Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876

Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876  (1881) 
của Trương Vĩnh Ký

Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876 là tập nhật ký của Trương Vĩnh Ký, viết bằng chữ Quốc ngữ, ghi lại chuyến đi Bắc Kỳ năm 1876 của tác giả, được xuất bản năm 1881. Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của văn học quốc ngữ Việt Nam.

Năm ất hợi (1876), bái trưởng tham biện vừa xong, vùng tính đi ra Bắc chơi một chuyến cho biết. Trong bụng muốn cũng đã lâu; nên xin với quan trên, nhơn dịp chiếc tàu Duchaffaud đi mà đi. Về sắm hòm rương áo quần. Rủ thầy ba Hớn với ông sáu Thìn, nguyên một người ở tỉnh Bắc Ninh, một người ở Sơn Tây mà vào trong Nam Kỳ đã lâu, đi theo trước là cho có bạn, sau nữa là cho họ về thăm quê quán.

Qua ngày 18 tháng chạp đề huề xuống tàu. Sớm mai giờ thứ 9 rưỡi nhổ neo. Vợ con đi đưa, ngồi xe đi rào trên bờ cho đến tàu quày trở rồi ríu ríu chạy xuống đồn Cá Trê, mới về. Xế giờ thứ hai ra cửa Cần Giờ, chỉ mũi chạy ra mũi Né.

TỚI CỬA HÀN

Ngày 21 vô vũng Hàn vừa giờ thứ 5 chiều. Vô đó mà đưa ông Nguyễn Hữu Độ, là quan triều sai vô, lên mà về kinh. Đậu ngủ đó một đêm.

Chạy hai ngày rưỡi nữa, vô thân trong Cát Bà đậu lại đó (ngày 25 hồi giờ thứ 10). Đến giờ thứ nhứt rưỡi qua tàu Aspic mà lên Hải Phòng (đồn Ninh Hải).

TỚI HẢI PHÒNG

Lên bờ đi thăm quan lãnh sự (M. Ture), rồi qua bên kia sông tới nhà trọ nhà chú Khách Wan Sing. Sáng bữa sau lại qua ăn cơm nơi quan lãnh sự, rồi đi thăm các thầy làm việc ở đó cho luôn.

Trở lại, đi theo thuyền ông thương biện Lương quen khi đi sứ ở bên Tàu năm 1863 mà lên tỉnh Hải Dương. 27 tới tỉnh. Vào thành ra mắt quan lớn là ông Phạm Phú Thứ làm Thương chánh đại thần kiêm tổng đốc tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Yên, có quen thuở đi sứ bên Tàu. Người mừng rỡ lắm. Nội ngày cũng tới viếng ông tuần phủ Nguyên Doãn, nguyên trước có quen khi người vô giao hoà lần sau tại Gia Định.

ĐI LÊN HÀ NỘI

Các quan cầm ở lại đó chơi, ăn tết rồi hãy lên Hà Nội. Khi ấy là mùa đông, trời rét lạnh nên ăn ngon cơm lắm. Mấy bữa ấy, hội các quan lớn nhỏ cả tỉnh đủ mặt; khi ăn khi uống chuyện vãn cả đêm cả ngày. Quan đại lại bày làm rạp hát cho ba bữa luôn, coi hát bội cho no, rồi lại hát nhà trò. Vui vầy với nhau thế ấy cho tới mồng 6 tết, chiều giờ thứ nhứt mới lên võng lên cáng mà đi đường bộ lên thành Hà Nội. Trước hết nghỉ chân tại cái chùa kia. Qua cung sau, nghỉ Ngạt Kéo, mặt trời chen lặn tới huyện Cẩm Giàng. Ông huyện tên là Dương Xuân ra rước vô nhà ngủ đó. Sáng, cơm nước rồi giờ thứ 8 từ giã ra đi.

TỚI HÀ NỘI

Từ Cẩm Giàng lên cho tới Hà nội nghỉ bốn chặng:

Quán Cầu Đất (giờ thứ 10).

Tại Đồng Súng (giờ thứ 12 trưa).

Ngã tư Dầu (giờ thứ nhứt rưỡi).

Chợ Bún (giờ thứ 3 rưỡi).

Giờ thứ tư rưỡi chiều ra tới bờ đê, đi trên đường quai xuống mé sông Bồ Đề, mướn đò đưa qua cửa Phố Mới.

Giờ thứ 8 tối tới nhà Hương Công là khách thương Gia Định ra mua hoa chi nha phiến đó.

Ở TẠI THÀNH HÀ NỘI

(Ngày mồng tám tết 1876)

ĐI THĂM LÃNH SỰ

Sáng ngày ra đi thăm ông de Kergaradec làm lãnh sự Lang Sa tại Hà Nội, còn ở đỡ trong trường thi của An Nam. Ra gặp ông điều lộ Lang Sa tên là Jardon cầm ở lại ăn cơm sớm mai đó. Rồi ra khỏi đó, thầy ba Hớn đem vô nhà bá hộ Kim ở hàng xa cừ chơi, đi coi hàng xa cừ một dãy đó là người có đạo cả. Luôn đường lại rủ nhau.

COI CHÙA NGUYỄN ĐĂNG GIAI

Đi coi cảnh chùa ông Nguyễn Đăng Giai lập một bên mép hồ Hoàn Gươm.

Nguyên thuở ông Nguyễn Đăng Giai ngồi tổng đốc tại Hà Nội, người bày ra cho đi thú quyên tiền quan dân mà lập nên kiểng chùa thờ Phật. Làm cũng đã công phu lắm, tốn tiền gạo hết nhiều, nên mới có bài thơ học trò bác chê ông ấy rằng:

Phước đức chi mầy bỏ đi Giai?
Làm cho tổn Bắc lại hao Doài,
Kìa gương Võ Đề còn treo đó,
Ngạ tử Dài thành Phật cứu ai?

Cảnh chùa ấy thật đã nên là tốt: vô cửa hai bên có tháp cao. Vào trong có hồ đi quanh co vòng theo chùa, lại ăn lọt dưới chùa nữa, hai bên mép xây gạch xây đá cả. Cầu bắc tứ phía qua chùa đều cũng xây đá gạch hết hẳn hoi. Xung quanh bốn phía có nhà hành lang chạy dài ra sau giáp nhau.

Trong chùa đàng trước để tượng Phật đứng bàn cả đám, hình lớn to, quang thếp cả. Hai bên sau có làm động và tháp điện, đều bong hình nổi ra hết. Đàng sau có đền, có tạc hình cốt ông Nguyễn Đăng Giai.

Phải chi nhà nước lo tu bổ giữ gìn thì ra một cái kiếng rất xinh rất đẹp. Mà nay thấy chùa thầy sãi ở đó, dở ngói, cay gạch bán lần đi mà ăn, nên hư tệ đi uổng quá.

HỒ HOÀN GƯƠM

Ngoài cửa có cái hồ Hoàn gươm rộng lớn; giữa hồ lại có cái cù lao nho nhỏ có cất cái miễu Ngọc Sơn, cây cối im rợp huyền vũ coi tươi tốt. Nhà thiên hạ, phố xá ở bao lấy miệng hồ.

Hồ nầy ở tại ngoài cửa đông nam tỉnh thành. Người ta truyền rằng: vua Lê Thái Tổ ngự thuyền dạo chơi trong hồ, có con quy lớn nổi lên, vua lấy gươm chỉ nó, nó ngậm gươm nó lặn đi. Có kẻ lại rằng: vua Lê Thái Tổ thuở xưa được gươm thần, ấn thần bèn khi binh, lấy để truyền làm báu đời. Đến đời vua Lê Thánh Tông mất thì gươm ấn ấy đều mất đi. Sau người ta thấy đầu gươm nổi dưới hồ, thò tay lấy, nó lại thụt mất di, nên gọi là hồ Hoàn Gươm

Đời sau lấy chỗ ấy làm chỗ tập binh thuỷ, nên cũng có kêu tên là hồ Thuỷ Quân nữa. Lúc năm Vĩnh Hựu có lập Thoại Cung (Khánh Thoại), đắp gò Đào Tư gò Ngọc Bội mà tượng việc võ công. Sau lập ra hai sở, sở bên bắc kêu là lã vọng hồ, sở bên nam lại kêu là hữu vọng hồ.

Có truyện ngoài lại nói ông Lê Lợi, sau là vua Lê Thái Tổ, thuở hàn vi đi chài dưới hồ ấy mà được cán gươm vàng. Tích nó là làm vầy: Thuở ấy nhà Trần suy di, bị Hồ Quý Ly chiếm ngôi; lại bị nhà Minh bên Tàu qua đánh lấy nước, nói để lập con cháu nhà Trần lại; mà không có làm. Có ông Nguyễn Thuần có chí khí hay cần vương tá quốc, mới đi lên non lên núi mà tìm con cháu dòng tiền Lê, lo lấy nước lại. Đi bơ bơ, tối chun xá vô cái miễu ở dựa mép đường đi mà ngủ. Khuya lại nghe tiếng kêu; ớ anh! Sao chưa sắm sửa đi chầu? Thì nghe tiếng đáp lại rằng: Thôi, anh có đi, thì xin kiếu giùm cho tôi chút; nay tôi có khách; Bãi chầu rồi rẽ có sự gì nói cho tôi hay với. Nguyễn ngủ lại; sáng ra lại nghe tiếng ứng kêu mà nói trên Thiên đình đã định cho Lê Lợi làm vua. Nguyễn dậy mới càng đi tìm sát lắm. Tới chỗ kia gặp Lê Lợi đang cuốc đất làm rẫy. Nguyễn vùng kêu là anh, chào mừng nói là bà con anh em con chú con bác. Ở đó hẩm hút với nhau. Nguyễn ở nhà vỡ đất trồng trặc gặp được cái lưỡi gươm, còn Lê Lợi đi chài dưới hồ Huờn Gươm lại được cái cán, đem về. Nói chuyện với nhau, đem ra rửa lắp lại vừa khít, mà lại là vàng cả. Nguyễn nói điềm làm vua chắc. Lo rèn khí giái, lập binh. Động lại dắt nhau chạy. Tới nơi kia cũng cứ làm rẫy nuôi nhau; Lê Lợi ra đi bụi cắc cớ ngồi trên hai gò mối. Sông rồi thấy dơ, mới lấy chân đạp gò mối mà lấp đi, chẳng ngó được một cục gì nặng vuông vuông, cầm đem về cho Nguyễn. Nguyễn rửa ra coi thì là cái ấn ngọc. Nguyễn mới chắc ý trời đã tới, mới giục Lê Lợi ra khí nghĩ mà đánh Minh.

Tối mắc quan lãnh sự mời ăn cơm, nên liên đường đi chơi, rồi về lãnh sự ăn cơm. Cuối canh hai mới về nhà trọ mà ngủ.

Đức thầy Phước (Mgr. Puginier) thật đã có lòng; cầm ông sáu Thìn với thầy ba Hớn lại ở đó nói chuyện mà chờ khuya lơ khuya lắc. Té ra qua sáng bữa sau mới đi thăm đức thầy được. Người mừng rỡ, hỏi thăm hỏi lom đủ. Rồi cầm ở lại dùng cơm với người, có cố Mĩ (P. Landais) là thầy chính sở Hà Nội và cố Phước (P. Bonfils) là ký Lúc người đồng bàn trò chuyện vui vẻ lắm. Xế qua mới từ tạ các đằng mà về nhà Công ty cũng ở một dãy đó. Mới bàn với nhau kêu thợ may mền lót bông, áo quần dồi bông kẻo trời đông thiên lạnh lẽo lắm.

Bữa sau mồng 10 tháng giêng, còn lẩn quẩn coi những đồ đặt làm ngày chưa ra, và mua đồ vặt, lụa hàng, đũi mẫu tư (Hưng Yên).

Hiệu Huỳnh Lục Ký là chủ hàng Quảng Đông giàu, gởi thiệp mời đi uống rượu với ông Hương Công. Tối về, lại hầu đức thầy. Sáng ra chúa nhựt xem lễ tại nhà đức thầy. Rồi về nhà trọ nghỉ. Đức thầy mói cho cố Mĩ tới thăm thay vì người, vì không phép người đi tới nhà chệch khách mà đi thăm lại.

Giờ thứ nhứt chiều đang nghỉ trưa, vùng có người vào báo rằng: quan tổng đốc Hà Nội Trần Đình Túc ở trong thành ra, đi tiền hô hậu hủng (củng), tới tại nhà Công ty tìm mà thăm.

Bịt khăn mặc áo tiêm tất rước người vô. Ngồi nói chuyện với người cho tới giờ thứ 3, người mới về thành. Ông tổng đốc nầy là người trong Quảng, con nhà trâm anh, làm quan đã nhiều đời, đâu cũng bảy tám đời. Người đã lớn tuổi ngoài 70, mà còn sõi lắm. Tối lại đi lại hầu đức thầy.

Rặng mặt 13 cho ông sáu Thìn đi nua đồ vặt: rương chữ thọ mà đựng đồ; sách vở, giấy mực, đồ cần… Chiều lại, giờ thứ 3 rưỡi, mới đi vô thành mà trả lễ cho quan thượng. Có gặp quan bố tới hầu đó nữa. Tối về, Công ty đãi tiệc rượu có nhà trò một bữa. Khi ấy thầy ba Hớn đã xin tách ra đi về tỉnh Bắc (Bắc Ninh) thăm bà con đi rồi, còn lại có một ông lão Sáu.

Mấy bữa 14, 15, 16, quan thượng mời vô thành ăn cơm với người, rồi cho một ông đội hầu đem đi dạo coi các nơi chơi.

ĐỀN KÍNH THIÊN

Trước hết vô hoàng thành cũ. Lọt khỏi ngũ môn lâu, lên đền Kính Thiên. Đền ấy nền cao lắm, có 9 bậc xây đá Thanh, hai bên có hai con rồng cũng đá lộn đầu xuống. Cột đền lớn trót ôm, tinh những là gỗ liêm cả. Ngó ra đàng sau còn thấy một hai cung điện cũ chỗ vua Lê ở thuở xưa, bây giờ hư tệ còn tích lại đó mà thôi.

CỘT CỜ

Ra ngoài cửa ngũ môn lâu, thẳng ra cửa Nam, có cột cờ cao quá xây bằng gạch, có thang khu ốc trong ruột nó mà lên cho tới trên chót vót. Leo lên thôi đã mỏi chân mỏi cẳng. Ra tại chuồng cu đứng ngó mông, thấy núi non xa gần, ngắm nhìn chót núi Tân Viên. Không dám ngó xuống, vì ngợp lắm. Một bận đi xuống cũng hết hơi.

ĐỀN CÔNG

Đi lại cửa tây ra ngoài thành đi coi đền công. Chỗ ấy huyền vũ có cây cao lớn sum sê rễ nó xỏ xà leo với nhau như rễ, mát mẻ, im rợp quá.

ÔNG THÁNH ĐỒNG ĐEN

Ra cửa ô Bưởi đi coi chùa Trần Võ Quan, tục kêu là ông thánh đồng đen, ở một bên mép hồ Tây. Tượng ấy là tượng ngồi cao lên tới nóc chùa, đúc bằng đồng đen cả. Tóc quăn như đầu Phật; mặt cũng tựa tựa; còn từ cổ sắp cuống thì ra như hình ông thánh Phao Lồ, một tay chống lên trên cán cây gươm chỉ mũi lên trên mu con rùa, một tay thì ngay ngón trỏ mà chỉ lên trời, chân thì đi dép. Có chữ đề mà đã mòn đã lu đi coi không ra.

CHÙA MỘT CỘT

Coi rồi mới ra đi đến xem chùa một cột, là cái miễu cất lên trên đầu cây cột đá lớn trồng giữa ao hồ.

Nguyên tích ai thiết lập ra thì người ta nói mờ ớ, không biết lấy đâu làm chắc cho mấy. Cứ sách sử kí và Đại Nam nhứt thống chí, thì chùa ông thánh đồng đen kêu là Trần Võ Quan Tự, ở về huyện Vĩnh Thuận, phường Đoan Chương đời nhà Lê, năm Vĩnh Trị năm Chánh Hòa, vua Hi Tông (1675) sửa lại đúc tượng đồng đen cao 8 thước 2 tấc, nặng 6600 cân, tay hữu chống trên cây gươm, chỉ mũi trên lưng con rùa, có rắn vấn doanh theo vỏ gươm. Trong sử nói đời Thục vua An Dương Vương bị tinh gà ác và phục quỷ núi Thất Diệu, mà nhờ có thần hiện trên núi Xuân Lôi thuộc về tỉnh Bắc Ninh trừ ma phá quỷ hết đi, thì vua dạy lập miễu phía bên bắc thành vua mà thờ là thần, đặt hiệu là Trần Thiền Chấn Võ Đế Quân.

Thuở Minh Mạng năm thứ 2 vua ngự ra Bắc có ban 50 lượng bạc, lại một cái áo võ tư vàng.

Năm Thiệu Trị thứ 2, vua ngự có ban tiền vàng 1 đồng, áo vàng 1 cái, 1 bài thơ, và 1 đôi liễn nữa.

Còn chùa một cột, thì cũng ở hạt huyện Vĩnh Thuận, làng Thanh Bửu, ở giữa cái hồ vuông, có trụ đá cao trót trượng, yên viên chừng 9 thước, trên đầu có cái miễu ngói chồng lên, như cài hoa sen ở dưới nước ngóc lên. Sử chép rằng: Thuở xưa vua Lý Thái Tông nằm chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi tòa sen dắt vua lên đài. Tỉnh dậy học lại với quần thần, sợ điềm có xấu có hệ chi chăng. Thì thầy chùa thầy sải tâu xin lập ra cái chùa thể ấy, đặng cho các thầy tụng kinh mà cầu diên thọ cho vua, thì vua cho và dạy lập ra.

Qua đời vua Lý Nhân Tông sửa lại, bồi bổ, lập tháp, đào ao, xây thành, làm cầu, tế tự, hễ tháng tư mồng 8 vua ngự ra đó kỳ yên. Lại đúc chuông, mà đúc rồi, chuông đánh không được kêu, nên bỏ ra ngoài Quy Điền. Đời vua Lê Thái Tổ đánh giặc với quan nhà Minh, vây trong thành đông Quan binh khí hết đi ,nên quan Minh lấy mà đúc súng, đúc đạn đi.

HỒ TÂY

Cái hồ Tây ở tại huyện Vĩnh Thuận, phía tây thành Hà Nội; kể châu vi nó được 20 dặm, nước sâu từ 1 thước cho đến một trượng; thuở xưa tên nó kêu là Làng Bạc. Nước trong ve trong vắt như mặt kính vậy. Thường người ta phiêu hàng lụa thì đều dùng nước hồ ấy mà làm. Tục ngoài ấy hay nói: Làm người phải cho cả ý; người nào mang bị là người Tây Hồ; mang bị là mang hàng lụa đi đến đó mà giặt mà xả.

Đời xưa các vua, có làm cung điện mà chơi đó. Như đời vua Lý Nhân Tông ngự thuyền nhỏ đi chơi, mà bị Lê Văn Thạnh làm thuật hóa cọp mà nhát, nhờ Mục Thận vãi chài chụp được… Vua Trần Dũ Tông, khi còn nhỏ đi dạo thuyền té dưới hồ Tây, nhờ có thầy Trâu Canh cứu được cho khỏi chết v.v…

Người ta truyền miệng rằng: có con kim ngưu ở núi Làng Kha chạy nhủi dưới hồ ấy. Rốt đời Cảnh Hưng, nước hồ nó đổi sắc đi, lại nói bên phía đông hồ thường đêm có thấy một con trâu ăn cỏ đó, mà hễ người ta lại gần thì nó hụp xuống hồ mất đi. Cách ít lâu sau, mưa dông sấm chớp luôn cả một đêm, sáng ra thấy dấu trâu ở trong hồ ra mà sang qua sông Nhĩ Hà. Sau tiệt đi không thấy nữa. Xung quanh mép hồ nhà dân sự ở đông. Đã nên là mộït kiểng sơn thuỷ quá vui quá đẹp; phải mà sửa soạn bồi bổ cho hẳn hoi, thì lại càng ra xinh ra đẹp hơn nữa bội phần.

VĂN THÁNH MIẾU

Đó rồi đi coi Văn Thánh miếu ở tại phía tây nam thỉnh thành, tại huyện Thọ Xương, làng Minh Giám, là chỗ thuở đời nhà Lý vua Thánh Tông đi tế tượng thánh Khổng Tử, và 4 vị á thánh, lại 72 sĩ hiền. Sau miễu hai bên tả hữu có bia tấn sĩ tạc đá xanh, dựng lưng quỳ sắp hàng, từ đời kia qua đời nọ nhiều lắm. Đời nhà Trần, nhà Lê cũng nhân đó mà làm luôn. Đời Gia Long có lập thêm cái khuê văn các trong cửa Nghi Môn.

Coi rồi lại lộn về cửa nam, vô coi tàu voi, rồi trở về nhà trọ nghỉ. Tối lại hầu đức thầy.

Rằm quan thượng trong tỉnh cho mời vô thì cơm với người. Người cho đi bắn cò chim về uống rượu, lại hối bà lớn và các cô làm mắm rươi hai ba thứ cho mà ăn thử với thịt kẻo chưa biết.

Người ham hỏi chuyện và nói chuyện lắm, cả ngày coi sách coi vở luôn luôn. Người ăn học lịch lãm đã nên là có công. Hầu quan lớn một buổi, từ giã người ra về Phố Mới. Mua đồ sửa soạn sắp đặt cho sẵn; trả tiền trả bạc đồ mua đồ đặt cho xong đi. Tối cũng lại hầu chuyện đức thầy Phước.

Kế lấy được thơ thầy ba Hớn ở Bắc Ninh mời qua một bữa chơi cho biết xứ. Thì đã lo võng đá đặng sáng bửng tưng ra có đi. Ai ngờ mới mờ mờ đất, trong thành quan thượng cho ra mời vô, vì có ông đại thần dưới Hải Dương lên; nên đi không đặng, phải cho ông sau Thìn thế hành lên cáng tuốt qua Bắc Ninh với thầy ba kẻo trông.

Vừa đâu thấy quân gia kéo đỏ đường vô thành; ấy là quan đại nhập thành. Ở trong thành thăm các quan cho đến trưa mới về được. Xế lại đi xuống trường thi thăm các quan Lang Sa; về nai nịt đồ đạc tính có lo lộn xộn xuống Hải Dương về Hải Phòng mà về Gia Định.

Bữa sau 17 tháng giêng trưa ông sáu Thìn với thầy ba Hớn ở tỉnh Bắc Ninh mới về. Bàn với nhau sự về bữa 19. Vậy nhứt diện kiểm điểm đồ lễ, nhứt diện đi thăm viếng từ tạ các quan tây nam cả. Về nhà Công ty đãi đưa chân một bữa. Chiều lại vô quan thượng *từ mà về, người có cho 4 ông đội với 6 tên lính đi theo đưa xuống tỉnh người Đông.

Rạng mặt 19, đi từ giã đức thầy, các cô, các cụ. Giờ thứ 8 xuống thuyền qua sông Bồ Đề vô ngã sông Giàu, xuống Lục Đầu Giang, sông Thiên Đức. Giờ thứ 4 rưỡi chiều ngày 20 tới tỉnh Hải Dương. Đi ngã ấy có qua cái thác. Tức cười cái mụ đò! Ai nấy lên bờ đi bộ bớt cho nhẹ thuyền; mình với thầy ba Hớn ở lại để coi *hồi xuống thác thể nào cho biết. Thấy nước chảy thật nên gớm! Thuyền gần tới thác, mụ đò thắp nhang, đốt giấy vàng bạc, vái lớn tiếng cách nghiêm trang tề chỉnh. Rồi hai mẹ con ôm chèo kềm lái cho vững để nước tông chiếc thuyền chạy trợt xuống một cái gọn gàng.

Thuyền tới tỉnh đậu lại tại bên Hồ. Sáng ra mới lên thành *và quan đại từ giã các quan, xin lui về Hải Phòng. Ở đó cả ngày *rồi tối các quan cầm ngủ trong thành, tiễn nhà trò một bữa vui lắm *nhà học có đủ mặt các quan.

Đây rồi ta xuống Hải Phòng. Mà ta để đình việc đi một lát, *ta nói về tỉnh Hà Nội và Hải Dương, là hai tỉnh ta đã đi qua cho *biết hành tích địa thế nó ra làm sao mà nghe mà chơi đã, rồi sẽ nói *chuyện đi đứng các chỗ khác.

TỈNH HÀ NỘI

Tỉnh Hà Nội từ D. qua T. 25 dặm, từ N. qua B. 129 dặm1

GIÁP GIẢI

D. chạy tới mép sông Nhĩ Hà, bên kia về tỉnh Bắc Ninh.

T. giáp giải tỉnh Sơn Tây.

N. chạy tới sông Thanh Khuyết, ngang tỉnh Ninh Bình.

B.[1] chạy tới bờ sông Nhĩ Hà, ngang địa phận tỉnh Bắc Ninh.

Từ tỉnh thành lấy vô tới kinh đô (Huế), kẻ được 1104 dặm.

DANH TÍCH

Tỉnh nầy nguyên thuở đầu đời Hùng Vương là bộ Giao Chỉ.

Đời Tần là nước vua An Dương Vương.

Đời nhà Hán, nhà Tuỳ là bộ Giao Chỉ.

"Đường là An Nam đô hộ phủ; đời ấy mới xây Đại La Thành. Đinh phân làm đạo. Tiền Lê phân làm Lộ. Lý lập đô thành tại đó kêu là Nam Kinh, lại vì vua Lý Thái Tổ thấy rồng doanh thuyền ngự, nên đạt tên là Thăng Long thành. Trần đổi tên kêu là Trung Kính. Minh choán lấy mà trị thì kêu là Đông Quan Thành; hậu Lê kêu là Đông Kinh, rồi kêu Trung đô; sau từ Lê Thuận Tông lại kêu là Đông Đô, đối với Tây Đô là Thanh Hoá. Nguỵ Tây Sơn kêu là Bắc Thành. Gia Long làm ra trận, phân đất bắc ra làm Năm trấn trong là: Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây, Kính Bắc, Hải Dương; Còn Tuyên quang, Hưng Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Yên, sáu trấn kêu là Sáu Trấn ngoài, vì có Nùng ở xen. Minh Mạng năm thứ 12 cải làm ra tỉnh; năm thứ 15 cải kêu 13 tỉnh đất bắc là Bắc Kì. Tự Đức năm thứ 5, mới phân tỉnh ra".

TỈNH HÀ NỘI

Có 4 phủ, 15 huyện.

1/. Hoài Đức phủ, D T 19 dặm, N B 40 dặm.

Đời Lê thì kêu là Phụng Thiên phủ

"Hán" Lang Biên huyện,

"Tổâng" Tổng Bình huyện,

Sau gọi là Tổng Bình quận.

Lúc thuộc Minh là Đông Quan huyện. Lê sau kêu là Vĩnh Xương.

Đời Minh Mạng năm thứ 2, lảnh 8 tổng, 115 thôn, phường.

Phủ nầy chia ra làm 2 huyện

1/. Vĩnh Thuận huyện, 5 tổng, 40 thôn, phường, trại.
2/. Từ Liêm huyện, 13 tổng, 82 xã, trang, thôn, sở.
2/. Thường Tín phủ. D T. 20 dặm, N B. 54 dặm. Thành đất, châu vi 203 trượng, 2 thước; cao 7 thước 2 tấc; hào rộng 3 trượng, cửa 3 cái.

Đời Hán về Giao chỉ quận; đời Trần sắp về trước thì là châu Thượng Phước. Minh thì là châu Phước An; hậu Lê kêu là Thường Tín; Minh Mạng năm thứ 12, cho lãnh 3 huyện:

1/. Thượng Phước huyện, 12 tổng, 82 xã, thôn.
2/. Thanh Trì huyện, 12 tổng, 100 xã, thôn, phường, châu.
3/. Phú Xuyên huyện, 11 tổng, 84 xã, thôn.
3/. Ưng Hoà phủ Đ T. 74 dặm, N B. 83 dặm. Thành đất, châu vi 271 trượng, 2 thước, cao 7 thước 2 tấc; hào rộng 2 trượng. 2 thước, 3 cửa.

Đời Hán thuộc Giao Chỉ, đời nhà Lý làm ra Ưng Thiên phủ; Minh cải là Ưng Bình. Tự Đức năm thứ 5 cho lãnh 4 huyện:

1/. Sơn Minh huyện, 8 tổng, 75 xã, thôn.
2/. Hoài An huyện 4 tổng, 50 xã, thôn, phường, sở.
3/. Chương Đức huyện 9 tổng, 69 xã, thôn, trại, sở.
4/. Thanh Oai huyện 12 tổng, 93 xã, thôn.
4/. Lý Nhân phủ, Đ T. cự 56 dặm, N B. 77 dặm. Thành đất rộng 329 trượng, cao 7 thước 2 tấc, hào rộng 5 trượng, có 3 cửa.

Đời Hán thuộc về quận Giao Chỉ, đời nhà Trần sắp về trước là Châu Lợi Nhơn, Minh là phủ Giao Châu; Tự Đức năm thứ 5 cho lãnh 5 huyện:

1/. Kim Bảng huyện 6 tổng, 57 xã, thôn, trang, sở.
2/. Duy Tiên huyện, 6 tổng, 60 xã, thôn, trang.
3/. Thanh Liêm huyên, 8 tổng, 63 xã, thôn, trang.
4/. Nam Xang huyện, 9 tổng, 86 xã, thôn.
5/. Bình Lục huyện, 4 tổng, 37 xã, thôn.

(Thổ sản phủ Lý Nhân ca)

Nam Xang nước lụt lắm ốc nhồi, (lồi)
Kim Bảng lươn bung mới dạo sôi,
Thanh Liên bỏm bẻm nhai trầu quạch,
Bình Lục phì phào hút thuốc hôi,
Duy Tiên thịt thúi ba chiều chợ.

HÌNH THẾ

Hình thể tỉnh Hà Nội tốt lắm. Nó ở chính giữa các tỉnh Bắc Kì. Phía T, phía N có núi non che án; đất bằng đai rộng; bên tả có sông Nhĩ Hà đoanh quanh; bên hữu có sông Hạc Giang chảy. Tỉnh ấy đã hơn tám trăm năm là đất cựu đế đô.

KHÍ HẬU

Tháng giêng mùa xuân phây phay gió đông thổi, trời rét (lạnh). Tháng 2 tháng 3 dịu bớt; tháng 4 tháng 5 thường nắng. Từ tiểu mãn sắp về sau, sông Nhĩ Hà nổi nước; ban đầu mưa nhiều to đám, sau nước đầy hoài làm nên lụt; lúc ấy lo giữ bờ đê bờ quai nhặt lắm.

Thượng tuần tháng 7, mồng 3, mồng 7, mồng 8, mỗi bữa thường có mưa lớn, tục kêu là mưa ngâu (vì so Chức Nữ qua sông Ngân Hà về với sao Kiên Ngưu).

Tháng 9 mồng 9 có mưa thì được mùa, không mưa thì mất mùa.

Có lời ngạn ngữ rằng: Mồng 9 tháng 9 có mưa, thì con đi sớm về trưa mặc lòng; Mồng 9 tháng 9 không mưa, thì con bán cá cày bừa con ăn.

Mùa đông rét lạnh, lại có thứ sương tục kêu là sương muối, hay hại cỏ cây lắm, rét buốt da tay chân, như kim châm.

Câu ví gió đông rằng: gió đông non chui vào đụn rạ; sống là họa, chết đá cầm tay. Nói về thằng đểu hoang, không còn có chi mà che thân mà cự rét, vì: quay đất nó đã quấy anh; quần áo cổ hết một manh chả còn.

Đại để nó là mùa xuân mùa đông thì lạnh nhiều; mà mùa hè mùa thu thì mưa giả. Ruộng sâu thì đông cấy, hè gặt. Từ tháng giêng cho tới tháng 8, để tắm được.

PHONG TỤC

Trong tứ dân đều có chuyên nghề cả, mà nông thì hội hơn. Chốn Thiềng Thị thì công thương tụ, có lộn Ngỏ Khách. Đàn ông còn trai hay ngồi quán ngồi lều trà rượu ăn chơi, còn việc cày cấy thì nhờ đàn bà con gái làm.

Đàn ông ăn mặc cũng thường, diêu áo vấn tới đầu gối, đầu hay đội nón ngựa, bịt khăn đen.

Đàn bà mặc áo có thắt lưng làm bìu (bọc), yếm đỏ, không gài nút nịt, nút vai thả không ra mà thôi, đầu đội nón giàu (ba tầm), lớn gần bàng cái nia, hai bên có hai quai tụi vấn toòng teng, đầu vấn ngang, lấy lượt nhiễu vấn tóc mà khoanh vấn theo đầu. (có một làng Kẻ Lòi có đàn bà bới tóc); Dưới mặc váy, chân đi dép sơn; nước da mịn màng trắng trẻo, má hồng, da ửng, gót son, phốp pháp người; răng nhuộm đen cánh gián.

Thói trật áo thắt lưng là nhơn bởi trời đông thiên rét lạnh; đàn bà có con, cho bú một lần phải mở nhiều áo khó lòng, nên để luôn như vầy. Còn thắt lưng thì cũng là vì lạnh; con gái thấy vậy cũng bắt chước làm theo, mùa nào mùa nấy cũng để luôn như vậy mà thành tục.

Ngày tư ngày tết, hay đơm thần quải tổ, mở tiêch ăn chơi, hát xướng, phụ tiên kỳ thần. Việc tang lễ hay làm trọng thể xa xỉ quá. Nên Tàu có lời rằng: Sanh ư Quảng Đông, tử tại Hà Nội, gia quan ư Triều miển.

NHÀ TRÒ

Khi đám tiệc, hôïi hữu, hôn tế, kỳ yên, chập miễu, thường hay dụng nhà trò. Nhà trò là con gái đương xuân sắc chuyên tập nghề ca xướng, tục kêu là cô đào. Có đám tiệc, thì người ta rước tới hát, thường hát theo ca trù, giậm Tuý Kiều, câu hát, thơ phú, hoặc kể truyện. Hát cũng khi ngồi khi đứng, tay nhịp sanh, miệng hát nhiều cung bậc giọng thấp giọng cao ngân nga hay và êm tai lắm; có chú kép ngồi một bên gảy (khảy) cái đàn đáy, lại có người đánh trống nhỏ cầm chầu. Có khi lại đứng hát bộ vừa múa vừa hát. Có khách thì chủ đám lại bắt phải quỳnh tương rượu. Tay bưng chén rượu, miệng hát câu chi, hoặc tình ái, hoặc nhân ngãi, để mời cho khách uống đi. (Câu hát là giọng quỳnh, chén rượu là chén quỳnh tương), tích chén nước Vân Anh đem đưa cho Bùi Hàn uống… giọng nhà trò thường là những giọng sau nầy: mẫu dựng, Thiệt nhạc, ngâm vọng, tì bà, tát phẩn, hát nói, gởi thơ, quỳnh, hãm, cung bắc, của quyền, non mai, nường hạnh, chữ khi, tho, thổng v.v…

Tục hay nói: gái tháng 2, giai (trai tháng 8, nghĩa là thường tháng 2 làng tổng có làm đám hội, thì gái tranh sắc, tháng 8 làm cỗ nhắm *thì ).

HỘI

Làm hội là làng kỳ yên, rước đưa thần bụt. Viên quan chức sắc thì lưng đai bố từ, đầu đội mũ tú tài, chân đi hia, có một ông chánh đám; chánh tế thì đội mũ trái bí, cổ đeo choàng vai xuống nách thứ tràng mạng (là chuỗi, hôït hương thơm), đi có cờ xí, cờ tướng, cờ đuôi nheo, cờ linh tiền, kiệu song loan, đồ lộ bộ, tàn lọng; đi có hàng lớp thứ tự; ai ai cũng có cầm quạt che mặt. Còn quân đài đệ thì đội mão cứt heo, đóng khố nỉ thêu, mình ở trần, tay cầm khăn đỏ. Trai tơ gái lứa chưng đồ tử tế, đồ nhứt ra nhỏng nhẻo đi coi.

HÁT ĐÊM

Hội, giụm ba giụm bảy từ chòm từ khóm hát đùm, là hát hoa tình ghẹo chọc đối nhau.

Thường mùa hội, ngoài quán trong lều hay đánh quay đất (bong), thò lò (bong vụ), xóc đĩa (chẵn lẻ), đối mò (đối sấp ngửa).

Đám lớn lại có đứng tướng, là làm chỗ đài cao trống, chọn một người, hoặc con gái, hoặc đàn bà có bóng sắc ngồi đó có năm ba con thể nữ hầu. Khi hội rình rang đi, thì người ta tin có thần có ma bắt cái người cầm cờ tự nhiên ríu ríu lại chỗ đó vẫy cờ xung quanh, chỉ là trong làng có người thỉnh sắc thần yêu, thần vì lấy làm kiết tường chi triệu (điềm lành, tốt).

CỖ NHẮM

Tiết tháng 8 tục có làm cỗ nhắm tại đình, cúng tế thần kỳ yên. Đua nhau dọn cỗ, một cỗ tế rồi ngồi ăn cùng nhau, còn một cỗ mâm án thư chồng đơm lên nhiều từng, lấy mía róc vấn giấy đỏ làm đồ kê mà chưng có từng, trên có làm con phụng, con long, con lân, con quy đứng đầu mâm, để tối chia nhau, biếu xén nhau. Dịp ấy thường coi hát nhà trò, đánh gậy (đánh quờn, nghề võ), vật, múa rối cạn (hát hình), múa rối nước, leo dây, bài điểm, cờ người, nấu cơm thi, dệt cửi thi, bắt chạch, tạc tượng (đục (giục) tượng), thảy đều có ăn cuộc ăn dài cả.

Nấu cơm thì là phải nấu thi coi thử ai chín trước, và khéo khỏi cháy khỏi khê khỏi khét. Người ta đưa cho ít cái đóm với bã mía hay là rơm, thắp cầm hơ đút nồi mà nấu.

Còn dệt cửi thì làm sàn ra ngoài ao vừa để cái không cửi, ả chức ra đó lên ngồi dệt, đâm thoi bắt thoi cho liền cho lẹ, nếu trật thoi văng rớt xuống ao thì thua.

Bắt chạch là một trai một gái tay choàng cổ ôm nhau, tay kia thò vô chum sâu có thả con chạch, ai bắt được thì ăn dải*. lượt thưa rểu, quần lãnh bưởi có ngời ngồi ra tại giữa giàn làm trên ao hồ. Trai lãnh chàng đục, đóng khổ giấy ra đó, làm bộ đẽo phạm, hễ giữ không được thì tâm hoả động, dương vật dậy rách khố mất ăn; khi ấy đâm đầu xuống ao lặn đi đỡ xấu. Ấy ít lời về phong tục sơ lược cho biết qua vậy.

THÀNH TRÌ

Thành Hà Nội châu vi 432 trượng, cao 4 trượng, 1 thước 2 tấc, hào rộng 9 trượng; có 5 cửa, ở tại Thọ Xương, Vĩnh Thuận hai huyện. Từ Lê sấp về trước các vua đóng đô tại đó, cũng có kêu là Phụng Thiên Thành, ở trong thành Đại La, mà lâu đời đã hư đi. Kế lấy nguỵ Tây Sơn tới choán lấy mới cứ nên cũ, mới bắt từ cửa Đông Hoa tới cửa Đại Hùng mà xây thành lên.

Đời Gia Long nhơn vì của là của nguỵ Tây Sơn làm ra, nên không ưng bèn cải tu; Gia Long năm thứ 4 xây thành lại.

Trong nội có hành cung chánh điện, 2 tòa có tả vu hữu vu; mặt sau có 3 toà điện,hai bên có tả vu hữu vu. Sau điện có Tịnh Bác Lâu; bốn bề có xây thành gạch; trước chánh điện (là Kính Thiên điện); sân xây đá Thanh, có cặp đá rồng lộn 9 cấp mà lên điện. Ra ngoài có ngũ môn lâu, đề chữ Đoan Môn đời nhà Lý để tích lại. Ngoài nữa ngay cửa nam có cột cờ xây đá gạch, trong ruột xây khu ốc lên thẳng tới trên chót vót.

Hàng Buồm, Ngô Khách bán sách vở, đồ tàu, thuốc bắc.

Quảng Đông, Minh Hương khách hộ ở.

Hàng Mã, bán minh y minh khí.

Hàng Mâm.

Báo Thiên phố, bán vải đen, vải xanh.

Phố Nam hay là Hàng Bè, gần đó có chợ hôm, hai bên dán làm thùng cây, thùng tre.

Phố Hàng Bồ.

Hàng Bạc.

Hàng Giày, hia.

Hàng Mây choại.

Đồng lạc phố.

Thái cực phố. (Phố Hàng Đào)

Đông Hà phố (hàng hát).

Phước Kiến phố, bán đồ đồng, đồ thiếc.

Phố hàng muối.

Đồng Xuân phố.

Thanh Hà phố.

Hàng Gai.

Hà Bao phố.

Hàng Trà.

Quảng Minh Đình phố.

CHỢ

Chợ búa nội cả tỉnh cũng nhiều lắm. Mà chợ lớn có tiếng và đủ đồ hơn hết tại Bắc Kỳ, thì là những chợ kể trong câu ví nầy: Xứ Nam là chợ Bàng Vôi; xứ bắc Giâu, Khâm, xứ đoài Xuân Canh; nghĩa là tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định là phía nam, thì có chợ Bằng, chợ Vôi có tiếng hơn hết. Còn bắc là Bắc Ninh, thì có chợ Giâu, chợ Khâm; xứ đoài là trên Sơn Tây thì là chợ Thâm Xuân canh.

CẦU

Cầu đất bắc hay làm cầu đá, cầu gạch, cầu gỗ, lại hay làm cầu lợp ngói, chùa đình cũng nhiều lắm lắm. Mà muốn biết đâu hơn đâu thì lấy trong câu nầy: Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài, nghĩa là cầu tốt hơn thì là tại trong các tỉnh nam; còn chùa chiền lớn cột cao nóc, khéo tốt thì tại xứ Bắc Ninh, đình làng, đình chợ mà làm kí tốt, thì trên miệt sứ Đoài.

Về đồ ăn có tiếng ngon hơn, như trong Nam Kỳ kêu chiếu Cà Mau, thuốc Gò Vấp, rượu Gò Cát v.v…, thì ngoài Bắc Kỳ có cái cá như vầy: Dưa La, Cà Láng, nem Báng, gỏi Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét. (chỉ tên xứ: Kẻ La, kẻ láng, kẻ Báng, kẻ Bắn, Vạn Vân, kẻ Đấm Sét).

Cơm Văn Giáp, táp (thịt tái) cầu Giền, chè quán Tiên, tiền Thanh, Nghệ.

Cơm quán dọn tử tế thì là tại quán làng Văn Giáp đường lên tỉnh Hà Nội, vào Cửa ô Đồng Lầm; còn thịt tái thịt thấu ngon có tiếng thì là tại quán Cầu Giền; chè cháo nấu ngon thì là tại quán Tiên cũng tại đường lên Hà Nội; tiền xe gánh ra nhiều thì là phường buôn ở trong Thanh trong Nghệ đem ra.

THỔ SẢN ĐẤT HÀ NỘI

Lúa: lúa dê (duy), lúa thông, lúa dự, lúa lem bông, lúa trĩ, lúa hương, lúa thầy đường, lúa bạch canh.

Nếp: nếp bông vàng, nếp răng ngựa, nếp ruồng, nếp cau, nếp trái vải, nếp đuôi chồn, nếp ngọc thục…

Tơ, bông cán, hàng đoạn bông (phường Thọ Xương, kiên liên dệt), trừu bông (Từ Liêm), hàng lượt, lãnh bóng, lượt bùng, the rây, lụa bông, lụa trắng, thao, vải trắng, the làn, xuyến, láng gốc…

Cây hội (giấy viết sắc), các thứ giấy, quạt trúc, nón nan; ngói gạch, nồi đất (đồ gốm); trà, muối diêm, mật ui, đường hạ; vôi đá, bánh phục linh, trôi nước, xôi bông đường, bánh mì khoai, rượu trắng; khoai lang mộng, khoai sáp, khoai mài, khoai tím, khoai ngọt; củ sắn, củ đậu ,củ nần, củ huỳnh tinh, xoài, mít, nhãn, hòng thơm, hồng đỏ…

Gỗ mít, gỗ thị, gỗ thông, gỗ bòng, gỗ liễu. Tre, tre gai, tre lớn, tre ve, v.v….

HỘ KHẨU

Đời Minh Mạng số dân đinh được 52335 tên; nay (Tự Đức) 60257 tên.

ĐIỀN PHÚ

Ruộng 393066 mẫu; lấy thuế, lúa 245650 đấu, tiền 20773 quan, bạc 1276 lượng.

Tỉnh Hà Nội đã nói qua rồi, bây giờ xuống tỉnh Hải Dương cũng phải nói ít lời cho biết xứ.

TỈNH HẢI DƯƠNG

Địa hạt tỉnh Đ. T. cự 132 dặm, N. B. 100 dặm:

Đ. đến tỉnh Quảng Yên, giáp An Hưng huyện.

T. tới tỉnh Bác Ninh, huyện Quỳnh Khôi.

N. tới tỉnh Nam Định, huyện Quỳnh Khôi.

B. tới tỉnh Bắc Ninh, huyện Quê Dương và Phụng Nhãn.

Từ tỉnh vo cho tới kinh (Huế) 1097 dặm.

Đời Hùng Vương là bộ Dương Tuyên; đời Hán thì về quận Giao Chỉ; đời Trần là lộ Hạc Lộ, rồi đặt tại Hải Dông lộ, sau làm ra phủ Hồng Châu, Nam Sách; đời Minh choán thì làm ra 2 huyện là Lạng Giang và Tân An; đời Lê năm Thuận Thiên thì kêu là Đông Đạo, năm Diên Ninh thì kêu là lộ Nam Sách Thượng, Nam Sách Hạ; năm Hồng Đức kêu là Hải Dương, sau bị họ Mạc choán; Gia Long năm thứ 12 đặt là Hải Dương tỉnh.

Chia ra làm 5 phủ, 19 huyện

1/. Bình Giang phủ, 4 huyện; thành châu vi 208 trượng, cao 7 thước, 2 tấc, có hào, 3 cửa.

Cẩm Giàng huyện, 14 tổng, 85 xã, thôn.

Đường An huyện, 10 tổng, 66 xã, thôn.

Đường Hào huyện, 9 tổng, 79 xã, thôn, phường, giáp.

Thanh Miền, 8 tổng, 61 xã, thôn.

2/. Ninh Giang phủ, 4 huyện: thành đất châu vi 171 trượng 6 thước, cao 7 thước, 2 tấc, có hào, có 3 cửa.

Vĩnh Lại huyện, 8 tổng, 81 xã, thôn, trang, trại.

Vĩnh Bảo huyện, 8 tổng, 67 xã, thôn.

Gia Lộc huyện, 9 tổng, 85 xã, thôn.

Tứ Kỳ huyện, 8 tổng, 77 xã, thôn.

3/. Nam Sách phủ, 4 huyện, thành châu vi 208 trượng, cao 7 thước, 2 tấc, có hào, 3 cửa.

Chí Linh huyện, 7 tổng, 65 xã, thôn.

Thanh Lâm huyện, 10 tổng, 82 xã, thôn.

Thanh Hà huyện, 10 tổng, 64 xã, thôn.

Tiên Minh huyện 12 tổng, 92 xã, thôn.

4/. Kinh Môn phủ, 3 huyện, thành 271 trượng 6 thước, cao 7 thước 2 tấc, có hào, 3 cửa.

Giáp Sơn huyện, 7 tổng, 62 xã, thôn, phường.

Đông Triều huyện, 11 tổng, 98 xã, thôn.

Thuỷ Đường huyện, 12 tổng, 78 xã, thôn.

5/. Kiến Thoại phủ, 4 huyện, thành châu vi 133 trượng, cao 7 thước, có hào, 2 cửa.

Nghi Dương huyện, 12 tổng, 57 xã, thôn, phường.

An Dương huyện, 9 tổng, 63 xã, thôn.

Kim Thành huyện, 11 tổng, 81 xã, phường.

An Lão huyện, 10 tổng, 62 xã, thôn.

HÌNH THẾ

Tỉnh Hải Dương ở phía đông đất Bắc Kỳ, có núi non sông biển, tốt thế hiểm địa lắm.

Núi có danh hơn là An Tử sơn, Đông Triều sơn.

Sông lớn là Cẩm Giang. Phía T, phía N, thì đất bằng, sông rạch ăn quanh quẹo lăng xăng lít xít. Phía D, phía N, thì có núi, rộng biển. Đất có nhiều ngóc ngách hiểm hóc.

KHÍ HẬU

Khí hậu cũng gần như tỉnh Hà Nội; có một điều ở gần biển, mùa hè mùa thu gió đông nam thường thổi. Thường hễ đến mồng 10 tháng 8 thì có dòng gió, mưa to luôn. Ngày ấy là ngày chọi trâu tại xứ Đầu Sơn. Tục hay nói: Buôn đâu bán đâu, mồng 10 tháng 8 chọi trâu tìm về. 20 tháng 9, mồng 5 tháng 10 có rươi ra, người ta đi bắt đem về làm mắm; nước lớn sông đầy lên có bão có tố kêu là hoả trùng phong.

PHONG TỤC

Phong tục cũng đông như Hà Nội; có nhiều học trò, nghề nghiệp thợ thầy cũng giỏi cũng khéo. Cũng hay ăn chơi, tiệc tà, kị thần, tế quỷ, lại thêm cái tục chọi trâu. Việc tế tự quỷ thần hay làm lớn, tế heo trâu không sợ hao tốn; nên có lời tục rằng: Sống làm trai Bát Tràng, chết làm thành hoàng Kiêu Kị, vì làng ấy hay làm thịt trâu mà đơm tế thần, trâu đâu cũng đem tới đó mà làm.

Lại có câu hát gộp kể đứa hoang như sau nầy: Bốn phủ 19 huyện tỉnh Đông, em nghe thằng Xoài, thằng Lác, thằng Bông, thằng Quyền, nó đưa dem đi chợ Lác đồng phiên, chợ Lỡ, chợ Chiền, quán Nội, cầu Tu…

THÀNH TRÌ

Thành Hải Dương châu vi nó 551 trượng ,6 thước, cao 1 trượng 0 thước, 2 tấc; hình 6 góc, 4 cửa, hào rộg 11 trượng, sâu 6 thước, ở tại huyện Cẩm Giàng.

Thuở Lê năm Quang Thuận, xây tại huyện Chí Linh, làng Mặc Động Xã, tục kêu là Dinh Lệ; sau đời qua xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, tục kêu là Đinh Dậu.

Đời Gia Long năm thứ 3 dời lại chỗ bây giờ Trấn Đan làm thành đất. Minh Mạng năm thứ 5, xây bằng đá ong.

HỘ KHẨU

Thuở Gia Long năm thứ 18, dân đinh được 23900 tên; bây giờ 43900 tên.

ĐIỀN PHÚ

Ruộng 425547 mẫu; thuế: lúa 260319 đấu, tiền là 54417 quan, bạc là 1849 lượng.

Ngày 22 tháng giêng bỏ tỉnh Hải Dương mà xuống Hải Phòng. Có quan đại và quan tuần ngồi phà đi xuồng với nữa. Giờ thứ 4 rưỡi chiều ngày 23 tới Hải Phòng. Lên Lãnh sự (M. ture) mới hay chiếc tàu về Gia Định đã lấy neo chạy hồi trưa đi rồi. Lỡ dịp đi, buồn bực quá. Nhưng mà cũng chẳng qua là bởi đâu xây khiến cho được biết đất Bắc rõ hơn.

Ở lại đó 10 bữa; có ý đi theo tàu Washi về Hương Cảng mà xuống tàu đó về Gia Đinh. Ở đó chờ tàu ăn hàng, chở hàng trót chín mười bữa, mà không thấy chạy; lại nghĩ rằng: tàu ấy nhỏ quá, đi về bên tàu thì quanh hóa ra lâu về tới nhà lắm chăng. Vì vậy qua mồng 3 tháng 2, mới tính ở mà đợi lóng nhóng đó cũng mất công vô ích; chi bằng hồi ngữ về ngã Hương Cảng đi, để chờ dịp tàu sau về ngay Nam Kỳ. Mà bởi không biết chắc ngày nào tàu ra, mới tính đi rông ít ngày qua Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên cho biết xứ.

Nhứt định thế ấy rồi, cậy chú khách Wan Sing mướn một chiếc đò đưa qua Nam Định. Đi có đem ông sáu Thìn, thầy ba Hớn lại với ông Kỳ là chú ông cụ tham biện Cư (cha Thơ).

Giờ thứ 5 rưỡi chiều lui thuyền. Sáng ra giờ thứ 8 tới ngã ba xuồng cửa Thái Bình. Chiều qua chùa Trỏng, tới đồn mè; đậu lại tại chợ Địa đầu. Qua mồng 5 chiều giờ thứ 4 rưỡi tới thành Nam Định; cơm nước dưới ghe dưới đó rồi lên nhà ông trùm Lý, rồi vô cụ Nghiêm là cụ sở họ có đạo tại thành thuộc về địa phận đức thầy Phước. Cụ nầy cũng là cụ dó danh tiếng, giỏi việc đời, lanh lợi nhà chung nhờ lắm, thân thuộc các quan tỉnh.

Sáng ra làm nhằm ngày thứ tư lễ tro (Nam Định kêu là lễ gio), xem lễ tại đó. Trong tỉnh quan tổng đốc tên là Nguyễn Trọng Hiệp đã đi hồi khuya có việc gấp đi rồi. Còn ông Nguyễn Đức Trạch là quan bố chánh, và ông Nguyễn Tài là quan án sát ở nhà. Các quan cứ lời ông tổng đốc dặn, cho 1 ông đội, 1 ông thông phán và 10 tên lính ra hầu. Đêm ấy cụ dạy làm heo ăn uống đãi đằng.

Sẵn đây tại giữa tỉnh thành, nói lược qua về tỉnh Nam Định đã rồi sẽ nói về sự đi xuống Phát Diệm.

TỈNH NAM ĐỊNH

Tỉnh hạt đông tây cự 112 lý. N. B. 84 lý.

Đ. chạy giáp tỉnh Hải Dương nơi phủ Ninh Giang.

T. chạy giáp tỉnh Ninh Bình, An Khánh phủ, Gia Viễn huyện.

N. chạy xuống biển.

B. chạy giáp tỉnh Hà Nội, nơi Lý Nhân phủ, bình Lục huyện.

Từ tỉnh tới kinh đô là 1019 lý.

Nguyên đời Hùng Vương thì là bộ Lục Hải, đời nhà Tần về Tượng Quận, đời nhà Hán thì về Giao Chỉ, đời nhà Ngô thì thuộc về Giao Châu, đời nhà Lương thì về Ninh Hải quận, đời nhà Đường đặt là Tống Châu, đời nhà Đinh đặt là đạo, Lê, Lý, Trần đặt là lộ Thiên Trường, đời nhà Lê (10 năm) kêu là Sơn Nam, đời Kiếng Hưng đến bây giờ kêu là Nam Định.

Chia ra làm 4 phủ với 2 phân phủ, lãnh 18 huyện.

1/. Thiên Trường phủ, lãnh 5 huyện:

Giao Thuỷ huyện, 10 tổng, 100 xã, thôn, phường.

Nam Chân huyện, 6 tổng, 60 xã, thôn, phường trang.

Chân Minh huyện, 7 tổng, 63 xã, thôn, phường trại.

Thượng Nguyên huyện, 5 tổng, 47 xã, thôn, trang.

Mỹ Lộc huyện, 7 tổng, 51 xã, thôn, trang.

2/. Kiến Xương phủ lãnh 4 huyện:

Võ Tiên huyện, 7 tổng, 45 xã, thôn, lý, giáp.

Xá trì huyện, 8 tổng, 63 xã, thôn, trang.

Chân định huyện, 8 tổng, 69 xã, thôn, trang, trại.

Tiên Hải huyện, 7 tổng, 47 ấp, lý, trại, giáp.

3/. Nghĩa Hưng phủ lãnh 2 huyện:

Đại An huyện, 11 tổng, 72 xã, thôn, phường.

Thiện Bổn huyện, 10 tổng, 88 xã, thôn, trang, trại.

4/. Nghĩa Hưng phân phủ lãnh 2 huyện:

Ý An huyện, 6 tổng, 36 xã, thôn, trại.

An Ích huyện, 7 tổng, 53 xã, trang, trại.

5/. Thái bình phủ lãnh 3 huyện:

Đông Quan huyện, 8 tổng, 55 xã, thôn, sở.

Thoại Anh huyện, 9 tổng, 59 xã.

Thanh Quan huyện, 10 tổng, 52 xã, thôn, trang.

6/. Thái Bình phân phủ lãnh 2 huyện:

Phụ dự huyện, 6 tổng, 36 xã, thôn

Quỳnh Khôi huyện, 6 tổng, 43 xã, thôn.

HÌNH THẾ

Tỉnh nầy là hùng tỉnh thứ nhứt Bắc Kỳ: ruộng nương tốt, nhơn vật thạnh, buôn bán lớn, chợ búa đông. Phía T. B. có ngã ba hoàng giang là sông Nhĩ Hà chảy xuống, sông sâu mà lại rộng; phía N. xuống ngã ba Ngô Xá, bên hữu có sông Vị bao tỉnh thành, xuống nữa tới ngã ba Độc Bộ Giang, xuống Kiến Xương phủ tới ngã ba Côn Giang, bên hữu từ sông Vị qua khỏi phủ Xuân Trường, phía D. thì là ngã ba sông Dõng Ngãi lại thành ra ngã tư Ngô Đồng, đều chảy ra biển cả, ra 6 cửa:

Liêu (Hải Liêu): *đều lên Nam Định được cả.

Lác: *đều lên Nam Định được cả.

Ba Lạt: *đều lên Nam Định được cả.

Lân: * đều lên Nam Định được cả.

Trà (Trà Lý): *đều lên Nam Định được cả.

Hộ (Diêm Hộ): *đều lên Nam Định được cả.

KHÍ HẬU

Nực mát, nóng rét cũng gần như Hà Nội. Lúa mà hè tháng chạp chín, lúa mùa thu thì tháng 6 chín. Sen tháng 6, cúc tháng 10 thạnh.

THÀNH TRÌ

Thành Nam Định châu vi 830 trượng, 7 thước, 3 tấc, cao 1 trượng, 2 thước, 2 tấc, có bốn cửa; hào rộng 6 trượng, sâu 6 thước, lập tại huyện Mỹ Lộc.

HỘ KHẨU

Minh Mạng năm đầu kể được 58,003 người dân tráng. Nay kể được 70,898 người dân tráng.

ĐIỀN PHÚ

Ruộng đất được 524,977 mẫu; thuế: lúa được 470,712 đấu, tiền 229,637 quan; bạc được 175 lượng.

Ở tại nhà cụ Nghiêm một ngày mồng 6, qua trưa mồng 7 xuống phà quan tỉnh bắc đưa mà xuống Phát Diệm. Quan tỉnh đem cho tra tiễn chân lên đường, cấp 1 ông đội, 1 ông thông phán với 8 tên lính đi theo hộ đệ.

Từ giã cụ xuống đi vào Ninh Bình, mà trước hết muốn xuống Phát Diệm viếng cụ Sáu đã. Giờ thứ 6 rạng mặt mồng 8 thì tới tuần Lộc Bộ, giờ thứ nhứt xế tới đồn Bình Hải, cửa Hải Liêu, đậu đó chờ nước lớn mà vô ngòi Giới hay là Kim Giang mà vào Phát Diệm chỗ cụ Sáu ở.

Tối chạng vạng thuyền mới tới bến, đậu ngoài vàm rạch. Cho người đem thiệp lên trình. Cụ cho rước lên nhà vuông xơi nước, sau mời lên lầu chuyện vãn cho tới giờ thứ 11 mới phân nhau ra đi nghỉ. Sáng ra cụ cho mời đi xem lễ, rồi ra đi xem cảnh nhà thờ trái tim. Nhà thờ Đức Bà nhỏ mà tốt, bàn thờ, giáng ngự, bàn dậm, hết thảy đều làm bằng đá Thanh chạm cả. Trước cửa có xây non bộ đất lớn có hồ có cầu đi qua.

Còn nhà thờ lớn ngoài thì có ngũ môn lâu; trong bàn thờ cũng làm bằng đá Thanh làm kiểu cách khéo đẹp dễ coi lắm. Lại nơi nhà hành lang thấy đang có trổ đá Thanh chạm đỏ, lại làm một cây thánh giá đá nguyên một miếng trổ ra để sau có dựng lên trên lầu nhà thờ. Đàng sau nhà thờ cụ có xây một cái núi lớn gần bằng hòn núi thiệt vậy, để làm núi Calvario, trong ruột có xây hang để làm hang đá Đ. C. G.[2] sinh ra. Việc rất quả hung! Lên núi tìm chọn đá nguyên cả viên, viên nào nhằm thế thì lấy mà chở đem về mà làm chẳng sợ tốn kém công nhân vật liệu.

Chép ra đây ít bài thơ vẽ cảnh, thì biết thắng cảnh là chừng nào:

TRẦN THIẾT

Sực xem thấy nhà thờ Phát Diệm,
Thật nguy nga cung điện hẳn hoi,
Đọc kinh rồi đứng đó mà coi,
Hồ sơn thuỷ lâu đài như tạc,
Sách có chữ rằng: Thị chu lưu bàn bạc,
Bất dĩ Tần nhỉ bất dĩ Hán,
Nhờ đội ơn trên ra sức phù trì,
Cho người thế biết đường giữ đạo,
Sách có chữ: hữu công vì văn giáo,
Thị thánh hiền vì vạn thế sanh dân,
Chữ rằng: đức dữ nhật tân.

HIẾU SƠN CAO ĐỈNH

Ngoài có hồ trong lại có hang,
Rõ ràng thay, hà xứ bất giang san,
Ấy mới biết: Thiên chi hạ, mạc phi vương thơ,
Thơ rằng: hoà khí dữ xuân phong,
Nhớ có câu: đạo vị vô cùng
Sách có chữ: địa dĩ nhân nhi thắng,
Tứ phương giai ngã cảnh,
Nhân dĩ đức nhi long,
Hữu thiên hà xứ bất.

NHÀ THỜ TRÁI TIM

Tâm giả nhân chi bản dã,
Gốc đá tươi hoa quả cũng tươi,
Có luân thường đạo lý mới ra người,
Nên phải cậy trái tim cho chắc chắn,
Thơ rằng: bì thới tuy nhân văn,
Quân tử bất ưu bần,
Chữ rằng: phụ hảo tâm nhân,
Vậy phải giữ chữ tâm cho vững,
Nhờ Chúa cả hộ cho mạnh khoẻ,
Nọ mới hay bì cực thới lai,
Hữu nhân hữu thổ hữu tài…
Thấy phong cảnh Phát Diệm thật nên ghê,
Nhân ngồi chơi tay tả bút đề,
Vịnh phong cảnh vài câu quốc ngữ:

Thơ rằng;
Tứ thời giai hứng dữ,
Vạn vật tình quan nhi,
Trên cửa lầu chuông trông uy nghi,
Trước hồ thấy hoa sen đỏ chói,
Đường thập đạo đá xây bốn lối,
Cửa ngũ môn xuất nhập đạo cung môn,
Tứ thời phong cảnh tứ thời xuân…

Nội ngày ấy cho phái tỉnh lên Ninh Bình trình tờ. Chiều tối bữa ấy có 3 cô là cô Khánh (P. Ravier), cô Hiền (P. Thorol), cô Hiển (P. Roussin), tới họ đặng qua bữa thứ 2 có làm việc toàn xá trong xứ ấy.

Cụ Sáu làm cụ xứ chính sở, có các cụ khác giúp người nữa là cụ Ngân, cụ Bản, cụ Tư, cụ Tính, cũng đều có gặp mặt đó cả.

Các cô nghe nói, có cho mời ta xuống hỏi thăm chuyện nọ chuyện kia, đem rượu lễ đãi, nói chuyện một lát rồi từ giã trở lên phòng.

Qua ngày thứ 2 là ngày 11, xem lễ tại nhà thờ Trái Tim rồi ra đi coi hang đá, đi rảo vòng rồi về nhà cụ, cơm nước xong rồi từ giã các cô, các cụ mà đi.

Cụ Sáu chính tên người là Trần Triêm, triều đình đặt là Trần Lục; người là người đắc lực với triều đình; người tài trí thông minh, lanh lợi việc ăn ở xử trí theo phần đời lắm; mưu mô gan dạ cũng hung, dân sự phục tình, quan quyền cũng yêu đương trọng đãi. Nhờ cụ mưu mô trí biến mà xử trí yên với Văn Thân lúc khôn khó giao hòa trả tỉnh lại. Nói qua vậy cho biết người là người anh danh đặt Bắc, là chỗ nhờ cậy của nhà chung địa phận nam.

Vậy phần thì đã vào chay rồi, phần thì cụ mắc làm toàn xá cho họ, nên từ cụ mà đi vô Thanh Hoá. Vậy cụ liền dạy sắm thuyền, đồ hoả thực, lại cho thầy Trương Văn Thông đi theo đem đường. Giờ thứ mười rưỡi xuống thuyền đi ngòi Truy Lộc ra kinh Càn ngã ba Ngạt Kéo ra cửa Thần Phù (Đại Chính) rồi theo sông Trường Giang. Bên tay mặt làng Truy Định có núi Đường Ràng, núi Chiếc Đũa, núi Bản Tiền, núi Con Trâu gần núi Nẹ, núi Chóp Chài hay là Trát Con Lợn. Núi cao hơn hết nội đầm ấy là núi Chóp Chài hay là Trát Con Lợn. Núi cao hơn hết nội đám ấy là núi Chóp Chài, nên có lời ví rằng: Nhứt cao là núi Chóp Chài, nhứt rộng là bể, nhứt dài là sông.

Giờ thứ tư chiều tới sở nhà Chung Tòng Chánh, lớn rộng được 413 mẫu đất, 113 mẫu có 3 hòn núi bao là núi Ghép, núi Hạng Hộc và núi Miễu, còn ngoài 300 mẫu nữa, mới khai phá từ năm 1872, là của nhà nước thế lại đất nhà chung Kẻ Vĩnh bị kẻ ngoại cướp phá đi. Ở đó có cụ Bần mà người đi kẻ liệt khỏi; còn lại nhà có thầy già từ Khánh, lên đó coi rồi ăn bữa cơm, xuống thuyền đi đi. Giờ thứ 7 qua đón Chính Đại bắt phu đưa đi. Đến giờ thứ 8 rưỡi tối tới bia Thần. Đánh đuốc lên coi thấy trên núi đá hàm có chạm một chữ * Thần, người ta nói bề cao 7 thước, bề ngang nét chữ kẻ trót thước, một bên có đề: *Nhựt Nam nguơn chùa thần bút.

LÃ VỌNG, HANG THỊ

Đi nữa thì đi ngang qua Lã Vọng và hang Thị. Giờ thứ 9 tới nhà ông Chánh là anh cậu Sáu tại Mỹ Quang Phường, trọ (đỗ) đó đặng sáng ra có đi coi hang Từ Thức.

ĐỘNG TỪ THỨC

Hang Từ Thức ở tại xã Trị Nội, tổng Kiều Vịnh, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung.

Đi đến đó phải đi qua cái đèo, rồi đi vòng lại bên tả mới tới miệng hang. Chỗ ấy kêu là Từ Thức động hay là Bích Đào động.

Ở ngoài có cái miễu nhỏ nhỏ, nơi cửa động có chữ đề khắc vô đá. Vào trong phải có đuốc, vô trong nó rung rinh, có chỗ có đường như cột đá; dưới chân, chỗ thì có đá viên tròn vo bằng viên đạn cũng nhiều, nhỏ hơn nữa cũng nhiều, có chỗ thì đầy những đá đen cục hòn mà thành hình như trái mảng cầu khô; còn có chỗ lại có đá ra hình bàn ghế, mòn trơn có vân có hoa như chạm trổ vậy. Trên đầu ngó lên thấy thạch nhũ như là màn treo có thể bỏ xuống, trong đá coi nhấp nháng sáng ngời như kim sa. Hết bùng binh nầy tới bùng binh khác. Sau hết xuống tới cổ kiềng là cái miệng xuống hang dưới nữa, nó như miệng giếng, phải nghiêng mình lận theo thì xuống mới đặng; dưới đáy hết thì có cái như cái ao bèo cám lênh láng. Đi hồi giờ thứ 6 đến giờ thứ 8 rưỡi mới tới nơi.

Coi rồi trở ra, những kẻ đi theo nói có nghe còn có cái hang Trung Thu nữa, vậy mới rủ nhau đi ngang làng Trị Nội, Giáp Nội, Giáp Lục, vô đình làng tổng đang nhóm, bắt người dẫn đường đi, nó giầu lắm, kẻ nói có, người nói không, không chịu đi chi. Sau hết làng cho một chú kia đi đem đường, nó đem tới chân núi có hang nhỏ đó, nó chỉ xả là đó; vào coi không phải; nộ nạt ngăm đe nó cũng có nói không biết. Cho người leo lên núi tìm. Khi tìm được, nó rồ lên kêu và lấy khăn làm cờ phất bảo đã tìm được hang. Ta mệt thì mệt cũng ham xăn áo trèo lên; ban đầu còn để giày, sau phải cởi ra, tay vịn chân trèo, mồ hôi mồ hám loã ra ướt dầm dề. Tới nơi rã rời gân cốt, ngồi thài lai trên viên đá nghỉ cho bớt mệt đã sẽ vào hang. Thắp đuốc kéo nhau mà đi coi được hai ba từng rồi mệt thôi bỏ ra, xuống mà về. Tới giờ thứ 1 rưỡi mới tới nhà trọ. Từ giã làng họ và chủ nhà, xuống thuyền cứ đi lên mãi, giờ thứ 5 rưỡi tới chùa.

HANG DƠI

Hang Dơi, chữ đặt là Bạch A Động. Ghé lại lên coi; nó là cái núi tầm phồng ruột, trong rộng rinh, đàng sau có chùa; ngoài cửa động có đề thơ lại có hiệu:*

Bửu thiên động chùa đề. Đại thuận tam niên nhụ ngạt.v.v…

Coi rồi xuống thuyền đi lên Khan Dừa, thuyền cạn nước đi đà không được, phần trời đã tối: thầy Thông, nghe tiếng trẻ học trò (đồng nhi) đi nhà thờ về, bèn bảo xuống đẩy thuyền, nó xúm nó đẩy.

CỤ ĐỆ

rần tới bên cụ xứ đó là cụ Đệ. Cụ thắp đèn xuống rước lên, khi ấy là giờ thứ 8. Lên vào nhà, người ta đến coi đông lắm; cụ vui vẻ, mừng rỡ hết sức; đem rượu lễ rót đãi, ở đó chuyện vãn cho tới giờ thứ 10 rưỡi, mới từ tạ cụ mà xuống. Cụ lại cho thầy Khoa sắm vật thực xuống đi đưa lên tỉnh. Ngủ thuyền sáng ra giờ thứ 6 dậy, lên sông Trường Giang, giờ thứ 8 rưỡi tới tuần Nga (12 tháng 2, 8 mars 1876). Đi ngã sông Hàn, lên vực Chế, rồi tới bến Gũ. Ở đó bên hữu có dãy núi Làng Ngang, bên tả có núi Chè (Tứ Mĩ): qua khỏi thác Con Bò thì lên Hàn Kim San, rồi lên ngã ba Bông. Ở đó lạch cạn, mới bắt thuỷ cơ chuyên luận đệ, canh hai mới tới bến Ngự rồi vô bến Cốc. Qua làng Hang, núi Lửa mà lên tỉnh. Giờ thứ 2 rưỡi khuya tới tỉnh. Tin lên nhà Chiêu Tư ở Tuỳ Biên thôn, Đông Phổ giáp, cho cáng xuống rước lên. Ăn uống nói chuyện cho tới sáng ăn thua.

TỈNH THANH HÓA

Đ. T. cự 174 lý, N. B. cự 285 lý.

Đ. chạy xuống tới biển.

T. chạy lên tới Sơn Đông giáp Ai Lao.

N. chạy vô tới Nghệ An; nơi huyện Quỳnh Lưu.

B. chạy ra tới Ninh Bình, tại huyện Phụng Hoá.

Từ tỉnh thành vào kinh 843 lý.

Đời Hùng Vương là bộ Cửu Chơn; đời Triệu Võ Đề là quận Cửu Chân. Đời Hán, Ngô, Tần, Tống, cũng là Cửu Chơn. Đời Lương Võ Đề mới đặt lại là Ái Châu. Nhà Đinh đặt là đạo, Lê đặt là Lộ, Lý cải ra trại rồi cải ra phủ Thanh Hóa; quảng thải 10 năm cải làm Thanh Đô Trần; Hồ Quý Ly cải tên Thanh Hóa phủ làm Thiên Xương phủ, hiệp với Cửu Chơn, Ái Châu làm Tam Phụ, kêu là Tây Đô. Đời Lê làm đạo, thừa tuyên, trần. Đến Thiệu Trị cải làm tỉnh. Đến nay từ Tự Đức 3 năm, tỉnh Thanh Hóa lãnh 5 phủ, 10 huyện, 3 châu, kèm 1 phủ ki mi có 3 huyện.

1/. Hà Trung Phủ, 5 huyện:

Tông Sơn Quý huyện, 4 tổng, 63 xã, thôn, trang.

Nga Sơn huyện, 6 tổng, 102 xã, thôn, trang.

Hậu Lộ huyện, 4 tổng, 73 xã, thôn, vạn.

Hoằng Hóa huyện, 5 tổng, 92 xã, thôn, trang, sở.

Mĩ Hóa huyện ,4 tổng, 79 xã,thôn, trang, sở.

2/. Thiệu Hoa phủ, 3 huyện:

đông Sơn huyện, 7 tổng, 146 xã, thôn, trang.

thoại Nguyên huyện, 8 tổng, 117 xã, thôn, trang, trại, giáp.

An định huyện, 8 tổng, 107 xã, thôn, trang, trại, phường.

3/. Quảng Hóa phủ, 4 huyện, 1 châu:

Vĩnh Lộc huyện ,7 tổng, 63 xã, thôn, trang.

Thạch Thành huyện, 6 tổng, 58 xã, thôn, sách.

Quảng Tê huyện, 5 tổng, 28 xã thôn, trang.

Cẩm thuỷ huyện, 9 tổng, 75 xã.

Khai Hoá châu, 6 tổng, 28 xã.

4/. Thọ Xuân phủ, 4 huyện, 2 châu:

Lôi Dương huyện, 9 tổng, 195 xã, thôn.

Thường Xuân châu huyện, 4 tổng, 25 thôn.

Lương Chánh châu, 8 tổng, 42 xã, thôn.

5/. Tịnh Gia phủ 3 huyện:

Ngọc Sơn huyện, 6 tổng, 124 xã, thôn, phường, giáp.

Quảng Xương huyện, 4 tổng, 132 xã, thôn.

Nông Công huyện, 12 tổng, 212 xã, thôn.

6/. Trấn Man phủ, 3 huyện (Ki Mi phủ).

Trình Cố huyện, 2 tổng 45 mang bổn.

Man Duy huyện, 6 mang bổn.

Sầm Da huyện, 8 mang bổn.

THÀNH TRÌ

Thành Thanh Hóa bây giờ trước là thành đất, Minh Mạng 9 năm xây đá xây gạch; châu vi 630 trượng, 4 cửa; bề cao 1 trượng, hào rộng 8 trượng, 8 thước, sâu 6 thước 5 tấc, tại Thọ Hạc xã, huyện Đông Sơn.

SÔNG, NÚI

Núi, sông, cửa biển có danh là núi Thiên Tôn, núi Na Cù, sông Lương Mã, sông Ngọc Giáp, cửa Hội Triều, cửa Kì Bích.

HỘ KHẨU

Gia Long 18 năm 33233 người, nay 51379 người.

ĐIỀN PHÚ

Ruộng đất 292129 mẫu, thuế: lúa 147252 đấu, tiền 133679 quan, bạc 515 lượng.

Nội ban mai bữa ấy, ông Kỳ vào tỉnh về, thì tính với nhau mà đi ra cho khỏi, vì thấy chủ nhà cũng lợt lạt co ro cỏm rỏm, không bằng lòng cho mấy. Vậy mới mướn cáng mà đi bộ ngã Ba Giội (Tam Điệp) mà ra tỉnh Ninh Bình. Tới đò Triên tối ngủ tại quán; sáng ngày ra (15 tháng 2, 10 mars) giờ thứ 7 rưỡi qua sông, đi qua chợ Gia quán Giốc; qua đò Lèn, chợ Cuội, đồn Viêm, đồn Giâu mới tới Ba giội (là Tam Điệp) đó có đền Sòng (Sơn Tiên Thị).

Đến đó xuống cáng để đi chân mà coi chơi cho biết, cho cáng đi không. Qua khỏi Tam Điệp rồi tới quán Cháo, ra tới quán Gành vừa tối, nên ở lại quán ngủ đó một đêm. Giờ thứ tư sáng ở quán Gành cất ra đi, khỏi quán Sanh, Ba Vuông rồi mới tới tỉnh Ninh Bình. Dọc đường đi ngó thấy tại đất bàng có nhiều cái hòn núi nhỏ riêng nhau ra từ cái, dường như núi cảnh, như non bộ đất vậy. Đi riết giờ thứ 8 rưỡi tới tỉnh vào trọ nhà bà Phó Vàng là người có đạo ở gần tỉnh. Nghỉ ngơi, cơm nước đó một lát, kế lấy trong tỉnh quan tuần phủ tên là Đặng Xuân Toán cho ông lãnh binh ra mời vô thành chơi, (giờ thứ 41). Xách dù đi có đem ông Kỳ đi theo vào thành, thiên hạ nghe tiếng người Gia định rùng rùng kéo nhau đi coi, lớp kia lớp nọ đông nức. Vào thành rồi, nó còn làm hỗn leo trèo mà coi, thì quan lãnh binh phải đóng cửa thành lại. Thăm ông tuần rồi, có quan án đó (Đồng Sĩ Vịnh) lại mời luôn về dinh. Khi từ giã ra về, người có đem tiễn chân 2 bình trà với 20 quan tiền.

TỈNH NINH BÌNH

Đ. T. cự 68 lý, N. B. cự 57 lý.

Đ. giáp địa phận huyện Đại An tỉnh Nam Định.

T. giáp địa phận huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa.

N. giáp địa phận huyện Tống Sơn và Nga Sơn tỉnh Thanh.

B. giáp địa phận huyện Thanh Liêm, Chương Đức tỉnh Hà Nội.

Nguyên đầu hết là đất Nam Giao, đời Tần thuộc về Tượng Quận. Từ Hán sấp về sau thuộc Giao Chỉ. Tần, Tuỳ về sau về Giao Châu, rốt đời nhà Lương thì là Trường Châu; đời nhà Đinh, Lê đóng đo tại Hoa Lư; đời nhà Lý kêu là Trường An phủ, rồi sau kêu là Đại Hoàng (Huỳnh) châu. Đời nhà Trần cải Trường An lộ, Trường An trấn làm Thiên quan trấn. Đời Mạc Cự với Lê thì kêu là Thanh Hóa ngoài trấn. Đời Gia Long 5 năm cải làm Thanh Bình đạo; Minh Mạng 10 năm cải làm Ninh Bình trấn, 12 năm cải kêu là tỉnh lãnh 2 phủ, 7 huyện:

1/. An Khánh phủ, 3 huyện:

Gia Viễn huyện, 12 tổng, 92 xã, thôn, trang, phường.

An Mô huyện, 9 tổng, 72 xã, thôn, trang, ấp, trại.

Kim Sơn huyện, 7 tổng, 63 ấp, lý, giáp, trại.

2/. Thiên Quan phủ, 3 huyện:

Phụng Hóa huyện, 4 tổng, 29 xã, thôn, trại.

An Hóa huyện, 4 tổng, 22 xã, thôn, trang.

Lạc An huyện, 4 tổng, 50 xã, thôn.

THÀNH TRÌ

Thành Ninh Bình châu vi 393 trượng, 9 thước, cao 9 thước, hào rộng 4 trượng, sâu 4 thước, trả hữu có sông, trong thành có Thuý Sơn Vân Mộng, chùa Non Nước, (Sơn, Thuỷ tự), đền Tam Tòa; có cúc thượng tiên. Sau lưng có núi Cảnh Diêu án. Thành coi nguy nga đẹp đẽ lắm.

HỘ KHẨU

Gia Long được 9,800; bây giờ 3192 người.

ĐIỀN PHÚ

Ruộng 132,855 mẫu; thuế: lúa 99,044 đấu, tiền 58,339 quan, bạc 7 lượng, mà nay ruộng đất 145,629 mẫu; thuế: lúa 103,394

T. giáp tới sông Nhĩ Hà ngang Hà Nội.

N. giáp tới sông Nhĩ Hà…,

B. giáp tới sông Hải Dương,

Đó thuở trước kêu là Sơn Nam thượng. Đời Hán thuộc Giao Chỉ quận là đất Châu Nhai, đời nhà Lương đặt là quận Võ Bình. Đời Ngô Vương kêu là Thắng Châu, Khoái Châu. Minh Mạng 3 năm đặt là trấn Sơn Nam, Minh Mạng 13 năm cải làm tỉnh Hưng Yên 2 phủ 8 huyện:

1/. Khoái Châu phủ 4 huyện:

Đông An huyện, 10 tổng, 79 xã, thôn.

Kim Động huyện, 14 tổng, 107 xã, thôn.

Thiên Thi huyện, 8 tổng, 61 xã, thôn,

Nhu Dung huyện, 6 tổng, 46 xã.

2/. Tiên Hưng phủ 4 huyện:

Thần Khê huyện, 8 tổng, 46 xã, thôn, trang,

Diên Hà huyện, 12 tổng, 114 xã, thôn,

Hưng Nhơn huyện, 6 tổng, 56 xã.

Tiên Lữ huyện, 8 tổng, 55 xã, thôn.

HỘ KHẨU

16,730 tên.

ĐIỀN PHÚ

Ruộng đất 200,796 mẫu; thuế: lúa 145,517 đấu; tiền 119,600 quan; bạc 7036 lượng.

Sáng ngày 22 tháng 2 (17 mars) ở Vườn Chuối đi lên tuần Mễ Giầm Nong, Giầm Nia ghé lại Văn Giang chỗ vỡ bờ đê; đang đắp đang bồi lại, ở trong đó là Nhứt Dạ Trạch thuở xưa. Cho trẻ đi mua gạo ăn, nhơn lên coi mông chơi. Tối đậu ngủ đó.

Sáng thứ bảy (bữa sau) ở Văn Giang lên Bát Tràng (Thanh Trì), là làng giàu có làm đồ sành, đồ sứ, đồ gốm, gạch, ngói, nhứt là gạch Bát Tràng, lên đó đi bộ coi. Nhà ngói cả, người ta giàu có, phong lưu.

TỚI HÀ NỘI

Trưa tới Hà Nội, lên nhà Đức thầy Phước; rồi vào trường thi thăm ông de Kergaradec làm lãnh sự đó; đi ra dạo hàng khay, tối về ăn cơm ngủ tại nhà Đức cha.

Sáng ngày nhằm ngày chúa nhựt Oculi, xem lễ. Vào thăm các quan Lang Sa trong trường thi, ông quan điều hộ Jardon mời ăn cơm. Về đi thăm quan tổng đốc Trần Đình Túc, rồi mua thêm đồ đạc ngày ấy và ngày bữa sau (thứ 2, 20 mars 25 tháng 2). Lãnh sự mời đi ăn cơm tối với vợ chông ông Direteur du Génie. Từ giã sáng ngày có xuống Hải Phòng. Sáng xem lễ rồi, giờ thứ 9 rưỡi xuống thuyền quan tỉnh bắt đưa mà đi.

XUỐNG HẢI PHÒNG

Đi có bá Quýnh, với Tư…… đi theo nữa. Giờ thứ 4 chiều tới tuần Mễ; các anh ấy kêu được đào Lan, đào Vịnh dòng ghe theo hát chơi dưới thuyền. Ngày thứ tư ấy đi từ tuần Dàng cho tối mới tới tuần Lâu; ngày thứ 5 trưa tới chợ Giông, tuần Chanh và đi riết mãi giờ thứ 5 bữa sau ngày thứ 6 mới tới Hải Phòng. Nóng nảy buồn bã hết sức mà cũng hụt tàu l’Indre, chạy về Gia Định hồi xế giờ thứ 2 đi rồi. Từ Hà Nội đi xuôi Hải Phòng chuyến nầy hết 4 ngày mới tới. (29 tháng 2, 24 mars).

Bây giờ ở đó mà chờ tàu Gia định mà về, đêm ngày bức rức ngóng trông cho mau có tàu mà về. Chờ hết 21 ngày mới có tàu Surcouf ra mới về được. Ở đậu tại nhà ông tham biện Cư (cụ Thơ); còn ông Sáu với thầy ba thì mướn cho một cái nhà ở bên kia với thợ cẩn đem về theo. Ngày ngày qua lại thăm nom; khi đi chơi chỗ nầy khi đi dạo chỗ kia cho khuây lãng. Coi sách, viết lách cho no rồi lại đánh cờ; xách dù đi dạo thăm người quen. Nay quan nầy mai quan kia mời ăn uống chơi hát nhà trò, đào Hiên, đào Lượt, đào Hòa.

Lúc ở đó, có làm việc quan thế cho ông tham biện Cư, khi ông đi bắn năm bảy bữa, khi đi cắm phòng, đôi ba bữa, có bữa cụ thông là cụ địa phận Iphanho đi qua đò vảng nghe tiếng con gái nhỏ ở sau bồng lái tàu kêu cứu. Cụ biết nó là quân bị Ngô bắt, chạy qua tham biện báo. Ta liền chạy lại thương chánh nói với quan Võ Túc cho triệt chiếc tàu ấy lại. Nó không muốn ghé, cho theo bắt. Cho lính xuống soát, nó cự không cho, gặp tây làm chưởng đình đính kêu cậy xuồng với lính mà đem ba đứa con gái lên. Nó khai rõ ràng Ngô bỏ thuốc bắt nó, còn một đứa nhỏ còn mê thuốc chưa rã. Dạy núm co các chú Ngô đem lên đóng gông lại, tịch tàu nó đi. Mượn hai tên lính tây canh tàu. Sau giải về tỉnh Hải Dương trị tội. Lại có gặp chiếc tàu Hồng Mao có quan Khâm Phái lãnh sự tới đó, lên thăm trên thương chánh; sau có mời xuống tàu coi tàu (tàu tên là Egeria).

Sau hết từ giã quan quyền tây nam và kẻ quen biết hết cả, ngày thứ 7 21 tháng 3 (le 15 avril), giờ thứ 1 xuống tàu, qua giờ thứ 3 chạy ra ngả cửa Câm; chạy luôn qua ngày thứ 2 giờ thứ 10 vô vũng Hàn bỏ neo đậu lại; trên thủ ngữ đem ông trạm xuống, giờ thứ 1 lấy neo chạy ngay về Gia Định, giờ thứ 5 sáng ngày thứ 5 là 26 tháng 3 (20 avril) vào cửa Cần Giờ. Giờ thứ 11 lên tới Sài Gòn gieo neo đậu lại. Mướn đò chở đồ và người về thẳng nhà. Trong nhà không ai dè, vô tới bến mới hay.

(SÀI GÒN - BẢN IN NHÀ HÀNG C. GUILLAND ET MARTINON, 1881)

   




Chú thích

  1. D = là đông. T = là tây. N = là nam. B = là bắc.
  2. Đ. C. G. = là Đức Chúa Giê Giu (= Da Tô).


Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.