Chiếc sơ-mi trên lịch sử

Chiếc sơ-mi trên lịch sử  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 19 (5 Décembre 1936), trang 1.

Trong các cuộc bạo động hay các tổ chức chính trị ở các nước Âu châu xưa nay, bọn đồng chí thường mặc sơ mi cùng một màu để cho được có tính cách duy nhất.

Ở Pháp, sau việc hủy bỏ tờ pháp lệnh Nantes bởi vua Louis XIV ‒ tờ pháp lệnh nó đã cho bọn Tân giáo hưởng bao nhiêu quyền lợi ‒ bọn nầy bất bình nên nổi loạn tứ tung. Riêng ở vùng Cévennes, họ rủ nhau mặc toàn sơ-mi trong lúc khởi binh chống lại nhà vua. Sử không chép rõ họ đồng mặc sơ-mi màu gì, hay mỗi người chỉ một chiếc sơ-mi thường thôi, nhưng cái ý tưởng dùng sơ-mi cùng màu sau nầy của các đảng có lẽ bắt đầu từ đó.

Các đảng viên của phái Bảo Hoàng, thời Đại Cách mạng Pháp đều mặc sơ mi màu xanh lá cây. Họ bảo mặc như thế là để kỷ niệm cuộc sát lục các bạn đồng chí người Thụy Sĩ của họ đã từng mặc binh phục màu xanh lá cây.

Thế kỷ XIX, hồi Pháp-Đức chiến tranh (1870-1871), dưới lời hiệu triệu của Garibaldi, hàng vạn thanh niên Ý mặc sơ-mi đỏ đã ra đầu quân giúp nước Pháp.

Rồi đến ngày nay, chúng ta thấy hiện ra hai thứ sơ-mi màu nữa: màu nâu của đảng Quốc gia xã hội ở Đức, màu đen của đảng Phát xít ở Ý.

Lại năm kia, nghe đồn ông Coty có lập ra ở Pháp một đảng mới mệnh danh là “Quốc gia Liên đoàn”, mà các đảng viên đều dùng thứ sơ-mi màu xanh da trời. Một đảng mới khác không rõ khuynh hướng, hình như đã biểu tình bằng sơ-mi màu hồng là cái màu của sự hoan lạc.

Thuật lại cái lịch trình của chiếc sơ-mi trên lịch sử, chúng ta cũng không nên quên nói đến chiếc sơ-mi nâu của bọn tù phạm bị đày ở xứ Guyanne. Nhưng đây là thứ sơ-mi nó không làm vinh dự gì cho người mặc, mặc nó tức là đã đi đến sự cùng khổ của loài người.[1]

   




Chú thích

  1. Bài này không ký tên, tức là tác quyền thuộc về tòa soạn, cũng tức là thuộc chủ bút Phan Khôi.