Cái tâm lý của người tù chính trị được thả

Cái tâm lý của người tù chính trị được thả  (1938) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông Dương tạp chí, Hà Nội, số 37 (27 Janvier 1938), trang 13-15.

Không lẽ bây giờ ta bảo nhà cầm quyền đừng lên án, đừng cầm tù những người gọi là “khuấy rối cuộc trị an” mỗi khi có biến cố gì xảy ra, đã được bị bắt. Chứ thực ra, có lên án, có cầm tù, cũng là vô ích.

Một việc vô ích mà mình không thể khuyên người ta đừng làm nữa, là vì nghĩ cũng không có cách gì để thay thế cho cái việc làm mà vô ích ấy, trừ ra chỉ có làm thế nào cho khỏi xảy ra biến cố mới là tốt nhất mà thôi.

Sao biết là vô ích?

Chẳng những biết mà còn biết chắc lắm nữa. Trước hết hãy xét cái tâm lý của những người tù chính trị được thả. Xong, lấy đó làm căn cứ mà suy luận đến các cuộc rối loạn kế tiếp sản sinh 30 năm nay trong xứ này. Tự nhiên thấy rõ sự lên án cầm tù là không ăn thua gì cả, nể nang lắm thì chỉ nói được rằng nó có thể làm cho tạm yên trong một lúc là cùng.

Mỗi lần có việc biến động, nhà cầm quyền dùng thứ luật hình rất nghiêm khắc để trừng trị những người can liên vào đó, là có chủ ý thế nào? Nếu đã chém hay bắn họ đi, thôi thì không nói. Còn cầm tù mỗi người dăm ba năm đến mười lăm hai mươi năm là định để trả thù họ hay để răn đe họ cho chừa đi về sau? Chắc không phải để trả thù; vì nếu thế thì sự đoán phạt thành ra có ý nghĩa rất hèn thấp: chính phủ lại đi tranh nhau ở chỗ ý khí với nhân dân dưới quyền mình. Tôi biết chắc không phải thế. Tôi tin rằng chính phủ đã trừng trị họ là mong cho họ nhân đó mà hối cải, về sau đừng làm cái việc như họ đã làm một lần rồi mà bị tội.

Thế thì đã có đường cho ta phăng theo mà dò xem rồi. Điều thứ nhất là ta nên khảo sát cho kỹ lưỡng và nói ra cho thực tình, thử coi sau khi bị tội, những người ấy họ có hối cải hay không.

Trước khi chưa giãi bày mọi lẽ, tôi muốn nói ngay rằng “không” cho sốt dẻo. Nói thế không phải để tố cáo sự cứng đầu của những người ấy, nhưng chính là để khai ra một sự thực, mà sự thực ấy không đến nỗi là sự thực không nên nói.

Huống chi tôi, người viết bài này, trước kia cũng là một người tù chính trị được thả. Nếu tôi có bụng xấu tố cáo kẻ khác thì đồng thời tôi cũng tố cáo luôn cả chính mình tôi. Không, tôi đủ tri thức và lương tâm để khỏi làm một việc như thế. Đến như điều này thì quả có: tôi quả có lợi dụng sự kinh nghiệm của bản thân để chiêm nghiệm tâm lý của người khác trong khi nghiên cứu vấn đề này, theo như một phương pháp của tâm lý học gọi là “nội tỉnh”.

*

* *

Ở xứ nào cũng vậy, người đã can liên vào cuộc vận động chính trị ắt là người có học thức, có chí khí, có chủ nghĩa, chẳng nhiều thì ít. Trong đó dù có kẻ, cái động cơ của họ không được thuần chính, hoặc bởi cầu danh cầu lợi mà nhúng tay vào việc, nhưng trước hết họ cũng phải có một cái sở kiến nhất định về việc mình làm. Cái sở kiến ấy, họa chăng chỉ có vì sự phú quý dụ dỗ mới thay đổi đi được, chứ không khi nào vì gông cùm xiềng xích mà thay đổi. Thế thì đến những người có động cơ thuần chính, đã không thể lấy phú quý mà nhử họ, còn mong gì lấy gông cùm xiềng xích mà dọa nạt họ ư? Điều đó, các quan thủ hiến cai trị cùng các quan tòa cao cấp chắc đã có nghiệm thấy nhiều lần rồi.

Trong nước Việt Nam, vào khoảng ba mươi năm giở lại đây, về các đấng bậc có danh giá giữa xã hội, chẳng những thêm ra một hạng ông Tham ông Đốc mà còn một hạng nữa là tù chính trị, cũng gọi là quốc sự phạm. Thật thế, trong hạng ấy, người nào càng bị đày đọa điêu đứng bao nhiêu thì lại càng được yêu mến kính trọng bấy nhiêu. Người ta tôn sùng một người tù chính trị đứng đắn có lẽ còn hơn một ông quan lớn hay một vị đại khoa ngày trước nữa; chẳng vậy mà trên tấm mộ bia của ông Ngô Đức Kế ở Bạch Mai, người ta đã đem hai chữ “chí sĩ” thay vào hai chữ “tiến sĩ” của ông?[1] Chúng ta còn thấy có mấy người Pháp vào hạng cầm quyền cai trị, chính tay họ đã cầm bút lên án những kẻ khuấy rối cuộc trị an mà rồi cũng chính tay họ cất nhắc cho những kẻ ấy. Ông Phan Châu Trinh lúc ở bên này là một tên tù đập đá ở Côn Lôn mà khi sang bên Pháp lại là bạn chí thân của ông Moutet, tổng trưởng bộ Thuộc địa… Những trường hợp như thế đã an ủi người tù chính trị một cách có công hiệu lạ thường, còn hơn người tình nhân đã trẻ lại đẹp của họ ngồi một bên mà tỉ tê năn nỉ, làm cho họ vui lòng qua những ngày gian lao trong ngục thất dù phải ở đó đến bao nhiêu năm.

Ngoài hai lẽ ấy còn có điều này có lẽ là điều quan hệ nhất, khiến cho những người tù chính trị xem thường xem khinh cái hình phạt mà mình đã bị: tức là bị oan. Bị oan cũng có hai hạng: một là không có tội gì hết mà mang án; một là tội nhẹ mà án nặng.

Sự này thì có hơi khó nói một chút. Mỗi vụ án, mình không ở trong ban dự thẩm, không xét được hồ sơ, không hỏi được kẻ phạm, thì biết đâu được là oan hay không? Nhưng tôi đã có kinh nghiệm riêng, lấy sự kinh nghiệm ấy ra mà nói, tôi dám quyết là không đến nỗi sai với sự thực.

Năm 1908, tôi bị án đồ tam niên, cũng liệt vào hàng tù chính trị, tôi nghĩ mà xấu hổ mãi cho đến ngày nay, vì mình không có làm gì cho xứng đáng với cái tên ấy. Thì trong lời buộc tội, người ta đã chẳng cử ra được một cái sang trọng gì hết, độc căn cứ vào một câu “xướng dân quyền tự do chi thuyết, hữu khinh thê tử chi ý” là câu trong tờ quan phủ sở tại xét về tôi, mà kêu án tù ba năm đó thôi. Mà câu ấy cũng chẳng hề có chứng cứ nào cả. Bấy giờ chưa có báo để mà viết, người ta cũng không bắt được tôi diễn thuyết lần nào, thì dựa vào đâu mà nói được rằng tôi xướng cái thuyết dân quyền tự do? Còn nói tôi có ý khinh thê tử chi, thì làm sao biết được tôi có cái ý ấy, vì nếu có thì nó cũng ở kín lắm, ở trong óc hoặc trong lòng của tôi? Cùng một tội đồ tam niên với tôi, bấy giờ còn có mấy chục người thân sĩ nữa, mà đại để án tình cũng chẳng khác với tôi là mấy.

Trong năm 1908 ấy, người ta đã chém ông Trần Quý Cáp ở Khánh Hòa, là một việc chỉ có điên khùng mới làm, không còn lấy lẽ phải mà nói năng gì được! Đến như những người bị đày đi Côn Lôn, hầu hết đều đeo một cái án mập mờ. Trong đó có mấy kẻ bị đày mà trở lấy làm đắc ý vì được sắp ngang hàng với Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Hàm, đến nỗi người ngoài không cho rằng “oan” mà cho rằng “lạm”!

Hình phạt dùng ra cho đúng, thì thứ hình phạt ấy mới có giá trị, người bị hình phạt mới phục tình mà sinh ra lòng hối cải. Chứ còn cứ lấy thịt đè người như thế, nào có phục tình được ai?

Tôi còn nhớ lúc bấy giờ, án thành, tôi bị đòi sang ký “biện phục văn trạng” trước mặt ba quan tỉnh. Tôi không chịu ký. Quan tổng đốc nói: “Không ký thì thôi cũng không cần có biện phục văn trạng nữa”. Ồ hay! Thế còn nói gì? Hình phạt mà vứt luật lệ đi, còn gì là hình phạt?

*

* *

Bạn đọc thử nghĩ, một người bị tội cách ấy, trong lòng họ sẽ có cái cảm tưởng thế nào? Tôi tưởng dù cho ai cũng vậy, chỉ có một là tức, hai là khinh, ba là đâm liều, không còn kể chi nữa. Một người, hồi kỳ thủy đã tự phụ mình làm việc bởi nhiệt thành, theo chủ nghĩa, trước mặt có cái giải thưởng của xã hội treo cho, mà chung quanh mình lại gặp những sự bất công bất bình như thế, thì cái lòng hối cải chẳng biết từ đâu mà sinh ra cho được?

Thế rồi đến ngày được thả – được thả chứ không phải được tha – tôi thấy cũng chẳng khác chi những ngày còn ở trong tù. Có cảm ơn không? Ít lắm! Có nhận tội không? Ít lắm! Có nhớ lại những sự cực nhục trong tù mà sinh lòng ăn năn và bụng bảo dạ từ rày đừng làm như thế nữa không? Cũng ít nốt! Tại sao? Muốn đáp rằng chẳng tại sao cả, một việc rất không có nghĩa cho được mà cắt nghĩa!

Trong những năm mới được thả, lại bắt đầu chung chạ với cái xã hội mình đã cách biệt lâu nay, bây giờ càng nhận thấy bao nhiêu sự bất công bất bình mà trước kia chưa nhận thấy, trong mình càng tức bực và chán nản. Những người kém kiên nhẫn, ở vào những lúc này, thường hay đâm khùng không chịu được; giá có cơ hội, họ cũng liều vung tay một phen nữa cho nó ra làm sao đó nó ra. Thế mà vào những lúc ấy, thường thường tai họ lại được nghe những câu “thành tâm úy hối, an thường thủ phận” của quan địa phương giảng cho trong khi đến nha môn điểm diện, thì thật là khổ cho họ quá!

Tôi không nói ngoa, những người tù chính trị sau khi được thả, phần nhiều lại cứ giữ chứng nào tật ấy. Một cái án rất không ai cãi được, là các ông cử ông tú được phóng thích một lần với tôi năm 1911 thì qua năm 1916 hầu hết đều tái phạm: can vào khoản Duy Tân. Thế có phải là từ ngày được về cho đến ngày bị bắt lại, trong khoảng thời gian sáu năm trời, trong khoảng thời gian mà các quan sở tại cứ hằng tháng chạy tờ trình cho nhau, nói bọn chính trị phạm thả về, ở đâu yên đó, không còn rục rịch nữa, thì chính họ cũng hằng tháng âm mưu với nhau, toan làm cái việc chọc trời quấy nước?

Như thế, hỏi xem sự cầm tù những người vận động về chính trị có ích gì không? Nếu mình là người Việt Nam thật thà, không có ý man trá nhà cầm quyền hay chính phủ, thì phải trịnh trọng mà thưa rằng: Không có ích gì cả!

Sự ấy mà có ích thì một cái án vỡ ra, chém và đồ lưu bao nhiêu người rồi, sau đó không còn vỡ ra cái án khác mới phải. Cớ sao từ năm 1908 đến nay, hết vụ nọ đến vụ kia, cứ mấy năm lại có một lần? Lại còn, đồng một người mà trước can cái án quốc sự này, sau can cái án quốc sự khác. Thậm chí có kẻ vì có chân trong Việt Nam Quốc dân đảng mà ở tù, ở tù ra lại tuyên bố rằng mình đổi chính kiến mà nhập vào Cộng sản đảng, chẳng giấu giếm ai!

Đã biết là vô ích thì nên làm thế nào? Đó lại là một việc khác mà ở bài này chưa kịp bàn đến.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Ông Ngô Đức Kế có chân tiến sĩ. Ông mất tại Hà Nội và táng ở làng Bạch Mai gần đó. Trên tấm bia đá Thanh Hóa rất đẹp, khắc rằng “Việt Nam chí sĩ Ngô Đức Kế chi mộ” mà không đề hai chữ “tiến sĩ” (nguyên chú của Phan Khôi)