Cha con nghĩa nặng/Chương III
Người xảo quyệt thì hay gạt, mà người thiệt thà lại hay tin.
Trần Văn Sửu nghe người ta nói vợ lấy trai thì tức giận, mà vì tánh chơn chất thiệt thà, tức giận không biết lo mưu tính kế mà lóng đục gạn trong, cứ về nhà tỏ thiệt cho vợ nghe, rồi hỏi vợ có làm quấy như người ta nói đó hay không. Thị Lựu là một người đàn bà hỗn ẩu mà lại xảo quyệt, vừa nghe nói thì mắng rủa hăm dọa om sòm, rồi bơm[1] ngọt chồng, òn ỷ mơn trớn một đêm, làm cho Trần Văn Sửu vui lòng, tưởng vợ mình trong như tuyết, sạch như băng, vì người ta ganh ghét nên bày đặt chuyện mà dứt can thường phá gia đạo.
Qua bữa sau, Trần Văn Sửu đi gặt, trong lòng phơi phới, ngoài mặt vui vẻ như thường, tin chắc vợ thương yêu, không còn nghi thằng Sung là con lộn dòng nữa.
Cách ít ngày tới lúa của anh ta chín, Thị Lựu đòi đi theo chồng mà gặt, Trần Văn Sửu châu mày nói rằng: “Thôi, ở nhà coi em. Trời nắng quá, mầy không quen, rồi đau đây mầy báo người ta nữa”.
Trần Văn Sửu kêu có bốn người gặt giúp, nên gặt bữa đầu mới được có một góc ba mà thôi. Vì lúa bó chưa xe về nhà kịp, nên ban đêm anh ta phải ra ruộng ngủ mà giữ. Anh ta mới vừa ôm nóp ra đi thì vợ hỏi rằng:
- Ngoài ruộng chỗ đâu mà ngủ?
- Có bờ chớ.
- Ngủ mấy bữa vậy lận?
- Gặt ba bữa cho hết rồi mướn xe mà xe, nên phải ngủ ba bốn đêm.
- Ngủ ngoài sương ngoài gió vậy lạnh chết còn gì?
- Có nóp mà lạnh nỗi gì?
- Lóng nầy còn trăng, ai dám gánh trộm lúa bó hay sao mà phải giữ cho cực vậy hổng biết!
- Lúa bó cũng là tiền chớ gì. Của mình thì mình giữ cho chắc tay. Đừng tin sáng trăng, vậy chớ không thấy hôm rằm tháng chạp nó gánh trộm của anh Hương hào Hội hết mấy chục bó lúa đó hay sao?
Thị Lựu cười, Trần Văn Sửu vác nóp mà đi.
Trần Văn Sửu ngủ giữ lúa hai đêm đầu bình an, đêm nào cũng chừng trời rựng sáng mới ôm nóp đi về đặng ăn cơm rồi có trở ra mà gặt. Qua đêm thứ ba, anh ta cũng ra ruộng mà ngủ nữa. Đến nửa canh hai, chẳng hiểu tại sao mà trong bụng đau quá, chịu không được. Anh ta tốc nóp ngồi dậy ôm bụng, thì trong ruột đau thắt từ hồi, còn ngoài da thì mồ hôi nhểu giọt.
Bữa ấy nhằm mười chín tháng giêng, nên mặt trăng đã mọc lên được vài sào, rọi đồng sáng rỡ. Trần Văn Sửu mới tính trở về nhà kiếm dầu Như Ý mà uống, như hết đau bụng thì sẽ trở ra mà ngủ lại. Anh ta bỏ cái nóp lại đó, tay chống cây cóc mà đi về. Anh ta đi được một khúc đường thì trong bụng bớt đau, chừng về gần tới nhà thì không còn đau chút nào nữa hết. Anh ta muốn trở ra ruộng ngủ lại, mà rồi anh ta nghĩ mình về đã gần tới nhà rồi, thôi thì mình đi luôn vô nhà biểu vợ nấu nước nóng cho mình uống một chén rồi sẽ trở ra giữ lúa cũng không hại gì.
Anh ta bước vô sân thì nghe trong nhà vắng teo. Anh ta thò tay dở cửa, thì cửa gài chặt cứng. Anh ta bèn cất tiếng kêu rằng: “Mầy a, mầy, dậy mở cửa cho tao vô một chút nghe hôn”.
Anh ta không nghe vợ trả lời, mà rồi lại nghe có tiếng nói lào xào trong buồng, rồi nghe có tiếng đi động đất phía sau nhà bếp. Anh ta vỗ cửa kêu vợ nữa. Thị Lựu lên tiếng hỏi: “Ai kêu đó?”. Trần Văn Sửu liền đáp rằng:
- Tao chớ ai.
- Ngủ giữ lúa sao mà về? Bỏ lúa trong ruộng ai coi cho?
- Đau bụng quá, nên về kiếm nước nóng uống.
- Ờ, để đốt đèn rồi mở cửa cho.
Thị Lựu lò mò trong buồng, kế lần đi đâu xuống nhà bếp một hồi nữa, rồi mới chịu ra phía trước quẹt hộp quẹt lên mà đốt đèn. Trần Văn Sửu tay cầm cây cóc đứng ngoài cửa mà chờ. Chừng Thị Lựu mở cửa rồi, chị ta nói lớn lên rằng: “Cửa mở rồi đó, dở mà vô”.
Trần Văn Sửu dở cửa chung vô phía bên nầy, thì Thị Lựu cũng dở cửa chung ra phía bên kia. Anh ta vừa mới chung vô nửa cái mình, nghe dựa bên hè có tiếng người ta chạy động đất thình thịch. Anh ta tưởng là ăn trộm rình nhà, nó nghe anh ta về nó sợ nó chạy, nên anh ta lật đật chạy thối lui ra sân.
Trăng sáng như ban ngày, Trần Văn Sửu thấy rõ ràng Hương hào Hội bận áo vải trắng quần lãnh đen ở phía cây chùm ruột chạy ra sân đặng có thót ra lộ. Anh ta xách cây cóc chạy theo, trong bụng giận lắm, quyết đập chết Hương hào Hội cho rồi đời quân gian dâm. Chẳng dè Thị Lựu chạy lại níu áo chồng mà trì lằn nhằn, làm cho Trần Văn Sửu rượt không được, để cho Hương hào Hội thót ra lộ chạy mất.
Trần Văn Sửu và tức và giận, day lại xô vợ té lăn cù dưới đất và nói rằng: “Mầy đi theo nó đi, đừng có ở trong nhà tao nữa”. Anh ta nói rồi liền quăng cây cóc giữa sân mà đi vô nhà.
Thị Lựu có lỗi, nên bị chồng xô té mà không dám nói chi hết. Chị ta lồm cồm đứng dậy bới đầu cho chặt rồi cũng trở vô nhà.
Trần Văn Sửu giận quá, mặt mày tái xanh, tay run bây bẩy, vừa thấy vợ vô nhà thì bước lại xỉ trong mặt vợ mà nói rằng: “Đồ đỉ chó! Bữa nay tao bắt được rõ ràng rồi đó, mầy còn chối nữa thôi, hử? Đi đi, đi ra khỏi nhà tao cho mau”.
Thị Lựu trợn mắt ngó chồng và hỏi rằng: “Mầy bắt được cái gì? Tiên nhơn tổ đường thằng cha mầy, nửa đêm mầy về đây kiếm chuyện mà đánh tao phải hôn? Mầy giỏi mầy làm giống gì tao đâu, mầy làm thử, coi họ còng đầu mầy hay không mà”.
Trần Văn Sửu tức vì vợ lấy trai mình bắt được, mà nó còn chửi mình nữa, anh ta dằn lòng không được, nên nhảy lại đánh vợ một bốp tay chúi lúi, Thị Lựu chụp con dao bầu để trên ghế nghi rồi nhắm ngay mặt chồng mà chém. Trần Văn Sửu trớ khỏi, rồi vói tay giựt con dao và co cẳng đạp vợ một cái mạnh quá, làm cho Thị Lựu té đập đầu vô cạnh ván nghe một cái bốp.
Thị Lựu nằm dài dưới đất, không cục cựa, mà cũng không nói chi hết.
Thằng Tý với con Quyên đã thức dậy từ hồi cha chúng nó mới về kêu cửa, song chúng nó thấy mẹ đốt đèn mở cửa nên nằm nín khe. Chừng chúng nó thấy cha mẹ mắng chửi, xỉ xỏ nhau, rồi đánh nhau nữa, thì chúng nó kinh hãi nên lồm cồm ngồi dậy rồi dắt nhau chạy lại đứng núp phía sau cái cối xay lúa.
Trần Văn Sửu thấy vợ nằm im lìm dưới đất, bèn bưng đèn mà rọi. Thị Lựu nằm ngửa, một cánh tay thì xấp dưới lưng, một cánh tay thì gác lên chưn ván, mắt mở trao tráo mà không có thần, trong miệng nhểu ra ít giọt máu đỏ lòm. Trần Văn Sửu thất kinh, lật đật để cái đèn lên trên ghế nghi, rồi thò hai tay bồng xốc vợ mà để lên trên ván. Anh ta đụng nhằm phía sau ót ướt ướt, bèn đỡ cái đầu lên mà coi, thì thấy cái sọ phái sau đã bể, nên óc đổ ra rồi pha với máu mà chảy dầm dề. Anh ta rờ lỗ mũi thì không còn hơi thở nữa. Anh ta kinh tâm loạn trí, mặt mày xanh như chàm, tay chơn run lẩy bẩy, liền ôm ngang mình vợ mà kêu rằng: “Mầy a, mầy!”. Thị Lựu nằm trơ trơ như khúc cây, Trần Văn Sửu ngóc đầu dậy than rằng: “Trời đất ơi! Vợ tôi chết rồi còn gì đâu”.
Lúc ấy, trong lòng anh ta đã đau đớn, mà trong trí anh ta lại lo sợ, anh ta lính quýnh, chạy vô buồng rồi chạy ra đứng ngó vợ, muốn khóc mà không có nước mắt, muốn nói mà nói không ra lời. Bộ tịch anh ta như người mất trí. Anh ta ngó vợ một hồi rồi dùn mình. Anh ta vụt dở cửa bước ra sân, bỏ cửa rớt một cái ầm rồi co giò mà chạy tuốt.
Vừa kinh hãi về nỗi giết vợ, vừa lo sợ về nỗi chúng bắt, Trần Văn Sửu chạy đây, một là không muốn thấy cái thây của vợ nữa, hai là không muốn để cho làng bắt trói mình. Tuy anh ta chưa tính coi phải chạy đường nào, phải đến đâu mà trốn, song anh ta ra khỏi sân rồi, không dám chạy theo đường lộ, dường như sợ người ta rượt theo. Anh ta băng xuống ruộng, mà lại tránh xa mấy chòm nhà, dường như sợ người ta đón bắt.
Trên trời trăng soi vằng vặc, trước mặt đồng ruộng minh mông. Trần Văn Sửu vẹt lúa mà đi, lúa vướng chưn muốn té nhủi, bước xẹt bùn văng tới đầu. Anh ta thấy hai con mắt của vợ mở trao tráo mà ngó anh ta hoài, anh ta sợ quá, nên nhắm khít cặp mắt lại đặng đừng thấy nữa, mà nhắm cũng như mở, cứ ngó thấy luôn luôn. Anh ta đi một hồi, lại nghe như có tiếng người ồ ào phía sau, anh ta tưởng xóm làng theo bắt, nên day mặt lại mà ngó, té ra không có ai hết. Ngực nhảy thịch thịch, mắt đổ hào quang, mồ hôi tuôn dầm dề, anh ta cúi đầu khum lưng, lầm lũi đi riết.
Trời rựng sáng, Trần Văn Sửu đi tới mé sông lớn, bèn đứng lại mà ngó. Vì trong lúc hốt hoảng vụt chạy, không biết chạy hướng nào, nên đến đây gặp sông, không biết sông nầy là sông gì. Phần thì cùng đường, phần thì mỏi chơn, nên anh ta ngồi bẹp dựa lưng vào gốc cây bần mà nghỉ.
Gió thổi lao rao, đưa sóng đánh vào mé đất lạch xạch, nhánh bần lúc lắc, lá xuôi một phía khua tiếng lào xào. Trần Văn Sửu ngồi khoanh tay, tại nghe sóng dập gió dờn thì buồn ngủ, nên nhắm mắt lim dim. Vì mệt mỏi nên muốn ngồi êm mà nghỉ, té ra vừa nhắm mắt thì thấy vợ nằm trước mặt, cặp mắt mở trao tráo miệng trào máu đỏ lòm. Sự sợ, sự buồn, sự lo, sự ăn năn ùn ùn xông tới làm rối rắm trí khôn, nên anh ta rởn óc, rụn tay, lắc đầu, đấm ngực mà nói rằng: “Trời ơi! Tôi đánh vợ tôi chết rồi, bây giờ làm sao? Bị đày, chắc không khỏi bị đày chung thân... Mấy đứa con tôi, ai nuôi nó?”...
Trần Văn Sửu nhớ tới sắp con, thì anh ta khóc mới được. Mà chừng khóc được, thì nước mắt tuôn ra dầm dề không dứt. Anh ta chống hai cánh chỏ trên đầu gối, sè hai bàn tay bụm mặt mà khóc, kể rằng: “Mình ôi! Mình làm chi mà tồi tệ như vậy? Vợ chồng ở với nhau mấy năm nay, mình cũng biết tôi thương mình, tôi cưng mình lắm chớ. Việc nặng, việc nhẹ tôi giành tôi làm ráo, tôi không chịu để cho mình làm. Tôi xin mình ở nhà coi nhà với sắp nhỏ mà thôi. Mình sung sướng như vậy, còn gì nữa. Sao mình không nghĩ bụng tôi, mình lén trai lén gái với Hương hào Hội làm gì. Mình thấy nó giàu có, quần lãnh áo lụa mình mê hay sao? Giàu có làm gì mà ham? Tôi nghèo chớ tôi có để mình chịu đói bữa nào hay sao? Hay là mình muốn có tiền đặng ăn mặc sung sướng như họ? Tôi thường nói với mình để tôi rán sức làm cho có tiền nhiều đặng vợ con sung sướng. Tôi nói như vậy là ý tôi muốn có tiền đặng cho mình quần hàng áo nhiễu, đi giày đi dép, đeo vòng đeo vàng. Tôi nói đó là nói thiệt, chớ không phải nói gạt mình. Mình cũng thấy tôi làm lung lắm, chớ phải biếng nhác đâu. Thủng thẳng chờ ít năm rồi sẽ khá, chớ mình muốn gấp quá sao được. Sao mình không thương tôi, mình lấy Hương hào Hội chi vậy? Mà như mình có lỡ dại, thì hôm tôi hỏi đó mình nói thiệt với tôi. Tôi thương mình lắm, nếu mình chịu thiệt, thì chắc tôi rầy bậy bạ rồi thôi, chớ tôi không nỡ đánh đập gì mình. Sao tôi hỏi mình lại chối, rồi mình còn mắng chửi tôi? Đến chừng tôi bắt quả tang chánh án rồi, mà mình lại còn leo lẻo, mình chửi tôi, mình thách đố tôi, mình vác dao chém tôi, làm cho tôi giận mất trí khôn, nên tôi xô mình té mà chết. Trời ơi! Vợ tôi chết rồi, bây giờ tôi sống sao được! Tôi sống thì tôi bị họ bắt, họ chém. Họ đày tôi ra Côn Nôn Đại Hải, còn ai ở nhà mà nuôi con tôi. Con tôi còn nhỏ quá, tội nghiệp lắm trời ôi! Bên nội không có ai hết, còn bên ngoại, thì có một mình ông ngoại, mà ông ngoại nó nghèo quá, lại già yếu rồi, làm sao có đủ cơm mà nuôi ba đứa cháu cho nổi. Ý hị!... Khổ lắm!... Còn một nỗi không biết sắp con tôi nó có hiểu bụng tôi hay không. Sợ e chừng nó khôn lớn, chúng nó không hiểu chi hết, tưởng tôi hung dữ, làm điều không phải rồi còn đập chết vợ nữa, chúng nó thương mẹ trở lại oán tôi, thì còn khổ cho tôi biết chừng nào!”.
Mặt trời mọc lên, giọt nắng trên mặt nước sáng lòa. Có một chiếc ghe chèo dọc theo mé sông. Trần Văn Sửu nghe tiếng chèo sạt sạt, tưởng làng tổng ngồi ghe đi kiếm bắt mình, nên lật đật đâm đầu lủi vô bụi ô rô gần đó mà trốn. Anh ta ngồi xo ro trong bụi, không dám thở, mà cũng không dám cựa quậy. Ghe đi khỏi xa rồi, mà anh ta cũng không chun ra, sợ người ta còn rình đâu ở ngoài, chun ra họ thấy họ nắm cổ bất tử.
Trần Văn Sửu cứ ngồi trong bụi trọn một ngày đó và gần nửa đêm nữa, vì buồn rầu lo sợ quá nên không biết đói. Đến khuya trăng mọc, anh ta lóng nghe tư bề vắng vẻ, gió lặng sóng êm, mới sẻ lén bước ra. Anh ta đứng dựa gốc cây bần mà ngó mông ra sông cái. Trăng chói nước lòa lòa, nước in trăng dợn dợn. Trần Văn Sửu ngó trăng ngó nước rồi bát ngát trong lòng. Anh ta muốn nằm tại chốn nầy nhịn đói mà chết phứt cho rồi, cho hết buồn rầu, cho khỏi bị bắt. Mà hễ muốn tự vận thì anh ta lại nhớ tới sắp con, sống thì còn mong có ngày cha con gặp nhau, chớ chết thì còn gì mà thấy nhau nữa. Anh ta suy tới tính lui trót một canh, rồi mới nhứt định phải kiếm chỗ mà trốn, trốn năm mười năm cho thiên hạ quên hết chuyện của mình, rồi lần lần lập thế về thăm con, đặng cắt nghĩa việc mình làm cho con hiểu, kẻo chúng nó tưởng mình hung dữ, không có chuyện gì mà giết chết mẹ chúng nó. Mà trốn đi đâu bây giờ? Đi lẩn quẩn lối nầy chắc không khỏi người ta bắt, có lẽ phải lội qua sông mà đi cho xa, cãi tên cãi họ, kiếm chỗ làm ăn thì hoặc may mới được yên thân chăng.
Trần Văn Sửu gốc ở Trung Trạch, nhà ở dựa mé sông Mê Tức, hồi nhỏ thường lội qua lội lại sông ấy hoài nên biết lội giỏi lắm. Anh ta đứng nhắm sông nầy, thấy mé sông bên kia mù mù, biết là sông lớn chớ không phải như sông Mê Tức, song anh ta không sợ, lần lần mở nút cởi áo mà máng trên nhánh bần. Anh ta tính cột quần cho chặt; lần dây lưng gặp cái hộp đựng giấy thuế thân, anh ta mới lấy cái hộp buộc vào vạt áo mà để luôn tại đó.
Sông anh ta tính lội qua đây là sông Cổ Chiên lớn lắm, mà chỗ anh ta muốn lội đây là lối vào rạch Nàng Âm, hiểm lắm. Trần Văn Sửu, một là ỷ sức lội giỏi, hai là liều mạng thoát thân, nên anh ta không nhút nhát, sửa soạn vo quần áo cho gọn gàng rồi liền bước xuống sông mà lội. Phần thì sông lớn, phần thì bụng đói, bởi vậy anh ta tuy lội giỏi, mà lội vừa mới một phần sông thì tay chân bải hoải, mắt đổ hào quang, hơi thở hào hển. Anh ta rán lội một hơi nữa, thì mệt đuối bơi hết nổi, tới không được lui không kham, cứ trồi lên hụp xuống một chỗ đó hoài. Anh ta dòm vô mé sông thì hai bên mù mù, bên nào cũng xa hết thảy. Anh ta chắc phải chết đuối, nhưng mà nhờ cái lòng muốn sống của con người nó làm cho anh ta thêm sức được chút ít, nên anh ta vùng vẫy bơi chòi cho đến cùng. Anh ta làm đã hết sức, vừa muốn xuôi tay ngay chưn đặng chìm phức cho rồi, thình lình anh ta thấy một chiếc ghe chạy bườm gần tới. Anh ta la lên một tiếng rồi đập chưn xuống nước đùng đùng. Nhờ trăng đã ló lên, người đà công ngó thấy tưởng ai bị chìm ghe trôi đó, nên bẻ bánh nhắm ngay chỗ Trần Văn Sửu mà chạy lại.
Khi ghe tới rồi, người đà công xả bườm và quăng dây cho Trần Văn Sửu nắm rồi kéo lên ghe. Trần Văn Sửu mệt đuối, nên leo lên ghe rồi anh ta nằm dài, nói không ra tiếng. Bạn lái trong ghe đều thức dậy, người lo đốt lửa mà hơ, kẻ rót nước trà cho uống, làm một hồi lâu Trần Văn Sửu mới tỉnh lại. Bạn lái áp hỏi anh tại sao ban đêm lại trôi giữa sông như vậy? Trần Văn Sửu nói dối rằng không nhà không cửa, không vợ con chi hết, mướn xuồng của người ta đi kiếm chỗ ở gặt lúa mướn, xuồng qua nửa sông bị chìm, nên anh ta mới thả trôi.
Những người ở dưới ghe ai cũng tưởng thiệt nên không tra hỏi chi nữa hết.
Trần Văn Sửu hỏi thăm mới hay ghe nầy ở Ba Động chở củi lên bán tại chợ Vũng Liêm, bán hết củi rồi nên đi về chở nữa. Anh ta thầm nghĩ, ấy là một dịp may cho mình thoát thân, bèn xin với chú lái cho theo xuống dưới Ba Động ở làm củi. Chú lái đương cần dùng bạn đốn củi, nên chú nghe Trần Văn Sửu xin theo thì chú cho liền. Ấy là một dịp may cho hai đàng, chớ không phải may cho một mình Trần Văn Sửu.
Chú thích