40. — NỊNH-THÍCH

Nịnh-Thích là người hiền nước Vệ, lúc nghèo phải đi chăn trâu. Một hôm Tề-Hoàn-Công cùng Quản-trọng đi chơi. Quản-trọng đi xe trước, đến Ngao-Sơn gập Nịnh-Thích. Trọng biết là người hiền, muốn dâng lên vua dùng, mới ngồi trên xe viết một phong thơ dao cho Thích, đợi xe vua đi sau thì dâng thơ sẽ được trọng-dụng. Khi xe Hoàn-Công đến, Nịnh-thích gõ sừng trâu mà hát nhiều câu phạm đến chính-trị. Hoàn-Công sai bắt lại hỏi: « ngươi là một đứa chăn trâu, biết chi đến việc thời chính, vả đương lúc này, Thiên-tử nhà Chu ngồi trên, ta khiến chư-hầu ở dưới mà xưng nghiệp Bá, dân được an cư lập nghiệp, cỏ cây điều tươi-tốt, dẫu đời Nghiêu Thuấn cũng đến thế, sao ngươi cả gan dám hát chê bai? » Thích đáp: « Kẻ tiểu-nhân đâu dám chê-bai việc thời chính. Tôi tuy là kẻ thôn-phu, song được đọc sách cũng biết đời vua Nghiêu, Thuấn 10 ngày một trận gió hòa, 5 bữa một đám mưa xuân, dân gian làm ruộng mà ăn, đào giếng mà uống, biết thuận phép vua. Đời nay có được thế chăng? sao Minh-Công lại nói hơn xưa được? Tôi lại nghe vua Nghiêu-Thuấn trị vì trong nước được yên, chư-hầu kính-phục. Nay Minh-Công làm nhiều điều, các chư hầu còn phản-kháng, thường sẩy việc can qua, sao gọi được là an cư lạc nghiệp, cỏ cây tươi tốt được? Vua Nghiêu xưa bỏ con, nhường ngôi cho vua Thuấn, vua Thuấn còn lánh đi nơi khác, bá tính theo mà lạy-lục cung-phụng, bất đắc dĩ mới phải lên ngôi; còn như Minh-Công thì giết anh mà tranh nước, giả lịnh thiên-tử mà khiến chư-hầu, chẳng hay Nghiêu Thuấn xưa kia cũng thế chăng? » Hoàn-công giận quá sai đem chém. Thích chẳng sợ-hãi, ngửa mặt than rằng: « Xưa vua Kiệt giết Long-Phùng, vua Trụ giết Tỉ-Can, nay Thích này bị giết nữa, ấy là đủ ba người hiền rồi! » Quan hầu vua là Thấp-Bằng xin vua tha. Hoàn-Công sai cổi trói và an-ủy, bàn việc chính-trị thì nhất nhất Thích đều nói hợp lẽ. Vua phong thưởng làm chức Đại-Phu, giữ việc quốc-chính. Bấy giờ Thích mới dâng phong thơ của Quản-Trọng tiến cử. Hoàn-Công hỏi sao không đưa trước cho rồi? Thích đáp: « Tôi nghe chúa hiền lựa người mà dùng, tôi hiền chọn chúa mà dúp, nếu Chúa-công ghét lời ngay, ưa lời nịnh, lấy lòng dận mà đãi kẻ hiền thì tôi thà chịu chết chứ không chịu dâng thơ của Quản-Trọng, ấy cũng là một cách thử-thách kén chọn của người hiền, xin chúa-công lượng xét ».