Chuyện giải buồn/22
22. — chồn đất thơ thủy.
Ấp Thơ, họ Lý có một cái nhà vườn, xảy có một ông già tới mướn, chịu một năm là năm chục đồng bạc; họ Lý chịu cho mướn, nhưng bỡi lâu ngày không thấy ông già tới ở, bèn biểu đầy tớ cho người khác mướn. Qua ngày mai ông già tới nói: nhà mướn có giá, sao ông còn cho người khác mướn? Họ Lý nói tại ông để lâu, tôi nghi ông không mướn. Ông già nói tôi tính mướn lâu, cho nên để mà coi ngày, nói rồi liền đem năm chục đồng bạc mà giao trước, lại nói: dầu tôi có bỏ không cả năm, ông chớ nói tới. Họ Lý đưa ông già ra về, hỏi chừng nào dọn, ông già nói chừng chừng, cách hơn mười ngày cũng vắng vẻ. Đến khi họ Lý đi thăm nhà, thì cữa đóng chặc, thấy khói nấu ăn, nghe tiếng người ta chào rào mới lấy làm lạ; bèn viết thiếp đi mầng, ông già vội vã rước vào, trò truyện vui vẻ. Họ Lý trở về bèn sai người đem đồ cho, ông già cũng thết đãi cùng cho lại nhiều. Cách ít ngày họ Lý dọn ăn mời ông già, lần lần hỏi tới quê quán, thì ông già nói mình ở bên đất Tần. Họ Lý lấy làm xa xác. Ông già nói đất Tần sẽ mắc nạn to, không khá ở lâu dài, bây giờ coi thì thới bình mà ngày sau chưa biết ra làm sao, có một chỗ nầy là phước địa. Qua ngày sau ông già làm giấy tạ chỗ ở, dọn yến tiệc mời lại họ Lý. Họ Lý thấy màn trướng dọn dẹp sang trọng, thì lấy làm kỳ dị, tưởng là một vì quan lớn. Hai đàng ở với nhau một ngày một thân thiết, ông già mới nói thiệt mình là chồn; họ Lý sửng sốt, gặp ai nói nấy, các kẻ hào mục trong ấp nghe sự lạ, cũng đều tới cữa ông già, xin làm quen. Ai tới, ông già cũng lụm cụm đi tiếp rước, các quan tỉnh cũng thường tới lui. Có một ông huyện sở tại xin tới, ông già cứ kiếm đều từ chối; ông huyện cậy chủ nhà nói giùm, ông già cũng không chịu. Họ Lý hỏi cớ sự làm sao, ông già bèn xít lại gần mà nói nhỏ rằng: ông không biết kiếp trước y là lừa, coi đàng hoàng ở trên đầu trên cổ dân, song quả y uống nước hồ, y cũng say, tôi không phải loài người, tôi cũng không thèm làm quen với y. Họ Lý phải kiếm đều nói tránh rằng: ông già ấy sợ ông thần minh, cho nên không dám ra mặt với ông. Quan huyện tin, không đòi đến nữa; ấy là việc đời Khương-hy năm thứ 11. Chẳng khỏi bao lâu đất Tần mắc việc binh lửa, té ra có một mình con chồn già biết trước.
Sách Dị-sữ bàn rằng: con lừa hình dạng cao lớn, hễ có giận thì đá đạp, hầm hí, con mắt lộ bằng cái chén, hơi thở như bò, tiếng khó nghe, hình cũng khó coi, nếu lấy một bó cỏ mà dỗ, thì nó liền cúi đầu xủ tai, mặc ý người cột trói; người như vậy mà ở trên đầu dân, uống nước hồ cũng say là phải lắm. Kẻ trị dân lấy gương con lừa mà răn mình, lại cầu cho được tiếng khen con chồn, thì sẽ nên người đức hạnh.