Dòm sang nước láng giềng: Một thời kỳ khó khăn của chánh phủ Trùng Khánh
Từ hồi chánh phủ Tưởng Giới Thạch dời lên Trùng Khánh đến giờ, coi bộ chưa có hồi nào gặp cái tình thế khó khăn cho bằng hồi này hết, để xem thử người ta đối phó ra sao.
Khó khăn, không phải vì máy bay địch cứ theo mà thả bom đánh phá luôn, làm cho nơi thủ đô bị hư hại, làm cho lòng dân khiếp sợ và chán nản, lung lay đến cái nền móng của cuộc kháng chiến; nhưng khó khăn vì sự biến hóa của tình hình quốc tế có thể gây nên rắc rối về mọi phương diện.
Tình thế quốc tế hiện nay trông thấy rõ ràng lắm. Nó chia làm hai phe: phe dân chủ tức là các nước Anh Mỹ đối với phe độc tài tức là các nước Đức, Ý, về bên Trục.
Chánh phủ Trùng Khánh, như người ta thấy, đứng về phe Anh, Mỹ là phe dân chủ.
Chánh phủ Trùng Khánh có là chánh phủ dân chủ không, mà lại đứng về phe dân chủ, tất cả vấn đề có lẽ ở đó mà ra, để rồi xuống dưới đây sẽ bàn đến.
Bây giờ xin nói do sự đối địch đó khiến cho phe các nước Trục nhìn nhận Nam Kinh mà tuyệt giao với Trùng Khánh, là một sự có hại cho chánh phủ nầy không ít dầu chưa đến làm nó cô lập hẳn.
Cái sức mạnh kháng chiến của Trùng Khánh bấy lâu nhờ ở Hoa kiều một phần lớn. Bấy lâu kiều dân Trung Huê ở khắp thế giới đâu đâu cũng hoạt động để giúp họ Tưởng hoặc bằng của cải hoặc bằng sức lực. Bây giờ đã có những nước tuyệt giao, tức nhiên Huê kiều ở dưới quyền những nước ấy phải ở vào cảnh trở ngại, dầu có muốn hoạt động để giúp như hồi trước nữa cũng không thể nào hoạt động dễ dàng được. Ấy là một cái hiện trạng đáng lo ngại nhứt mà nhà ngoại giao Trùng Khánh đang tìm cách bổ cứu.
Từ trước đến giờ Trùng Khánh vẫn được Tô Nga cứu viện luôn luôn về khí giới và lương thực. Tuy có trải qua cuộc ký kết trung lập giữa Nga – Nhựt mà sự cứu viện ấy cũng không dứt. Nhưng đến nay cuộc chiến tranh Nga – Đức mở ra, thế nào cũng làm cho cái sức chu cấp của Nga kém đi hoặc đến thôi hẳn cũng chưa biết chừng. Ấy lại còn là một vết thương cho Trùng Khánh chưa biết bao giờ mới chữa lành được.
Sự quan hệ giữa Trùng Khánh và Tô Nga lại còn không những ở chỗ ấy mà thôi. Người ta đoán rằng cuộc chiến tranh Nga – Đức thế nào cũng chỉ có hại cho Trùng Khánh chớ không có chút lợi nào cả! Vì rằng ở trong nước Tàu còn có đảng cọng sản cũng như tay chân của Nga Sô-viết mà lại đang hợp tác với chánh phủ Tưởng Giới Thạch. Nếu trận đánh nầy mà Nga thua Đức thì đảng cọng sản sẽ giảm kém lực lượng đi vì phải liên đới chịu lấy cái ảnh hưởng xấu của cuộc bại trận; còn nếu Nga thắng Đức thì lực lượng của đảng cọng sản sẽ vì đó bành trướng lên mà làm rắc rối cho chánh phủ Trùng Khánh chưa biết đến đâu. Người ta đoán chắc điều ấy là vì thấy mấy lúc nầy giữa khi vô sự mà đảng cọng sản đó còn cứ hục hặc với Trùng Khánh hoài, huống chi đến cơn hữu sự.
Hiện nay, như đã nói trên đó, thật có nhiều sự khó khăn đang bao vây lấy chánh phủ Trùng Khánh.
Nói trở lại câu chuyện bỏ dở trên kia. Chúng ta xem thấy ông Tưởng Giới Thạch là một vị lãnh tụ thế nào? Có tài, có đức, lại một tín đồ của chủ nghĩa tam dân, ông ấy xứng đáng là lãnh tụ lắm; nhưng nói về thủ đoạn và địa vị thì ông rõ ràng cũng là một tay độc tài chả kém mấy tay độc tài khác. Theo thủ đoạn và địa vị họ Tưởng thì chánh phủ Trùng Khánh nên đi rập với La-mã, Bá-linh mới phải, sao trở lại giao hoan với Anh Mỹ là những chánh phủ dân chủ thật tình?
Dạo trước ở trong nghị viện nước Mỹ, một ông nghị viên phản đối cái chánh sách giúp Tàu của ông Roosevelt có nói câu nầy đáng chú ý lắm: “Trung Huê hiện đang ở dưới một chánh phủ không phải chánh phủ dân chủ khác chủ nghĩa với nước Mỹ chúng ta, thì ta giúp họ làm gì?” Chính ông nghị viên ấy đã thấy ra cái chỗ trái ngược mà chúng tôi vừa nói ở trên.
Độc tài mà đi với độc tài thì được; chớ độc tài mà đi với dân chủ thì thế nào cũng không khỏi sanh ra sự ý ngoại, nhứt là nhân dân của nước độc tài thấy quyền lợi của nhân dân nước dân chủ là nước bạn của mình mà phân bì rồi gây ra cuộc nội biến thế nào đó chưa biết được. Chánh phủ Trùng Khánh, thực ra là ông Tưởng Giới Thạch hiện giờ nầy đương ở vào cái trường hợp đặc biệt và có thể đến khủng hoảng ấy.
Trong báo Tàu hôm qua có cái tin mười vạn thanh niên Tàu ở Hồng Kông đồng ý ký tên một bức thơ dâng cho Tưởng Giới Thạch, cốt ý trong thơ là xin Tưởng lập tức mở Quốc dân đại hội và thiệt hành chánh thể lập hiến.
Đó, cái phong trào vận động dân chủ đã nhóm lên ở nước Tàu rồi, ở dưới quyền chuyên chế của ông Tưởng Giới Thạch rồi. Để xem chánh phủ Trùng Khánh lấy phương pháp nào thu xếp phong trào nầy cho yên đi, chớ không thì sợ e nó sẽ lan khắp trong nước mà gây nên những chuyện rắc rối nầy nọ.
Chúng ta chờ xem ông Tưởng Giới Thạch đối phó với mọi sự khó khăn ấy.
PHAN KHÔI