Cổ nhân đàm luận của Trần Trung Viên
58. Gương bất chung

58. — GƯƠNG BẤT CHUNG

Vua Tống sai Đổng-Tập làm Tổng-Binh sang đánh nước ta. Vây đánh thành Võ-nga mãi mà không lấy được. Tướng giữ thành là Nguyễn-Phúc chỉ chực hàng, may nhờ có 2 tướng bộ-hạ là Xa-Tung và Cầm-Tuyết hết sức can ngăn mới thôi. Sau Đổng-Tập lập kế hạ được thành, bắt được hai tướng Tung và Tuyết, Khi quân dẫn đến, Tung và Tuyết không quỳ. Tập hỏi: nay bị bắt sao không quỳ? Tung nói: « Chân tao chỉ có thể đạp vào mặt mày, chứ không quỳ trước mặt mày được. » Tập thương là người chung, bước ra cởi chói và dùng hết lời ngon ngọt dụ hàng. Tuyết đứng cạnh thấy thế, sợ Tung hàng, nói to rằng: « Anh đừng nghe thằng lưỡi dẻo mà làm ô danh thiên cổ đấy! » Tập lại ngảnh sang Tuyết dụ hàng. Tuyết nhổ ngay vào mặt nói rằng: « Tao đây chỉ biết diết mày, chớ không biết hàng mày ». Tập biết là dụ không được, nên sai đem ra chém, Còn Nguyễn-Phúc dẫn vào thì xin hàng ngay. Tập hỏi: « Sao trước kia quân ta đến đây, mày không hàng cho sớm, nay mày mới hàng là sao? » Phúc thưa: « Lậy Tổng-binh, tôi vẫn muốn hàng, song mắc vì hai tướng Tung và Tuyết cản ngăn, nên mới đến nỗi này. Nay sức đã kiệt, thành đã mất, tôi xin quy hàng là thuận mệnh giời, xin Tổng-binh mở lòng giời bể tha chết cho tôi, tôi tình nguyện xin dúp lấy được thành Thăng-long để tạ ơn. » Tập nghe xong nói rằng: « mày đường đường một vị chủ-tướng, ngôi cao lộc cả, mà không biết bền lòng chung nghĩa, gan không bằng bộ tướng, mở mồm nói những câu bất chung như thế, để mày, còn ơn gì tao nữa? » Rồi sai điệu ra chém. Các tướng sĩ Tầu hỏi Tập rằng: « Sao bọn Tung, Tuyết nó làm nhục Tổng-binh như thế lại dụ hàng, mà thằng Nguyễn-Phúc nó hàng ngay, sao lại giết thế? » Tập đáp: « Bọn Tung, Tuyết chung nghĩa, nên ta muốn dụ để dùng. Còn Phúc là đồ vô-dụng, ăn cơm dân lộc nước, làm kẻ tai mắt, mà không biết tận trung, lại mở mồm nói những câu đê-hạ, lúc thái-bình thì bệ vệ lên mặt, gập khi nguy-biến thì so vòi, ngửi mùi giặc đã muốn hàng, nên ta giết đi, để sau này cái bệnh bất chung khỏi truyền-nhiễm sang các tướng sĩ ta, nên ta phải chừ cho tiệt nọc. » Các tướng sĩ đều kính-phục.