Xem tác phẩm có tựa đề tương tự tại Cảm hoài.
Cảm hoài - 感懷
của Đặng Dung, do Tản Đà dịch

Bài này có tựa là Cảm hoài (感懷) hoặc Thuật hoài (述懷). Theo SGK Ngữ văn 10 Nâng cao, Tập 1, NXB Giáo dục, 2007 thì ghi tên bài là Cảm hoài và dịch là Nỗi lòng

Nguyên văn chữ Hán Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa[1] Dịch thơ của Tản Đà

世事悠悠奈老何,
無窮天地入酣歌。
時來屠釣成功昜,
運去英雄飲恨多。
致主有懷扶地軸,
洗兵無路挽天河。
國讎未報頭先白,
幾度龍泉戴月磨。

Thế sự du du nại lão hà?
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu[2] thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chúa hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà[3].
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền[4] đới nguyệt ma.

Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào?
Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rượu hát ca.
Khi gặp thời, người làm nghề hàng thịt, kẻ câu cá cũng dễ thành công,
Lúc lỡ vận, bậc anh hùng đành phải nuốt hận nhiều.
Giúp chúa, những mong xoay trục đất lại,
Rửa vũ khí không có lối kéo tuột sông Ngân xuống.
Thù nước chưa trả được mà mái tóc đã bạc sớm,
Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng.

Việc đời man mác, tuổi già thôi!
Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi.
Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,
Tan tành sự thế luống cay ai!
Phò vua bụng những mong xoay đất,
Gột giáp sông kia khó vạch trời.
Đầu bạc giang san thù chưa trả,
Long Tuyền mấy độ bóng trăng soi.

   




Chú thích

  1. Bản dịch nghĩa theo SGK Ngữ văn 10 Nâng cao, Tập 1, NXB Giáo dục
  2. Điển tích đời Hán, Phàn Khoái làm nghề bán thịt chó, Hàn Tín làm nghề câu cá, cả hai sau này đều là khai quốc công thần, giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang phá Tần diệt Sở
  3. Điển tích từ hai câu thơ của Đỗ Phủ trong bài "Tẩy binh mã": "An đắc tráng sĩ vãn thiên hà, Tịnh tẩy giáp binh trường bất dụng" 安得壯士挽天河,淨洗甲兵長不用 (Ước gì có được người tráng sĩ kéo sông Ngân Hà, Rửa sạch giáp binh để mãi mãi không dùng đến nữa)
  4. Tên một loại gươm báu thời xưa