Chúa tàu Kim Quy/Phần 1/Chương IV
Từ ngày Mạc Tiển chết rồi không có ai trò chuyện nữa thì Thủ Nghĩa buồn bực hết sức; có nhiều khi muốn chết phức cho rồi đặng trả cho sạch nợ trần, song nghĩ Mạc Tiển là một người sang trọng giàu có mà người ta còn ráng chịu cho đến cùng thay, huống chi là mình, có lý nào mình lại thối chí. Đã vậy mà phận mình lại còn cha mẹ, mình phải lo báo bổ nghĩa sanh thành, tuy là mình bị tai nàn nên không trọn đạo thần hôn song mình phải ráng ẩn nhẫn hoặc may có ngày sum hiệp. Thủ Nghĩa nghĩ như vậy nên rầu mà chẳng hề mỏi lòng thối chí.
Mạc Tiển chết gần một năm rồi, một đêm kia Thủ Nghĩa đương ngon giấc điệp, thình lình nghe tư bề đều có tiếng la vầy. Thủ Nghĩa lồm cồm đứng dậy rồi chạy lại nép cửa lóng tai nghe coi nửa đêm có việc chi mà trong khám người ta náo nức như vậy. Lóng tai một hồi thì nghe kẻ la om người chạy rộn, song không hiểu việc chi hết. Dòm kẹt cửa mà coi thì thấy ngay trước cửa khám tối chỗ mình bị giam đó yếng sáng ửng lòa. Thủ Nghĩa nghi lửa cháy khám, trong trí liền nghĩ nếu mình ở đây chắc là bị cháy thiêu, chi bằng phá cửa ra ngoài trước là khỏi chết, sau nữa liệu coi nếu có thế nào trốn được thì mình sẽ bôn đào mà lánh nạn.
Thủ Nghĩa nghĩ như vậy rồi hai tay xô cửa thì cửa chắc quá nên xô không nổi. Phía ngoài người ta nghe càng lớn, mà lại nghe có tiếng trống vang dậy. Thủ Nghĩa vừa sợ chết vừa muốn thừa cơ hội lộn xộn này mà thoát thân, nên đứng sụn chơn xuống kê vai bên tay mặt vào cánh cửa rồi chuyển gân nín thở mà lấn một cái rất mạnh làm cho cánh cửa văng chốt ngã rớt xuống đất một cái rầm. Lúc ấy Thủ Nghĩa chẳng còn kể chi nữa, thấy cửa ngã liền nhảy phóc ra ngoài rồi chạy dọc theo chái nhà ra tới sân, quả thấy lửa cháy khám rần rần, lính cầm roi, tù xách nước đương xúm nhau mà chữa lửa.
Thủ Nghĩa bò theo mấy chỗ tối, lén lại tới hàng rào rồi vạch rào mà chun, chẳng dè ra khỏi rào lại gặp cái mương lớn. Thủ Nghĩa muốn co giò mà nhảy qua, song bị cầm tù hơn mười một năm, chơn đã cuồng, sức đã yếu, liệu nhảy không nổi, nên lần lần lội qua mương rồi nhắm ngay trước mặt mà chạy. Trời thì tối, đất thì cỏ mọc rậm rạp, anh ta chạy té lên té xuống, khó nhọc không biết chừng nào. Chạy được một hồi ngó ngoái lại thì thấy xa xa ngọn lửa còn đỏ trời, biết chắc lính còn lo chữa lửa không dè mình trốn mà rượt theo, nên trong lòng bớt sợ rồi đi thủng thẳng mà nghỉ. Vừa đi vừa suy nghĩ, thình lình nghe phía bên tay trái có tiếng người nói chuyện với nhau nho nhỏ và chạy lướt cỏ nghe xào xào. Thủ Nghĩa chẳng hiểu ai chạy đi đâu, sợ lính theo bắt mình, nên lủi vô bụi rồi im lìm nín thở. Cách một hồi thấy có hai dạng người chạy ngang qua, một người chạy trước, một người chạy sau, người trước nói với người sau rằng: “Ráng chạy một khúc nữa tới phía rừng thì hết lo”.
Thủ Nghĩa nghe mấy lời định chắc người nầy là tù thừa hỏa hoạn mà trốn như mình nên bớt sợ. Song đợi hai người ấy chạy được một đỗi xa xa rồi mới đứng dậy mà đi theo. Anh ta vừa đi được nửa canh thì tới một đám rừng tràm, tuy là khó đi song muốn thoát thân nên phải ráng. Đi đến sao mai mọc, đuối chơn mỏi sức đi không nổi, Thủ Nghĩa thấy có một cây tràm lớn chết khô ngả nằm xiên xiên trên mặt đất bèn nằm ngay trên đó mà nghỉ lưng. Nghỉ một hồi rồi ngủ quên đến sáng mặt trời mọc được chừng một sào, yếng sáng mặt trời chói ngay vào mặt mới giật mình thức dậy.
Thủ Nghĩa tính thầm rằng bây giờ mình phải lén về Tân Châu mà thăm cha mẹ rồi sẽ xin cha mẹ trốn đi với mình đến xứ khác cho khỏi lậu. Anh ta biết Tân Châu ở hướng mặt trời mọc nên nhắm hướng ấy mà đi. Đi đến đứng bóng, phần thì mệt mỏi, phần thì đói bụng, trong lòng lo sợ nếu đi trong rừng hoài như vầy chắc là phải chết đói. Ráng đi một hồi nữa mặt trời vừa trịch bóng, may đã ra khỏi rừng rồi lại thấy trước mặt đồng trống minh mông, xa xa cách chừng vài dặm hú thì có một cái nhà tranh, có khói bay trên nóc nhà, Thủ Nghĩa chẳng xiết nỗi mừng, bèn đi riết lại cái nhà ấy. Tới nơi bước vô thì thấy có một bà già chừng 60 tuổi, đầu bạc hoa râm, mặc quần vải đen cũ, trên có mang cái yếm mà thôi chớ không có áo, đương ngồi chắp trân để dệt chiếu. Bà già thấy Thủ Nghĩa quần áo rách nát mà mình mẩy lại lấm lem, không hiểu ai đi đâu nên coi có sắc sợ, Thủ Nghĩa nói dối rằng mình là bạn lưới ở Hà Tiên đi ra Tân Châu mà thăm bà con, đi lạc trong rừng mấy ngày rày đói khát hết sức may thấy nơi đây có nhà nên ghé xin cơm mà ăn. Bà già nghe nói lật đật vô buồng bưng rá cơm nguội ra thì còn được vài chén, bèn để trên sập rồi trở vô móc ít con mắm lóc nhỏ đem ra cho Thủ Nghĩa ăn. Thủ Nghĩa ăn rồi liền lạy bà già mà tạ ơn và hỏi thăm đường đi Tân Châu. Bà già nói rằng: “Cậu ở Hà Tiên đi Tân Châu mà cậu đi lạc tới trên nầy, đã gần tới xứ Cao Miên[1] rồi, vậy bây giờ cậu phải trở lộn xuống và đi xéo xéo qua phía mặt trời mọc mới được, mà bây giờ trời đã nửa chiều rồi cậu đi không kịp, vậy thôi cậu ở đây mà nghỉ rồi khuya sẽ đi. Hễ khuya cậu đi thì chừng lối nửa chiều cậu tới Tân Châu, đi ban ngày dễ hơn chớ đi bây giờ rồi nửa đường trời tối chỗ đâu mà nghỉ?”
Thủ Nghĩa thấy bà già tử tế thì trong lòng chẳng xiết cảm phục, bèn xin phép cho ngủ nhờ ngoài mái hiên một đêm cũng được, chẳng cần ở trong nhà. Bà già không chịu, lật đật lấy chổi quét sập rồi biểu Thủ Nghĩa lên đó nằm mà nghỉ, còn bà thì đi lấy nồi nấu cơm, đến mặt trời gần lặn bà dọn cơm với rau luộc mắm kho rồi mời Thủ Nghĩa ăn với bà nữa. Tối lại Thủ Nghĩa thấy bà ở giữa đồng có một mình bèn hỏi thăm coi có con cháu chi hay không thì bà nói chồng bà chết có để lại một đứa con trai tên Cam, mà hồi chồng bà còn sanh tiền có thiếu nợ của ông Bình ở Tân Châu 30 quan tiền, bà không thể trả nổi, nên phải đem con mà đợ cho người ta hơn hai mươi năm rồi.
Năm ngoái bà đi bán võng có gặp người ở Tân Châu bà hỏi thăm con bà thì người ta nói nó ăn trộm đồ của con ông Bình là Trần Tấn Thân sao đó nên nó đã trốn đi mất rồi. Xưa rày bà không thấy con về mà cũng không nghe tin tức ở đâu, chẳng biết nó có bị quan bắt bỏ tù hay không. Bà già nói đến đó thì rưng rưng nước mắt.
Thủ Nghĩa thấy bà già hiu quạnh như vậy rồi nghe lời thiết tha như vậy thì cũng động lòng nên nằm gác tay lên trán mà thở dài.
Đến khuya bà già thức dậy nấu cho Thủ Nghĩa ăn một bữa cơm nữa rồi chỉ chừng hướng cho Thủ Nghĩa đi. Thủ Nghĩa tay không chẳng biết lấy chi mà đền ơn, chỉ cúi lạy mà tỏ rằng: “Cháu là người nghèo khổ mà bà tiếp đãi cháu rất hậu như vầy, ơn này dầu ngàn ngày cháu cũng không quên đặng. Vậy cháu xin lạy tạ bà mà tạ ơn và nguyện xuống Tân Châu sẽ hỏi thăm giùm tin tức người con của bà coi bây giờ ở đâu cho biết”. Bà già gật đầu rồi đứng ngó chừng cho Thủ Nghĩa đi.
Thủ Nghĩa băng ngang trong đồng, khi thì cỏ lấp bít đầu khi thì lội nước tới bụng, đi riết tới nửa chiều thiệt quả thấy mấy cây gáo mọc theo đường Tân Châu qua xóm Cây Xoài. Thủ Nghĩa bụng đã đói, song sợ người ta biết mặt nên chun trong một đám dâu nằm mà nghỉ chơn, đợi tối rồi sẽ lén mà về nhà. Thủ Nghĩa nằm suy nghĩ chắc là về đây cha mẹ mừng lắm, song mừng mà nghe nói mình vượt ngục thì chắc là chẳng khỏi rầu lo. Suy tới nghĩ lui, sợ rồi mừng, mừng rồi buồn, buồn rồi lại sợ cho đến tối đốt đèn một lát mới đứng dậy mà vô chợ Tân Châu. Thủ Nghĩa đi ngang qua nhà cô Tư Chuyên là người mình yêu mến tính gá nghĩa châu trần khi trước thì nhà đã dỡ đi đâu mất, chỉ còn có một cái nền không với mấy bụi chuối xơ rơ đó mà thôi. Thủ Nghĩa trong lòng khoan khoái muốn đi riết về nhà thì thấy đường đi vô bị bít hết, nhà cửa cũng không có, còn cái vườn cau thì ai đốn hết chỉ còn rơi rát chừng năm bảy cây mà thôi. Thủ Nghĩa xem vườn xưa cảnh cũ như vậy thì lòng như dao cắt, ruột tợ kim châm, đau đớn thay dâu bể cuộc đời, ngao ngán nỗi thung huyên xiêu lạc. Thủ Nghĩa chơn run lập cập, lụy ứa dầm dề, muốn bước vô mà giở bước chẳng kham, nên ngồi bẹp tại đầu đường mà khóc.
Thủ Nghĩa khóc một hồi rồi lặng thinh mà ngó mấy cây cau, văng vẳng nghe tiếng chó sủa xa xa, rụt rịt thấy dạng chuột xù xông trước mặt. Anh ta vùng đứng dậy rồi xăm xăm đi thẳng vô chỗ nhà mình ở khi xưa. Đêm ấy trời tuy không trăng, nhưng mà nhờ bóng sao tỏ rạng nên mọi vật đều thấy mờ mờ: cái nền nhà trên chỗ nầy bây giờ tranh mọc đã bít hết. Cái sân là chỗ mình trồng bông khi trước không còn một bụi mà đất lại nổi vồng dường như ai đã cuốc mà trồng khoai bắp chi đây.
Cây quít ở dựa chái nhà, khi trước sai oằn nhánh, nay cũng còn đây song cội khô lá đổ coi ra như tuồng nhớ chủ đứng bàng hoàng. Thủ Nghĩa đi xem cùng mấy chỗ mình ở khi trước rồi lần lần đi thẳng vô miếng vườn, cây trái điêu tàn, càng nhắm dạ càng đau, cỏ tranh rậm rạp, càng đi chơn càng vướng; tới cái ao sen là chỗ mình ngồi rồi thỏ thẻ thuật chuyện nhà với em rể lần chót đó, thì ao đã cạn, nước đã khô, bông sen trắng đỏ chẳng còn, chỉ còn thấy một vùng đất bùn đen thui với mấy con cóc nhảy lom xom bên cẳng. Đứng chần ngần dựa mé ao một hồi rồi Thủ Nghĩa quày quã trở ra, đi ngang qua mấy cái nền nhà là chỗ khi mới vô trông thấy rất đau đớn lòng mà anh ta cũng không thèm dừng bước, cứ lầm lũi đi riết ra đường rồi băng xuống ruộng nhắm hướng nam mà đi tới.
Thủ Nghĩa đi đến sáng gặp một cây gòn rừng mọc giữa đồng bèn leo lên ngồi tại cháng ba mà dòm ngó tứ phía rồi leo xuống nhắm qua phía mặt trời mọc mà đi. Ai có biết Thủ Nghĩa đi đâu hay không?
Số là khi về đến quê xưa dòm thấy nhà cửa tiêu điều mẹ cha đâu mất thì cảm động nên lụy ứa dàm dề, chừng ra gặp ao sen nhớ tới phận thằng em rể mình ở Cái Vừng mới tính đi riết xuống đó đặng hỏi thăm việc nhà và mẹ cha em út.
Mặt trời mọc được một lát thì Thủ Nghĩa vô tới xóm Cái Vừng. Vả khi trước Thủ Nghĩa thường tới lui chơi với Phạm Kỉnh Chi, đã quen chỗ em mình ở, nên nay chẳng có chút gì bợ ngợ, vô xóm rồi cứ nhớ theo con đường cũ mà đi. Đến nhà đứng trước ngó vô thì quả là cái nhà đó, tuy cái nhà sau bây giờ đã dỡ cất qua phía bên tay mặt, tuy bây giờ có trồng thêm một hàng dừa ở phía sau, nhưng mà trước nhà cũng còn cái hào đây, dựa chái nhà cũng còn mấy cây xoài đó, Thủ Nghĩa nhắm nhía một hồi rồi bước vô sân; hai con chó vàng trong nhà thấy người lạ mặc quần áo rách lang thang lại ướt loi ngoi thì áp ra mà sủa. Anh ta đứng giữa sân không dám bước tới, thình lình nghe trong nhà có tiếng đàn bà la chó, trong lòng khấp khởi không biết có phải là em gái của mình chăng.
Hai con chó dang ra, anh ta vừa muốn đi tới nữa thì thấy trong nhà có một người đàn bà bước ra, độ chừng 40 tuổi, vạt áo trước vắt choàng ngang lưng quần, đầu bịt trùm khăn vải trắng, ngó Thủ Nghĩa mà hỏi rằng: “Chú ở đâu lạ, đến nhà tôi có việc chi hay không?”.
Thủ Nghĩa nghe la chó thì trong bụng mừng thầm tưởng em gái mình, chẳng dè chừng thấy mặt lạ không biết là ai lại nghe hỏi thình lình, lính quýnh không biết trả lời làm sao cho được. Anh ta đứng bợ ngợ, người đàn bà ấy ngó chằm chằm một hồi rồi anh ta mới nhỏ nhẹ mà hỏi rằng:
- Thưa thím, không biết nhà nầy có phải là nhà của Phạm Kỉnh Chi hay không thím há?
- Chú hỏi nhà ai?
- Thưa nhà của Phạm Kỉnh Chi.
- Kỉnh Chi nào, tôi có biết ở đâu?
- Cách hơn mười năm trước tôi có ghé thăm một lần thì tôi nhớ ở chỗ nầy.
- Tôi không biết.
Người đàn bà trả lời bao nhiêu đó rồi bỏ đi vô nhà. Thủ Nghĩa đứng bơ vơ, mặt buồn nghiến, vừa muốn trở ra thì thấy ngoài cửa ngõ có một người đàn ông đi vô, mặc đồ vắn, tay cầm một rựa, hỏi Thủ Nghĩa là ai mà đi đâu đó. Thủ Nghĩa cũng đáp mấy lời như là đáp với người đàn bà khi nãy vậy, thì người ấy hỏi rằng: “Vậy chú có bà con hay là quen biết chi với Phạm Kỉnh Chi hay sao mà hỏi?”
Thủ Nghĩa nói rằng mình là anh em bạn hồi nhỏ, hơn mười một năm mắc nghèo lo đi làm ăn nên không gặp mặt nhau, nay có việc nên ghé mà thăm coi mạnh giỏi thể nào.
Người ấy nghe nói như vậy liền biểu Thủ Nghĩa vô nhà. Thủ Nghĩa quần áo lấm lem mà bụng lại đói, vì từ sớm mơi hôm qua đến nay không có để vật chi vào miệng hết, hễ khát nước thì lựa vũng nào trong bụm tay uống cho đỡ dạ mà thôi, bởi vậy cho nên vừa bước vô nhà thì liền ngồi bẹp xuống dưới đất. Chủ nhà đi cất cái rựa rồi trở ra biểu Thủ Nghĩa lên ván mà ngồi. Chủ nhà lại hỏi:
- Chú ở đâu mà đi lại đây?
- Tôi cũng là người gốc gác ở đây, song hồi nhỏ cha mẹ nghèo nên xiêu lạc, bây giờ tôi ở Hà Tiên.
- Phải, cuộc đất này hồi trước là chỗ Kỉnh Chi ở; anh ta bán lại cho vợ chồng tôi nay tính được chín mười năm rồi.
- Hồi trước tôi coi Kỉnh Chi tuy không giàu; song trong nhà cũng đủ ăn, không biết tại sao mà bán nhà bán cửa vậy anh há?
- Anh ta nghèo là tại vợ, chớ anh ta là người thiệt thà làm ăn, làm sao đến đỗi nghèo được.
- Vợ làm sao mà anh nói tại vợ?
- Kỉnh Chi đi nói con gái ông Thành ở trên Tân Châu, vợ thì chưa cưới mà bà già vợ chết cũng phải lo chôn. Đến ông già vợ chết cũng phải lo chôn nữa, rồi vợ có chửa đau hoài phải lo mà chạy thuốc, đến chừng đẻ phải lo nuôi đẻ, đẻ chưa đầy tháng vợ chết phải lo chôn nữa, rồi đem con nhỏ về nuôi, làm như vậy giàu muôn hộ bây giờ cũng phải nghèo, huống chi anh ta vừa đủ ăn, chớ phải giàu có chi hay sao.
Thủ Nghĩa nghe rõ sự tình như dao cắt, nghĩ điềm chiêm bao khi ở khám thiệt chẳng lầm. Anh ta sợ lậu nên dằn lòng gượng gạo mà hỏi rằng:
- Không biết bà già ruột Kỉnh Chi bây giờ còn mạnh giỏi hay không anh há?
- Ối, bả cũng chết nữa.
- Anh có nhớ bả chết hồi năm nào hay không?
- Tôi không nhớ chắc, chết đâu một năm với vợ anh ta đó đa.
- Hồi nghèo bị nợ đòi quá bán nhà cửa cho tôi đặng lấy tiền mà trả nợ rồi gởi con cho chị Bảy Quế chỉ nuôi giùm còn anh ta thì đi chèo ghe mướn. Cách ba năm nay anh ta dắt con đi đâu mất, tôi không biết bây giờ ở đâu.
- Tôi nghiệp ảnh quá, không biết ảnh có con trai hay là con gái?
- Con trai.
Hai người ngồi nói chuyện với nhau tới đó kế chị chủ nhà dọn cơm bưng lên. Anh chủ nhà mời lơi Thủ Nghĩa ăn, chẳng dè Thủ Nghĩa tỏ thiệt rằng hồi sớm mai hôm qua đến nay mình nhịn đói nên dầu không mời rồi đây mình cũng xin chút cơm dư mà ăn cho đỡ dạ. Chị chủ nhà hồi nãy thấy Thủ Nghĩa lạ mặt nghi là kẻ bất lương nên hỏi thăm không thèm nói, nãy giờ nghe nói chuyện với chồng thì mềm mỏng, bây giờ nghe lời khiêm tốn nữa thì động lòng thương nên hiệp với chồng mà mời Thủ Nghĩa lên ăn cơm, còn chị ta thì trở xuống dưới bếp nấu thêm một nồi nữa rồi sẽ ăn sau, Thủ Nghĩa cơm nước xong rồi mới từ tạ hai vợ chồng chủ nhà mà đi. Chủ nhà hỏi bây giờ đi đâu thì Thủ Nghĩa không biết đi đâu mà nói nên ú ở một hồi nói dối rằng mình đi qua An Giang kiếm thuyền quá giang mà về Hà Tiên.
Chú thích