Công hàm ngày 1 tháng 2 năm 1973 của Tổng thống Hoa Kỳ

Công hàm ngày 1 tháng 2 năm 1973 của Tổng thống Hoa Kỳ gửi Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà  (1973) 

Sau khi ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27 tháng 1 năm 1973; ngày 1 tháng 2 năm 1973, Tổng thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã gửi một bức Công hàm đến Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để trao đổi về các nguyên tắc chỉ đạo sự tham gia của Hoa Kỳ vào việc xây dựng lại sau chiến tranh ở Việt Nam theo Điều 21 của Hiệp định Paris 1973. Trong Công hàm này còn có ghi chú về những hình thức viện trợ khác và hiểu biết về Chương trình xây dựng lại kinh tế. Sau đây là toàn văn bức Công hàm đó:

CÔNG HÀM CỦA TỔNG THỐNG HOA KỲ GỬI THỦ TƯỚNG VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Ngày 1 tháng 2 năm 1973

Tổng thống thông báo cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những nguyên tắc sẽ chỉ đạo sự tham gia của Hoa Kỳ về việc xây dựng lại sau chiến tranh ở Bắc Việt Nam. Như đã nêu trong Điều 21 của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại Paris ngày 27 tháng giêng năm 1973, Hoa Kỳ thực hiện sự tham gia này theo chính sách truyền thống của mình.

Những nguyên tắc đó là:

1- Chính phủ Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào công việc xây dựng lại sau chiến tranh ở Bắc Việt Nam mà không có bất cứ điều kiện chính trị nào.

2- Việc nghiên cứu sơ bộ của Hoa Kỳ cho thấy rằng những chương trình thích hợp cho sự đóng góp của Hoa Kỳ vào công cuộc xây dựng lại sau chiến tranh sẽ là khoảng 3,25 tỷ đô la viện trợ không hoàn lại trong một thời gian 5 năm. Những hình thức viện trợ khác sẽ được Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xét duyệt lại và thỏa thuận chi tiết.

3- Hoa Kỳ sẽ đề nghị với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là sẽ thành lập một Ủy ban hỗn hợp kinh tế Hoa Kỳ - Bắc Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ khi gửi Công hàm này.

4- Chức năng của Ủy ban này sẽ là đề ra các chương trình cho việc đóng góp của Hoa Kỳ vào công cuộc xây dựng lại ở Bắc Việt Nam. Sự đóng góp của Hoa Kỳ sẽ tiến hành trên có sở những yếu tố sau đây:

a) Các nhu cầu của Bắc Việt Nam do những tàn phá của chiến tranh gây nên.

b) Các yêu cầu của công cuộc xây dựng lại sau chiến tranh trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp của nền kinh tế Bắc Việt Nam.

5- Ủy ban hỗn hợp kinh tế sẽ gồm những đại diện ngang nhau của mỗi bên. Ủy ban sẽ thỏa thuận về một bộ máy để quản lý chương trình đóng góp của Hoa Kỳ vào công cuộc xây dựng lại Bắc Việt Nam. Ủy ban sẽ cố gắng hoàn thành sự thỏa thuận này trong vòng 60 ngày sau khi được thành lập.

6- Hai thành viên của Ủy ban sẽ hoạt động trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Những trụ sở đặt tại một nơi sẽ được thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

7- Hoa Kỳ cho rằng việc thực hiện những nguyên tắc nói trên sẽ thúc đẩy những quan hệ kinh tế thương mại và các quan hệ khác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sẽ góp phần vào việc bảo đảm một nền hòa bình vững chắc và lâu dài ở Đông Dương. Những nguyên tắc này phù hợp với tinh thần của Chương VIII của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ký tại Paris ngày 27 tháng giêng năm 1973

Điều ghi chú về những hình thức viện trợ khác

Về những hình thức viện trợ khác, việc nghiên cứu của Hoa Kỳ cho thấy rằng những chuơng trình thích hợp có thể là vào khoảng 1 đến 1,5 tỷ đô la tùy theo nhu cầu của Viẹt Nam Dân chủ Cộng hoà về lương thực và hàng hóa khác.

Hiểu biết về Chuơng trình xây dựng lại kinh tế

Có sự hiểu biết là những đề nghị của Ủy ban hỗn hợp kinh tế nói trong công hàm của Tổng thống gửi Thủ tướng sẽ do mỗi thành viên thực hiện theo những quy định của Hiến pháp của mình.[1]

   




Chú thích

  1. Lưu Văn Lợi-Nguyễn Anh Vũ. Các cuộc đàm phán Lê Đức Thọ-Kissinger tại Paris (Phụ lục số XIV ). NXB Công an nhân dân. Hà Nội. 2002. trang 694-695.