Cảm tưởng của đồng nhơn chúng tôi về cái tin buồn Lương Khải Siêu tiên sinh tạ thế

Cảm tưởng của đồng nhơn chúng tôi về cái tin buồn Lương Khải Siêu tiên sinh tạ thế  (1929) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Thần chung, Sài Gòn, số 18 (26.1.1929) và số 19 (28.1.1929)

Theo tin bổn báo đã đăng trong một số trước, một vị vĩ nhân ở Trung Hoa là Lương Khải Siêu tiên sanh đã tạ thế ngày 21 Janvier mới rồi tại Bắc Kinh.

Lương tiên sanh tên là Khải Siêu, tự là Trác Như, hiệu là Nhiệm Công, người ta thường gọi là Lương Nhiệm Công tiên sanh, người huyện Tân Hội, tỉnh Quảng Đông, năm nay vừa đúng 56 tuổi.

Lấy chức hàm mà kể thì chức hàm của Lương tiên sanh khi nhỏ khi lớn, có vẻ đột ngột lạ thường : tiên sanh vốn là một thầy “cử nhân hàng” về triều Quang Tự nhà Mãn Thanh ; năm mậu tuất được thọ hàm lục phẩm; thế mà về sau, hồi Dân Quốc thành lập, Viên Thế Khải làm đại tổng thống, thì Lương đã nhảy lên làm tổng trưởng bộ Tài chánh, song làm được ít lúc rồi từ chức. Kể ra cái đời làm quan của tiên sanh chỉ có thế, còn bao nhiêu là cái đời làm quốc sự, làm học giả.

Nói theo tục tình, đem cái “lòng triệu” của tiên sanh mà phó ra chơi cho rột[1], chớ người như tiên sanh, có phải là người cần có những cái chức hàm ấy ở đâu.

Tóm lược nói về đời tiên sanh thì chia ra có hai đoạn : từ Viên Thế Khải xưng đế trở về trước, tiên sanh là một nhà làm quốc sự; trở về sau, là một nhà học giả. Ngày nay tiên sanh tạ thế, chúng tôi chưa rõ cái cảm tình của người Trung Hoa đối với tiên sanh ra làm sao. Song về phần chúng tôi là người Việt Nam đối với tiên sanh, huống chi chúng tôi là nhà làm báo, thì ít nữa cũng phải có một bài kỷ thuật để tỏ ra cái cảm tình đặc biệt của chúng tôi.

Lương tiên sanh là người Trung Hoa, lẽ phải người Trung Hoa đối với tiên sanh có cái cảm tình đậm đà lắm, cớ sao chúng tôi lại hồ nghi mà chưa quyết đoán như trên kia ? Ấy là vì chúng tôi đã rõ cái luận điệu của người Tàu đối với tiên sanh trong khoảng vài mươi năm nay, là lúc tiên sanh còn sống, ra thế nào rồi.

Thật vậy, cái đời của Lương tiên sanh là đời éo le khốn đốn, mang tai mang tiếng, không được trơn bọt ngọt lạch như người ta. Trong khoảng vài mươi năm nay, người Tàu phê bình về cái đời quốc sự của tiên sanh thì cho là phản phúc, còn về cái đời học giả của tiên sanh thì cho là thủ cựu ; thậm chí có kẻ cho cái nhân cách và học thức của tiên sanh đều đã “phá sản”, nghĩa là đã mất hết cả, như một nhà buôn kia đã vỡ nợ !

Họ nói vậy là quá đáng. Tục ngữ Tàu có câu “cái quan định luận”, nghĩa là người ta chết rồi, đậy nắp hòm rồi, dư luận đối với người ấy mới được nhất định. Vậy thì hôm nay Lương tiên sanh chết rồi, nắp hòm đậy rồi, dư luận người Tàu đối với tiên sanh sẽ có khác với ngày trước hay không, để chờ xem !

Chờ xem !... Trong khi chờ xem đó, chúng tôi hãy cứ việc lấy sở kiến của mình mà luận về đại khái cái đời của tiên sanh.

*

* *

Lương tiên sanh lúc đỗ cử nhân rồi, độ 20 tuổi, đi học với Khương Hữu Vi tiên sanh tại trường Vạn Mộc Thảo Đường mới bắt đầu có tư tưởng về quốc gia, về thế giới. Năm Giáp Ngọ, nước Tàu bị Nhựt Bổn đánh thua, trong đám sĩ phu Tàu mới có hơi tỉnh thức và rộn rực. Qua năm sau, tiên sanh ra Bắc Kinh đi thi hội, có hiệp với mấy ngàn thầy cử dâng thơ cho vua Quang Tự, nói về tình trạng nguy cấp trong nước và xin vua cải cách việc chánh trị, tức là việc mà người ta gọi là “công xa thượng thơ”. Tiên sanh bắt đầu làm quốc sự từ đó.

Rồi đó, tiên sanh mở một tờ báo gọi là Thời vụ báo tại Hồ Nam, tự mình làm chủ bút. Ở đó lại có lập một trường học gọi là Thời Vụ học đường, tiên sanh làm hiệu trưởng và kiêm cả chức thầy giáo nữa.

Thời vụ báo là một tờ báo của cả các tờ báo khác ở trong nội địa nước Tàu. Bấy giờ đám thanh niên Tàu ai cũng cho nghị luận và văn chương của tiên sanh trong tờ báo ấy là mới lạ khác thường, mà đua nhau xưng tụng sùng bái tiên sanh, song bọn lão hủ thì ghét lắm, cho là yêu ngôn hoặc chúng.

Tiên sanh dạy ở Thời Vụ học đường cũng dùng một lối dạy mới. Nghĩa là về các món học, thầy thì dạy bằng lối diễn giảng (conference) còn học trò thì mỗi ngày chép một bài tháp ký (memoire) để tỏ ra tư tưởng và sở đắc của mình mà nộp cho thầy. Trong lúc đó, Lương hết sức cổ động về dân quyền, cho nên về sau những bài diễn giảng và tháp ký trong trường lọt ra, làm cho nhân tâm náo động, chánh phủ nghi ngờ mà trường phải bị đóng cửa. Luôn cả Thời vụ báo cũng bị đình bản trong lúc đó.

Thời Vụ học đường tuy dạy không được bao lâu, song về sau có nhiều nhân tài bởi đó mà ra. Như Thái Ngạc là người có công lớn trong cuộc đánh đổ Viên Thế Khải, tức là một người học trò giỏi có tiếng trong trường ấy lúc bấy giờ vậy.

Qua đến năm Mậu Tuất, Khương Hữu Vi được vua Quang Tự tin dùng, thì tiên sanh cùng mấy người bạn nữa hiệp với Khương mà giúp vua để cải cách việc chánh trị. Bấy giờ người ta gọi những người nầy là “tân đảng”. Tân đảng giúp vua Quang Tự mới cải cách sơ sơ được đôi việc, thì bà Tây hậu và đám quyền thần tỏ ý ngăn trở, về sau gây ra cái họa to, tức gọi là “Mậu Tuất chánh biến”.

Số là Tân đảng mưu với Viên Thế Khải (bấy giờ Viên coi đạo binh Bắc Giương) nhơn ngày vua Quang Tự ra duyệt binh, thì đám tân đảng hiệp sức với Viên mà giết bọn quyền thần đi, để cho khỏi ngăn trở về cuộc cải cách. Viên Thế Khải chịu miệng rồi, song tính hơn thiệt thế nào không biết, lại đem mưu ấy mà cáo giác với bọn quyền thần là Vinh Lộc và Cường Nghị cho nên mới sanh ra cuộc chánh biến ấy.

Việc vỡ ra, trong đám tân đảng sáu người bị chém, còn Khương và Lương tiên sanh thì chạy ra ngoại quốc.

Lương tiên sanh qua Nhựt Bổn, có đi Mỹ châu cho đến ngày Mãn Thanh bị đánh đổ, Dân Quốc thành lập mới trở về nước.

Trong mấy năm ở Nhựt, tiên sanh có lập ra hai cái tạp chí. Cái trước kêu là Thanh nghị báo, cái sau gọi là Tân dân tùng báo, đều là mỗi tháng xuất bản hai lần, mà một lần ra đến những trên 10 vạn số, thật là rất có thế lực trong báo giới nước Tàu bấy giờ. Sau đó tiên sanh lại lập ra hai cái báo nữa, tức là Dung ngôn báoQuốc phong báo, song hai cái nầy thì không có thế lực mạnh bằng hai cái trước.

Tiên sanh là học trò của họ Khương, mà đối với người Tàu thời bấy giờ cũng đều có ảnh hưởng ngang nhau, người ta quen gọi là Khương – Lương. Cho nên muốn biết rõ về Lương Khải Siêu thì phải nói đến Khương Hữu Vi.

Khương là người có tư tưởng cao xa, song lại có ý kiến câu chấp. Theo “đại đồng học thuyết” của Khương thì cái quy mô của ông ta to tát lắm. Ông nói rằng thế giới ngày sau sẽ không chia ra từng nước và không có vua nữa, mà sẽ chung nhau lập ra một cái cơ quan lớn để cầm quyền cai trị, ấy gọi là “đại đồng”. Song sự ấy còn lâu lắm mới hiện ra nghĩa là phải đợi đến khi nước Tàu trở nên giàu mạnh, làm đàn anh trong thế giới mới thiệt hành được, mà muốn cho nước Tàu giàu mạnh thì phải nương vào quân quyền mà cải cách và chấn chỉnh trăm việc, thì tiện và dễ hơn là phá hoại, nghĩa là cách mạng và đổi làm dân chủ.

Lương tiên sanh cũng theo cái thuyết ấy, cho nên khi chạy qua Nhựt Bổn rồi thì cùng Khương lập ra hội Bảo hoàng để tôn đới vua Quang Tự, phản đối với đảng cách mạng của Tôn Trung Sơn. Tân dân tùng báo tức là cái cơ quan của đảng Bảo hoàng vậy.

Lúc bấy giờ đảng cách mạng Tàu ở Nhật cũng có một cái báo làm cơ quan, gọi là Dân báo, Chương Bính Lân làm chủ bút. Hai bên biện luận công kích với nhau dữ lắm. Có một lần Lương tiên sanh diễn thuyết về vấn đề bảo hoàng, bị Trương Kế là người bên Dân báo nhảy lên đánh cho mấy bạt tai. Tuy vậy, ảnh hưởng và thế lực của Tân dân tùng báo cũng làm cho sôi nổi cả nước Trung Hoa, vì rằng trong tờ báo ấy cũng đề xướng dân quyền, chỉ khác với bên kia là một đằng thì bỏ vua mà một đằng thì còn giữ vua mà thôi vậy.

Sau khi vua Quang Tự thăng hà rồi, hội Bảo hoàng đổi ra làm Hiến chánh đảng, Lương tiên sanh làm thủ lãnh. Bấy giờ bên đảng cách mạng đã có thế lực mạnh lắm, lòng người ta hướng chiều về nhiều hơn, cho nên bên đảng Hiến chánh ngó bộ suy, và danh dự của Lương tiên sanh cũng không lẫy lừng bằng trước.

Vào độ ấy có nhiều tờ báo ở Thượng Hải đặt điều ra vu hãm cho Lương những là ăn hối lộ của người Nhựt và lắm chuyện khác nữa. Song thật ra chỉ là họ muốn đánh đổ Lương mà kiếm chuyện nói xấu đó thôi, Lương không có những sự đó, có nhiều người làm chứng cho ta có thể tin được. Thế nhưng danh giá của tiên sanh cũng vì đó mà trụy lạc đi nhiều, thật cái “dư luận” của phần đông cũng đáng ghê thay, họ thình lình muốn làm “tiêu” ai, cũng có thể làm được !

Sau cuộc quang phục, Viên Thế Khải lên làm Tổng thống, mời tiên sanh ra làm tổng trưởng bộ tài chánh, thì tiên sanh có làm đâu độ một năm.

Lương tiên sanh là người trong hội Bảo hoàng mà nay lại ra làm quan với Dân quốc, cái đó làm cho người ta phi nghị lắm. Những bọn tầm thường hay là gian hùng như họ Viên thì chẳng nói làm chi, chớ còn tiên sanh là người có học thức, có tư tưởng, làm tiêu biểu cho quốc dân, mà thủy chung bất nhất như vậy thì người ta dị nghị là phải lắm.

Chương Bính Lân là tay có công lớn với đảng cách mạng, song khi cách mạng thành công rồi, Chương không thèm làm một chức chi ở chánh phủ hết, thậm chí cái “huân vị thứ nhứt” của Dân quốc thưởng cho mà Chương cũng cố từ. Có người cao thượng như Chương Bính Lân, làm cho chòi Lương Khải Siêu ra, và cái nhân cách của ông nầy sam xuống !

Song theo Lương tiên sanh thì một hai nói rằng mình sở dĩ thay đổi ý kiến như vậy là chỉ vì việc nước. Tiên sanh về sau có tuyên bố rằng lúc bấy giờ vì nghĩ Viên Thế Khải là tay có tài, cộng sự với va thì có thể làm lợi cho nước được nên mới chịu ra làm; song sau lại, thấy Viên có ý xấu thì từ chức ngay.

Lương tiên sanh là người nhạy đổi ý kiến lắm, bình nhựt có nói một câu rằng : “Tôi chẳng ngại gì lấy thằng tôi hôm nay mà công kích thằng tôi hôm qua”. Tiên sanh nói vậy vì tin rằng cái học thức tư tưởng của mình mỗi ngày một tối thì tự mình trái với mình để mà theo lẽ phải cũng vô hại ; song người khác thì cho là tiên sanh phản phúc rồi kiếm lời chữa mình.

Ai nói thế nào mặc lòng, chúng tôi có thể lượng cho tiên sanh được, là trong khi họ Viên hơi lòi cái dã tâm xưng đế ra, tiên sanh liền từ chức tổng trưởng và có viết thơ can Viên mấy lần, đến sau họ Viên xưng đế, thì tiên sanh hiệp với bọn Thái Ngạc mà cử binh đánh đổ triều đình Hồng Hiến, gây lại nền Dân Quốc thứ hai. Như vậy chúng tôi có đủ lẽ mà tin lời tuyên bố của tiên sanh trên kia là lời chơn thật vậy.

Chúng tôi lượng cho Lương tiên sanh, đành rồi ; song về sự làm người ở đời thì chúng tôi tưởng mặt nào đi một mặt là hơn, làm chi lại phải ngoắt ngoéo quanh co như vậy ?

*

* *

Tiên sanh coi bộ đeo đuổi theo chánh giới chẳng ăn thua chi mà lại mang tiếng chịu lời cho nên sau khi đánh đổ họ Viên rồi thì tuyệt ý không chơi quốc sự nữa mà chăm về đường học vấn. Từ đó về sau tiên sanh ở luôn tại Thiên Tân, chuyên một nghề làm sách. Thỉnh thoảng các trường đại học mời đến làm thầy giáo diễn giảng trong một kỳ năm ba tháng.

Trước Dân Quốc, những đồ trước thuật của tiên sanh xuất bản nhiều lắm, toàn là các bài đã đăng trong các báo. Hết thảy về sau in thành một bộ lớn gọi là Ẩm Băng Thất văn tập. Kể nội những nhà văn học Tàu đồng thời đó không có ai trứ thuật nhiều bằng tiên sanh.

Vào khoảng 15 năm nay, tiên sanh làm ra cũng nhiều sách, mà hễ một cuốn sách của tiên sanh xuất bản là thiên hạ mua như vỗ tay. Kể những sách của tiên sanh gần đây có giá trị hơn hết là những cuốn : Tiên Tần chánh trị tư tưởng sử ; Mặc Tử học án ; Trung Quốc lịch sử nghiên cứu pháp ; Mặc kinh hiệu thích...

Tiên sanh, mấy năm sau đây, định làm ra một bộ sử Tàu theo phép sử học mới, song chỉ thấy xuất bản một cuốn đầu tức là cuốn Trung Quốc lịch sử nghiên cứu pháp nói trên kia, rồi mấy lâu không thấy tiếp theo nữa, không biết đã xong chưa. Một cuốn đầu đó có giá trị khác thường, làm cho sử học giới nước Tàu nảy ra một tia sáng, dầu cho những người không ưa tiên sanh cũng phải nhìn nhận như vậy.

Học giới nước Tàu gần đây có nổi lên một cái phong triều gọi là “chỉnh lý quốc cố” nghĩa là tìm tòi các học thuyết của Tàu đời xưa mà sắp đặt lại cho thành có thống hệ, có điều lý. Lương tiên sanh chính là một người gây ra cái phong triều đó. Những sách về Mặc Tử và bộ sử mới của tiên sanh đều là công việc thứ nhứt của cái phong triều ấy vậy.

Sau cơn Âu chiến, tiên sanh có sang du lịch bên Âu châu. Lúc về rồi, có phát biểu một bài văn thật dài đăng trong tạp chí Thái Bình Dương, gọi là Âu du tâm ảnh lục. Trong bài ấy đại ý tiên sanh nói rằng Âu châu vì khoa học phát đạt quá mà sanh ra cuộc chiến tranh nầy. Vậy khoa học ngày nay đã giảm mất giá trị và thế lực. Sau hết lại khuyên người Tàu phải cố sức mà phát huy cái văn minh về tinh thần của mình để mà bổ ích cho cái văn minh đã phá sản của châu Âu.

Bài văn ấy ra rồi, trong học giới nước Tàu nổi lên một cuộc chiến tranh rất kịch liệt, là bên “Huyền học” và bên “Khoa học” đánh nhau. Bấy giờ có đến vài mươi nhà học giả nước Tàu xúm nhau tranh biện về vấn đề khoa học với huyền học trên các báo. Rút lại hai bên cũng chưa rõ bên nào là thắng phụ cho lắm, song bên khoa học có thế lấn hơn.

Chúng ta phải biết rằng học giới nước Tàu ngày nay tấn bộ lắm chớ không phải vừa. Thứ nhứt là họ sùng thượng khoa học lắm. Đương lúc ấy mà lại có người ra rủa sả khoa học, tru cố khoa học thì tài chi họ không công kích ?

Ngôi Trĩ Huy, là người thờ chủ nghĩa vô chánh phủ, mà bên Tàu ngày nay đương kêu bằng “thánh nhân”, cùng một lớp tuổi với Lương tiên sanh, có dự vào cuộc “khoa huyền luận chiến” đó, ông ta đứng về bên khoa học, đã mở miệng rủa Lương Khải Siêu một câu như vầy : “Hỡi Lương Nhiệm Công tiên sanh ơi ! Tôi trông cho tiên sanh chết gấp đi ! Chớ tiên sanh sống ngày nào thì cứ chỉnh lý quốc cố hoài, làm cho thanh niên nước ta trở lại hủ bại ngày ấy !”

Ngô là hạng già rồi mà còn có tư tưởng khích liệt như vậy, huống chi là bọn thanh niên. Bởi vậy Lương tiên sanh ba mươi năm trước là một tay lãnh tụ của tân đảng nước Tàu, mà ngày nay, theo con mắt người Tàu, lại là một con ma thủ cựu !

Ấy là rủi cho Lương tiên sanh, mà may cho tiền đồ Trung Quốc, biết đâu !...

*

* *

Trên kia chúng tôi nói, đối với Lương tiên sanh, ít nữa chúng tôi phải có mấy lời để tỏ cái cảm tình đặc biệt, ấy là cảm tình gì ?

Đã đành Lương tiên sanh là một trong những vị tiên tri tiên giác, ra mở đàng dắt lối cho cuộc cải cách của người Tàu ngày nay ; song tiên sanh lại là ân nhân của người Việt Nam ta.

Sau khi tiên sanh chạy qua Nhựt Bổn rồi, những báo và sách của tiên sanh làm ra có một ít truyền qua đến bên ta. Như những Thanh nghị báo, Tân dân tùng báo, Ẩm Băng Thất, Tự do thư, Trung Quốc hồn, là những thứ lưu hành trong nước ta đầu hết. Như là cuốn Trung Quốc hồn đã đánh thức cho đám sĩ phu ta gần như trực tiếp, vì trong đó nói chuyện nước Tàu mà có nhiều chỗ trúng bịnh người mình lắm.

Bây giờ chúng ta có thể nói rằng người An Nam lâu nay tỉnh giấc mê mộng ra là nhờ Lương Khải Siêu tiên sanh. Nói như vậy cũng không phải quá đáng, vì chính như cụ Sào Nam, cụ Tây Hồ cũng là chịu ảnh hưởng của sách Trung Quốc hồn kia vậy.

Ấy là còn chưa kể đến khi cụ Sào Nam vận động việc cách mạng ở Nhựt cũng đã nhờ Tân dân tùng báo làm cơ quan. Bổn Việt Nam vong quốc sử là đăng trong báo ấy.

Những hiền triết nước Pháp như Rousseau, Montesquieu, v.v. và các cuốn có danh bằng chữ Pháp như Pháp ý, Dân ước luận, v.v. mà nếu không nhờ có Lương tiên sanh thì ta đây cũng không có dịp được biết, dầu mà người Pháp đã ở đây với ta lâu rồi.

Chúng tôi nhận kỹ thấy ra người Việt Nam ta không những chịu ảnh hưởng của tư tưởng của Lương tiên sanh thôi đâu, mà lại chịu ảnh hưởng đến văn chương của tiên sanh nữa. Trước đây vài mươi năm, văn chữ nho của ta có một độ học theo lối văn tiên sanh ; còn hiện thời nay cũng có đôi người viết văn quốc ngữ bằng lối ấy nữa.

Văn chương của Lương tiên sanh cũng chia ra hai đoạn. Độ 40 tuổi về trước, văn của tiên sanh là một lối, mà 40 tuổi về sau lại là một lối khác. Văn lối trước của tiên sanh thật không phải là văn hay, song được cái nhiều về đàng cảm tình nên cảm người dễ lắm. Chính tiên sanh cũng chịu như vậy, cho nên về sau tiên sanh đổi hẳn, viết thật rõ ràng và có mực thước, đúng theo phương pháp khoa học. Ta hãy đọc cuốn Trung Quốc lịch sử nghiên cứu pháp mà đem so sánh với cuốn Trung Quốc hồn thì biết. Chúng ta nếu muốn bắt chước thì nên bắt chước lối văn tiên sanh hồi 40 tuổi về sau.

*

* *

Tóm lại, dầu dư luận Trung Hoa đối với Lương tiên sanh từ nầy về trước có thế nào chăng nữa, là đến nay cũng phải hối ngộ mà phê bình tiên sanh theo lẽ công bằng. Vì người ta trong khi còn sống thì có những quyền lợi đụng nhau, sự lợi hại nó làm cho không ưa nhau mà thành ra chểnh mảng. Song, kiếp chết là kiếp hết, chết rồi thì mọi sự đều hết, không còn ganh gai nữa, không còn ghét hại nữa, thì có can chi mà không chịu đánh giá người nào cho đúng giá người ấy ?

Thế nào sau nầy Lương tiên sanh cũng là một nhơn vật lớn lao trong lịch sử Trung Hoa về thời kỳ cải cách nầy, là nhơn vật quan hệ cả về đường chánh trị và đường học thuật nữa.

Hoặc giả tiên sanh chết đi cũng là một sự tổn hại cho văn hóa nước Tàu, chưa biết !...

KHẢI MINH TỬ

   




Chú thích

  1. Rột: oai thế, mạnh mẽ (theo Huình Tịnh Paulus Của)