Chuyện giải buồn cuốn sau của Huỳnh Tịnh Của
73. — Quân tử khả khi dĩ kỳ phương

73. — quân tử khả khi dĩ kỳ phương (Nghĩa là có thể mà dổi người quân tử được

Thầy Tử-sản là người nước Trịnh, cũng là môn đệ Đức-phu-tử.

Ngày kia thầy Tử-sản, phát tiền cho đầu bếp đi chợ. Tên đầu bếp đem tiền ra chợ, gặp chúng bạn, rủ đánh lú thua hết.[1] Trở về tay không thì sợ thầy quở, nó bèn kiếm chước nói dối thầy mà rằng: bữa nay tôi ra chợ, tôi thấy họ bán một con cá lớn đại, mập núc, và tròn quay; tôi hỏi giá, họ nói có một quan tiền, chớ mọi lần họ bán cho tới hai ba quan. Tôi nghĩ không mấy khi gặp cá ngon bán rẻ, dốc lòng tìm miếng ngon cho thầy, tôi bèn mua trụm cả quan tiền. Tôi lấy dây xỏ mang con cá mà xách về, gần tới nữa đàng, chẳng dè nó cứng đơ không cục cựa, tôi nhớ sực lời người ta nói: Cá lên khỏi nước cá khô. May vừa đi ngang qua hồ, tôi lật đật đem con cá bỏ xuống nước, họa là nó lấy hơi nước mà sống lại chăng. Hồi tôi mới thả, nó nằm trơ, không máy động; vừa giập bả trầu, nó quậy quậy và ngáp gió; giây phút nó vùng một cái. Tôi vừa thò tay mà bắt lại, nó đã quạt đuôi, lội đi mất. Ấy là tại tôi dại, xin thú thiệt cùng thầy.

Thầy Tử-sản nghe nói bèn vổ tay mà rằng: Đắc kỳ sở tai, đắc kỳ sở tai! (Chỉ nghĩa là chim trời cá nưóc, được thế nó thay, được thế nó thay!)

Thằng đầu bếp ra ngoài, cười thầm, học cùng chúng bạn rằng: Ai gọi thầy Tử-sản là trí! Tiền chợ thầy đưa, tao thua hết, tao kiếm đều nói láo, mà thầy ấy cũng tin ngay. Ai gọi thầy Tử-sản là trí!

Thầy Mạnh-tử giải rằng: quân tử khả khi dỉ lý chi sở hữu, mà bất khả khi dĩ lý chi sở vô. nghĩa là lấy việc có lý mà dối người quân tử cũng được; chí như việc không có lý thì chẳng lẽ dối đặng.

   




Chú thích

  1. Chánh chuyện trong sách nói là cá người ta cho thầy Tử-sản, tên đầu bếp làm thịt mà ăn tươi, rồi kiếm đều nói dối.