Cải cách không phải là việc làm lấy tiếng
Luật lệ nhà nước bó buộc được sự gì chớ không bó buộc được sự cần dùng của dân
Tại làm sao trong xứ ta hiện nay lại có đặt ra Hội đồng cải cách khắp ba kỳ ? Chẳng nói thì ai cũng biết rằng nhơn những sự biến động vừa rồi, chánh phủ dòm thấy chỗ bất bình của dân thì toan cải cách những điều mà dân lấy làm bất bình ấy, hầu cho ai nấy phục tình, đừng có sự náo động vầy khác nữa.
Nếu cái mục đích của chánh phủ đã như vậy thì chánh phủ cũng vậy mà các ông đại biểu cho dân ta có chưn trong hội đồng cải cách cũng vậy, đối với việc cải cách, phải hết lòng mà làm, lại phải hết trí khôn mà làm cải cách làm sao cho dân được nhờ cái thiệt huệ của sự cải cách thì mới phải. Chớ còn, không nghĩ đến chỗ dân sẽ nhờ được thiệt huệ hay chăng, mà chỉ lập luật nầy, đổi lệ kia, ban ơn trên tờ giấy thì thật chẳng có bổ ích gì hết. Việc cải cách phen nầy là việc làm để cho bằng lòng dân, dụt tắt cái ngòi lửa phiến động, há có phải việc làm để lấy tiếng hay sao.
(bị kiểm duyệt bỏ)
Ấy là việc Hội đồng ấy xin giảm tiền lời cho vay từ mười hai phân xuống tám phân.
Ở Trung kỳ cũng đã họp Hội đồng cải cách như Nam kỳ. Trong đó có ba ông nghị viên Lang Sa, ba ông quan lớn Nam triều và ba ông đại biểu nhân dân, lại có ông quan cai trị đại diện cho quan Khâm sứ làm chủ tọa. Ông chủ tọa xin Hội đồng lập ra các nghị án trong hai ngày cho xong : (. . . . . . . )[1] làm cho người trong cuộc hay là ngoài cuộc cũng đều chẳng có chỗ đặt miệng vào. Tuy vậy, một việc lớn tày trời, nhà ngôn luận chẳng lẽ ra dáng nguội lạnh mà không nói tới.
(Bị kiểm duyệt bỏ)
Trung kỳ, về luật cho vay ăn lời, cũng như Nam kỳ, từ trước vẫn có trát quan sức ra bắt chủ cho vay chỉ được ăn lời mỗi năm 12 phân là cùng. Nghĩa là một trăm đồng bạc, mỗi năm ăn lời 12 đồng.
Cái luật ấy lập ra để mà chơi chớ dân Trung kỳ cũng như dân Nam kỳ, từ trước đến giờ vẫn chịu tiền lời vay nặng hơn luật.
Luật mặc luật, trong nhân dân chẳng hề có một con muỗi tuân cái luật ấy. Từ xưa đến nay, dân Trung kỳ vẫn tuân hành cái luật cho vay riêng của họ lập ra với nhau. Thông thường thì chia ra “tiền năm” và “tiền mùa”. Tiền năm thì mười lăm, nghĩa là mỗi trăm đồng mỗi năm lời 50 đồng. Tiền mùa - một mùa sáu tháng thì mười ba, nghĩa là mỗi trăm đồng mỗi mùa lời 30 đồng. Đó là nói trong nhà quê, vay chừng một trăm đồng trở xuống thì như vậy. Còn ở các nơi đô hội, hoặc làng nào buôn bán lớn, thì hay cho vay tiền tháng ; một trăm đồng mỗi tháng lời 3 đồng, chạy ra tiền năm 36 đồng.
Trên đó là nói sự vay thường, vay về làm ăn buôn bán thì vậy đó. Chớ còn, có nhiều cái lệ cắt họng khác, như vay tiền cờ bạc, hay là vay mà đút cho quan, trong khi thắt ngặt thì lời càng nặng hơn, cũng giống cái kiểu cắt họng ở Sài Gòn ta, cứ mỗi chục mỗi tháng lời hai đồng.
Mặc dầu có luật nhà nước buộc chỉ được ăn lời mười hai phân, mà trong nhân dân cũng không theo, cứ việc theo cái luật cũ nặng lời của mình. Người đi vay cũng bằng lòng chịu nặng lời như vậy, thường thường họ sợ phép nhà nước, thì ở trong khế viết theo luật, mà ở ngoài tính với nhau lại khác. Ấy là tại làm sao ? Vì cớ gì nhân dân không theo luật nhà nước mà trong khi theo đó, người đi vay lại được lợi ích ?
Chẳng có cớ gì khác hơn là cái cớ nghèo. Người cho vay có ít tư bổn, phải lấy lời nặng thì mới đủ tiêu dùng cho mình. Còn người đi vay kiếm cho ra chỗ có tiền mà vay cũng không dễ, nên dầu nặng lời mấy cũng cam bụng chịu. Ấy là sự cần dùng của cả hai bên. Bên cho vay phải ngần ấy lời mới được ; bên đi vay cũng phải chịu ngần ấy lời mới được. Nếu theo luật mười hai phân của nhà nước thì bên nào cũng thất lợi hết thảy, chỉ có từ chối sự sống đi thì mới theo như thế được !
Sự cho vay ăn lời nặng như thế là hại cho cuộc kinh tế của xã hội lắm. Song cái tình thế buộc như vậy phải như vậy biết làm sao đặng giờ. Rút lại người nầy với người kia ăn cướp lẫn mồ hôi nước mắt của nhau, sống trong cái cảnh bóp hầu thắt họng nhau mà không ngờ.
Vậy muốn trừ được cái hại ấy thì chỉ có một phương là làm cho dân giàu mà thôi. Chẳng phải là làm cho người nào cũng giàu hết, nếu vậy thôi còn có ai đi vay mà nói chuyện cho vay. Làm cho giàu đây nghĩa là làm cho đồng tiền được có nhiều trong xứ sở, trong dân gian, được có nhiều hãng cho vay, nhiều tiệm cầm đồ rải nhiều tiền ra cho được lưu thông như huyết mạch, không đến nỗi bức thiết quá như bây giờ, tự nhiên tiền cho vay lần lần nhẹ lời đi.
Làm cho đạt được cái mục đích đó có dễ chi. Chúng tôi chẳng có thể bày cái kế hoạch ấy ra trong một vài bài báo. Mà có lẽ chúng tôi cũng không đủ sức đâu mà hiến cho nhà nước cái kế hoạch ấy. Việc là việc cụ thể, chẳng phải một người biết hết được, chẳng phải một ngày làm mà kiến hiệu được, chúng tôi vẫn biết chỗ đó rồi.
Chúng tôi chẳng trách sao nhà nước không làm cho dân giàu liền, cho tiền lời vay nhẹ xuống liền. Song chúng tôi chỉ lấy làm lạ, sao trong ngày Hội đồng cải cách nhóm vừa rồi lại định xóa cái luật mười hai phân đi mà lập ra cái luật tám phân.
Trong ý các ông hội đồng nghĩ rằng làm vậy để cho đỡ kẻ đi vay.
Hồi trước cái luật mười hai phân lập ra mà dân không tuân, là vì sự cần dùng của họ. Bây giờ đây sự cần dùng ấy cũng vẫn còn y nguyên lại có khi hơn trước nữa mà các ông tưởng hễ lập cái luật tám phân ra là họ tuân hay sao ?
(Bị kiểm duyệt bỏ)
T.L.
Chú thích
- ▲ Bản gốc bỏ trắng vài dòng, có thể do tòa soạn cắt bỏ