Sau cuộc vận động Ngũ tứ, hình như người Trung Quốc phát sinh ra một thứ ưa thích mới, là: nếu có người danh tiếng hoặc người sang trọng ngoại quốc mới đến, thì muốn dò nghe ấn tượng người ấy đối với Trung Quốc thế nào.

Khi B.Russell[1] đến Trung Quốc giảng học, bọn thanh niên cấp tiến mở hội đãi tiệc, dò nghe ấn tượng. Russell nói: "Các anh đãi tôi hậu hĩ thế nầy, dù muốn nói xấu, cũng không nỡ nói." Những người thanh niên cấp tiến không bằng lòng, cho là ông ấy hoạt đầu.

Khi Bernard Shaw[2] đi châu du qua Trung Quốc, những người viết báo ở Thượng Hải rủ nhau đến phỏng vấn, lại dò nghe ấn tượng. Shaw nói: "Tôi có ý kiến gì thì cũng không can liên gì với các anh. Giá tôi là võ nhân, từng giết chết mười vạn con người ta, thì các anh mới có thể tôn trọng ý kiến của tôi." Những nhà cách mạng và những nhà phi cách mạng đều không bằng lòng, cho là ông ấy khắc bạc.

Lần nầy thân vương Karl nước Thụy Sĩ đến Thượng Hải, các nhà báo phát biểu ấn tượng của ông ấy trên báo rằng: "... Tôi đi đến đâu, đều được quan dân nơi đó ân cần tiếp đãi, tôi đã cảm khích lại vui sướng lạ thường. Lần nầy những điều xem thấy và cảm được trong khi du lãm làm cho tôi có một ấn tượng rất mực tốt đối với chính phủ và quốc dân của quý quốc, mãi mãi không thế nào quên được." Như thế thật là ổn thỏa lắm, tôi tưởng, không đến nỗi gây ra có điều nọ tiếng kia.

Thực ra thì, hai ông Russell và Shaw cũng còn chưa kể là hoạt đầu và khắc bạc được. Giá có một người ngoại quốc thế nầy, khi thấy có người hỏi về ấn tượng mình, người ấy hỏi lại trước: "Chính ngài là người Trung Quốc, đối với nước mình có ấn tượng như thế nào?". Đó mới thật là một câu hỏi khó trả lời.

Chúng ta là người sinh trưởng ở Trung Quốc, nếu có cảm thấy cái gì, tự nhiên không kể được là ấn tượng. Song nói là ý kiến cũng được đi. Có đều ý kiến thì nói thế nào? Nói chúng tôi giống như cá ở trong nước đục, sống thì cứ sống, không hiểu ra làm sao, như thế không phải là ý kiến. Nói Trung Quốc tốt lắm lắm, e cũng khó nói. Như thế tức là cái điều mà người ái quốc đau xót gọi là "đã mất cái lòng tự tín của quốc dân", nhưng mà thật ra, hình như cũng đã mất rồi hẳn, gặp ai cũng dò nghe ấn tượng, thì có khác nào đi xin xăm hỏi bói, vì tự trong lòng mình trước đã hồ nghi.

Trong chúng ta, người phát biểu ý kiến cố nhiên cũng có đấy, nhưng thường thấy đều là người xưng mình là "dân trắng", mình gầy sức yếu, chưa từng "giết chết mười vạn con người ta", cho nên ý kiến của họ cũng không ai "tôn trọng", và cũng tức là "không can liên gì" với mọi người. Đến như những ông cả bà lớn, có quyền có thế, thì khi chưa ở ngôi, có lẽ là rất cấp tiến đấy, nhưng bây giờ đây, cứ làm thinh làm thế, Trung Quốc "đãi tôi hậu hĩ thế nầy, dù muốn nói xấu cũng không nỡ nói". Hãy xem cái hiện tại của các ông do Tân triều xã mà phát tích[3], là những người lúc bấy giờ đãi tiệc Russell, nghe ông nầy trả lời mà không bằng lòng, thật làm cho người ta thấy Russell không phải hoạt đầu, mà là nhà châm biếm tiên tri, đem cái tâm tư mười năm về sau nói toạc ra trước.

Đó là ấn tượng của tôi, cũng kể là một bài trả lời, mà là chép lấy những lời từ miệng người ngoại quốc.

20-9-1933
(Dịch ở Chuẩn Phong nguyệt đàm)

   




Chú thích

  1. B. Russell, nhà số lý triết học Ănglê, sinh năm 1872.
  2. Bernard Shaw (1856 - 1950), nhà tiểu thuyết, viết kịch, và là người xã hội chủ nghĩa Ănglê, đi du lịch đến Trung Quốc vào khoảng tháng 2 năm 1933.
  3. Tân triều xã là một tập đoàn gồm những người viết báo Tân triều như Uông Kính Hy, La Gia Luân, Du Bình Bá, v.v... Báo Tân triều bắt đầu ra năm 1919, là một tờ báo có tiếng trong cuộc vận động "Ngũ tứ". Được hai năm thì tờ báo ấy không ra nữa, những người viết đi du học, về sau về nước làm quan hoặc làm giáo thụ đại học, cho nên nói "phát tích".