Cổ xúy nguyên âm/Cuốn thứ nhứt/I-7

THẤT-NGÔN BÁT-CÚ HỌA VẦN

Họa vần là bài thơ xướng của người trước làm vần gì, thì mình họa lại vần nấy, thí dụ như bài xướng lên những vần này: « Xưa nhầm, bụi lầm, hoa râm, đến năm, trăm năm. » Thì bài họa vần phải dùng những tiếng khác như là: « Không nhầm, cát lầm, tăm râm, bảy năm, nghìn năm. » Chớ không được dùng điệp vần bài xướng như là: « Xưa nhầm, bụi lầm, vân, vân ».

Song le bài họa lại phải xem ý bài xướng nói thế nào, thì phải đáp họa lại ý nấy, hoặc là nói khen lại, hoặc là nói bác đi, để tỏ ý mình ra, thì mới là hay, xem sau này sẽ hiểu.

1. — Quan sáu mươi tuổi về hưu trí

(bài xướng)

Rằng nay là phải, hẳn xưa nhầm,
Xe ngựa đường xưa cát bụi lầm.
Ba luống cúc tùng[1] nhờ quả phúc,
Sáu mươi mày tóc chửa hoa râm.
Hầu non bốn chị sinh năm một,
Bạn cũ mười anh chết đến năm.
Lộc nước còn nhiều hưu-dưỡng bổng,
Muốn như Bành-tổ tám trăm năm.

2. — bài họa

Tuổi đà nhĩ-thuận[2] hẳn không nhầm,
Bể hoạn trông ra vũng cát lầm.
Vui bạn kỳ-anh[3] so gậy bột.
Trải mùi trung-đỉnh nhớ tăm râm.
Gió trăng vui thú khi khuya sớm,
Hươu vượn đầy sân lũ bảy năm.
Dân đội ơn quan còn thủa trước,
Dâng hai trăm tuổi, chẵn nghìn năm.

3. — Hỏi thăm mất cướp (Yên-đổ xướng)

Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông,
Nó lại lôi ông đến giữa đồng.
Lấy của, bắt người quân tệ nhỉ!
Xương già da cóc[4] có đau không?
Bây giờ trót đã[5] sầy da trán,
Ngày trước đi đâu mất[6] mẩy lông.
Thôi cũng đừng nên ky cóp nữa,
Kẻo mang tiếng dại với phường ngông.

4. — bài họa

Ông thăm, tôi cũng giã ơn ông.
Nó có lôi tôi đến giữa đồng.
Cũng tưởng vun thu phòng lúc thiếu,
Nào ngờ ky cóp lại như không.
Chém cha thằng quỉ đen tai mắt!
Chẳng nể ông già bạc tóc lông.
Ông hỏi thăm tôi, tôi có biết,
Thương ông tuổi tác cháu thì ngông.

  1. Đào-Tiềm cáo quan về thăm vườn thấy hãy còn cây tùng, cúc.
  2. Chữ Luận-ngữ: « Lục thập nhi nhĩ thuận », nghĩa là sáu mươi tuổi thì tai nghe việc gì cũng hiểu lẽ.
  3. Tư-mã-Quang sáu mươi tuổi cáo quan về rủ bạn đồng-canh cùng làm một hội Kỳ-anh.
  4. Hoặc đọc là: (Mình già tuổi yếu).
  5. (Trót đã, hoặc đọc là: (Nhỡ bước).
  6. (Đi đâu mất) hoặc đọc là: (Nào ai động).