Con xâu đổ đầu nồi canh

Con xâu đổ đầu nồi canh[1]
của Nguyễn Văn Vĩnh

Bài đăng trên Đông Dương tạp chí, số 21 trang 8.

Làm kiếp đàn bà ở nước Nam ta này, nghĩ thực là khó. Chẳng những là mình phải ăn ở cho có đức hạnh, cho trinh–bạch, chẳng chút tai tiếng gì, thì mới nên được phận nọ kia, mà lại còn giữ làm sao cho trong một nhà mình, từ chị em cho đến cô dì, không ai có tai tiếng, thì thân mình mới vẻ vang.

Trong một nhà mấy chị em, mà lỡ phải một người, hoặc dở dang, hoặc dại nết, hư tính chơi bời, thì bao nhiêu con gái cũng hỏng cả. Cũng có khi là vì bất nết xấu mà hư đều, cũng có khi là vì thiên–hạ cứ nệ, muốn lấy em mà lại chê chị nó giang–hồ đĩ–thõa, mà không lấy. Cho nên ế muộn, quá lứa lỡ thời, thì cũng theo nốt cho xong đời.

Chị hư em cũng hư theo, lại còn vì một nghĩa nữa. Là cha mẹ phải một người con hư, thì cũng mang tiếng với đời rằng dạy dỗ chẳng ra gì, hoặc là hám lợi tham tài mà để con ra ngoài vòng nề–nếp. Dẫu còn bao nhiêu con gái khác, giữ được trọn–vẹn đứng–đắn, cũng không chuộc lại được cái tiếng đã để hỏng một người. Mà hỏng một, hỏng hai hay hỏng cả, xấu mặt với đời cũng đến thế mà thôi. Cho nên nghĩ đến câu: gió chiều nào che chiều ấy. Thôi thì con người ta bà Tham bà Thượng, cũng cụ Cố, mà con mình me Phó me Ba, cũng cụ Cố theo nghĩa mới, chớ sao.

Thế mới biết cái nghĩa gia– tộc cuả người nước Nam mình thực nặng. Làm thân con gái, chẳng những chất bằng phỉ phong, mà lại còn phải trông mong từng giờ từng phút đàn em dại, lại còn phải tùy cái kiên–nhẫn cuả hai đứng thân. Người lỡ ra mà hiểu lầm cái danh–phận một chút thì hại ta một đời.

Nghĩ đến như vậy, thì ai nhờ được cha mẹ khéo chịu cháo rau mà giữ được thói nhà băng tuyết thì ơn ấy nên coi tầy giời biển, mà lại nên qúi mến chị em vô cùng, vì đã cùng ta giữ được danh thơm cho cha mẹ, cho chị em được nhờ đó mà có nơi nương gửi chiếc thân được vẻ vang no ấm.

Nhưng mà cũng lại nên thương những kẻ làm thân con gái một lòng muốn giữ phẩm–gía cho lành, mà chẳng may có chị hoặc em hư dại, đến nỗi thân mình cũng hóa rẻ lây chẳng ai cầu đến; mắt người ta nhìn vào, cũng chỉ nhìn thấy môi son má phấn một thời mà thôi, chẳng ai hòng việc trăm năm đời kiếp vời mình.

Mà chẳng biết nên oán cái phong–tục bó–buộc, làm cho kẻ ăn mặn người khát nước lây; hay là nên khen cái lý tưởng hay, khéo đem giây ràng buộc con cái một nhà, để cho chị ngã đã có em nâng.

Ân oán xem ra tùy cảnh. Ai vì đó mà thiệt thòi, thì cho làm điều hủ–lậu nên lập tức cải– lương. Ai nhờ đó mà vẻ vang hơn người, thì lấy làm luân–lý hay nên giữ làm đạo học thiên–cổ phải theo cuả dân An–nam ta. Nhưng mà kể phong tục thì đường nào giữ được cho luân–lý một nước nên hay, gia–tộc cho bền chặt thì là đường nên theo. Chữ tình nên nặng hơn chữ lý. Em nghĩ vậy chẳng biết có phải không?

Đào Thị Loan[2]

   




Chú thích

  1. Câu tục ngữ này nghe thấy thiên hạ đọc nhiều cách. Hai tiếng đổ đầu khi hóa ra bỏ đầu, khi hóa ra làm rầu, làm sầu, làm ngầu, làm hỏng, nhưng thường hay nói con xâu đổ đầu nồi canh. Hai tiếng ấy em chưa biết giải nghĩa thế nào cho thông, chỉ hiểu ý mà thôi
  2. Đào Thị Loan là một trong các bút hiệu của cụ Nguyễn Văn Vĩnh