Chết vì gạo  (1907) 
của Nguyễn Văn Vĩnh

Bài báo này được viết trong "Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo", số 818 ra ngày 19 tháng 9 năm 1907, viết với bút danh T-N-T.

Nước Nam mình xưa nay ngu hèn, buôn bán không biết, cách đi lại không biết, trong một nước cũng một tiếng nói mà Nam chê Bắc cọc-cạch, Bắc chê Nam ậm-ọc; thuật pháp gì không biết, đồ khí dụng thậm bất tiện mà từ thượng cổ thế nào bây giờ cũng vẫn thế, không thấy tí gì là tiến-bộ; sự đó là bởi đâu?

Bởi cả nước có một nghề: là cầy ruộng!

Điều ấy mới nói không ai tin, nhưng ngẫm đi ngẫm lại thì quả thế.

Nước ta, từ Bắc đến Nam, dân chỉ có một nghề, làm lấy mà ăn, không phải đi đến đâu sốt cả. Sự đó cũng không phải là tại tính người. Ấy là tại địa-thế. Đồng bằng nhiều, cách san-sẻ nước dễ hơn là nơi cao nơi thấp. Thầy địa-lý nói đất sơn-cao thủy-thâm là đất hay, là nơi phải làm, nhưng không phải vì nhẽ thế. Núi cao khó ở, ở được tất phải khôn ngoan mới biết được cách trống được với gió to, rét nhớn; sông sâu mới khó vận nước đi mà giồng-giọt làm ăn, muốn vận được tất phải dùng mưu dùng mẹo khôn ngoan. Máy móc là đây mà ra.

Trong một nước, nơi cao nơi thấp; nơi đất khô, nơi đất ướt; chỗ giồng lúa, chỗ nuôi bò, nuôi dê; chỗ chuyên công nghệ; nơi chỉ nông thương; thì trong nước người tỉnh nọ tỉnh kia mới đi lại trao-đổi, nay đây mai đó. Có đi lại mới sinh ra đường xá phẳng-phiu, giữ gìn trắc-trắn; trước còn lấy xe ngựa làm nhanh; sau cứ đua nhau nhanh mãi, vì việc buôn bán đến trước nhau một ngày một giờ là lợi, rồi mới sinh ra cái hỏa xa, hỏa thuyền.

Nơi ẩm thấp thì lúa má gạo thóc, chỗ cao ráo thì giồng dâu trăn tằm. Đất ẩm tùy nhiều ít nước giồng cây nọ hay giồng cây kia. Đất cao tùy gần sông gần bến thì buôn bán đổi trác, tải đi chỗ nọ chỗ kia. Xa đường không tiện thì làm nơi chế tạo. Anh đi cầy vác gạo đến bán cho bác làm thợ ăn; bác thợ mộc đóng bàn đóng ghế cho chú nọ nằm ngồi; bác trăn tầm dệt the lụa cho các bác kia may áo. Đi lại luôn luôn, ganh nhau giầu có. Kẻ có trí nghĩ cách tiện nọ, phép dễ kia cho chúng được nhờ, để ta làm giầu lấy tiếng; kẻ giầu có thừa ăn thừa mặc nghĩ cách chơi bời để cho mấy bác dẻo tay ngồi rồi mới sinh nghề nịnh mắt, nịnh tai. Các sảo nghệ do ở đó. Trong nước đủ ăn, đủ mặc, đủ chơi rồi mới nghĩ đến xuất dương. Trước là thi ra lưng quảng mỡ, sau nữa là nếm xem của lạ của ngon. Sau ra quộc chanh buôn chanh bán. Đi đến đâu cũng muốn là nhà. Tầu sắt chạy như tên do ở đó. Súng bắn một phút bẩy viên cũng đó mà ra, vì trước là đi hống hách xa nhà, sau nữa là cách dữ dào, ngăn dậu.

Cứ như thế thì trắc rằng một nước văn minh, giầu mạnh, là do ở như cách làm ăn trong nước. Trong nước có đầy nghề nọ đó nghề kia mới khôn ngoan được. Thế mà nước Nam ta từ thượng cổ đến giờ vẫn chỉ có một nghề làm ruộng. Nơi nào làm nơi ấy ăn, không phải đem đi đâu cả, dư dụng thì người đến tận nhà mua đi cho nên không biết gì cả. Gián hoặc các nghề mỗi thứ cũng có một ít, nhưng chẳng thấm vào đâu. Những làng chuyên nghề khác như Bát-tràng, nung gạch, Thụy-chương nấu riệu nuôi lợn thì là hãn hữu. Còn bao nhiêu đất là chỉ độc có một giống thóc gạo mà giồng thôi. Bất đắc dĩ mới phải giồng thứ khác, như mía, như dâu, như gai, như đay, như café, vân vân.

Giồng thóc gạo thì dễ thực, nhưng từ xưa đến nay cũng chỉ nhờ Giời, nắng quá cũng đói, mưa nhiều cũng đói. Cho nên dân nước Nam tuy lúc bình thường cũng dễ làm ăn, nhưng là được no ấm cũng là phải "nô-lệ thì tiết."

Nước Nam lại còn ngu hèn vì một nỗi nữa, là Giời nóng lắm, mà cái nóng ấy tại địa thế cũng có, nhưng tại nghề làm ruộng cũng có.

Kể ra nước Nam, nhất là mạn Bắc ta này, cũng xa xích độ không kém gì phiá nam nước Pháp, cũng na ná bằng I-pha-Nho[1], I-đại-lợi[2]. Thế mà ba nước ấy thời tiết mát mẻ là bao nhiêu. Về mùa hạ thì Giời cũng nắng to, nhưng chỉ ngoài đường nắng thôi, còn trong nhà vẫn mát dời dợi, là vì đất khô ráo, không có hơi nước sông lên. Như ở nước ta thì đâu có ruộng là phải có nước, thế mà nào có được nước trong nước sạch. Cho nên hễ động nắng thì nước lên hơi, rồi gió tản đi, chỗ nắng chỗ dợp, chỗ nào cũng nóng nực, người cứ ướt át khó chịu vô cùng, nóng quá cái óc người không được minh mẫn, nghĩ không được điều hay vì chóng nhọc, làm cũng không được mấy. Cái khí nước ấy lại còn độc vì ô uế, sinh ra trứng bịnh thực nhiều.

Nhưng mà chẳng nhẽ Giời đã sinh ra nước Nam ta có một nghề từ thượng cổ đến nay, mà lại dỏi đi thế nào được. Làm người không tin rằng dỏi một nghề có nhẽ làm khác được thời tiết một phương giời đi được, thế mà trắc thực thế đấy. Cố ý ngẫm mà xem. Về mùa nực làm sao bao nhiêu chỗ cao như các núi mát hơn ở đồng bằng? Lúc có gió thì đổ ra tại gió đã đành, nhưng lúc im gió cũng mát lạnh đi là nghĩa làm sao? Vì là cao làm hơi nước nóng không lên được tới nơi. Đi chơi các nhà-quê có ý mà xem: những đồng có nước thì bức khó chịu hơn những chỗ nước chẩy mà đất khô. Thế hóa tôi bảo rằng ông Địa-lý lúc tìm dương-cơ mà hay sợ những úng-thủy cũng không phải là nói láo.

Cứ như tôi thiển nghĩ, thì người An-nam có cách đổi được thời-tiết nước Nam, không những là thời-tiết mát mẻ hơn lên, phong tục lại còn biến cải đi; học hành, tư tưởng cũng khác đi. Cách đổi ấy là: ta không nên lấy gạo làm cốt nữa. Nên kiếm giống khác mà giồng, nhất là những giống gì không cần phải nước lũng bũng như thóc lúa, như những giống sinh ra được sợi mà dệt vải.

Chúng ta phải biết rằng: phàm ở thiên-hạ này, nước nào chuyên về nghề làm cho người ăn, là trong nước không ra gì, mà hễ động đói thì mình đói trước. Như nước Pháp, nước Anh, đất giộng hơn mình bao nhiêu, thế mà lúa làm bánh cũng do ở Mỹ chở sang. Nghĩ mà xem, chẳng qua cũng là chao đổi chớ có thiệt gì. Chúng đem lúa cho mình, thì mình đã có riệu vang, the, lụa, vóc, vải đánh đổi. Lúc nào cũng chắc có gạo, vì một mùa có mất thì mất một thứ không có nhẽ mất cả. Còn bột làm bánh thì chắc bao giờ cũng không thiếu, vì vốn là bột đi mua ở ngoài về, chỗ này không có thì mua chỗ khác, bất quá đắt rẻ một ít, nhưng bao giờ cũng có ăn.

Một nước làm gạo ăn đi bán cho người quanh năm cứ đinh ninh vào đầy. Đến lúc động đói thì mình đói trước, ai biết đâu mà mang đến cho mình ăn.

Vả cái gạo này lãi không là mấy, trong các thứ giồng được có lắm thứ một vốn thực bốn lãi, nhưng mình không chịu nghĩ, chịu tìm, chịu thử, cho nên không biết đấy mà thôi.

Hỡi các ông mong cường-thịnh độc-lập, ơi! Tôi tưởng con đường này phải đi trước. Người có trí mà lại có của bây giờ nên lo cái việc đổi cách giồng giọt trong nước, cho nước được mát mẻ, không đói, mà lại được đi lại buôn bán giộng ra, rồi mới giảng đến Lư-thoa dân ước, đến Vạn-pháp tinh lý của Mạnh-đức-thủ-cựu, thì mới phải.

T-N-T

   




Chú thích

  1. tức, Tây Ban Nha
  2. tức, Ý