Cuộc Hoa Nhựt hòa bình không thực hiện được
Mà còn e không bao lâu nữa sẽ lại đánh nhau
Cứ như tin tức gần đây thì cuộc hội nghị hòa bình Hoa Nhựt hay là hội nghị Bàn tròn chi chi đó đã không thiệt hiện được rồi. Không phải là sự hội nghị không thiệt hiện, mà là cái mục đích của sự hội nghị là sự hòa bình nó không thiệt hiện được vậy.
Các yếu nhơn của bên Trung Huê, nhứt là mấy tay chủ chốt trong việc chiến tranh ở Thượng Hải mới rồi, như Thái Đình Giai, Tương Quang Nại cứ tháo trúc[1] hoài, không chịu đến liệt vào hội tịch, thì thôi, còn nói chuyện bàn nghị gì được nữa ư? Đánh nữa hay thôi, hòa bình hay chăng tại mấy tướng đó, mà họ không chịu tới dự, thì còn nói chuyện hòa bình với ai được?
Hiện trong cuộc hội nghị đó có một cái vấn đề trọng yếu mà mỗi bên chủ trương một thế, không chịu nhịn bên nào. Ấy là bên Nhựt thì nói cuộc hội nghị nầy chỉ bàn một vấn đề ở Thượng Hải mà thôi; còn bên Tàu thì yêu cầu phải nhập luôn vấn đề Mãn Châu vô mà bàn nữa. Chỗ đó là chỗ hai bên giằng co nhau dữ lắm đó.
Theo ý bên Nhựt thì việc Mãn Châu đã đứt đi rồi, cầm như đã về tay người Nhựt hay đã về tay “nước Mãn Châu” rồi, cho nên không còn bàn chi nữa. Nhưng bên Tàu thì không chịu, nói cái việc Thượng Hải là do việc Mãn Châu mà ra, nếu không có sự rắc rối ở Đông tam tỉnh thì làm sao có cuộc chiến tranh ở Thượng Hải được? Vậy nên nếu người Nhựt có thật ý hòa bình thì phải giải quyết đến tận gốc, nghĩa là đem việc Mãn Châu ra mà bàn.
Nhưng, nếu vậy thì bao giờ bên Nhựt họ lại chịu? Bởi vậy, mấy hôm nay trong cái không khí hòa bình đậm đà kia bị pha lẫn cái mùi chiến tranh vào làm cho lợt lạt bớt. Quân Nhựt đóng ở Thượng Hải vẫn chưa rút, vậy mà trong hai tuần lễ nay tàu binh Nhựt còn vào cửa biển Ngô Tùng kế đến ba chục lần và số lục quân chở thêm tới kể đến 35 ngàn nữa. Người ta tính ra quân Nhựt hiện đóng tại Thượng Hải và gần miền đó có tới hơn 90 ngàn người, như vậy mà nói hòa bình chi?
Nghe chừng như trong chánh phủ Lạc Dương có một phe muốn hòa với Nhựt cho rồi, hình như có ý chịu lập với Nhựt một cái điều ước mà điều ước ấy thì bên Tàu có phần thua sút.
Tuy vậy chớ phần đông người Tàu không chịu đâu. Hiện mấy tuần lễ nay họ đã mở ra một hội nghị thật lớn, kêu bằng "Cứu quốc liên hội" thì hội nầy đã quyết định trước hết phản đối cái sự nói trên đó. Hôm 20 Mars, mở hội, hơn 50 đại biểu cho các đoàn thể tới dự, họ có quyết nghị mấy điều như sau nầy:
- Đăng báo phản đối phe nào toan ký điều ước hòa với Nhựt Bổn, ấy là làm một việc "táng quyền nhục quốc", nghĩa là mất chủ quyền và nhục cho nước;
- Thông điện cho cả nước phản đối sự chánh phủ hội nghị với bên Nhựt trước khi bên Nhựt rút binh (Thế là chỉ có Nhựt rút binh thì nói chuyện chi mới chịu nói, bằng chưa rút binh thì không chịu nói gì cả);
- Thông điện cho Vạn Quốc hội và Điều tra đoàn của hội ấy, cũng cho nước Mỹ nữa, để tỏ sự kiên quyết, nhứt định không chịu thừa nhận những điều ước táng quyền nhục quốc mà sau nầy nếu chánh phủ Lạc Dương có ký kết cùng Nhựt Bổn.
Hội Cứu quốc nầy có nhiều tay thế lực trong chánh giới dự vào, và cả nước đều hưởng ứng; nghe nói nội bữa khai hội lần đầu mà tốn kém đến những 15 vạn đồng thì đủ biết sự tổ chức và kế hoạch của hội ấy cũng khả quan lắm, chớ không phải là hữu danh vô thiệt đâu. Bởi vậy hiện nay các nước lấy làm chú ý ở hội ấy lắm, và nhứt là người Nhựt coi hội ấy cũng như cái đinh trước con mắt vậy.
Đại thế quân Nhựt ở Thượng Hải và nhân tâm phía nam Trung Quốc thì đương còn hăng hái như vậy, cho nên nói chuyện hòa bình đã không thể được, mà sự chiến tranh lại như sẵn sàng chỉ chưa biết nó lại phát ra ở ngày nào đó thôi.
Còn phía bắc Trung Quốc thì nước Mãn Châu tuy thành lập rồi, Mã Chiếm Sơn tuy đầu Nhựt rồi, mà còn có Nghĩa dõng quân coi cũng lẫy lừng lắm, người Nhựt cũng khó mà ở yên với họ được.
Theo điện tín thì trước sau ngày 20 Mars ở các miền như Du Quan và Cẩm Tây, Nghĩa dõng quân đều có đánh với quân Nhựt luôn. Theo báo Tàu thì cứ nói thắng Nhựt luôn, song không chắc, chỉ chắc là có đánh chớ không phải "bất để kháng" như trước kia đâu.
Có một tờ báo Tàu nói rằng hiện nay kể các đạo binh của Tàu từ Bắc tới Nam cọng là một trăm vạn cả thảy, lương thực khí giới cũng đủ hết, vậy mà trở cầu hòa và chịu sút thì nhân dân trong nước nhứt định không nghe.
Câu ấy tuy có ít lời mà lý sự sung túc lắm, có lẽ cái gốc chiến tranh ắt là nằm trong đó.
T. R.
Chú thích
- ▲ tháo trúc: chưa rõ nghĩa.