây nên. Chúng ta tin rằng cuối cùng khi tất cả nhân dân vùng Trung Đông được phép sống, suy nghĩ, làm việc và thờ cúng như những người đàn ông và đàn bà tự do, thì họ sẽ làm sống lại di sản vĩ đại của họ. Và đến ngày đó, thì nỗi đắng cay và hận thù cháy bỏng vốn nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố sẽ tan biến và lụi tàn. Khi niềm hy vọng trở về với vùng Trung Đông, thì nước Mỹ và toàn thế giới sẽ yên ổn hơn.
Hai quan điểm này - một quan điểm của ách bạo ngược và giết hại và một quan điểm của tự do và sự sống - đã đụng độ nhau tại Afghanistan. Nhờ vào sự can đảm của các lực lượng Mỹ và Liên quân và những người yêu nước Afghanistan, cơn ác mộng do Taliban tạo nên đã tan biến và đất nước đó lại trở về với sự sống. Hiện nay hai quan điểm này lại đang đụng độ nhau tại Iraq và đang tranh chấp nhau vì tương lai của đất nước đó. Sự thất bại của tự do sẽ chỉ là dấu hiệu sự khởi đầu của hiểm họa và bạo lực. Nhưng thưa toàn thể quốc dân Mỹ, chúng ta sẽ không thất bại. Chúng ta sẽ kiên trì và đánh bại kẻ địch này, và gìn giữ mảnh đất vô địch này cho vương quốc của tự do.
Cầu Chúa phù hộ cho đất nước chúng ta.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).