Câu chuyện thương tâm

Câu chuyện thương tâm  (1914) 
của Phạm Duy Tốn

Bài này còn có tên khác là Bực mình, đăng trong Đông Dương tạp chí - số 55.

Hôm ấy trời mưa mà lại rét. Mưa rào vừa tạnh; đường đá củ đậu củ khoai trồi ra chốn nhốn.

Tôi đứng cửa trông, thấy có một người gầy gò yếu đuối khẳng kheo, cố công cùng sức kéo miết cái xe tay mà không sao đi nhích được. Xe chồng chất hai bồ nghe chừng đã nặng, lại còn một mụ vắt vẻo ngự ở trong xe. Người kéo đà chẳng nổi, mà mụ thì mỉa mai nặng lời xỉ vả. Cho đến nỗi rằng người ta phải đặt xe xuống, thở dài mà thưa: « Chịu, không sao kéo được. Xin bà bằng lòng vậy; bà thuê xe khác ».

Miệng nói thế, tay bỏ nón ra, chùi trán mồ hôi tầm tã. Khi bấy giờ tôi mới nhìn ra thì là ông lão đầu râu tóc bạc... Tôi động lòng, bèn chạy đến, cầm lấy tay mà hỏi: « — Chứ con cháu cụ ở đâu, mà để cụ già nua tuổi tác, yếu đuối thế này, phải đi kéo xe vất vả? »

Ông lão nhìn tôi. Anh ơi, ông lão nhìn tôi, hai con mắt ông trông mờ mờ, hình như ruột nhãn, nước chảy chứa chan, mà chung quanh vành thì đỏ ửng.

Ông lão nhìn tôi, ra ý ngập ngừng, thì tôi lại hỏi:

— « Cụ ở đâu, con cháu cụ làm gì, sao cụ lại đi kéo xe? Tôi trông thấy cảm tình, cho nên mới hỏi; xin cụ nói cho tôi nghe.

Ông lão nói rằng :

— « Thưa cậu, tôi ở tỉnh Sơn. Tôi có mỗi một thằng con trai. Năm ngoái trời làm lụt lội, đê điều vỡ lở, chẳng may con tôi chết đuối. Nó để lại một lũ con thơ. Bây giờ nhà nghèo khổ, trẻ nhỏ ốm đau, sài ghẻ; vợ nói phải ở nhà trông con, để tôi xuống Hà Nội kéo xe thuê mướn, kiếm mỗi ngày lấy dăm ba xu, một hào, mà nuôi nấng đàn cháu mồ côi, cậu ạ. Tôi ngoại sáu mươi tuổi rồi, cho nên cũng yếu. Phải đường đá đau chân, mà xe lại nặng, kéo không sao nổi... » (Miệng ông lão nói, hai mắt mờ mờ, vẫn cứ nhìn tôi. — Tôi thương lũ con nó, cứ ứa hai hàng nước mắt ra anh ạ...

Trời ơi! sao mà lại có cái khổ cực dường này, hử ông trời xanh cao ngất?...

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia có thời hạn bảo hộ bản quyền là cuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn.


Tác phẩm không chắc chắn đã thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ nếu nó được phát hành từ năm 1929 đến 1977. Để có phiên bản dùng được cho Hoa Kỳ, xem {{PVCC-1996}}.