Chuyện thế gian/Quyển thứ nhất/Một người lạ mặt/II

II

« Người lạ nói:

« Thưa ngài, võ sĩ Minh-Na cũng nhờ có những tính-nết đặc-biệt như ngài mà được mọi người ngợi-khen yêu-mến. Đàn-bà con gái cũng lắm cô phải lòng võ-sĩ. Nhưng chỉ có một điều khác ngài, là về đường tiền-tài, võ-sĩ thường không được sung-túc như ngài thôi. Nhà võ-sĩ rất thanh bạch, nên võ-sĩ đã phải ăn-tiêu hết sức điều-độ mới có thể bước ra ngoài phố được, mới còn cái vỏ giòng-giõi một nhà quí-phái khoác ngoài được. Võ-sĩ động mất một đồng tiền cỏn con nào, cũng có thiệt-hại đến sự chi-dụng của võ-sĩ, nên võ-sĩ nhất-định không bao giờ đánh bạc. Võ-sĩ nhất-định điều đấy cũng không lấy chi làm khó chịu, là vì võ-sĩ vốn không có tính ưa cách chơi bời say-đám ấy. Vả chăng, việc gì võ-sĩ đã thi-hành là cũng được kết-quả một cách đặc-biệt, sự may-mắn linh-lợi của võ-sĩ đã thành một câu phương-ngôn ở trong cả nước.

« Một đêm, võ-sĩ bỏ mất thói thường, bị quyến dũ đến một nhà chứa bạc. Bao bè-bạn võ-sĩ cùng thi nhau mà mong sự đỏ, đen, may, rủi.

« Võ-sĩ đã không dự gì đến cuộc chơi, lại còn vơ-vẩn nghĩ những sự đâu đâu, thành ra cứ đi ngang-dọc ở trong buồng bạc, thỉnh-thoảng lại liếc mắt nhìn đám làng chơi, thỉnh-thoảng lại cúi đầu trông đống vàng đỏ ối đang đua nhau chạy lại lòng nhà cái.... Thốt-nhiên có một viên Đại-tá già, nhìn thấy võ-sĩ, kêu to lên rằng:

— Quái chửa kìa! Thế ra võ-sĩ đã rắt theo sự may-mắn đến đây đó ư? Thôi. Chúng ta không thể thua được đâu, sô-sát nhau chuyến này. Phải bắt võ-sĩ tự nhận mình về đảng nhà cái, hay về đảng nhà con mới được! Ta không để cho võ-sĩ ngồi không mãi thế đâu! Chốc nữa thế nào cũng phải ké ta ít nhiều mới xong!

« Võ-sĩ đã hết sức từ-chối, nói rằng mình vụng-về, mình chưa từng mó tay đến con bài bao giờ, nhưng viên Đại-tá khăng-khăng một mực ép-nài võ-sĩ, bất-đắc-dĩ võ-sĩ phải bắt buộc mình ngồi vào bàn bạc.

Võ-sĩ đánh bạc hộ viên Đại-tá, khi ấy cũng may-mắn như khi vừa rồi Nam-tước được luôn-luôn vậy. Mỗi một con bài là một cái hạnh-phúc cho võ-sĩ. Chẳng bao lâu viên Đại-tá được một món tiền lớn qua, thế mà chưa biết chán, vẫn còn ra sức lợi-dụng cái ngôi phúc-tinh của võ-sĩ Minh-Na mãi mãi.

« Canh bạc đỏ ấy không cứ khiến cho đám nhà nghề phải ngạc-nhiên mà thôi, lại còn sinh cho võ-sĩ một mối cảm-tình miên-man nữa; nhưng cái cảm-tình cũng chưa mạnh bằng cái lòng ác-cảm của võ-sĩ đối với việc cờ-bạc. Vì vậy, đến sáng sớm hôm sau, võ-sĩ thấy trong mình khó ở vì nỗi suốt đêm qua không ngủ, đầu óc choáng-lộn mỏi-mệt như búa bổ, như dao đâm, thì võ-sĩ quyết rằng: Dẫu sao mặc lòng, cũng không bao giờ lại còn đến nơi cờ-bạc nữa.

« Vả lại võ-sĩ nhận thấy cái thói khốn-nạn của viên Đại-tá trong những lúc hắn cầm bài, thì võ-sĩ càng quyết chí mà khinh cờ bạc một cách thậm-tệ. Viên Đại-tá càng thua càng giục võ-sĩ đánh giúp mình, mà bằng không thế thì ngồi cạnh mình cũng được, là vì nếu võ-sĩ ngồi cạnh như thế, thì cái sự đen của Đại-tá phải sợ mà lảng đi chỗ khác. Ấy cái tâm-lý của phần nhiều con bạc vẫn ưa tin sằng, tin nhảm như thế đó! Sau đến nỗi võ-sĩ không thể từ-chối được, phải nổi giận nói rằng:

— Võ-sĩ chỉ thích đánh võ với hằu, chớ không thích đánh bạc nữa.

« Câu chuyện ấy chẳng mấy chốc mà đi khắp mồm thiên-hạ; họ lại còn đơm-đặt thêm lắm sự kỳ-lạ lắm nữa, chớ có thế mà thôi đâu! Song mà võ-sĩ dù thấy mình may-mắn lạ nhường, cũng nhất-quyết không để một ngón tay lên lá bài; thành ra không ai là không chịu, không phục, không khen, không chuộng cái tính kiên-cố của võ-sĩ.

« Cách đó chừng được một năm, võ-sĩ bỗng thấy món tiền cấp đồng-niên của mình bị ngắc lại, thành ra không có gì nuôi miệng, bất-đắc-dĩ phải đến nhà bạn thân, đem tình cảnh quẫn-bách ra dãi tỏ cùng bạn. Tức-thì bạn giúp cho ngay, nhưng đang lúc bấy giờ bạn coi võ-sĩ như một người kỳ-khôi, một người tự-nhiên ít có.

« Bạn nói: — Cái số-phận thường có một cái dấu đặc-biệt, nó chỉ cho ta biết con đường mà thoát-thân; nhưng ta thường quá khẳng-khái, bướng-bỉnh, thành ra không nhận thấy, cũng không hiểu được những cái dấu-hiệu ấy. Cái thần-lực quái-dị nó chuyển-vận tâm-thần chúng ta, há nó chẳng đã vào tai bác mà bảo bác rằng: Này người kia! Ngươi có muốn được vàng bạc gia-sản không? Nếu ngươi muốn được thì đi mà đánh bạc; bằng không thì đành ngồi bó-gối, chịu nghèo khổ, chịu túng-bấn, chịu luồn-lụy vậy.

« Ấy, mãi tới lúc ấy, cái tư-tưởng về canh-bạc đỏ khi trước mới hiển-hiện một cách mạnh-mẽ vào trong óc võ-sĩ đó. Thôi thì suốt ngày đêm, lúc nào võ-sĩ cũng mơ-tưởng thấy con bài, lá bạc, cũng nghe thấy tiếng nhà cái reo: Được! Thua! Mà tiếng vàng kêu loảng-soảng hình như làm điếc cả hai tai Võ-sĩ vậy.

« Võ-sĩ tự nghĩ rằng: Quả thế, chỉ một đêm như đêm hôm ấy, là ta thoát khỏi ra ngoài vòng khốn-khó, là ta khỏi phải lo buồn về nỗi nhờ-vả bạn-hữu mãi; há chẳng phải cái nghĩa-vụ nó truyền lệnh cho ta phải nghe lời số-phận sai bảo đó ư?

« Người bạn khuyên Võ-sĩ đánh bạc, nay rủ Võ-sĩ đến nhà gá và cho vay hai mươi đồng tiền vàng để thử đỏ đen.

« Ngày trước Võ-sĩ đánh bạc hộ cho viên Đại-tá già may-mắn thế nào thì bây giờ Võ-sĩ đánh cho mình cũng được may-mắn thế. Những tiền của Võ-sĩ được, chất đầy xung-quanh như từng núi của. Thoạt tiên Võ-sĩ tưởng rằng giấc mộng, phải rụi mắt nắm cái bàn bạc, kéo lại gần mình để nhìn cho rõ. Tới khi Võ-sĩ đã biết sự có thực, đã thấy mình lụt ở trong đám của, đã vui-vẻ mà đếm đi, đếm lại những tiền mình đánh được, thì thấy có một cái thú vô-độ nó bao-quát cả tâm-thần. Ấy, mới có một lần đầu, Võ-sĩ thấy mình như vậy; ấy cũng vì thấy sự như vậy mà tấm linh-hồn trong-sạch trong bấy nhiêu lâu của võ-sĩ phút đã đi đời nhà ma hết nhẵn.

« Võ-sĩ chỉ đợi đến đêm để tới nhà gá bạc thôi. Canh nào, Võ-sĩ đánh cũng linh-lợi như thế cả. Võ-sĩ đánh luôn như thế trong một vài tuần lễ, thành ra được một món tiền rất lớn.

« Có hai hạng người đánh bạc:

« Một hạng thì họ chơi bạc để mà chơi, họ chơi bạc không mong để được, nhưng ở trong sự chơi bạc ấy họ được một cái thú bí-mật không thể tả được. Càng những thứ cờ-bạc kỳ-khôi, lại càng thấy những sự tình-cờ liên-tiếp theo-đuổi nhau một cách rất huyền-diệu; có hàng muôn những cái sức vô-hình lũ-lượt kéo nhau bay lượn ở trên đầu ta, khiến cho ta phảng-phất như nghe thấy tiếng cánh vỗ, chim bay, vì thế ta những thèm muốn được lên chốn không trông thấy đó mà đi xem các công sưởng máy-móc cho biết những cái bánh xe số-phận nó xoay-xở, nó chắp-nối những sự tình-cờ của người ta ra làm sao? Tôi có được biết một người đánh bạc, suốt ngày đêm chỉ đánh một mình ở trong buồng riêng thôi. Ấy, con người ấy, cứ theo như ý tôi, mới thực là một con bạc vậy.

« Còn một hạng người nữa thì đánh bạc chỉ thấy sự được bạc ở trước mắt; hạng người này coi sự đánh bạc như một cách dễ và chóng làm nên giầu có. Võ-sĩ cũng ở trong hạng người này, vì thế, võ-sĩ yên-trí rằng cái khuynh-hướng ham-mê cờ bạc một cách xấu-xa nhất là do ở bẩm-tính từng người một, nên hễ ai có cái khuynh-hướng ấy là đã có từ khi mới lọt lòng mẹ ra.

« Võ-sĩ nhân thấy cái vòng người chơi bạc còn chật hẹp quá, bèn đem cái tiền được của mình ra lập một sòng đánh bạc. Cái hạnh-phúc nghĩ cũng trung-thành với Võ-sĩ thật, chưa được bao lâu, Võ-sĩ đã đứng chủ-trương một cái sòng bạc lớn nhất trong thành Ba-Lê. Cách ăn-ở củ-rủ và nóng-nẩy của con nhà bạc đã làm cho Võ-sĩ mất hết các lợi-lộc, hoặc về tinh-thần, hoặc về vật-chất, nghĩa là Võ-sĩ đã mất lòng yêu chuộng và thân-thiết của mọi người khác rồi. Võ-sĩ nay không phải là một người bạn trung-thành, một người Võ-tướng khôn-khéo và vui-vẻ, một người đáng hâm-mộ của bọn nữ-lưu nữa. Cả đến cái trí khuynh-hướng của võ sĩ về bác-vật, về kỹ-thuật cũng đều tắt hết. Ở trên nét mặt xanh-xao và khô-héo của võ-sĩ, ở trong con mắt gườm-gườm và sâu hoắm của võ-sĩ, chỉ còn trông thấy những vết mà sự ham-mê cờ-bạc ghê-gớm kia để lại đó thôi. Không phải là ác-thần Xa-Tăng nhóm sự ham-mê cờ-bạc mà đã nhóm sự đói-khát vàng-bạc ở trong lòng võ-sĩ vậy. Nói tóm lại, muốn vẽ võ-sĩ cho thật hệt thì không gì bằng nói võ-sĩ là một tay chủ sòng bạc đầy-đủ bản-phận, nhất cả cổ kim, đến nỗi chưa từng thấy có như thế bao giờ.