Chúa tàu Kim Quy/Phần 2/Chương III
Lối nửa canh một, trời mưa tạnh rồi bóng trăng vằng vặc, gió tây thổi lao rao, ghe Thu Thủy lên tới chợ An Giang thì phố phường đều ngủ hết, duy có một vài nhà còn đốt đèn leo lét, chỗ nói thơ inh ỏi, chỗ may vá im lìm. Trần Mừng bàn tính với Thu Thủy rồi biểu bạn chèo thẳng vào kinh Vĩnh Tế, nhắm lối gần nhà Kỉnh Chi mới cặm sào đậu mà ngủ. Rạng ngày Trần Mừng gói hàng lụa làm hai gói rồi biểu Sáu Quít gánh đi với mình lên chợ kiếm mối hàng mà bán.
Chiều lại lối mặt trời gần chen lặn, Thu Thủy mới kéo ghe vô sát mé bờ kinh rồi leo lên bờ đi qua đi lại mà hòng mát. Đương thơ thẩn trên bờ kinh, gió thổi tóc phất phơ dựa hai bên gò má chẳng khác nào mây bay vương mặt trăng, thình lình gặp cha con Kỉnh Chi dắt nhau đi về. Thu Thủy đứng nép tránh bên đường, Kỉnh Chi nép đi qua, không biết vì hổ thẹn phận hèn, hay là ý khinh khi má phấn, song đi qua thì đi, chớ chẳng hề ghé mắt ngó Thu Thủy.
Thu Thủy day mặt xuống ghe dặn Hai Cam coi nấu cơm đặng cho hai người đi bán hàng chừng họ về có sẵn cho họ ăn, rồi lần lần đi tới, ngang nhà Kỉnh Chi đứng nhắm một hồi rồi trở lại. Chiều bữa sau, Kỉnh Chi đi về gần tới nhà cũng thấy Thu Thủy nữa, song bữa nay ngồi trên mui ghe, chớ không phải đứng dựa đường như bữa trước.
Kỉnh Chi thấy vậy thì hay vậy, trong bụng tưởng ghe thương hồ họ đậu mà mua bán chi đó, nên không để ý đến.
Tối lại cơm nước xong rồi, Kỉnh Chi đương ngồi dạy con học, thắp đèn leo lét, cửa lá chống sùm sụp, thình lình con chó mực đương nằm khoanh dưới ván vùng chạy ra cửa đứng sủa vang rân, Kỉnh Chi ngước mặt ra thì thấy hai người muốn vô nhà, song bị chó sủa nên còn đứng khựng lại đó, không dám bước vô. Kỉnh Chi la chó rồi chống hoác cửa lên thì ở ngoài bước vô một nàng con gái là người mình đã gặp hai lần lối gần nhà đó, và một chú đàn ông, là Hai Cam đi theo Thu Thủy.
Kỉnh Chi chẳng biết có việc chi mà khách lạ đến đêm hôm như vậy, nên trong lòng ái ngại, song cũng lật đật quét ván mời ngồi. Thu Thủy ngồi tại ván, còn Hai Cam đứng xớ rớ không biết chỗ nào mà ngồi, thấy dựa vách có úp một cái cối giã gạo, bèn đặt đít mà ngồi đỡ. Thu Thủy ngó quanh quất trong nhà thì nhà tuy sạch sẽ, song không có ngựa ván chi cho lắm, chính giữa có một cái gường thờ, ngoài có một cái ghế mà không có bình phong, lục bình chi lắm, chỉ có một cái quả tử với một cái lư hương mà thôi. Trước gường thờ thì có bộ ván là chỗ Thu Thủy ngồi đó, bên mặt thì để một cái cối giã gạo với một cái chày, bên trái thì có hai bó lá buôn với hai ba cây cần câu trúc. Từ gường thờ sắp vô bị vách ngăn nên không biết phía trong có vật chi nữa.
Thu Thủy ngồi nhắm nhía, Kỉnh Chi đứng bợ ngợ cứ cầm chổi quét ván hoài, còn con của Kỉnh Chi thấy có khách nên cầm sách chạy lại đứng dựa gường thờ mà ngó. Thếp đèn để chính giữa ván, tim đã lụn, Thu Thủy thấy vậy bèn lấy tay kéo tim ra cho tỏ, rồi mới ngó Kỉnh Chi mà nói rằng: “Thưa anh, em là người ở xứ xa đến đây buôn bán. Dưới ghe chật hẹp mưa nắng cực khổ lắm em chịu không được, em đậu ghe hai bữa rày trước nhà đây, em thấy nhà anh rộng rãi, mà ban ngày anh sập cửa bỏ đó không ai gìn giữ. Vậy em lên đây thưa với anh cho em ở đậu ít ngày, không biết anh liệu có được hay không?”.
Kỉnh Chi nghe nói chưng hửng, không biết trả lời làm sao, nên đứng bợ ngợ một hồi rồi mới đáp rằng: “Thưa cô, người ta nói rậm người hơn rậm cỏ, ăn thì nhiều chớ ở hết bao nhiêu. Thiệt tôi chẳng phải hẹp bụng với cô, song nghĩ khó quá”.
Thu Thủy ngó thằng con Kỉnh Chi, miệng chúm chím cười rồi liếc Kỉnh Chi mà hỏi rằng: “Thằng cháu đây phải là con của anh chăng?”. Kỉnh Chi cũng ngó con rồi gật đầu: “Thưa phải”. Thu Thủy giơ tay ngoắt thằng nhỏ, còn miệng thì nói: “Cháu, lại cô biểu chút coi nào”.
Thằng con Kỉnh Chi mắt ngó cha, còn chơn thì đi lần lại gần. Thu Thủy với nắm tay kéo riết lại, rồi rờ đầu, rờ vai mà nói rằng: “Thằng nhỏ mặt mày sáng láng, dễ thương quá!” Kỉnh Chi đem cây chổi dựng dựa vách rồi lại đứng dựa cột cái vấn thuốc mà hút. Thu Thủy rờ rẫm thằng nhỏ một hồi rồi ngó Kỉnh Chi mà nói rằng: “Em xin ở đậu anh nói khó, em coi có khó chi đâu. Nếu anh cho em ở thì em coi nhà coi cửa giùm cho, cơm nước em biểu bạn họ nấu giùm cho cũng được, hay là anh muốn ăn tiền bao nhiêu em cũng trả cho”.
Kỉnh Chi đi lần lại đứng dựa đầu ván bên kia rồi vói tay vô thếp đèn và đốt thuốc và đáp rằng: “Không phải tôi muốn ăn tiền cô nên tôi kiếm chuyện mà nói dục dặc. Tôi nói khó là vì nhà tôi nghèo hèn, trống trước rách sau, còn cô là người giàu có, cô ở tôi sợ không xứng đáng chớ!”.
- Không hại gì, ở dưới ghe cực quá, nếu em được ở đây em mừng lắm. Xin anh đừng ngại, em ở đỡ đặng mua bán, hoặc đôi ba tháng hoặc năm bảy tháng rồi em đi, không có sao đâu mà sợ.
- Thưa cô, không biết cô ở đâu lại đây mua bán vậy?
- Thưa, em ở dưới Long Hồ.
- Cô ở Long Hồ sao nói tiếng nghe giống tiếng người đàng ngoài quá?
- Ờ phải, cha mẹ em là người Bình Định, vào Long Hồ ở buôn bán gần mười năm nay. Hồi năm kia cha mẹ em khuất, em buồn không muốn trở về xứ, nên mới sắm ghe bạn mua hàng hóa đi buôn bán dạo.
- Thuở nay cô đã đến xứ nầy lần nào chưa?
- Thưa chưa, mấy năm nay em thường đi phía Định Tường, năm nay lên đây buôn bán thử coi có khá hay không chớ miệt dưới không được khá cho lắm.
- Cô buôn bán vật chi?
- Thưa, không chừng, em đến đây em coi thứ hàng nào bán có lời thì em mua sỉ rồi cho bạn gánh vô trong xóm làng mà bán.
- Dưới ghe cô, bạn được mấy người?
- Thưa bốn người.
- Không bề gì. Cô muốn ở thì ở. Mà tôi xin tỏ thật với cô, nhà tôi thì nghèo nên không được chắc chắn, vậy cô có ở thì bạc tiền hàng hóa cô phải biểu bạn họ canh giữ, chớ tôi ở chỗ nầy vắng vẻ mà lại óp, nên tôi sợ trộm đạo nó khuấy rối lắm.
- Xin anh đừng lo, không hệ gì đâu … Thôi, anh nói vậy để sáng rồi em sẽ biểu bạn dọn đồ đạc chút đỉnh lên nhà em ở.
- Cha chả! Mà nhà tôi không có gường chõng chi hết, không biết …
Kỉnh Chi nói chưa dứt lời thì Thu Thủy liền chận mà nói rằng: “Anh đừng lo, để em liệu cho”. Thu Thủy nói mấy lời đứng dậy kiếu Kỉnh Chi mà đi xuống ghe. Trước khi bước ra cửa lại rờ đầu thằng con Kỉnh Chi rồi hỏi rằng: “Cháu tên chi?”. Thằng nhỏ đáp: “Thưa, tên Phục”. Thu Thủy lại hỏi: “Cô ở đây cháu chịu hay không?”. Thằng nhỏ dụ dự không biết sao mà trả lời, Thu Thủy liền nói tiếp rằng: “Có cô nấu cơm và vá áo giùm cho cháu biết hôn?”. Thu Thủy ngó Kỉnh Chi chúm chím cười rồi đi xuống ghe.
Trời rựng sáng, Kỉnh Chi vừa thức dậy chống cửa thì Thu Thủy với Hai Cam, Sáu Quít ở ngoài đã bước vô. Thu Thủy nhắm trong nhà một hồi, rồi chừng cha con Kỉnh Chi dắt nhau ra đi, mới đưa tiền cho Hai Cam, Sáu Quít và biểu đi ra chợ kiếm mua đỡ một bộ ván dầu với một đôi chiếu.
Thu Thủy ở nhà một mình mới bắt đầu từ trước đi ra sau xem chỗ ăn ở của Kỉnh Chi cho tường tận, thấy trong buồng chẳng có vật chi lạ hết, chỉ có một cái chõng trên trải một manh chiếu trắng cũ với hai cái gối rơm rách mà thôi. Dựa vách thấy giắt áo quần; Thu Thủy lấy ra coi thì là một cái áo vải đen rách cánh chỏ, một cái quần vắn cũng bằng vải nhuộm màu dà của Kỉnh Chi với một cái áo, một cái quần của thằng Phục. Dưới bếp tuy quét tước vén khéo, có hai bộ ông táo, song đồ đạc thì chỉ có một cái nồi đất còn mới, một cái ơ đất đã mẻ miệng, hai cái chén, ba cái dĩa với hai đôi đũa tre mà thôi. Dựa chưn vách có để vài cái ghè, giở ra coi thì là gạo trắng. Phía sau hè có chất một đống chà để làm củi chụm.
Thu Thủy coi hết trong ngoài rồi mới ra mé kinh kêu Trần Mừng lên dặn rằng tiền bạc hàng hóa thì Trần Mừng để dưới ghe mà giữ, còn áo quần mền gối của mình thì xin biểu tên Cường là tên bạn mới mướn dưới Long Hồ đó đem giùm lên nhà. Thu Thủy lại biểu hễ có Kỉnh Chi ở nhà thì Trần Mừng với Cam , Quít đừng có lên nhà, vì sợ anh ta biết mặt mà lậu sự.
Cơm nấu vừa chín thì thằng Phục đi học về, cất sách lật đật chạy xuống bếp tính nấu cơm đặng có xách ra bến đò cha con ăn với nhau. Thu Thủy cản không cho nấu, lại dắt xuống ghe ăn cơm với mình, rồi lấy quảu nhỏ lót lá chuối mà đựng cơm và lấy tộ múc một khúc cá kho, biểu thằng Phục đem ra cho Kỉnh Chi ăn.
Cam với Quít mua được ván đem ghe ra chở về dọn chỗ phía trước, lót tử tế để cho Thu Thủy nằm. Thu Thủy lại dạy đi mua thêm chén bát, mua gạo, cá, muối, nước mắm đem về để trên nhà đủ hết. Chiều lại nấu cơm kho cá xong rồi mới lấy đồ ra may, có ý chờ cha con Kỉnh Chi về sẽ mời ăn cơm chung với mình đặng khỏi mất công nấu nữa.
Cha con Kỉnh Chi về, Thu Thủy lật đật dọn cơm rồi mời ăn, Kỉnh Chi ké né hoài, Thu Thủy mời quá, khó mà chối từ được nên cực chẳng đã phải ngồi mà ăn với Thu Thủy. Thu Thủy một hai cũng biểu Kỉnh Chi để mình lo cơm nước cho, bởi vì ơn cho ở đậu là ơn trọng, nên phải lo cơm nước mà đền bồi ơn ấy. Kỉnh Chi cực chẳng đã phải nghe lời, song biểu Thu Thủy lấy gạo của mình mà nấu.
Tối lại Kỉnh Chi dạy con học, còn Thu Thủy thì đốt đèn ngồi may, đến gần hết canh một, mạnh ai nấy đi ngủ, chớ không chuyện vãn chi hết.
Từ ấy về sau, bữa nào Thu Thủy cũng đều lo cơm nước cho Kỉnh Chi luôn luôn, lại tỏ ý thương thằng Phục lắm, bởi vậy cho nên coi bộ nó cũng quyến luyến. Có bữa Thu Thủy ở nhà lấy áo quần của Kỉnh Chi coi chỗ nào rách thì vá giùm, lại mua vải may cho thằng Phục. Kỉnh Chi thấy vậy cảm đức vô cùng, còn thằng Phục lại càng thêm trìu mến hơn nữa.
Trần Mừng với ba tên bạn đều ở dưới ghe hết, khi nào Thu Thủy có kêu sai việc chi thì mới lên nhà mà thôi.
Ở được năm bảy bữa, thủng thẳng quen lần lần, ban đêm hễ Kỉnh Chi dạy thằng Phục học xong rồi thì Thu Thủy làm bộ mượn Kỉnh Chi biên sổ, biên bữa nào mua bán hàng thứ nào, giá tiền bao nhiêu.
Thu Thủy ở đậu được nửa tháng, bữa nọ cha con Kỉnh Chi đi ngủ mà Thu Thủy cứ ngồi may hoài. Gần nửa canh hai thình lình trời nổi dông, Kỉnh Chi sợ củi để ngoài sau hè mưa ướt hết nên chồm dậy mở cửa chạy ra ôm củi mà bỏ sau bếp đặng sáng mai có củi khô mà chụm. Thu Thủy thừa dịp ấy mới kiếm chuyện mà nói với Kỉnh Chi. Thu Thủy thì ngồi bên bộ ván dài mới mua đó, còn Kỉnh Chi thì ngồi bên bộ ván giữa, ban đầu hai người còn nói chuyện dông dài, Thu Thủy hỏi thăm sự mất mùa đói khát, Kỉnh Chi hỏi thăm coi buôn bán lời lỗ, lần lần Thu Thủy mới hỏi phăng đến việc nhà. Kỉnh Chi thấy Thu Thủy là một người con gái biết điều, thấy mình khó để ý thương yêu, nên chẳng có lòng nghi ngại chút nào, mới đem hết việc riêng của mình mà tỏ cho Thu Thủy nghe.
Thu Thủy nghe hết đầu đuôi câu chuyện thì trong lòng có ý nghi Chúa tàu là anh vợ Kỉnh Chi, song nghi thì nghi chớ không tỏ cho Kỉnh Chi biết; mà lại nghe Thủ Nghĩa người ngay mắc nạn và nghe Kỉnh Chi ở trọn nghĩa với anh em thì mủi lòng nên ứa nước mắt rồi nói với Kỉnh Chi rằng: “Nếu vậy thì anh vì thương bà con bên vợ mà phải tán gia bại sản, rồi thân mới ra cực khổ thế này đây. Chị chết đã lâu rồi sao anh không kiếm nơi chấp mối đặng đỡ tay chơn?”.
Kỉnh Chi nghe hỏi ngồi thở ra rồi đáp rằng: “Nghèo gần chết, cưới vợ nữa mà làm gì! Mà dầu muốn cưới, bạc tiền đâu mà cưới. Tôi tính thà ở vậy nuôi con, no đói hẩm hút với nhau, miễn thằng nhỏ ăn học được thì thôi, tôi không tính cưới vợ làm chi nữa”.
Thu Thủy lặng thinh ngồi may không nói chi hết, Kỉnh Chi liếc xem Thu Thủy mặt mày đẹp đẽ chẳng khác chi con nhà quan, không hiểu vì cớ nào tuổi chừng ấy, dung nhan dường ấy mà lại đi buôn một mình, nên ngẫm nghĩ một hồi rồi hỏi Thu Thủy rằng: “Cô có chồng hay chưa mà đi buôn một mình như vậy?”.
Thu Thủy nghe hỏi ngước mặt lên chúm chím cười và nói rằng: “Thưa, chưa”. Kỉnh Chi nghe trả lời như vậy thì trong bụng mắc cỡ thầm, bởi vì người ta mới hỏi mình “sao không cưới vợ”, mình liền hỏi lại “vậy chớ cô có chồng hay chưa” thế thì dầu mình hỏi là hỏi thiệt mà biết người ta có nghi cho mình có bụng quấy hay không, nghĩ như vậy nên day mặt chỗ khác.
Có lẽ Thu Thủy biết Kỉnh Chi hỏi vô ý rồi mắc cỡ hay sao, nên liền tiếp mà nói chuyện mình cho Kỉnh Chi nghe đặng có giã lã. Mà thuật chuyện, Thu Thủy không thuật chuyện thiệt như thuật cho Chúa tàu nghe hồi tàu gần đến Rạch Giá, đã vậy, lại đặt chuyện nói rằng: “Cha mẹ mình gốc ngoài Bình Định, khi mình được chín tuổi, cha mẹ mình vào Long Hồ ở buôn bán. Cách ít năm trước cha mẹ khuất hết, còn có một mình, muốn về xứ mà bây giờ về ngoải bà con cũng chẳng còn ai, muốn lấy chồng mà coi chỗ giàu họ hay kiêu căng, chỗ nghèo họ hay quên nhơn nghĩa, nên không chịu xuất giá, mới sắm ghe mướn bạn đi buôn chơi”. Thu Thủy tuy nói dối mà cách nói thật thà, bởi vậy cho nên Kỉnh Chi chẳng chút nào nghi hết.
Thu Thủy ở đậu gần đầy một tháng, càng ngày càng quen lần lần. Bữa nọ Thu Thủy biểu Kỉnh Chi đừng có đi chèo đò mướn nữa, bởi vì chèo đò một tháng có một quan tiền, nếu chịu biên sổ và đi mua hàng giùm thì mỗi tháng cô trả tiền công cho hai quan, mà cơm nước hai cha con ăn cô chịu bao hết nữa. Kỉnh Chi thấy lòng rộng rãi cũng muốn thôi chèo đò, song nghĩ thầm rằng mình chèo đò đã tám chín năm rồi, tuy ăn ít tiền song cũng no ấm được. Nay theo làm công với cô này tuy ăn nhiều tiền hơn mà biết có đời hay không, thoảng như một ít tháng cô đi xứ khác, nghề chèo đò mình đã mất rồi, biết làm việc chi mà nuôi miệng. Nghĩ thầm như vậy nên không chịu, song không dám tỏ cho Thu Thủy biết.
Thu Thủy ở chung một nhà, thường để ý coi chừng coi Kỉnh Chi thấy mình có động tình hay không, song xem hoài mà không thấy Kỉnh Chi ló mòi chi hết, túng thế đêm nọ thừa lúc thằng Phục ngủ rồi, Thu Thủy bèn thức dậy đốt đèn rồi mời Kỉnh Chi ra ngoài ván, mà hỏi rằng: “Em đến đây ở đậu với anh hơn một tháng rồi, em dọ coi ý anh thiệt là một người nghèo mà biết an phận, bởi vậy cho nên em kính mến anh lung lắm. Chẳng giấu chi anh, bấy lâu nay em không chịu lấy chồng là vì em muốn kén chọn một người nghèo mà biết trọng nghĩa nhơn, biết liêm sỉ. Nay em nghe gia đạo của anh rồi, em thấy cách anh ăn ở thì hiệp với ý em muốn kén chọn đó lắm. Lời tục thường có nói: “Trâu tìm cột, chớ không lẽ cột tìm trâu” mà vì em mến cách cư xử của anh, em chắc đôi ta có duyên gì nên trời mới khiến gặp nhau đây, vậy nên em chẳng nệ hiềm nghi, mới tỏ thiệt với anh đặng anh liệu định. Nếu anh chẳng chê em là gái hư hèn, anh khứng cho em nưng khăn sửa trấp, thì em nguyện bạch thủ tương kỳ, tùng phu trọn đạo”.
Kỉnh Chi cho Thu Thủy ở đậu, thấy Thu Thủy dung nhan tuấn tú còn nghĩ mình lam lụ cùi đày, thấy Thu Thủy bạc tiền chớn chở, còn nghĩ mình thiếu trước hụt sau, thì trong lòng thường cung kính Thu Thủy lắm, coi Thu Thủy là người bực trên còn xét mình là người bực dưới, nên chẳng hề chi nào dám trộm mơ thầm ước điều chi. Nay thình lình nghe Thu Thủy xin kết nghĩa châu trần thì cũng như sấm sét nổ bên tai, cũng như mặt trời lòa trước mắt, trong lòng rối loạn, mừng không phải mừng, buồn cũng không phải buồn, mà mắc cỡ cũng không phải mắc cỡ, ngẩn ngơ bợ ngợ, không biết làm sao mà trả lời.
Thu Thủy cũng thẹn thùa hết sức, song muốn đền ơn Chúa tàu nên chẳng nệ, mới nói tiếp rằng: “Anh mới biết em có mấy ngày, chưa rõ gốc gác của em nên anh dụ dự không biết sao mà trả lời, em nghĩ cũng phải. Chớ chi em có cha mẹ bà con thì thân em đâu có lưu lạc như vầy …”. Thu Thủy nói tới đó thì tủi lòng nên khóc thút thít rồi mới nói tiếp: “Em cũng như anh, thân tộc không còn ai hết. Hổm nay em thấy thân anh như vậy rồi em nghĩ đến thân em thì em buồn bực vô cùng, bởi vậy cho nên em mới tính gá nghĩ trăm năm đặng nương cậy nhau mà làm ăn cho dễ. Hôm nọ anh than nghèo nên không muốn cưới vợ, xin anh đừng lo sự đó. Cha mẹ em khuất có để lại cho em vàng được trót trăm thoi, bạc cũng được vài trăm nén, em tưởng bao nhiêu đó vợ chồng ta cũng đủ làm vốn mà buôn bán, nếu may được đất trời phò hộ thì có lẽ cũng làm giàu được”.
Kỉnh Chi ngồi suy đi nghĩ lại một hồi lâu rồi mới đáp rằng: “Cô thấy nhà tôi nghèo nàn, thân tôi cực khổ cô thương nên cô tính như vậy, thiệt tôi đội ơn cô nhiều lắm. Cô đã lấy sự thiệt tình mà nói với tôi, vậy tôi xin phép cô cho tôi cũng lấy sự thiệt tình mà trả lời. Cô cũng biết tôi là trai góa vợ năm nay đã gần 35 tuổi rồi còn cô là gái mới lớn lên, mà lại con nhà giàu có nữa. Theo thói thường ai nghe cô nói như vậy cũng vui mừng; tôi đây được một người vợ như cô há tôi lại không vui mừng hay sao? Tôi mừng lắm chớ, song tôi còn nghi một chút. Gái nhan sắc giàu có như cô nếu muốn kén chồng lại thiếu gì chỗ cao sang hay sao? Chẳng hiểu vì cớ nào cô lại ưng tôi làm chồng, bởi tôi nghĩ như vậy nên tôi dụ dự, chớ không phải tôi dám chê cô”.
Thu Thủy đứng dậy têm trầu ăn rồi đáp rằng: “Anh hiềm nghi cũng phải. Mà anh biết tại sao mà em ưng anh hay không? Đời nầy thiên hạ họ thường coi đồng tiền trọng hơn nhơn nghĩa. Từ nhỏ đến lớn em đã thệ tâm kiếm cho được người nào trọng nhơn nghĩa hơn bạc tiền em mới ưng làm chồng, bằng kiếm không được thì thà em chịu chích bóng trọn đời, chớ không thèm kết bạn. Em đến đây, em nghe anh thuật chuyện nhà của anh, em mới biết anh là người vị nghĩa vong gia, thiệt là người đáng cho em kính trọng lắm, bởi vậy cho nên em mới quyết kết tóc trăm năm với anh. Còn sự anh lớn tuổi còn em nhỏ tuổi, thì xin anh đừng ngại sự ấy. Em kén chồng là kén nhơn nghĩa chớ không phải chọn nhan sắc, nhỏ tuổi mà không biết điều, nhỏ ích gì?”
Kỉnh Chi thở ra rồi đứng dậy mà nói rằng: “Thôi, chuyện cô nói vậy, thì hay vây, để thủng thẳng rồi sẽ tính”. Nói rồi liền bước vô trong buồng mà ngủ.
Đêm ấy, Kỉnh Chi nằm trăn trở hoài ngủ không đặng, không hiểu vì cớ nào Thu Thủy như vậy, còn mình như vầy, mà cô lại muốn mình. Tuy Thu Thủy nói mến mình là mến nhơn nghĩa, song chưa chắc lời ấy là lời thiệt tình. Ví như lời ấy là lời thiệt tình thì Thu Thủy chẳng phải người tầm thường; mà không phải là người tầm thường thì thiếu chi ông Cử, ông Đồ sao lại tìm một chú chèo đò mà lấy? Suy nghĩ hết sức mà nghĩ không ra cớ nào, đến khuya mới nói rằng: “Hay là trời thấy thân mình cực khổ trời thương nên xui khiến như vày đặng cho mình hết cực?”.
Kỉnh Chi nghĩ như vậy mới hết nghi ngại nữa. Kế thằng Phục nằm một bên muỗi cắn nó cựa mình rồi bỏ tay ôm ngang mình Kỉnh Chi. Kỉnh Chi đụng con liền nhớ đến vợ trước thì trong lòng buồn bực không biết chừng nào, nằm suy tới nghĩ lui thao thức sáng đêm chẳng hề nhắm măt.
Sáng ngày thức dậy, Thu Thủy bộ có hơi mắc cỡ, còn Kỉnh Chi thì trong bụng lo tính nên ngoài mặt chẳng đặng vui. Ngày ấy Kỉnh Chi chèo đò mà trong lòng tính thầm hoài, không biết có nên kết tóc trăm năm với Thu Thủy hay không. Nếu mình ưng Thu Thủy thì thân mình chắc là sung sướng, mà còn thằng Phục không biết nó có vui lòng không.
Trưa thằng Phục đi học về, xách cơm đem ra bến đò cho cha ăn, thấy cha không được vui vẻ như mọi lần trước thì trong bụng sanh nghi. Chiều tan học rồi nó ghé lại chờ cha đặng đi về một lượt, đi dọc đường kiếm chuyện này, nhắc chuyện nọ mà hỏi cha; còn Kỉnh Chi hỏi đâu thì nói đó, bằng không hỏi thì cứ lặng thinh mà đi. Lúc về gần tới nhà, trời đã chạng vạng tối rồi, thằng Phục mới hỏi: “Sao bữa nay cha buồn vậy cha?”.
Kỉnh Chi nghe con hỏi thì động lòng, liền ngồi dựa mé bờ kinh mà thuật hết mấy lời của Thu Thủy nói hồi hôm đó lại cho con nghe. Thằng Phục nghe rồi liền hỏi: “Vậy mà cha chịu hôn cha?”. Kỉnh Chi nói mình còn dụ dự chưa nhứt định. Thằng Phục liền nói: “Chịu đi cha. Tuy con nghe cha nói chuyện má thì con thương, mà từ hôm cô đó cổ ở đậu đến nay, con thấy cổ sao con cũng thương quá. Cha chịu đi cha! Má con chết rồi, cha đợi sống dậy được hay sao cha?”
Kỉnh Chi thấy con nói xúi thì tức cười nên nói rằng: “Con không sợ mẹ ghẻ hay sao? Nè, nó dọi lủng đầu đa con, chớ không thấy người vợ sau của anh Tư Tồn chỉ đánh khảo sắp con ảnh hay sao?”. Thằng Phục liền trề môi mà nói rằng: “Đâu có! Cô nầy không có như vậy đâu cha, cổ thương con lắm mà”. Kỉnh Chi nghe con nói như vậy bèn đứng dậy dắt con đi về. Trọn bốn năm ngày trong bụng lo tính hoài, nên không vui chút nào hết, Thu Thủy là gái mà đi trêu ghẹo đàn ông như vậy, nghĩ cũng hổ thầm; tuy muốn đền ơn cho Chúa tàu, nên phải làm mặt dạn mày dày, song tưởng mình như vầy, còn người như vậy hễ nói thì đắc lời, nào dè đâu nói ra mà người còn dục dặc, nên mắc cỡ không dám nhắc đến việc hôn nhơn nữa.
Thằng Phục tuy còn thơ ngây nhưng mà nhờ cha chỉ điều quấy lẽ phải, nhờ thầy dạy đạo lý luân thường, mà nhứt là nhà nghèo thân khổ, nên thấu hiểu thế thái nhân tình, thấy cha lam lụ cùi đày chẳng xiết nỗi thương, lúc ngồi một mình hoặc khi nằm ban đêm, thường tính học cho siêng đặng thi đậu làm quan mà nuôi cha cho phỉ dạ. Nay nghe cha nói chuyện cô Thu Thủy tính kết duyên thì nó mừng hết sức mừng, chẳng phải nó thấy cô nọ có tiền mà nó ham, thiệt vì nó thấy cô nọ nết na yểu điệu, tánh ý hiền từ, nó muốn cho cha nó ưng đặng có người nội trợ.
Bởi nó nghĩ như vậy nên nó theo xúi cha nó hoài, bữa nào chiều cha con dắt nhau về nó cũng hỏi thăm cha nó tính làm sao; hễ cha nó nói để thủng thẳng rồi sẽ hay, thì nó lại khuyên lơn, chí quyết nói cho cha nó chịu nó mới nghe.
Kỉnh Chi lớp bị con xúi giục, lớp thì thấy ý Thu Thủy mà thương, nên cực chẳng đã bữa nọ về ngồi ăn cơm tối với con mới tỏ với Thu Thủy rằng nếu cô đem lòng đoái tưởng thì mình cũng không dám phụ rẫy.
Thu Thủy được lời chẳng xiết nỗi mừng, biểu Kỉnh Chi lựa ngày tốt, mua một cặp vịt nấu cúng, rồi mời mấy người ở lối xóm và kêu hết bạn dưới ghe lên ăn uống vui mừng cho hai họ vầy duyên cầm sắt.
Lễ cưới xong rồi, Thu Thủy không cho Kỉnh Chi chèo đò nữa, đưa hết vàng bạc cho Kỉnh Chi rồi biểu Kỉnh Chi lo cất một cái nhà tại chợ An Giang đặng dọn tiệm mà buôn bán. Thu Thủy lại nói với chồng cho bạn bè họ về xứ sở, làm như vậy đặng trả Trần Mừng, Cam, Quít lại cho Chúa tàu Kim Qui.