Cùng ông Đức Kỉnh, người ký tên trong báo Đuốc nhà Nam
Dầu tôi không biết ông là ai tôi cũng phải nói cùng ông mấy lời. Vì cái sự ông vu cáo tôi kết quả nó sẽ ra sao, rồi sẽ hay, còn lời nào ông nói có lẽ, tôi không nên bỏ qua.
Trong bài của Đ.N.N. ngày 18 Juillet, ông nói tôi vì giận mà mắng ông là dốt ; cái đó, ông nói phải lắm. Thiệt tôi đã vì giận mà mắng ông là dốt trong bài hỏi tên thiệt của ông ở Trung lập ngày 16 Juillet.
Nhưng không phải đợi hôm nay ông nói tôi mới biết, chính trong bài ấy tôi cũng đã viết rõ ràng rằng “Tôi giận lắm”.
Thật vì giận lắm nên tôi mới viết bài ấy ; nếu không thì có lẽ tôi cũng đã bỏ qua, hay là có viết đi nữa cũng không đến nỗi dùng chữ “dốt” mà gia cho ông.
Hồi đó, tôi giận thì giận, song tôi cũng nghĩ kỹ. Tôi nghĩ : Người ta đã không kể mình mà khinh miệt mình như vậy thì mình lại còn nghĩ người ta làm chi, nên sẵn dằm tôi mắng ông là dốt.
Hôm nay tôi viết mấy lời nầy cùng ông, không cốt nói chuyện văn chương mà ông đã bàn đó, song nhơn tiện cũng nói qua mấy câu.
Ông nói ông không phân thi làm bốn loại, song ông chỉ cử ra bốn lối để bàn nội bốn lối ấy mà thôi. – À nếu cái ý ông như vậy thì ông phải nói khác kia ; chớ cứ theo nguyên văn của ông thì rõ là ông phân loại. Vì ông viết rằng :
“Thi có nhiều lối, lối thi vịnh sử, lối thi vịnh vật, lối thi tả tình, lối thi tả cảnh. Mỗi lối đều có cái hay của nó, chỉ tự chác thi nhân khéo xếp đặt và mô tả ra mà thôi”.
Như thế là ông đã phân loại (classifier). Tuy ông nói “nhiều lối” mà ông chỉ cử ra bốn lối, trước đó ông không dùng chữ “như” và sau đó ông cũng không dùng chữ “vân vân” hay là để dấu chấm giây (plusieurs points), thế chẳng phải ông nhận cho thi chỉ có bốn lối ấy là gì ?
Nếu muốn phân loại thì ít nữa phải làm như vầy :
Thi chia ra ba phần : Phần thứ nhứt về hình thức, như tứ ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn, cổ phong, tuyệt cú, đường luật v.v… Phần thứ nhì về thể cách, như vịnh sử, vịnh vật, điếu cổ, du lãm, đầu tặng, tống biệt, điệu vong v.v… Phần thứ ba về tinh thần, như tả tình, tả cảnh v.v…
Tôi đã nói việc phân loại về văn học như chúng ta làm đây là khó lắm, còn khó hơn phân loại về khoa học nữa. Tôi đã phân ra như trên đó là làm thử mà chơi cho thấy cái khó, chớ tôi không dám nói phân như vậy là đúng đâu.
Vậy mà ông lại đem hai điều “tả tình, tả cảnh” nhập vô với “vịnh sử, vịnh vật” mà nói xa cạ nó là “lối” cả, thì thiệt là không có nghĩa lý chi hết, nên tôi mới bảo là lộn xộn và thiếu sót nhiều phần.
Cứ thiệt mà nói thì ông làm như vậy, không kêu là “sơ lược” như ông đã nói được. Sơ lược nghĩa là đáng nói nhiều mà nói ít kia. Cái nầy ông đã làm thiếu sót mà lại còn lộn xộn thì gọi là “sơ lược” có đặng đâu ?
Phải chi nhằm hồi tôi không giận thì tôi biết nể mách lòng, tôi đã nói là ông làm sai lầm. Song rủi thay, gặp hồi tôi giận nên tôi nói theo sự thiệt mà rằng ông “dốt, điếc không sợ súng”, cái đó, làm cho tôi mất cái vẻ “đằm” đi một chút.
Ông nói : “mắng người ta trong khi giận, tức là không có sự công bình”. Chữ “tức là” của ông đó không đúng. Muốn nói cho đúng, phải nói rằng “Mắng người ta trong khi giận nhiều hồi mất lẽ công bình”. Vì rằng trong khi giận mà mắng người ta, vẫn có hồi mắng bậy mà cũng có hồi mắng phải. Tuy vậy, mắng phải đi nữa, là cũng không nên mắng.
Lời tục có nói : “No ăn mất ngon, giận nói mất khôn”. Mất khôn tức là ngu. Ông nói cái dốt của ông đẻ ra cái ngu của tôi, ấy là ông nói thiệt, có lẽ tôi ngu trong một chút đó.
Còn đến như sự giận của tôi đó thì chánh đáng lắm.
Tôi giận là giận tờ báo Đuốc nhà Nam sao lại viết thẳng ra mà khinh miệt tôi như thế. Tôi giận ông Nguyễn Phan Long sao đương khi hai tờ báo công kích nhau về ý kiến mà lại viết bài nói xấu đến cá nhân của tôi. Tôi giận ông Nguyễn Phan Long, một người có danh vọng thuở nay, sao bây giờ lại trổ ra cái ngón tiểu nhân dùng cách bất chánh đáng mà hãm hại tôi.
Tôi giận tờ báo Đuốc nhà Nam, tôi giận ông Nguyễn Phan Long mà lại nhè mắng ông, như thế, theo thánh nhân, gọi là “thiên nộ[1]” ; nay tôi nhìn điều đó lại là điều lỗi của tôi nữa. Dầu vậy cái giận của tôi đó vẫn là chánh đáng.
Tôi tự xét sự tôi mang tiếng mấy năm trước là oan, là bị người ta vu cho. Mà sự ấy, cũng còn người đồng số phận với tôi, chớ chẳng phải một mình tôi. Chính ông Long há lại không bị như tôi hay sao ? Có lẽ ổng vốn đã biết tôi là người ra sao rồi, ổng lại còn lợi dụng sự vu hãm ấy để vu hãm tôi, muốn chôn tôi lần nữa, tôi giận là ở chỗ đó.
Dầu một người là gian ác đi nữa, mình viết tên họ trên báo mà khinh miệt, khinh miệt mà thôi, chớ không nói rõ ra chứng cớ, là họ còn không chịu, còn vác đơn đi kiện thay ; huống chi tôi, tôi vốn không phải là người bậy bạ, mà bị ông Nguyễn Phan Long làm nhục tôi trên tờ báo của ổng, biểu tôi không giận sao được ? Tôi giận là phải.
Danh dự là cái sanh mạng thứ hai. Người mà biết tự trọng thì không khi nào chịu mất danh dự, nhiều khi phải làm lơ cái này đi mà binh vực cho cái kia.
Theo thứ lớp việc nầy, trước tôi đã xin ông, ông Đức Kỉnh, xưng tên thiệt ra và nói rõ sự khinh miệt tôi đó là hữu ý hay vô ý. Thì ông đã không chịu xưng tên thiệt, và về chỗ hữu ý vô ý, ông cũng nói lù mù. Vậy thì trong hai chữ Đức Kỉnh, tôi coi là không có cái nhân cách (personnalité) của người viết ở đó, và người viết không chịu trách nhiệm về những lời mình đã viết. Cho nên ông Đức Kỉnh nói gì thì nói, tôi không đối đáp làm chi ; mà theo như lời tuyên bố trước, tôi cứ giao thiệp việc nầy với ông Nguyễn Phan Long là chủ nhiệm Đuốc nhà Nam.
Xin ông Đức Kỉnh đừng trách tôi sao khinh ông mà không nói chuyện với ông. Ông phải biết cho rằng ông chỉ có cái tên mà không có trách nhiệm, tôi nói với ông vô ích.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Thiên nộ : vì giận một người mà giận lây cả đến người khác (theo Đào Duy Anh)