Cái vè Khâm sai cùng sự thực chung quanh nó

Cái vè Khâm sai cùng sự thực chung quanh nó  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 15 (7 Novembre 1936), trang 2.

Đọc tuần báo Thế giới số 16 thấy nơi bài Lối văn bình dân, ông Phan Văn Thiết viết, có một đoạn rằng:

"Cách đây độ năm chục năm, tỉnh Quảng Nam đương bị Nghĩa hội chiếm cứ, cự Pháp, cự triều, triều đình có phái Khâm sai đem binh vô hiệp với binh Pháp mà dẹp cho yên. Có người đặt cái vè đạo Khâm sai như sau này:

Vè Khâm sai

"Lẳng lặng mà nghe cái vè Sai đạo:
Danh vi trấp bảo, vụ dĩ an dân,
Khâm sai đại thần kéo vô Đà Nẵng.
Tướng quân đều sẵn, Tán lý, Tán tương.
Chú Bang, chú Thương, chú Đề, chú Lãnh;
Quân ròng tướng mạnh, các đạo, các cơ.
Đánh trống mở cờ, kéo vô tỉnh cũ.
Phân quân vừa đủ, phái vãng thượng du.
Thác Cá, Rập Cu, đôi đường tấn tiệu.
Nhất thời phương liệu, Văn Miếu đồn binh.
Ai thấy cũng kinh, gọi Khâm sai giỏi.
Kêu dân tới hỏi, rằng Nghĩa đã tan.
Hạnh hoặc tương an, thị vi thạnh sự.
Sau lên Phong Thử, quân Nghĩa tứ vi,
May chẳng hề chi, nhờ ba chú Pháp.
Thâu quân, yển giáp, trở lại La Thành.
Từ ấy thất kinh, vừa làm vừa sợ
Tướng chi tướng dở, vị luyện quân tình
Chẳng có Tây binh, e không khỏi chết.
Chước chi cũng hết, năm ngoái năm ni
Làm chẳng ra chi, lại thêm ăn bậy:
Lũ quân đi lấy, các tướng về chia.
Thôi đã tràn đìa, cái chi cũng xách:
Cái quần đã rách, cái áo đã tơ,
Cũng giành mà quơ, huống chi cái khá.
Kẻ thì đào mả, người lại phá nhà,
Những chó, những gà, những heo, những vịt
Bắt mà ăn thịt, lại bán lấy tiền,
Đem về Thừa Thiên, Nghĩa Bình, Quảng Trị
Thậm vi khả bỉ, quân lệnh Khâm sai!..."

Bài Lối văn bình dân còn dài nữa, nhưng nói về cái vè Khâm sai thì chỉ có bấy nhiêu.

Cái vè này xuất sản ở tỉnh Quảng Nam, nhưng hiện giờ người Quảng Nam không mấy ai thuộc nó. Nhờ một tờ báo ở Nam Kỳ chép lại, làm nó lại được truyền bá ra giữa làng văn, cũng là một sự vẻ vang cho văn học bình dân của tỉnh Quảng Nam lắm vậy.

Những sự thực trong cái vè ấy mà tác giả không cử ra hết, chúng tôi xin bổ chú vào dưới đây những điều mình biết, để gọi là góp một phần công cán với bạn đồng nghiệp vào sự truyền bá văn học bình dân.

*

* *

Trước hết giải những chữ cần phải giải trong cái vè ấy.

"Sai đạo" là đạo Khâm sai; nói rõ hơn nữa là đạo binh có quan Khâm sai cầm đầu.

"Trấp bảo" do chữ "trấp loạn bảo dân", nghĩa là dẹp loạn giữ dân. Cả câu "trấp bảo, vụ dĩ an dân" chắc là một câu trong tờ trát hoặc tờ hịch bấy giờ, nghĩa là dẹp loạn để giữ cho dân được an ổn. Đạo Khâm sai kéo vào là lấy cái danh nghĩa ấy.

Đà Nẵng tức là Cửa Hàn, Tourane.

Tán lý, Tán tương, Bang biện, Thương biện, Đề đốc, Lãnh binh đều là những chức quan hoặc văn hoặc võ dưới quyền quan Khâm sai. Hàng các quan mà gọi bằng "chú" là có ý khinh thị lắm.

Sau khi Kinh thành thất thủ, văn thân Quảng Nam do ông Nguyễn Duy Hiệu làm lãnh tụ, nổi lên chiếm cứ tỉnh thành, đuổi các quan triều hết cả, rồi lại bỏ chỗ tỉnh thành đó đi mà không đóng giữ, cho nên bấy giờ gọi chỗ đó là "tỉnh cũ", tức tỉnh thành Quảng Nam ngày nay.

Binh văn thân Quảng Nam gọi là Nghĩa hội. Nghĩa hội bỏ tỉnh cũ rồi kéo lên đóng tỉnh mới ở làng Trung Phước, về miệt nguồn, thuộc huyện Quế Sơn, cho nên gọi là "thượng du".

Thác Cá, tên một khúc sông; Rập Cu, tên một cái đèo. Ở miền dưới đi lên Trung Phước, đường thủy do Thác Cá, đường bộ qua đèo Rập Cu.

Văn Miếu đây là Văn Miếu hàng tỉnh, ở tại làng La Qua, cách tỉnh thành chừng vài cây số. Lúc đạo Khâm sai kéo vô, các quan thì trú trong thành tỉnh còn quân lính thì tạm đóng ở Văn Miếu.

"Hạnh hoặc tương an, thị vi thạnh sự", câu ấy chắc cũng là một câu trong tờ tư của đạo Khâm sai bấy giờ, Tư về Kinh nói như thế. Ý nói: sau khi kêu dân chung quanh đó đến hỏi, thì họ nói Nghĩa hội đã tan rồi, như thế là may mà bên dân bên giặc đã được ăn ở cùng nhau, là việc tốt lắm.

Nói thế chứ không thật, Nghĩa hội vẫn còn. Cho nên đạo Khâm sai phải kéo đi đánh. Phong Thử là một làng ở trên tỉnh chừng 15 cây số. Khi quân Khâm sai lên tới đó thì bị quân Nghĩa hội vây, may nhờ có quân Pháp cứu viện mới được thoát chết.

La Thành tức là tỉnh thành Quảng Nam, đóng ở làng La Qua.

Đạo Khâm sai đóng ở tỉnh trải hai năm, năm Tuất và năm Hợi, tức là Đồng Khánh nguyên niên và nhị niên. Bài vè này chắc làm ở năm Hợi, cho nên nói "năm ngoái năm ni".

Sự đào mả, phá nhà, bây giờ không lấy đâu ra chứng cứ. Chỉ nghe có một chuyện thế nầy:

Bấy giờ ông Phạm Phú Lâm được cử làm phó Khâm sai, cùng đi điều khiển đạo quân ấy. Ông Lâm người Quảng Nam, ở làng Đông Bàn, cháu gọi ông Phạm Phú Thứ bằng chú ruột. Nghĩa hội được tin ấy, cho người ra Huế đón đường nói với ông, bảo đừng theo binh triều mà về. Nếu về, Nghĩa hội sẽ đào mả ông Phạm Phú Thứ. Thế rồi ông Lâm sợ, vừa đi tới Hải Vân quan thì cáo bệnh mà trở về Kinh. Bị Ngự sử tham, ông Lâm phải cách chức.

Về  sự  đào  mả, chúng  tôi  chỉ  biết  có  chuyện ấy. Nhưng mới ngăm, chứ chưa đào.

*

* *

Nay đến sự thực và ý nghĩa của cái vè, chúng tôi xin nói thêm một ít nữa cho bạn đọc được rõ hơn.

Năm Ất Dậu, Kinh thành thất thủ, trải ba bốn tháng vua Đồng Khánh mới lập lên, rồi qua năm sau mới có đạo Khâm sai về dẹp loạn ở Quảng Nam.

Quan Khâm sai là ông Phan Liêm, con ông Phan Thanh Giản. Còn phó Khâm sai là ông Phạm Phú Lâm, vừa nói trên đó. Ông nầy đi nửa đường rồi trở lại, thành ra cuộc hành binh đó chỉ có một mình ông Phan Liêm chịu cả trách nhiệm.

Lúc đó tỉnh Quảng Nam, quan chúa tỉnh còn là Tuần vũ, chưa đặt Tổng đốc. Quan Tuần trước là ông Nguyễn Văn Ngoạn, đã bị quân Nghĩa hội đuổi đi, khiêng mà trả về Quảng Nghĩa rồi. Tỉnh thành bỏ trống đã mấy tháng; sau đức Cảnh Tôn lên ngôi, triều đình mới cho ông Châu Đình Kế về làm Tuần vũ. Lúc đạo Khâm sai vào, là lúc có ông Kế làm chúa tỉnh ở đó rồi.

Người ta nói ông Châu Đình Kế ưa uống rượu lắm. Lúc có quan Khâm sai về ở tỉnh, quan Tuần cứ đặt tiệc mời quan Khâm sai chén luôn luôn, chứ chẳng hề nói đến việc tiến binh.

Binh triều bấy giờ kể ra thì về khí giới, về sự tập luyện, còn kém binh Nghĩa hội nữa. Cho nên dù có dựa lưng người Pháp, quan Khâm sai cũng không dám đương trường đánh với binh Nghĩa hội.

Bởi vậy trong hai năm đó, Nghĩa hội đắc thế mà hoành hành lắm. Quan bên triều chỉ cai trị các miền từ đường thiên lý đổ xuôi, còn các miền trên đều ở trong phạm vi thế lực của Nghĩa hội. Các toán lính của đạo Khâm sai chỉ có một lần lên đóng làng Phong Thử, một lần lên đóng tại làng Bảo An, đi thị oai như thế rồi lại rút về.

Về sau dẹp yên Nghĩa hội được là nhờ binh của người Pháp cả. Đạo Khâm sai chẳng hề làm trầy quân Nghĩa hội được một tí da.

Thế mà theo lời mấy ông già bà cả thuật lại, cả hai năm đóng tại làng La Qua, các làng chung quanh gần đó đều mang lấy khổ. Giặc thì họ không đánh, chỉ cứ lâu lâu lại thả quân ra cướp bóc thiên hạ một lần, gọi là "đi càn". Mỗi lần đi càn về, được những gì, các ông tướng công nhiên đem chia với nhau.

Chúng ta đọc một đoạn cuối cùng của cái vè, từ câu Làm chẳng ra chi, lại thêm ăn bậy giở xuống, thì thấy việc hành binh của người mình bấy giờ như thế đó, bảo sao mà chẳng mất nước cho được?

Cái vè không biết tự tay nào đặt ra. Tuy không hay gì chớ cũng đã cung cấp cho nhà làm sử sau này được một món sử liệu.

THẠCH BỔ THIÊN[1]

   




Chú thích

  1. Bài này ký Thạch Bổ Thiên, về giọng điệu, văn phong thì bài này tỏ rõ là thuộc ngòi bút Phan Khôi.