Chuyện thế gian/Quyển thứ nhất/Một người lạ mặt/IV

IV

Người lạ mặt vẫn kể chuyện rằng:

« Sòng bạc của võ-sĩ Minh-na bỗng dưng thấy đóng cửa, ai nấy đều lấy làm ngạc-nhiên. Không cứ thế mà thôi, cũng không ai còn gặp mặt võ-sĩ nữa. Ấy vì thế mà sinh ra lắm chuyện bịa-đặt rất là nhảm-nhí. Võ-sĩ lánh đám đông người, cứ lủi-thủi một mình đi chơi chỗ vắng-vẻ: Cái ái-tình của võ-sĩ đã tỏ ra một cách thơ-thẩn âu-sầu vậy. Một hôm, võ-sĩ đang thẫn-thờ ở một con đường sầm-uất tại Man-mai-sông, bỗng gặp cha con lão Viễn-toa đi tới.

« An-gĩ-la trước yên-trí rằng hễ trông thấy võ-sĩ là khinh bỉ thậm tệ, nhưng nay thấy chàng xanh-xao gầy-gò, người run như cầy-sấy đứng trước mặt mình, không giám ngẩng mặt lên trông mình, vì vậy nàng cũng phải cảm-động một cách đặc-biệt. Vả chăng nàng lại biết rằng từ đêm nàng trông thấy chàng đó, chàng đã đổi hết cách sinh-nhai đi rồi. Ấy chỉ có một mình nàng đã khiến chàng cải ác vi thiện như thế, ấy cũng chỉ vì có một mình nàng, nàng đã cứu được võ-sĩ khỏi phải khốn-nạn vậy. Nàng nghĩ tới cái sức ảnh-hưởng lớn-lao của nàng ấy, sao nàng lại không thể có một chút đắc-trí được! Vì vậy, sau khi lão già cùng võ-sỉ chào hỏi lẫn nhau rồi, thì nàng cũng tỏ ý phàn-nàn vì nỗi thấy chàng kém bề khang kiện.

« Những lời của An-gĩ-la nói, thực là một vị thuốc công-hiệu lạ-lùng! Võ sĩ ngẩng đầu lên, thế nào bao nhiêu những cái tài-hoa, những cái duyên thầm xưa kia, nó đã từng làm cho võ-sĩ được mọi người yêu vì quyến-luyến, nay võ-sĩ lại thấy có được cả. Đến sau, chuyện-trò một lát, lão Viễn-Toa hỏi:

— Võ-sĩ bao giờ mới đến lĩnh nhà lão bị thua mấy bữa trước?

« Võ-sĩ đáp:

— Mai tôi sẽ tới, lão ạ! Nhưng phải để cho đôi ta làm văn-tự cho chín đả, dẫu có lâu-lai mấy tháng cũng được nhé!

Viễn-Toa đáp:

— Được rồi!

« Sáng hôm sau, quả võ-sĩ đến thật. Võ-sĩ cứ đi lại luôn-luôn tại đó. Càng ngày, An-gĩ-la tiếp-đãi võ-sĩ càng lấy làm thú-vị. Võ-sĩ coi nàng như phật cứu-khổ cứu-nạn cho mình. Sau chàng khéo lấy lòng nàng đến nỗi nàng phải hứa kết tóc se tơ cùng chàng. Lão Viễn-Toa thấy lại lấy lại được những của mất khi trước thì xiết nỗi mừng-rỡ..!

« Một bữa, An-gĩ-la tức đã là người đính-hôn của võ-sĩ rồi, ngồi tựa cửa sổ tơ-tưởng những tình nọ, những ngãi kia, thực là hi-vọng chứa-chan. Những cô con gái sắp lấy chồng, ai chẳng có sự nghĩ-ngợi đó. Đang lúc ấy, ở ngoài đường có một toán quân theo dịp kèn mà đi sang I-pha-nho. An-gĩ-la đang mải nhìn những hạng anh-hùng đó đi liều mạng ở nơi chiến-trường, thì bỗng có viên võ-tướng trẻ tuổi kìm cương ngựa lại, ngẩng mắt nhìn nàng. Nàng trông thấy ngã phịch người xuống ghế, bất-tỉnh nhân-sự.

« Viên trẻ-tuổi ấy chẳng qua là con trai một người láng-giềng. Vốn gã này với An-gĩ-la cùng một người nuôi-nấng từ khi còn nhỏ, gã tên là Duy-văn-Lê, gã vẫn thường sang thăm nàng, song từ khi nhà nàng có võ-sĩ tới luôn thì gã không hề lai-vãng nữa.

« An-gĩ-la không cứ thấy ở sự trông của gã kia như có những câu trách-mắng về nỗi gã đã quá yêu nàng mà thôi đâu, nàng lại còn nhớ ra rằng chính nàng cũng yêu gã hết lòng, hết sức, song chỉ vì nàng thấy những tài-hoa của võ-sĩ hóa mờ cả mắt, quên cả bạn cũ... Mãi đến giờ, nàng mới biết cái tấm lòng dản-dị và thực-thà của gã, nàng mới thấy gã đau-đớn sầu-thảm vì nàng, nàng mới biết tấm can-tràng của gã cảm-động đến đâu, trong những khi nàng thấy mặt gã cùng những lúc nàng nghe tiếng gã ấy.

« Nàng tự-nghĩ rằng: Thôi, trễ quá rồi! Chàng đã vì ta mà đi tự-tận đó. Tuy vậy, nàng vẫn còn đủ can-đảm để chấn sự đau-đớn ấy đi; vì thế mà qua lúc đó rồi, nàng lại bình-tĩnh như không. Còn phần gã nọ cũng không phải gã trông nàng mà gã không biết cái tâm-lý nàng trong lúc ấy đâu! Gã biết được những sự gì mặc lòng, song chắc gã không thể biết được một sự bí-mật mà nàng dấu gã đấy nhỉ! Sự ấy là sự nàng cưới võ-sĩ cho mau đi, và cho sang-trọng lịch-sự vào vậy.

« Võ-sĩ âu-yếm An-gĩ-la một cách thực là trân-trọng, nàng hơi muốn gì, chàng cũng có ngay. Vì chàng kính-yêu nàng như vậy, thành ra ở trong óc nàng, cái bức ảnh Duy-văn-Lê kia cũng bị xóa đi mất. Duy có một sự như cái đám mây che mờ cái hạnh-phúc của nàng; sự ấy tức là sự ốm và sự chết của lão Viễn-Toa.

« Từ bữa lão thua hết gia-tài về tay võ-sĩ, lão không hề mơ tới con bạc nữa, song tới khi hấp-hối, sự đánh bài hình như chứa đầy cả trong linh-hồn lão. Trong khi ông cố đang đem những sự thiên-đường mà khuyên-giải lão thì lão cứ nhắm mắt, lẩm-bẩm trong miệng những tiếng « Được! Thua! », đưa đi, đẩy lại những bàn tay run lập-cập như người chia bài vơ bạc vậy. An-gĩ-la cùng võ-sĩ quỳ ở dưới chân giường, đã dùng hết những cái tên êm-ái để gọi, để tỉnh-ngộ cho lão, song cũng vô-ích, lão không biết con gái, con rể là ai nữa. Lão mừng kêu lên một tiếng « Được! » rồi tắt hơi.

« An-gĩ-la tuy trong lúc đau-đớn ấy, cũng không khỏi nghĩ đến cái kết-cục gớm-ghê của con nhà bạc. Nàng thấy cha nàng chết một cách thảm-hại như vậy thì cái ảnh-tượng đêm hôm mà nàng gặp võ-sĩ lần thứ nhất, thấy võ-sĩ tỏ ra một người làng chơi rất ham-mê, rất tàn-nhẫn như thế, lại hiển-hiện vào trong óc nàng một cách rõ-rệt ghê-gớm. Vì vậy, nàng e rằng thế nào chẳng có lúc võ-sĩ chụt cái lốt đạo-đức mà phô cái mình quỉ-quái ra.

« Nàng nghĩ thế cũng không phải là nghĩ nhầm vậy.

« Võ-sĩ tuy thấy lão Viễn-Toa đến khi chết vẫn còn ham-mê cờ-bạc thì cũng rất lấy làm kinh-khủng; song chẳng bao lâu cái thần cờ bạc lại lảng-vảng ở trước mặt võ-sĩ, khiến cho võ-sĩ lại thấy mình đêm đêm ngồi ở sòng bạc mà thu tiền rừng bạc bể.

« An-gĩ-la cứ càng ngày càng nhớ tới cái đời thảm hại của võ-sĩ khi xưa, lại càng không thấy một chút vui gì với võ-sĩ nữa. Võ-sĩ thấy vợ buồn, ngỡ là vợ buồn vì cái sự bí-mật mà vợ không nói cho mình biết khi trước đó chăng? Sự nghi-ngờ đó sinh ra khó chịu, phát-lộ cả ra lời ăn tiếng nói, làm cho nàng lại sực nhớ tới Duy-văn-Lê thuở trước. Tuy vậy mặc lòng, cái ái-tình của nàng đối với Duy-văn-Lê đã tắt ngay từ khi gã chúc cho vợ chồng nàng được bách-niên dai-lão rồi. Cách vợ chồng đối-đãi nhau như thế, cứ dần-dần khó chịu mãi lên, thành ra võ-sĩ lấy sự ăn-ở tịch-mịch làm buồn-bực vô-vị, lại có ý muốn ra ở nơi đô-hội phồn-hoa.

« Võ-sĩ lại gặp một người hồ-lỳ của mình khi trước, người ấy không nể một lẽ gì để đánh đổ cái thú gia-đình của võ-sĩ; thế là võ-sĩ lại quyết bước chân vào con đường đê-mạt từ đấy. Võ-sĩ không biết rằng mình ăn-ở như thế là làm phí cả một cái đời xuân-xanh của người đàn-bà mà cái đời xuân-xanh ấy cũng chỉ vì võ-sĩ mà còn sống thừa đó thôi. Chẳng bao lâu, sòng bạc võ-sĩ Minh-na lại mở lên, to tát và rực-rỡ hơn trước.

« Ngôi Phúc-tinh vẫn không rời võ-sĩ, biết bao người khốn-nạn đã bị đảo-điên về tay võ-sĩ. Vàng bạc cứ ở tứ-phương đổ lại bàn của võ-sĩ. Cái thú cầm-sắt của An-gĩ-la, nào có ngờ đâu là một giấc mộng vắn quá, đến nỗi chưa được mấy đã thành nên cái bi-kịch gớm-ghê sau này! Võ-sĩ đối với nàng, thực là rửng-rưng, thực là khinh-khỉnh. Thường khi hàng tuần lễ, hàng tháng trời, võ-sĩ không nhìn đến mặt nàng. Võ-sĩ phó-thác cả việc gia-đình cho một tên quản-gia già; người tôi kẻ tớ cứ vì võ-sĩ mà phải thay đổi, ra vào luôn luôn. An-gĩ-la ở trong nhà chồng mà hình như người khách lạ, chẳng biết trông vào đâu lấy sự giải muộn nữa! Nhiều khi, suốt đêm nàng không nhắm mắt, nàng nghe thấy tiếng xe ngựa võ-sĩ về, nàng nghe thấy tiếng khiêng hòm bạc về, nàng nghe thấy tiếng võ-sĩ gắt-gỏng với người nhà, sau nàng lại nghe thấy cửa đóng sầm lại một tiếng thật to, tức thì nước mắt nàng giòng-giòng chảy ra. Cũng có khi, đang cơn thất-vọng, nàng đọc đến tên Duy-văn-Lê, rồi nàng lại kêu cầu trời đất sớm triệt cho nàng một cái đời cực-khổ thảm-hại ấy.

« Đã có một lần, một người trẻ tuổi giòng-giõi qúy-phái, đánh thua hết tiền, liền rút súng lục ra tự-tử ngay ở trong buồng võ-sĩ chứa bạc. Máu-me và óc-tủy của hắn bắn vung lên mặt khách làng chơi, ai nấy kinh-khủng chạy hết. Duy có một mình võ-sĩ là cứ điềm-nhiên ngồi đó, rồi lại lạnh-lùng mà hỏi mọi người rằng cớ sao canh bạc chưa tới giờ nghỉ, họ đã vì một đứa điên-dại không có tư-cách ở chốn làng chơi, mà tản-mác lủi về hết thế?

« Sự đó sinh ra một mối cảm-giác lạ-lùng. Đến cả những tay bạc tàn-nhẫn thượng-hạng cũng phải khó chịu về cái tính-hạnh tồi-tệ của võ-sĩ. Họ cùng đổ lại mắng nhiếc võ-sĩ. Tòa cảnh-sát bèn bắt sòng bạc của võ-sĩ phải đóng cửa. Lắm người nghi võ-sĩ đánh bạc gian-lậu. Võ-sĩ đánh bạc càng đỏ bao nhiêu thì họ lại càng ngờ-vực võ-sĩ bấy nhiêu. Võ-sĩ không biết làm sao mà gỡ lời vu-oan ấy được, thành ra võ-sĩ bị phạt mất một phần của-cải lớn. Võ-sĩ bị người ta khinh-bỉ, ghét-bỏ; mới quay về nhà, choàng vào lòng vợ. Vợ tuy đã bị võ-sĩ tàn-hại như thế mà nay thấy chồng có ý hối-hận, nghĩ đến cha mình khi xưa chừa được đánh bạc thì có một tí hi-vọng bựt ra, bèn ôm-ấp võ-sĩ một cách âu-yếm.

« Võ-sĩ bỏ đất Ba-Lê, cùng với vợ trở về nơi quê cha đất tổ vợ.

« Võ-sĩ ở lảnh đấy được ít lâu, rồi thì cái thú nguy-hiểm kia lại rậy lên ở trong lòng võ-sĩ, hình như có một cái sức gì quái-lạ nó sô đẩy võ-sĩ phải đi ra ngoài vậy. Các tiếng sấu theo-đuổi võ-sĩ từ Ba-Lê đến Giện-Na, võ-sĩ không dám nghĩ tới sự lập sòng bạc nữa, song vẫn có một ý ham-muốn đánh bạc không thể cưỡng bỏ được.

« Đang độ ấy ở Giên-Na có một viên Đại-tá, người Pháp, vì thương-tích được về hưu-trí, chủ-chương một sòng bạc lớn nhất tỉnh. Võ-sĩ vừa ghen-ghét, vừa thèm muốn, bèn đi tới đó, chắc mẩm trong lòng rằng thế nào cũng đánh đổ được viên Đại-tá. Viên Đại-tá tiếp-đãi võ-sĩ một cách rất vui-vẻ, và nói lớn rằng võ-sĩ đã đem ngôi phúc-tinh tới, canh bạc ấy tất có giá-trị.

« Quả thế, mấy ván đầu thì bài của võ-sĩ đánh cũng lợi như mọi khi, nhưng tới khi võ-sĩ tự-đắc phúc-phận lắm, kêu lên rằng: « Sòng bạc đã đi đời chửa?! » thì võ-sỉ thua ngay mất một món tiền rất lớn.

« Viên Đại-tá vốn xưa nay dù thua, dù được, cũng lạnh-lùng như không, thế mà khi bấy giờ vơ tiền của võ-sĩ thì lại tỏ ra ý vui-vẻ sung-sướng lắm. Từ ấy mà đi, thế là ngôi phúc-tinh đã lìa hẳn võ-sĩ.

« Đêm nào, võ-sĩ đánh cũng thua, thua đến nỗi tiền-tài hết xạch, cả cửa nhà còn có vài nghìn đồng bạc giấy. Võ-sĩ phải đi đổi hết ngày để lấy bạc đồng, mãi đến tối mịt mới thấy về nhà. Đến đêm, võ-sĩ rắt tiền vào túi, vừa toan bước ra thì cô An-gĩ-la đứng chận lối. Nàng biết chàng đã mắc phải ma cờ-bạc, nàng ôm choàng lấy gối chàng, tưới xuống chân chàng hằng-hà xa-số là nước mắt và kêu van chàng đừng đi thế nữa, bỏ hết những chủ-định xấu-xa ấy đi, kẻo lại bỏ nàng vào nơi thất-vọng khốn-nạn mất!

« Võ-sĩ nâng nàng dậy, đau-đớn ôm nàng vào ngực, và hậm-hụi bảo nàng rằng:

An-gĩ-la! An-gĩ-la ơi! Ta không thể hứa nàng được điều ấy. Thôi, đến mai, đến mai thì nàng không buồn-rầu chi nữa. Ta xin lấy hết cả những sự gì qúy-trọng nhất mà thề rằng ta đánh bạc lần này là lần cuối-cùng đây! Mình ơi! Mình yên-tâm nhé, mình hãy đi nghỉ mà mơ-màng những sự sung-sướng nhất ở trên đời đi! Vì như thế thì ta đánh bạc sẽ được may đấy.

« Võ-sĩ hôn vợ rồi hấp-tấp bước ra.

« Vừa được hai ván bài, đã thua hết tiền, thế là võ-sĩ mất hết cơ-nghiệp đó.

« Võ-sĩ đứng ngay như gỗ ở bên mình Đại-tá, giương đôi con mắt tròng-trọc nhìn bàn đánh bạc, coi rất thê-thảm.

Đại-tá trang bài đánh ván khác, hỏi võ-sĩ rằng:

— Vậy chớ võ-sĩ không đánh nữa sao?

Võ-sĩ cố làm ra bộ can-đảm, nói rằng:

— Tôi thua hết sạch rồi.

Đại-tá vẫn còn trang bài, miệng hỏi rằng:

— Võ-sĩ không còn chi nữa à?

Võ-sĩ nhìn tròng-trọc cái bàn bạc mà không biết rằng làng chơi được nhà cái chuyến này dữ lắm; võ-sĩ giận run cả mình-mẩy, kêu rằng:

— Tôi là thằng ăn-mày rồi đây.

« Đại-tá vẫn cứ bình-tĩnh ngồi đánh bạc.

— Nghe như võ-sĩ có người vợ đẹp lắm đấy mà!

Đại-tá hỏi câu ấy rất khẽ mà không ngẩng mặt nhìn võ-sĩ, cứ việc trang bài để đánh ván khác.

Võ-sĩ nổi giận, hỏi rằng:

— Thế là Đại-tá muốn nói ý gì đấy?

Đại-tá đang rút bài, quay lại một tý, nói rằng:

— Mười nghìn bạc hay nàng An-gĩ-la đấy! Võ-sĩ ạ.

Võ-sĩ đã hơi tỉnh người lại, thấy Đại-tá cứ mỗi lúc một thưa to mãi lên, gắt rằng:

— Đại-tá điên đó sao?

Đại-tá cầm bài, sắp-sửa xoay lại, se-sẽ nói rằng:

— Hai mươi nghìn bạc vậy!

« Võ-sĩ nín lặng. Đại-tá cứ đánh mãi, cứ thua hoài, con bài rất lợi cho khách bạc, khi bắt-đầu đánh ván khác, võ-sĩ để con « Đầm » lên bàn, ghé vào tai Đại-tá, nói nhỏ rằng:

— Được rồi, hai mươi nghìn đồng bạc!

« Khi mở bài, « Đầm » thua. Võ-sĩ nghiến răng lùi lại mấy bước, tựa vào cửa sổ; sự chết cùng sự thất-vọng chờn-vờn cả ở trên nét mặt.

« Canh bạc tan, Đại-tá tiến lại gần võ-sĩ, lấy giọng chế-nhạo hỏi võ-sĩ:

— Thế nào bây giờ?

Võ-sĩ nói:

— Thế nào à? Ông đã làm cho tôi nên thân hành-khất; chẳng lẽ ông lại vô-lý đến nỗi mong đánh bạc được vợ tôi nữa sao? Ta há có phải ở nơi thuộc-địa đâu? Mà vợ tôi có phải là người nô-bộc để mua bán đắt rẻ được đâu? Nhưng mà, phải, tôi thua ông hai mươi nghìn bạc thật, tôi không có quyền giữ vợ tôi nữa, nhưng vợ tôi nó có ưng-ý theo ông mới được chớ! Ông hãy về nhà với tôi, hễ vợ tôi nó khinh bỏ ông, nó không chịu làm tình-nhân ông thì xin ông đừng hi-vọng nữa!

Đại-tá đáp:

— Ông đừng hi-vọng nữa ấy! Ông ạ. Rồi đấy ông xem! Vợ ông nó sẽ ruồng-rẫy ông, khinh-bỏ ông, vì ông đã làm cho nó khốn-khổ; chớ như tôi đây, nó sẽ sung-sướng và vui-vẻ nhảy vào trong cánh tay tôi. Ông đừng hi-vọng nữa, mà thật đấy! Đến lúc hai chúng tôi thề cùng nhau bách niên dai lão, đến lúc hai chúng tôi đề-huề ăn ở cùng nhau thì ông còn hi-vọng nỗi gì nữa! Ông bảo tôi là vô lương-tâm ư? Ồ! Ồ! Nay tôi chỉ cần được quyền yêu vợ ông thôi, vì cái lòng vợ ông, tôi đã chắc cầm trong tay rồi! Võ-sĩ ơi! Ông phải biết rằng vợ ông yêu tôi lắm, yêu tôi lắm kia! Vợ ông yêu tôi một cách không thể nói ra được, tôi vẫn đã biết thế kia! Ông phải biết rằng chính tôi đây là Duy-văn-Lê đã cùng sinh-trưởng với An-gĩ-la thuở trước đó. Tôi quyến-luyến nàng vì một cái ái-tình nồng-nàn lắm kia! Tôi đây là Duy-văn-Lê mà khi xưa ông dùng lốt đạo-đức để đuổi tôi đi đấy mà! chẳng biết ông còn nhớ không? Nhưng mà, — Chao ôi, — mãi đến lúc cha nàng chết, nàng mới biết cái giá của tôi thế nào thôi. Tôi biết hết. Song, việc đã chễ quá! Thế nào, con ma ác nó sui giục tôi đánh bạc, vì đánh bạc thì sẽ có dịp hại ông. Tôi nhất-quyết xoay ra đánh bạc; tôi theo ông mãi đến Giên-Na, mà nay tôi đã tới mục-đích đây. Thôi, thôi, vợ ông đâu?...

« Võ-sĩ đứng ngây-ngẩn người ra, như hàng trăm nghìn tiếng sét đánh trúng vậy. Cái bí-mật mà võ-sĩ không thể tìm ra được, nay tự-dưng bung ra; võ-sĩ mới biết tường những sự đau-đớn mà võ-sĩ đã làm cho vợ khốn-khổ trong bấy nhiêu lâu. Võ-sĩ hậm-hụi nói rằng:

An-gĩ-la quyết thế mất rồi.

Rồi võ-sĩ theo Đại-tá đi dài bước tới nhà mình.

« Khi đến nơi, Đại-tá đưa tay lên bấm chuông, võ-sĩ đẩy ra mà nói:

— Vợ tôi đang ngủ, ông định làm cho vợ tôi mất giấc đấy ư?

Đại-tá đáp:

— Ôi! Từ ngày An-gĩ-la bị ông sô-đẩy xuống cái hang sâu thăm-thẳm đến giờ thì chẳng đêm nào là ngủ được thành giấc hết!..

« Đại-tá nói xong, vừa muốn bước vào phòng trong thì võ-sĩ lăn xuống, ôm chặt lấy chân, kêu-van một cách thất-vọng rằng:

— Ông thương-hại lấy tôi, ông đã làm tôi phải đi hành-khất rồi, vậy xin ông để lại vợ tôi đó cho tôi.

Đại-tá đáp:

— Ấy, trước kia lão Viễn-Toa cũng qùy lạy trước mặt ông như thế mà chẳng làm cảm-động ông được đấy! Ông thạch-tâm ạ! Để Trời báo-phục lại ông.

« Khi nói xong mấy câu đó, Đại-tá lại tiến đến phòng An-gĩ-la. Võ-sĩ nhảy choàng tới cửa, mở to ra, tiến lại giường vợ nằm, vén diềm màn lên, gọi:

An-gĩ-la! An-gĩ-la!

Võ-sĩ cúi xuống gần nàng, cầm lấy tay, nức-nở nói những câu lảm-nhảm, rồi thét lên một tiếng khiếp-đảm rằng:

— Này, Đại-tá! Ông đã đánh được cái sác vợ tôi đây này!

« Đại-tá đi lại gần, thất-đảm.

Thôi, không còn thoi-thóp gì nữa!

An-gĩ-la chết rồi, chết thật rồi.

« Đại-tá đập tay vào trán, thở ra một tiếng rên dài, rồi đi đâu mất.

Từ đó mà đi, không còn thấy ai nói đến Đại-tá nữa. »

Khi người lạ mặt ấy kể chuyện xong, đứng dậy đi mất.

Nam-tước Xĩ-phiên cảm-động quá, chưa kịp nói với hắn được một lời nào cả.

Ít ngày nữa, thấy người lạ mặt đó chết ở trong buồng. Hắn bị ngộ-cảm chết. Người ta lục các giấy má của hắn thì thấy hắn tự lấy tên là Lỗ-đan-Xông; nhưng chính thật thì hắn là võ-sĩ Minh-Na kia đó.

Thế-gian ca rằng:

An-gĩ-La,
An-gĩ-La,
Võ-sĩ Minh-Na,
Viễn-Toa.
Chồng làm hại vợ,
Con thảm vì cha,
Hồng-nhan bạc mệnh thế ru mà?
Gươn còn đó,
Gần không xa.
Ấy ai người khuê-khổn,
Phu-quân vắng nhà,
Canh khuya tiếng gà.
Chuyện thế-gian,
Cầm xem qua,
Thương người thiên-cổ An-gĩ-La.