Cổ xúy nguyên âm/Cuốn thứ nhì/II-1
Từ phú là một lối văn-chương cao-diệu để phúng vịnh sự đời, hoặc tả tình, tả cảnh.
Lối làm phú dầu không câu-nệ luật cách bằng trắc như lối thơ lắm. Nhưng làm theo lối biền-ngẫu, nghĩa là phải đặt câu đối nhau, thì cũng phải niêm-luật, lựa theo tiếng bằng, tiếng trắc, vần bằng, vần trắc mà làm.
Độc-vận, hạn-vận, phóng-vận
Trong bài phú cốt phải hạ vần cho đích đáng, hoặc độc-vận, hạn-vận, hay phóng-vận.
Độc-vận. — Độc-vận là từ đầu đến cuối chỉ theo một vần.
Hạn-vận. — Hạn-vận hoặc ba bốn vần hay năm bảy vần.
Phóng-vận. — Phóng-vận là muốn làm theo vần nào cũng được.
Lối câu bát-tự, song-quan, cách-cú, gối-hạc
Bát-tự. — Trong bài phú mỗi một đoạn trước hết phải đặt một vài câu ngắn như là mỗi câu bốn chữ đối với nhau, hai câu thành tám chữ, thì gọi là bát-tự.
Hoặc dùng vần liên-châu, nghĩa là vần câu trên liên tiếp với vần câu dưới; hoặc dùng bằng trắc đối nhau, thì chỉ hạ hai vần ở chữ cuối cùng hai câu bát-tự mà thôi.
Thí dụ câu bát-tự:
Ngán thay thế tục! ngán thay thế tục!
Nước chảy bến mê, gió hun lửa dục.
Song-quan. — Song-quan là hai câu song đối, mỗi vế độ sáu bảy chữ hay tám chín chữ đối nhau gọi là song-quan.
Thí dụ câu song-quan:
Suối liêm mấy kẻ đầm đìa,
Đường lợi đua nhau chen chúc.
Cách-cú — Sau dần dần đặt câu dài đối nhau, gọi là cách-cú, nghĩa là trong một câu đoạn trên bốn chữ, đoạn dưới sáu bảy chữ; hay là trên sáu bảy chữ, dưới đặt dài độ tám chữ, hay ngoại mười chữ cũng được.
Thí dụ câu cách-cú:
Có trung hậu cũng là trung hậu bạc; nào đoái hoài phường khố rách áo ôm?
Chẳng nhơn ngãi gì hơn nhơn ngãi tiền; phải chiều chuộng kẻ vàng trăm bạc chục.
Hay là trên đặt dài độ bảy tám chữ, mà dưới đặt ngắn độ bốn chữ, cũng gọi là câu cách-cú.
Thí dụ:
Chẳng biết ăn cây nào, rào cây nấy; thấy bở thì đào.
Chẳng biết mất của ta, ra của người; cứ mềm thì chọc.
Gối-hạc — Còn như đặt dài mỗi vế đến ba đoạn, mà ba chữ trên đầu câu hơi chấm đậu lại, thì gọi là câu gối-hạc.
Thí dụ câu gối-hạc:
Khi đắc thế, thời đất nắm nên bụt; nghe hơi khá, xăm xăm chen gót tới: đến ngỡ đàn ruồi!
Lúc sa cơ, thời rồng cũng như giun; xem chiều hèn, xanh xảnh rẽ tay ra: nhạt như nước ốc!
Đó là lối đặt câu: bát-tự, song-quan, cách-cú, gối-hạc, đại khái như vậy.
Nhưng cũng có câu đặt ngắn hơn độ ba chữ; hay là đặt dài hơn, độ ba bốn đoạn, cũng chẳng qua những lối đó mà thôi, quí hồ xếp được cho nhiều tiếng phương-ngôn, tục-ngữ đối nhau, mà tùy ý đặt lời cho êm, hạ vần cho luyện, thì là được.
Dàn bài
Còn như lối dàn bài cũng tựa như cách làm thơ, cũng có khai, có thừa, có thích-thực, có nghị-luận, có tổng-kết.
Vần đầu mới mở gọi là vần lung, nghĩa là nói cho lung động ý đầu bài lên trước.
Vần thứ hai là vần biện-nguyên, phải nói nguyên ủy cho rõ ý đầu bài.
Vần thứ ba là vần thích-thực, phải tả cho hết ý nghĩ đầu bài.
Vần thứ tư là phu-diễn, hay gọi là vần thôi-hiệu, nghĩa là nói suy rộng ý đầu bài ra, rồi từ vần sau trở đi thì nghị luận mà tổng kết lại.
Cũng có bài trực phá vào thực ngay, rồi nói dần dần tự thiển nhập thâm, cốt phải đoạn-lạc[1] cho phân minh, lời lẽ cho tao nhã, sẽ xem những bài chép sau này.
- ▲ Là từng đoạn bài liên lạc với nhau.