Ăn Tết rồi, Thượng Tứ cũng lẩn quẩn trên chợ Mỹ Tho, chớ không chịu về bên vợ, không chịu ở nhà, mà cũng không muốn đi chơi đến xứ nào khác. Chẳng phải Mỹ Tho có thắng cảnh hay là có cuộc vui gì đến nỗi cậu mê mết không thể nới chưn ra khỏi được. Cậu đến Mỹ Tho là tại Mỹ Tho có cô Hai Hẩu, cũng như cây kim địa bàn cứ xây (xoay) về hướng bắc là tại tánh chất cục đá nam châm gắn nơi đầu cây kim phải ngó hướng bắc mà thôi. Ví như trong lúc nầy mà ông Giáo Chuột dời nhà xuống ở Mỹ Hội, thì có lẽ cậu trở về Mỹ Hội chớ không lên Mỹ Tho làm gì.

Một buổu chiều, Thượng Tứ chạy xe đi chơi một vòng ngang nhà cô Hai Hẩu, rồi cậu trở về nhà hàng ngồi uống rượu cầm chừng mà chờ thầy thông Hàng. Có một đứa nhỏ ôm nhựt trình đi bán, nó ghé lại bàn cậu ngồi mà mời: “Mua nhựt trình, thầy. Nhựt trình bữa nay hay lắm!”. Cậu vì cái tiếng “thầy” nên móc túi quăng ra một cắc bạc mà lấy một tờ nhựt trình. Cậu mở nhựt trình ra, lật qua lật lại, thấy có hai chữ lớn “Hỉ tín”, cậu bèn đọc như vầy:

“Bổn báo lấy làm vui mừng mà nghe tin M. Ngô Thừa Kế, phó lục sự Tòa sơ Sài Gòn là anh em bạn học của bổn báo Tổng lý, ngày 25 tháng giêng nầy sẽ làm lễ giao duyên cùng cô Trương Thị Hẩu, là ái nữ của ông Trương Văn Chuột, cựu giáo sư ở Mỹ Tho.

Bổn báo cầu chúc cho Ngô-Trương hai họ sắc cầm hảo hiệp, nối tóc trăm năm”.

Thượng Tứ đọc bài ấy rồi thì mặt mày tái lét, cặp mắt chóa lòa, mồ hôi dầm dề, tay chơn bủn rủn. Cậu ngồi không được nên buông tờ nhựt trình trên bàn mà đứng dậy, đụng bàn ngã ly rượu, ly bể, rượu chảy ướt gạch. Thằng bồi lật đật chạy lại, một tay lấy tờ nhựt trình, một tay lượm miểng ly bể. Thượng Tứ châu mày, chống nạnh đứng mà ngó.

Thầy thông Hàng ở ngoài bước vô, miệng cười ngỏn ngoản, vỗ vai Thượng Tứ mà hỏi rằng: “Giận ai mà đổ rượu đập ly đó?”

Thượng Tứ xụ mặt, bước lại giựt tờ nhự trình trên tay thằng bồi và đưa cho thầy thông Hằng và chỉ bài “Hỉ tín” mà nói rằng: “Thầy đọc thì biết cái gì vậy hử?”.

Thầy thông Hằng đứng đọc dứt bài rồi thầy kéo ghế mà ngồi, tay xếp tờ nhựt trình lại rất kỹ lưỡng, miệng thầy nói chẩm rãi rằng: “Cái gì mà kỳ vậy kìa! Cổ đã hứa với cậu chắc chắn quá, mà sao bây giờ lại lấy chồng. Bụng đàn bà con gái thiệt khó do!”.

Thượng Tứ châu mày xụ mặt, đi qua đi lại, giày khua cồm cộp trên gạch, rồi cậu giựt tờ nhựt trình xếp bỏ túi và nói rằng: “Đồ khốn nạn, đồ vô hậu, nó muốn như vậy để rồi nó coi”.

Thầy thông ngó cậu lom lom mà hỏi rằng:

- Cậu tính sao bây giờ?

- Tôi lên Sài Gòn tôi mướn nhựt trình ấn hành bức thơ nó gởi cho tôi đó, làm nó mang xấu cho biết chừng.

- Cậu chẳng nên nóng nảy lắm. Nó có tiền, mà bây giờ nó lấy chồng thông thạo luật nữa; thủng thẳng mà tính, chớ làm bất tử nó kiện thể diện mình mang khốn.

- Tôi nói bông lông, chớ tôi nói chỉ danh nó làm chi mà sợ nó kiện.

- Nếu cậu nói bông lông thì làm sao cho nó mang xấu được?

- Vậy bây giờ làm sao?

- Tôi biểu để thủng thẳng rồi sẽ tính.

- Còn bốn năm bữa nữa chồng cưới nó, thủng thẳng cái gì …Nầy tôi tính như vầy: tôi đem cái thơ tôi mướn thợ chụp hình họ chụp lại rồi tôi gởi theo kiểu thơ phạt cho thằng chồng nó một cái đọc chơi. Hễ chồng nó đọc thơ, mà thấy trong nhựt trình nói nữa, thì tự nhiên nó hiểu. Làm như vậy được hay không?

- Không được. Cậu làm vậy thì cậu bị kiện thể diện liền.

- Nó có biết tôi đâu mà kiện.

- Nó kiện nhà nhựt trình thì lòi cậu ra chớ gì.

- Tôi dặn trước nhà nhựt trình đừng chỉ tôi.

- Trời ơi! Cậu nói chuyện nghe dễ như chơi. Cậu ấn hành một bức thơ quan hệ như vậy, làm phạm danh giá một con người gái nhà giàu mà lại là vợ một ông phó lục sự, nếu cậu không lãnh trách nhậm thì nhà nhựt trình nào dám in.

- Tôi chịu tiền cho họ.

- Giỏi lắm cậu chịu một vài trăm đồng bạc, rồi người ta bị kiện thường thể diện một đôi muôn, chết người ta còn gì.

- Thì nó viết thơ cho tôi, nó thề thốt sẽ làm vợ chồng với tôi, bây giờ nó lấy chồng khác, tôi in thơ cho thiên hạ biết cái thói vô hậu của nó chơi, nó kiện tôi sao được.

- Nó viết thơ riêng cho cậu, chớ nó có cho phép cậu ấn hành vào nhựt trình đâu. Đã vậy mà nó không có ký tên thiệt, chừng cậu ấn hành vào nhựt trình và cậu nói nó, rồi nó chối cậu mới làm sao?

- Chữ nó viết, bây giờ nó chối sao được.

- Sao cậu biết chắc chữ trong thơ đó là chữ nó viết? Ví như nó mượn ai viết, rồi cậu làm sao? Con Hai Hẩu khôn ngoan lắm, chớ không phải như con gái khác đâu. Nếu nó mới viết thơ cho cậu không đầy một tháng nay, mà nó trở lòng ưng chỗ khác, thì tôi chắc thơ đó không phải chữ nó viết đâu.

- Vậy chớ bây giờ làm sao? Tôi cho nó năm sáu trăm đồng bạc nữ trang để làm kỷ niệm, bây giờ nó đeo đặng cho chồng nó ngắm thì tức tôi quá mà! Tôi giận là giận cái đó, chớ một con đàn bà bội ước bạc tình như nó, tôi không sá gì.

- Thôi, có người ta vô uống rượu nữa kìa, đừng có nói người ta nghe. Để một lát nữa vô nhà tôi, rồi tôi sẽ tính cho cậu.

Thầy thông kêu bồi đem rượu lăng xăng, Thượng Tứ chừ bự, cứ ngó sững ra ngoài đường, không uống rượu, mà cũng không nói chi hết. Thầy thông uống đã rồi mới dắt nhau đi ăn cơm Tây.

Đến 8 giờ tối, thầy thông mới dắt Thượng Tứ về nhà. Thầy lấy bài nhựt trình mà đọc cho vợ nghe, rồi hỏi tại sao cô Hai Hẩu nói như vậy mà bây giờ làm như vậy, và rầy vợ biểu phải lên đòi đồ kỷ niệm lại cho đủ.

Cô thông Hằng nghe rõ đầu đuôi, cô cũng giận lắm, lật đật vô buồng lấy áo đen dài mà bận, lấy khăn lụa trắng vắt vai, tay gài nút áo, chân bước lên xe kéo, miệng nói láp dáp rằng: “Để tôi lên tôi mắng cho nó biết mặt tôi. Nó gạt ai chớ gạt tôi sao được”.

Thượng Tứ với thầy thông Hàng ra đường đi lên đi xuống mà hứng mát đặng đợi cô thông. Gần 10 giờ cô thông mới trở về. Cô ngó thấy chồng thì cô ngừng xe nhảy xuống và móc bạc cắc trả tiền xe và nói rằng: “Tôi nhiếc nó đã đời. Nó khóc dữ. Vô đây, vô nhà tôi nói cho mà nghe”.

Ba người đều đi riết vô nhà. Cô thông bèn thuật rằng: Cô lên nhà ông Giáo Chuột, thấy có một ít người đang lau chùi bàn ghế sửa soạn đám cưới. Cô ngồi chơi một hồi rồi ngắt nhỏ cô Hai Hẩu ra sân, cô hỏi tại sao đã gởi thơ, nhắn miệng, thề thốt giao duyên kết tóc với cậu Tư mà bây giờ lại lấy chồng. Cô Hai Hẩu khóc tấm tức tấm tửi mà nói rằng cô bị ông Giáo gả ép, cô không ưng, ông đòi thắt họng thắt hầu, cực chẳng đã cô phải thuận tùng, nhưng mà cô thề thốt cái tình cô đối với cậu Tư dầu cô chết cũng không phai lạt, nếu kiếp nầy cô không làm vợ cậu Tư được, thì cô nguyện kiếp sau cô sẽ làm thân trâu ngựa mà đền bồi. Cô thông giận nên cô nhiếc một hồi, trách cô bạc tình bội ước. Cô Hai Hẩu khóc lóc năn nỉ xin thương giùm phận cô, nếu được tình thì mất hiếu, nếu được hiếu thì mất tình, bây giờ cô như người không hồn, bởi vậy cô xin cậu Tư đừng phiền cô tôi nghiệp. Cô thông lại nói cô có đòi đồ kỷ niệm lại, thì Hai Hẩu nhắn lời xin cậu Tư để cho cô giữ mà làm dấu tích, bữa nào cô buồn cô lấy đồ đó ra xem cũng như thấy cấu Tư vậy.

Cô thông thuật lại, mà lúc cô mắng nhiếc thì cô lên tay trợn mắt, lúc Hai Hẩu khóc than thì cô rỉ rả đau thương, cô làm cho Thượng Tứ tưởng tượng cái cuộc hai cô nói chuyện như thấy trước mắt, bởi vậy cậu động lòng, cậu lấy khăn lau nước mắt, và cậu nói rằng: “Không phải tôi tiếc mấy món đồ. Đồ tôi cho rồi có lẽ nào tôi đòi lại. Tôi tức là tức cô Hai Hẩu lấy chồng mà cổ không cho tôi biết trước … Tôi sợ tôi phải chết. Tôi buồn quá, bây giờ tôi có biết cái gì là vui nữa đâu …”.

Cô thông thấy Thượng Tứ đau đớn vì tình cô bắt động lòng, nên cô nói rằng: “Không phải con Hai Hẩu nó không thương cậu. Tôi biết nó thương lắm chớ, ngặt vì ông Giáp ép quá, phận nó là con, nó cãi cha sao được. Cậu phải nghĩ cái đó mà dung chế cho nó. Ối! Mà con Hai Hẩu cũng không quí gì đó mà tiếc. Để tôi kiếm làm mai cho cậu một chỗ còn lịch sự, còn khôn ngoan bằng mười nó nữa. Chị em bạn của tôi không thiếu gì. Cậu đừng buồn gì hết. Nó vị cha nó, nó không nghĩ đến mình, thứ đồ như vậy mà buồn giống gì”.

Thượng Tứ thở ra mà nói rằng: “Nếu cô Hai Hẩu xa tôi, thì từ rày sấp lên tôi không thèm ngó đàn bà con gái nào nữa hết”. Cậu nói dứt lời rồi đứng dậy cáo từ mà về. Thầy thông Hàng tỏ ý muốn đi chơi với cậu, Cậu lắc đầu nói rằng cậu về Mỹ Hội, cậu không muốn đi chơi nữa.

Thượng Tứ lên xe đi rồi, thầy thông Hàng ngó vợ và cười và nói rằng:

- Năm ngoái cậu Tư có nói với tôi rằng cậu là con nhà giàu, nên phải chơi bời đặng học khôn. Mấy tháng nay tôi cho cậu học được vài bài rồi, không biết cậu có hiểu đặng ghi vào trí hay không.

- Tôi sợ cậu nóng giận, cậu lên nhà ông Giáo cậu làm rầy rồi bể chuyện quá. Té ra êm được cũng khá.

- Dám làm rầy đâu. Nầy, mà mình đừng có đeo đồ đó, rủi cậu ngó thấy thì kỳ lắm đa. Thủng thẳng nguôi ngoai cho cậu quên rồi sẽ đem ra cũng chẳng muộn gì.

- Mình tưởng tôi dại hay sao?

- Không, tôi dặn hờ vậy mà! Cậu hảo mèo lắm. Để ít bữa cậu ngui ngoai, cậu hết nhớ con Hai Hẩu, rồi mình kiếm đứa nào bảnh bảnh mình cột cho cậu. Cái bộ tướng đó hễ rớ chỗ nào thì mê chỗ nấy, dễ cột va[1] lắm.

- Mình để đó cho tôi. Tôi có tính rồi. Để tôi cột con Ba Vĩnh Tường cho cậu chơi.

- Con Ba nào?

- Ậy! Mình không biết đâu. Đừng có hỏi thăm.

- Mình sợ tôi tò mò hay sao mà giấu tôi?

- Biết chừng đâu.

Thầy thông cười rồi đóng cửa đi ngủ.

Người ta móc túi một lần rồi, bây giờ người ta tính lột da nữa, mà tội nghiệp cho Thượng Tứ quá, cậu không hay không biết chi hết. Cậu thất tình vì cô Hai Hẩu, cậu trở về nhà nằm dàu dàu không muốn nói chuyện, mà cũng hết muốn đi chơi nữa. Chớ chi bà Kế hiền biết tâm lý, bà thừa lúc con đương thất chí thất tình, bà khuyên giải mà dắt con trở vào đường phải, thì có lẽ Thượng Tứ ăn năn thương lại vợ nhà, rồi từ biệt mấy cuộc hoang đàng, mà vui thú đầm ấm nhà giàu như thiên hạ. Ngặt vì bà có tiền chớ không có học, bà biết cưng con mà không biết dạy con; đã vậy mà con nó làm quá bụng bà rồi, mấy tháng nay bà giận lẫy tính bỏ phế, bà lo dưỡng bịnh, chớ không muốn nói tới con nữa, bởi vậy con đi bà không cản, con về bà không hỏi, con buồn mặc con, bà không thèm biết tới.

Thượng Tứ nằm nhà buồn bực, cậu mới nhớ tới số nợ cậu vay của ông Giáo Chuột, tháng giêng nầy phải trả vốn và lời một ngàn bốn trăm đồng. Cậu vay 2 ngàn của Xã tri[2], phần thì bị nó chận lời trước, phần thì bị thầy thông Hàng mượn hết ba trăm, phần thì cậu xài bậy bạ, bây giờ còn tám trăm mấy. Số ấy đem mà trả cho ông Giáo Chuột thì không đủ; mà trả rồi còn tiền đâu mà xài.

Cậu lo tính vài bữa rồi cậu năn nỉ với mẹ xin số lúa ruộng hương hỏa đặng bán mà trả nợ. Lúc ấy tá điền đương chở lúa ruộng tới đong nườm nượp. Bà Kế hiền không thiếu gì lúa, nhưng mà bà nghe con nói hai tiếng “trả nợ” thì bà giận quá, bà dằn không được, bà la rầy om sòm. Bà nói: “Mầy ta rập[3] theo phe thằng Chí với con Ngọc thì xuống nhà hai đứa nó mà xin tiền. Lại còn nói xin lúa đặng bán mà trả nợ! Mầy mắc nợ để họ bỏ tù mầy cho mầy biết chừng. Lúa của tao, tao không cho ai hột nào hết”.

Thượng Tứ xụ mặt rùn vai, không thèm nói đi nói lại.

Bà Kế hiền đau vừa mới khá khá, mà bà giận con nữa, bởi vậy đêm ấy bà ngủ không được, phát thổ huyết lại rồi nằm mệt.

Con Mang lật đật chạy rước thầy thuốc cầm huyết được, nhưng mà chứng mệt cũng còn hoài. Lần nầy Thượng Tứ ở nhà, thấy mẹ đau rõ ràng, biết chứng bịnh hiểm nghèo, nên có sắc lo sợ chút đỉnh. Cậu xớ rớ lối cửa buồng với ông thầy thuốc và mấy đứa ở, mà cậu không biết nói một tiếng chi cho mẹ vui lòng. Hễ bà Kế hiền thấy mặt cậu thì bà nói: “Mầy giết tao. Tao biết mà, mầy muốn giết tao cho chết đặng mầy phá sự nghiệp nầy. Tao nghĩ thiệt tao tiếc công tao đẻ mầy quá”.

Thượng Tứ bỏ đi ra ngoài không dám trả lời.

Bà Kế hiền mệt luôn tới ba bữa, thầy thuốc làm hết sức mà không biết phương chi làm cho bà khỏe được.

Thượng Tứ sai thằng Ngộ xuống nhà báo tin cho thầy Ban biện Chí hay. Thầy Ban biện chạy lên thấy mẹ ghẻ bịnh nặng, mới sai người đi cho em rể hay. Cô Ngọc vẫn hờn mẹ ghẻ hoài nên được tin cô không chịu đi thăm. Hương chủ Hậu rầy vợ, nói rằng ai quấy mặc ai, mình không nên lấy quấy mà trả quấy, bởi vậy cô Ba Ngọc mới chịu đi với chồng lên Mỹ Hội.

Cô Ba Ngọc tuy giận, mà lên tới nhà thấy bịnh mẹ ghẻ như vậy thì cô động lòng, nên khuyên anh với chồng đi rước thầy thuốc Tây, hoặc may có cứu được hay không. Bà Kế hiền biết trong mình bịnh nhiều, không thế khỏi chết, bởi vậy bà cản không cho rước thầy thuốc Tây. Bà thấy con ghẻ, con ruột có đủ mặt thì bà khóc mà nói rằng: “Cũng vì thằng Tứ mà tao phải mang bịnh đây; mà cũng tại tao thương nó quá nên mới ra cớ đỗi như vầy. Thằng Hai với con Ba, bước lại gần đây cho dì nói chuyện: Dì gởi thằng Tư lại cho hai con. Hai con ráng thương giùm em; nếu hai con phiền dì, sợ ngày sau nó không có cơm ăn. Tuy nó khác mẹ, song nó cũng một máu một thịt với hai con: Vậy xin hai con dìu dắt giùm nó, chớ nó ngang tàng mà khờ dại lắm …”

Bà Kế hiền nói tới đó rồi bà mệt ngất, không nói được nữa. Cô Ba Ngọc với Thượng Tứ động lòng nên hai người khóc dầm dề.

Thầy Ban biện khuyên rằng: “Xin dì an tâm. Em của tôi, nếu tôi không thương nó thì thương ai. Dì còn thì tôi phải để cho dì dạy dỗ nó. Nếu rủi dì theo ông theo bà, thì tôi là lớn, tôi phải bảo bọc nó chớ sao. Dì uống thuốc cho mau mạnh, đừng lo việc chi hết”.

Bà Kế hiền tỏ ý muốn thấy mặc con dâu. Cô Ba Ngọc lật đật sai người ngồi xe qua chợ Ông Văn cho vợ chồng ông Hội đồng Thưởng hay và xin rước cô Ba Mạnh.

Bà Hội đồng Thưởng đi với con gái qua liền. Bà Kế hiền thấy mặt dâu thì bà khóc. Bà kêu Thượng Tứ lại gần mà nói rằng: “Vợ con đáng lắm. Con phải thương nó. Lời má khuyên con đây là lời chót. Con phải nghe má, đừng có cãi”.

Hai vợ chồng Thượng Tứ khóc hết.

Bà Kế hiền tắt hơi!...

   




Chú thích

  1. (giọng Triều Châu: i-a) nó, anh ấy
  2. (Chetty) là tên một giòng họ lớn mà cũng là tên một hiệp hội lớn của Ấn Độ. Chà Chetty hay Chà Xã tri ở Việt Nam là những người Ấn Độ nổi tiếng cho vay ăn lời cắt cổ
  3. Toa rập