Cổ xúy nguyên âm/Cuốn thứ nhứt/Tựa

TỰA


Văn-chương là một bức gấm đại-hồng, thêu dệt các giọng thanh-âm trong một nước cho nên văn nên vẻ; mà lại là một bức tranh tả-chân vẽ vời tính tình con người ta ra cho như thực như in.

Nước ta xưa kia học chữ Tàu, theo lối văn-chương Tàu, mà lấy tiếng quốc-âm nước mình làm ra văn-chương, thơ, phú, thì trước từ ông Hàn-Thuyên, ông Nguyễn-sĩ-Cố đời nhà Trần. Từ đời Trần cho tới đời Lê Thánh-tôn là đời văn thơ cực thịnh, lối văn-chương nôm nước mình từ đó lại càng mở mang thêm ra; thể-cách cũng chẳng khác gì văn Tàu, mà lại có lối đặc-biệt riêng của ta. Vậy trong lối văn-chương quốc-âm ta có hai thể-cách:

1° — Thể-cách theo lối Tàu, như là thơ, phú, tinh-nghĩa, văn-sách, đối-liên, vân, vân.

2° — Thể-cách riêng lối của ta, như là: lối « Kim-kiều » thượng lục hạ bát; lối « Cung-oán » lục bát gián thất, vân, vân. Những các lối văn-chương quốc-âm đó mới thực là lối văn-chương riêng của nước mình.

Kể từ Nguyễn-triều ta đây, thì có ông Xử-sĩ Hoàng-Quang làm ra khúc Hoài-nam; ông Lễ-bộ Thượng-thư Đặng-đức-Siêu làm ra ca Hồi-loan cửu-khúc, đều truyền là nôm hay; còn như văn-chương, thi, ca, của các bậc danh-nhơn, như là: Ông Nguyễn-Du, ông Nguyễn-công-Chứ, ông Cao-chu-Thần, truyền lại cũng nhiều.

Lại còn quan Tam-nguyên Yên-đổ Nguyễn-Khuyến, quan Thượng-thư Vân-đình Dương-Khuê, đều là bậc danh-nhơn, mà thi, ca rất là có danh tiếng, ai nghe cũng lấy làm hay.

Vậy chúng tôi mới biên-tập lại chia ra từng mục: 1° Thi, 2° Phú, 3° Tinh nghĩa, 4° Văn-sách, 5° Ca-từ, 6° Văn-thư, 7° Đối-liên. Trong các mục ấy mục nào ở trên cũng kể rõ luật cách các lối và dẫn thí dụ làm ra như thể nào, để cho ai xem cũng dễ hiểu; trước là tỏ căn nguyên văn quốc-âm ta muốn làm theo lối nào giọng nào, cũng được mà cũng hay; sau là mong lối văn quốc-âm nước ta càng ngày càng rung chuông, thổi sáo mở rộng thêm ra, vậy mới đặt nhan cuốn này là « Cổ-xúy nguyên-âm. »

Mong các ngài tài văn nôm để lòng xem xét, mà bổ thêm ý thiếu cho, may ra trong đám ca-đàn, thi-xã các bậc thiếu-niên sau này, có thể nhân đó mà thêu dệt, mà vẽ vời làm cho văn-chương tổ-quốc ta có ngày thắm như gấm, tươi như hoa, mới thực là một bức tranh truyền-thần! mới thực là một bức thêu tuyệt-diệu!

Nay kính tựa.

Nguyễn-đông-Châu