Chiêu hồn nước/Chiêu hồn nước

CHIÊU HỒN NƯỚC

Cũng nhà cửa, cũng giang-san,
Thế mà nước mất nhà tan hỡi trời!
Nghĩ lắm lúc đương cười hóa khóc,
Muốn ra tay ngang-dọc, dọc-ngang.
Vạch trời thét một tiếng vang,
Cho thân tan với giang-san nước-nhà!
Đồng-bào hỡi con nhà Đại-Việt,
Có thân mà chẳng biết liệu đời.
Tháng ngày lần lữa đợi thời,
Ngẩn ngơ ỷ-lại ở người ai thương.
Nay sóng gió bốn phương càng dữ,
Tính nết xưa còn giữ mãi sao.
Đồng-bào chút rọt mắu đào,
Thương ôi tội nghiệp đời nào sót đây.
Nên mau mau giậy ngay kẻo muộn,
Mà sót thương đến chốn Nhị-Nùng.
Xưa kia cũng lắm anh-hùng,
Dọc-ngang trời đất vẫy-vùng bể khơi.
Xưa cũng có lắm người hào-kiệt,
Trong một tay nắm hết sơn-hà.
Nghìn thu gương vẫn không nhòa,
Mở mày mở mặt con nhà Lạc-Long.

Non-sông vẫn non-sông gấm vóc,
Cỏ cây xem vẫn mọc tốt tươi.
Người xem cũng giáng con người,
Cũng tai cũng mắt như đời khác chi.
Cảnh như thế, tình thì như thế,
Sống mà chi, sống để mà chi.
Đời người đến thế còn gì,
Nước-non đến thế còn gì nước-non.
Nghĩ thân-thế héo hon tấc dạ,
Trông non sông lã chã giòng châu.
Một mình cảnh vắng đêm thâu,
Muốn đem máu đỏ nhuộm mầu giang san.
Ngọn gió lọt đèn tàn hiu-hắt,
Tiếng quốc kêu giầy mặt anh-hùng.
Nghiến răng nuốt cái thẹn thùng,
Mà chiêu hồn cũ lại cùng non-sông.
Hồn hỡi hồn con Hồng cháu Lạc.
Bấy nhiêu lâu đói khát lầm than.
Bấy lâu thịt nát sương tan,
Bấy lâu tím ruột thâm gan vì hồn.
Hồn hỡi hồn! kìa non nước cũ,
Bấy nhiêu lâu mặt ủ mày châu,
Bấy lâu ngậm tủi nuốt sầu,
Bấy lâu hèn kém vì đâu hỡi hồn?

Trông bốn bể bồn chồn dạ ngọc,
Ngắm năm châu khôn khóc nên lời.
Đêm khuya cảnh vắng im trời,
Khôn thiêng chăng hỡi! hồn ơi hồn về.
Hồn trở về đừng mê mẩn nữa,
Tính nết xưa phải sửa từ giờ
Hồn về hồn cố cho nhờ,
Anh em Hồng-Lạc cõi bờ Việt-Nam.
Hồn trở về chớ tham rượu thịt,
Chớ tham nhà cao tít mấy từng.
Kìa con chim ở trong rừng
Kiếm mồi đâu có lạc chừng quên cây.
Hồn trở về đừng say gái đẹp,
Mà nặng tình kẻ khép phòng thu.
Đường đường một đấng trượng-phu,
Nhẽ đâu hồn chẳng đền bù non-sông.
Hồn trở về chớ mong giầu có,
Mà ước ao xe nọ, ngựa kia
Nghênh ngang mũ áo râu ria,
Trăm nghìn năm vẫn còn bia miệng cười.
Hồn trở về cõi đời chớ chán,
Mà vội đem lòng nản việc trần.
Hột cơm tấm áo manh quần,
Hồn ăn hồn mặc nợ nần trần-gian

Hồn trở về bấm gan mà chịu,
Cảnh biệt-ly tình hiếu đôi đường.
Trượng-phu trí ở bốn phương,
Nhẽ đâu hồn chỉ vẩn-vương nỗi nhà.
Hồn trở về nguyệt-hoa chi nữa,
Mà thoi đưa lần lữa qua ngày.
Xưa nay những kẻ tỉnh say,
Lòng mê có nghĩ việc hay bao giờ.
Hồn trở về chớ chờ sức yếu,
Mà hồn không định liệu dọc-ngang.
Hoặc hồn bảo chẳng biết đàng,
Mà hồn không muốn vội vàng làm ngay.
Hoặc hồn sợ tai bay vạ gió,
Mà hồn đành phải bỏ non sông.
Hoặc hồn quen thói phục-tòng,
Mà hồn cam chịu cùng giòng ngựa trâu.
Hoặc hồn thường cháo rau no đói,
Nên hồn riêng mong khỏi cơ hàn.
Hoặc hồn đã trải lầm than,
Mà hồn bỏ mất cái gan tung hoành.
Hoặc hồn ở thị-thành phố-xá,
Hoặc hồn trong túp lá lều tranh.
Hoặc hốn trong chốn rừng xanh,

Hoặc hồn lẩn quất ở quanh sơn-hà
Hoặc hồn ở nước nhà chật hẹp,
Hoặc hồn đi ẩn nấp nước người.
Đêm khuya cảnh vắng im trời,
Khôn thiêng chăng hỡi hồn ơi hồn về.
Hồn trở về đừng mê mẩn nữa,
Tính nết xưa phải sửa từ giờ.
Hồn về hồn cố cho nhờ,
Anh em Hồng-Lạc cõi bờ Việt-Nam.
Còn chi sung sướng vẻ vang,
Bằng đem da ngựa chiến-tràng bọc thây.
Hồn trở về làm ngay ý muốn,
Chớ rụt rè sớm muộn sao nên.
Lẽ thường thành bại đôi bên,
Chớ đo đắn quá mà quên việc mình
Hồn trở về hy sinh quyền-lợi,
Mà tận tâm đối với nước-non
Dù mà thịt nát sương mòn,
Cái bầu nhiệt huyết phải còn như xưa.
Hồn trở về hồn mơ, hồn mộng,
Nên hồn thành ra giống ngựa trâu
Hồn về hồn kịp đòi mau,
Tự-do hành động mặc dầu dọc ngang.

Hồn trở về rèn gan đúc trí,
Chớ có thèm những vị cao lương.
Tháng ngày rưa muối rau tương,
Còn hơn rượu thịt mà nương nhờ người
Hồn trở về song trời đất lại,
Hồn trở về tát hải đạp sơn.
Chớ nề gió kép mưa đơn,
Mà đem gan trọi với cơn phong trần.
Hồn hỡi hồn xa gần nghe thấy,
Thì hun nên kíp giậy mà về.
Hoặc hồn ở chốn thôn quê,
Hoặc là hồn ở phủ kia lầu này.
Nước-non cũ bấy nay khao khát,
Ngày ấy qua, ngày khác lại qua.
Mấy phen lệ rỏ, máu xa,
Mấy phen xót xót xa xa lòng vàng
Mong hồn tỉnh, hồn càng không tỉnh,
Mong hồn về, hồn định không về
Non-sông hồn rửa lời thề,
Cho non nước khỏi trăm bề lầm than.
Hồn hỡi hồn giang-san là thế,
Giống Lạc-Hồng tôi kể hồn hay:
Kể từ hồn lạc đến nay,
Đêm đêm khóc khóc ngày ngày than than.

Cũng có kẻ trên ngàn rỏ mắu,
Cũng có người nương náu phương xa.
Cũng người bỏ cửa bỏ nhà,
Cũng người lo nghĩ tuyết xa mái đầu.
Cũng có kẻ làm trâu làm ngựa,
Cũng có người đầy-tớ con đòi.
Cũng thằng buôn giống bán nòi,
Khôn thiêng chăng hỡi hồn coi cho tường.
Có mồm nói không đường mà nói,
Có chân tay người chói chân tay.
Mập mờ không biết giở hay,
Ù ù cạc cạc công này việc kia.
Hồn hỡi hồn đêm khuya canh vắng,
Hồn nghe hồn có đắng cay không.
Tôi đây cũng rọt máu hồng,
Cũng sương cũng thịt con Rồng cháu Tiên.
Trông thấy cảnh mà điên mà giại,
Trông thấy tình mà giại mà điên,
Mà sao không thể ngồi yên,
Ba câu gan ruột tôi biên mời hồn.
Hồn nghe thấy nên chồn tấc dạ,
Hồn nghe xong nên khá mà về.
Chớ đừng tỉnh tỉnh mê mê,

Chớ đừng đo đắn trăm bề sâu nông.
Hồn trở về non-sông nước cũ,
Mà mau mau giết lũ tham tàn.
Mau mau giết đứa hại đàn,
Túi tham giám chứa bạc vàng của dân.
Hồn trở về cho dân tỉnh lại,
Không ngu ngu dại dại như xưa
Không còn khó nhọc sớm trưa,
Không còn nắng nắng mưa mưa rãi rầu.
Hồn trở về mau mau hồn hỡi,
Hồn trở về tôi đợi tôi mong.
Hồn về tô-điểm non-sông,
Hồn về giậy giỗ con Rồng cháu Tiên.
Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt,
Dầu không còn nước mắt hãy còn.
Hỏi hồn nước nước non non,
Hồn về tôi sẵn lòng son giúp hồn.
Tôi đây cũng không khôn cho lắm,
Nhưng cũng không dại lắm cho nhiều
Tôi nay chỉ một lòng yêu,
Nên mong nên mỏi nên chiêu hồn về.
Hồn hỡi hồn hề hồn hỡi.
Hồn hỡi hồn hồn hỡi hồn ơi!

Đêm khuya cảnh vắng im trời,
Khôn thiêng chăng hỡi hồn ơi hồn về.
Bút viết song tai nghe miệng đọc,
Miệng đọc song rọt ngọc rỏ xa.
Rỏ xa nên chữ hóa nhòa,
Hóa nhòa nên mới in ra nghìn tờ.
In nghìn tờ mà đưa công chúng,
Công chúng xem mong bụng đổi dần,
Đổi rồi thức kẻ xa gần,
Rằng mau nên trả nợ nần non-sông.

PHẠM-TẤT-ĐẮC
(1927)