Chiêu hồn nước/Đồng bào đừng sợ chết!

ĐỒNG-BAO ĐỪNG SỢ CHẾT!

(Lời khuyến-khích quốc-dân của cụ Nguyễn-thương-Hiền. Cụ viết ra khi được tin vua Hàm Nghi bị bọn thực dân Pháp bắt giam rồi đưa đi an-trí).

Nghĩ càng nghĩ, thấy càng thống-thiết!
Tủi thay dân Nam-Việt, là tôi,
Thấy kỳ Nhật-báo vừa rồi,
Hiếp-vua an trí đứng ngồi thở-than!
Hai Giòng lệ chan chan, chứa-chứa!

Muốn kêu trời, thở chẳng ra hơi
Nôm-na tay thảo mấy lời,
Máu hòa ngòi bút sụt-sùi đắng-cay!
Anh em hỡi, có hay, chăng tá?
Đến thế này, nhục-nhã hay không?.
...................
Nước xưa vẫn có anh-hùng.
Đứng làm phụ-chủ ở trong giống nòi.
Đai chỉ biểu (?) dẹp ngoài, yên nước,
Hai mươi năm vẫn được yên lành.
Vua Lê đánh đuổi giặc Minh,
Muôn dân đội đức thái-bình âu-ca.
..................
Từ hơn bốn mươi năm trở lại,
Giặc Pháp làm thảm hại đến đâu.
Ngoài thời bảo-hộ mượn mầu,
Trong thời moi khoét như sâu đục dần,
Nó vơ-vét của dân tàn-hại,
Lại đem vua làm cái đầu gà.
Chính-quyền ở cả người ta,
Vua thời vua vậy, vua mà sướng chi?
Ngồi trơ đó si si tượng gỗ,
Khác chi là bóp cổ, vặn hàm.

Mất quyền thôi cũng đã cam,
Thấy dân đau-đớn biết làm thế nao?
Nó thấy bở, nó đào đến gốc,
Cố làm cho sỉ-nhục mới thôi.
Hai-mươi tháng sáu năm Mùi,
Giả vờ tĩnh-dưỡng, cất ngôi rõ-ràng
Cướp ấn-bảo đưa sang cơ-mật,
Trương-như-Cương nhận thực đứng đầu.
Than ôi! trời thảm đất sầu,
Núi cao lở ngọn, sông sâu cạn giòng,
Sự đâu sự lạ-lùng đến thế,
Chợt tai nghe mất vía, giật mình,
Mơ-màng đất đỏ trời xanh,
Thôi thôi! Địa-nghĩa thiên-kinh còn gì.
Bảo rằng tội, tội chi với nó,
Bảo rằng đau, nào có đau chi?
Một là chẳng nhượng Bắc-Kỳ,
Hai là Khâm-sứ mấy khi mắng ầm,
Ba là dạ những quân nô-lệ
Bán vua đi làm kế lợi mình,
Nó xem đã rõ tâm mình
Cho nên nó mới liệu vành đem đi.
Bảo-hộ thế ra gì bảo-hộ
Khắp địa-cầu đâu có thế đâu.

Muốn sao, muốn vậy mặc dầu,
Gõ vua như thể gõ đầu trẻ con!
Nước không vua, sao còn là nước,
Dân không vua, sao được là dân?
Kiến, ong còn có quân-thần,
Huống chi nghĩa trọng, nhân luân đó mà,
Sao không kẻ sót-sa đến ruột,
Sao không người đau buốt đến xương?
Sao không biết chữ Cương-thường,
Sao không biết liệu mở đường cầu sinh.
Hay tại khí anh-linh tan hết,
Chẳng sinh ra anh-kiệt, hùng hào
Cho nên chịu chết thằng ngao,
Nó cào, nó cắn thế nào cũng thây!
Ta chỉ sợ như cây đứt rễ,
Cành lá kia có khỏe được đâu?
Hùm thiêng khi đã mất đầu
Vuốt nanh, trơ đó dễ hầu chống ai?
Quan chỉ sẵn nó sai, nó khiến,
Dân tha hồ nó thiến, nó băm!
Ai ơi! sao chẳng giật mình,
Chim lồng, cá chậu hẳn dành tới nơi.
.................
Gương Ấn-độ đã bầy trước mặt,

Bảng Phi-châu chất-ngất bên mình,
Thôi đừng bảo nó công-bình,
Thôi đừng bảo nó có tình yêu ta.
Đừng bảo nó thực-thà bảo-hộ,
Cũng đừng hòng mờ tỏ, ta hay,
Thôi đừng lấy nó làm thầy
Lợn chuồng nuôi béo cả ngày, chẳng sai.
Thôi đừng có khoe tài khoe giỏi,
Mà bỏ vua chẳng nói chẳng rằng.
Đồng-bào nghĩ đến cho chăng?
Làm người nghĩa cả, chi bằng chữ Trung
Liệu phá cũi, sổ lồng mà nhẩy,
Chớ trơ-trơ đứng vậy trong vòng.
Trước là giữ được chữ Trung,
Sau là chẳng thẹn nước không có người.
Không sợ chết, thì trời mới chứng,
Người có trung mới đáng được đời.
Vật kia, tượng nọ, ai ơi!
Ai người thái-học, ai người quần-dương.
Chữ chính-khí làm gương thiên-cổ,
Mảnh đơn-tâm đứng chủ trong đời!
Khuyên ai đừng có đội trời,
Thề cùng làm được tới nơi phen này.

MAI-SƠN N. T. H.

HẾT