Cảm tưởng trong khi chấm bài luận quốc ngữ

Cảm tưởng trong khi chấm bài luận quốc ngữ  (1929) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 22 (3.10.1929)

Về kỳ thi cấp học bổng của phụ nữ Việt Nam

Ngày 15 tháng chín tây mới rồi, kỳ thi cấp học bổng lần thứ nhứt của phụ nữ Việt Nam do một hội đồng chủ trương đã mở. Chương trình thi có một bài luận Quốc ngữ. Tôi lạm được hội đồng ủy cho chấm món[1] ấy. Trong khi chấm, tôi có một vài cái cảm tưởng ; tưởng viết ra đây chẳng phải là vô ích.

Đầu bài luận ấy là :

“Nếu anh được học bổng mà sang nước Pháp, thì anh sẽ học về khoa nào ? Vì làm sao anh lựa khoa ấy ? Có ích lợi chi cho anh và nước ta chăng ?”

Hết thảy các quyển của người dự thi, về bài luận ấy, quyển nào được nhiều điểm hơn hết, - trong bài kỷ thuật[2] số trước có nói qua rồi, đây tôi chỉ nói về cái cảm tưởng riêng của tôi.

Nhơn dịp này tôi thấy ra người An Nam ta viết chữ Quốc ngữ còn sai lầm lắm. Hết thảy là 16 quyển mà chỉ được một vài quyển viết ít lỗi mà thôi, còn bao nhiêu thì nhiều lỗi quá, giá bắt lỗi về nét chữ thì không hơi nào mà bắt.

Đại khái lỗi về mấy điều này : c với t lẫn nhau ; có g với không g lẫn nhau ; x với s lẫn nhau ; ch với tr lẫn nhau, quyển nào cũng vậy, không sai về đường này thì sai về đường khác.

Mỗi quyển đều đánh số, chớ không có tên tuổi và quê quán, nhưng xem những chỗ sai thì cũng biết phỏng được người viết đó ở về miền nào : Trung, Nam hay là Bắc kỳ. Vì Trung, Nam kỳ thì hay sai về vần ngược, c, t và có g không g ; Bắc kỳ hay sai về vần xuôi, x, sch, tr[3].

Lại có mấy quyển, bao nhiêu chữ đáng đánh dấu hỏi hay dấu ngã thì đánh dấu nặng hết, thấy vậy thì biết mấy người này là người Nghệ Tĩnh.

Ấy là chưa kể đến sự bỏ dấu ngã không dùng đến.

Sự bỏ dấu ngã không dùng là lỗi chung cả Trung kỳ, Nam kỳ, và hiện nay các nhà báo, các nhà làm sách Trung Nam cũng còn mắc cái lỗi ấy, chớ không phải một chi mấy người dự thi này ; nhưng tiện đây tôi cũng nói luôn.

Về sự lỗi nầy cần phải nói nhiều lẽ mới rõ ra rằng dấu ngã không có thể bỏ đi được. Song đây xin lược đi mà chỉ nói một lẽ mạnh hơn hết. Vả lại chính người Nam kỳ dùng chữ Quốc ngữ trước nhứt, ông Trương Vĩnh Ký, ông Huỳnh Tịnh Trai (tức là Paulus Của) làm tự vị, ông cũng lấy cả năm dấu, thì cớ sao ngày nay lại bỏ dấu ngã đi ? Tôi tưởng rồi đây trong các nhà báo nên có một nhà bắt đầu xướng ra dùng lại dấu ngã theo đúng tự vị của hai bậc tiền bối ấy và cũng đúng với tiếng Bắc kỳ, thì rồi lần lần tiếng An Nam mới hoạch nhứt[4] được.

Ấy là cái lỗi về sự viết chữ rồi đến cái lỗi về sự chấm câu.

Bài văn trôi chảy hay là đến mực “hay” đi nữa, mà chấm câu không đúng phép, thì cũng gần như bỏ đi. Có nhiều quyển viết một thôi dài mà cứ phết (virgule) luôn cho đến cuối đoạn, mới có một chấm (point), thành ra mạch lạc không được phân minh. Lại còn có kẻ viết từ đầu đến cuối một mạch, không thèm qua hàng (aller à la ligne) một lần nào, coi vào tựa như đám rau muống bò lan, chẳng biết đường nào mà rờ hết. Nhưng may thay, quyển như vậy vào số rất ít.

Dấu chấm hỏi (?), nhiều người hay dùng sai, chỗ không đáng dùng mà dùng. Ví dụ như những câu :

- Tôi hỏi nó đã ăn cơm chưa !
- Tôi tưởng sự ấy là không nên chăng ;

thì thật là không đáng đánh dấu chấm hỏi. Câu trên vì có chữ “hỏi” rồi còn câu dưới, chữ “chăng” đi theo chữ “tưởng”, cũng như trong tiếng Pháp, chữ “ne” đi theo verbe craindre thì có cần đánh dấu chấm hỏi làm chi ? Thế mà có nhiều người cứ việc tương dấu chấm hỏi vào.

Nay xin nói đến sự làm văn.

Phàm làm một bài văn, đầu hết phải lấy sự “tướng đề” làm trọng. Nghĩa là khi thấy đầu đề phải coi tướng nó ra làm sao : trong cả đầu đề ấy phần nào khinh, phần nào trọng, phần nào trọng, phần nào trọng vừa, phần nào trọng nhứt ; rồi mới theo đó mà đặt ra lời, phần khinh thì nói sơ qua, phần trọng thì nói kỹ, phần trọng nhứt lại phải nói kỹ hơn nữa, thế thì bài văn của mình mới có cân lượng.

Như trong đầu đề này, câu hỏi thứ nhứt là phần khinh, mà những chữ “Nếu anh được học bổng mà sang nước Pháp” lại còn khinh hơn những chữ “sẽ học khoa nào ?”. Câu hỏi thứ nhì là phần trọng vừa, đến câu hỏi thứ ba mới là phần trọng nhứt.

Vậy thì làm bài nầy, về câu hỏi thứ nhứt ta nên nói sơ qua, cốt chỉ trả lời về sự mình học khoa nào là đủ. Đến câu hỏi thứ nhì, mình phải nói tại khoa ấy đối với mình làm sao nên mình lựa. Đến câu hỏi thứ ba, là chỗ cốt yếu của bài luận ở đó, thì mình phải phô diễn ra cho thiệt tường tế, nhứt là không nên quên trong câu hỏi có hai ý : Một là “Có ích chi cho anh ?” hai là “có ích lợi chi cho nước ta ?

Trong 16 quyển đây có được già nửa phần làm đúng, hay là làm không sai mấy ; còn kỳ dư thì như tuồng hồi đó đặt bút xuống thì viết, chớ không ngó đến đề.

Có một vài người mở ra khen ngợi Phụ nữ tân văn lập nên học bổng là có lòng quảng đại thế nào, ích lợi thế nào, rồi đến kể sự mình nghèo khó nên mới dự cuộc thi nầy ; cứ như thế mà viết mãi một vài trương giấy ; rồi đến hai phần sau, chừng như hết giờ thì phải, phải viết sơ sịa cho rồi bài. Như vậy có phải là phần khinh trở lấy làm trọng mà phần trọng trở lấy làm khinh chăng ?

Lại có kẻ nói toàn những chuyện ngoài đề. Nói những là ông cha mình xưa kia mê về những sự ngâm thơ vịnh phú, nên mới đến nỗi nước mất dân nghèo ; những là bọn thanh niên ngày nay đi học chỉ chăm vào mấy cái bằng cấp, ít người lo về thiệt học. Tôi không hiểu những chuyện như vậy đem nói ở đâu thì được, chớ nói ở trong bài này có ăn thua chi.

Trước tôi thấy một quyển cự cái lối ngâm thi vịnh phú thiệt riết, tôi cho là nói lạc đề. Nhưng kế đó, thấy một quyển, nơi cuối bài, để một bài thơ tám câu, khi ấy tôi mới tỉnh ra : À ! cái ông nào hồi nãy đó cự cũng phải ; té ra cái họa ngâm thi còn đến ngày nay, đến ngày tranh nhau lãnh học bổng sang du học bên Tây, mà cũng còn chưa dứt ! Ông cự cũng phải !

Ừ, mà không hiểu làm sao lại để bài thơ tám câu làm chi ? Phàm làm văn phải theo thể thức, trong một bài luận không có thể nào để một bài thơ vào, dầu thơ cho hay mấy cũng không được, huống chi là dở. Thấy dấu chấm sơ có phê rằng : “Ông nầy nên cho qua học với ông Tagore”, tôi nín cười không được !

Trong câu hỏi về ích lợi mà chia làm hai phương diện đó, coi bộ ít người để ý đến. Phần nhiều chỉ giải rõ sự ích lợi cho mình thì nói qua loa, hoặc cũng có người không nói đến trơn.

Trong đầu bài này có một chỗ dễ thấy nhứt, là có đến ba chữ “anh”, nghĩa là người ra đề hỏi ngay vào người làm bài, kêu người làm bài bằng “anh”, vậy thì người làm bài phải đem chính cái ý kiến của mình bày tỏ ra mà trả lời mới phải. Thế mà có một vài người không chịu nói rõ như vậy, cứ nói chúng ta, hay là thanh niên ta bây giờ nên thế nầy, nên thế khác.

Sau khi chấm xong, tôi thấy ra rằng anh em ta viết quốc văn còn kém quá. Tôi biết rằng tại anh em ít có dịp học. Không học thì viết làm sao cho hay được ? Mà muốn học thì học vào đâu ? Ai dạy cho ? Ấy lại đã qua một cái vấn đề khác nữa rồi. Mà muốn giải quyết cái vấn đề ấy cũng chẳng dễ chi. Có một cách giải quyết gọn hơn hết, là : Ai có chí thì tự học lấy.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Món : môn, bộ môn, môn học, ngành học
  2. Kỷ thuật : tường thuật
  3. Ở đây vần ngược trỏ các chữ cái ghi phụ âm cuối trong mỗi âm tiết tiếng Việt ; vần xuôi trỏ các chữ cái ghi phụ âm đầu trong mỗi âm tiết tiếng Việt
  4. Hoạch nhất (nhứt) : thống nhất, xác định, cố định hóa