Cái lý lịch của Vạn Lý Trường Thành

Cái lý lịch của Vạn Lý Trường Thành  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6514 (Phụ trương văn chương số 16, thứ bảy 14.8.1931) và số 6520 (Phụ trương văn chương số 17, thứ bảy 22.8.1931)

Vạn Lý Trường Thành là một cái thành dài ở về phía bắc nước Tàu ngày xưa, đắp ra để ngăn mọi Hồ, mà đến ngày nay vì bờ cõi Trung Quốc rộng thêm, nên nó gần nằm về chính giữa, chớ không phải là một vật khổng lồ để làm giới hạn như trước nữa.

Nó là một cái công trình vĩ đại mà lại rất cổ, có tiếng cũng như các cái công trình khác trong thế giới; người nước mình hẳn cũng đã nghe tên.

Gần đây chánh phủ Nam Kinh định mở một đường đi ô tô trên mặt vách thành cổ ấy để nối liền Bắc Bình với các miền rộng ngoài kia là Mãn Châu, Mông Cổ và Trung Quốc Thổ Nhĩ Kỳ (Turkestan chinois).

Ấy cũng là việc tầm thường không chi, nhưng một tờ báo bên Pháp, La Dêpêche Coloniale nhơn đó viết một bài khảo cứu nói rằng để đính chánh lại những điều sai lầm xưa nay mà người ta đã truyền bố ra vì nó, cho đến những bộ sách bách khoa đúng đắn mà cũng cứ một mực sai lầm hoài (…rectifier quelques-unes des erreurs que l'on propage à son égard et que de graves encyclopédies contribuent à perpétuer).

Người ký tên dưới bài ấy là Victor Forbin. Chẳng biết ông này đã từng du lịch bên Tàu, chính mình tới nơi thấy cái Vạn Lý Trường Thành ra sao chưa, nhưng ông nói khác với thiên hạ hết, hèn chi ông cho những sách bách khoa đúng đắn xưa nay mà cũng sai lầm thì phải!

Tôi thật chưa hề bước cẳng ra khỏi bờ cõi cái xứ chữ S này, tôi chưa biết cái thành ấy mặt ngắn mặt dài ra sao, tôi đành làm việc khảo cứu nầy trên giấy. Nhưng đối với bài của ông Victor Forbin, tôi cũng nhận có một chỗ là trúng, còn bao nhiêu tôi chẳng rõ ông cứ vào đâu mà nói, tôi cho là không tin được.

Bởi vậy tôi dịch những lời trong bài báo ấy ra đây, rồi tôi căn cứ ở địa đồ và sách của người Tàu làm ra mà chất chánh lại. Nói chất chánh, nhưng chất chánh cùng bậc thức giả trong nước ta, chớ còn ngài Victor Forbin ở bên Pháp ổng có đọc đến thứ đồ báo quốc ngữ mình đâu!

Tiếp theo đoạn mà tôi găm chữ Pháp vào trên đó, tác giả nói rằng:

Người ta phỏng chừng nó (Vạn Lý Trường Thành) dài là 600 dặm (lieue), kỳ thiệt nó có thể dài gần gấp ba số ấy. Người ta nói nó chỉ chạy dài khắp miền bắc Trung Quốc bổn bộ mà kỳ thiệt cái ngánh chính của nó duỗi ra đến ranh giới tây của Trung Quốc Thổ Nhĩ Kỳ[1], thế là nó bao trùm hết hơn hai phần ba của đại lục châu á, còn chưa kể những nhánh nhóc của nó, có một tua bọc lấy Tây Tạng (Thibet) rồi nhễu xuống đến Vân Nam nơi chỉ cách với Đông Pháp ta hai ba ngày đường.

Nói như vậy thiệt lạ quá. Tra hết mấy bức địa đồ Tàu từ trước kia đến bây giờ cũng không thấy đâu như vậy!

Theo địa đồ Tàu, Vạn Lý Trường Thành, phía đông bắt đầu từ Sơn Hải Quan, là nơi ngó ra biển Bột Hải; phía tây cuối cùng đến Gia Cốc Quan, thuộc tỉnh Cam Túc, chính chỗ có dãy núi lớn, kêu là Kỳ Liên Sơn hay là Thiên Sơn, chỗ phân giới hạn của Hung Nô với Trung Quốc ngày xưa. Còn Trung Quốc Thổ Nhĩ Kỳ ở ngoài kia, gần với Tây Bá Lợi á (Sibérie). Trường Thành có làm gì ra đến đó? Còn từ Kỳ Liên Sơn lên đến Tây Tạng, chặng giữa cách nhau một xứ Thanh Hải, dài bằng bề dài nước Nam ta đây, mà nào có thấy dấu vết Trường Thành ở đó bao giờ? Đến như từ Tây Tạng xuống Vân Nam lại xa hơn nữa, xa cũng bằng Vân Nam ra tới Nam Kinh, thế mà nói Trường Thành có một tua nhễu xuống tới đó thì thật là sự chưa hề thấy ai nói.

Cứ theo địa đồ thì chỉ có phía đông của Trường Thành mới có vài cái ngánh, một cái đâm vào tỉnh Trực Lệ, một cái đâm vào tỉnh Sơn Tây, rồi hai ngánh ấy giáp với nhau tại Thanh Sơn; chớ còn từ đó qua phía Tây không còn có cái ngánh nào nữa hết, thì làm sao nhễu xuống đến Vân Nam được? Vả lại, ở phía đông, chạy qua mạn bắc, cũng không có cái ngánh nào, thì lấy gì giáp với ranh phía tây của Trung Quốc Thổ Nhĩ Kỳ?

Bề dài của Trường Thành, theo dặm Tàu, nói là 5440 dặm; còn theo Tự vị lớn tiếng Pháp, nói là 3000 cây số. Số dặm Tàu đó tôi không rỗi mà đem so sánh với 3000 cây số, coi thử có tương đương không. Nhưng, như lời tác giả, người ta phỏng định 6000 dặm (lieue), thì số ấy tương đương với 3000 kilomet, bởi vì mỗi lieue hơn 4 kilomet.

Trường Thành dài 600 lieues hay là 3000 kilomet, tác giả cho là sai lầm, mà nói dài gấp ba số ấy kia; điều ấy cũng không lạ, bởi tác giả đã kéo nó ra phía bắc đến Trung Quốc Thổ Nhĩ Kỳ và phía nam đến Vân Nam!

Đó, nội một cái bề dài và đông tây nhị chí của Trường Thành, tác giả đều nói khác với ai hết, mà chỉ nói thôi, chớ không dẫn chứng cứ ở đâu, thế mới làm cho kẻ đọc buồn cười lại tức mình!

Nói đến sự bắt đầu kiến trúc Vạn Lý Trường Thành, thì xưa nay ai cũng nhìn nhận là từ vua Thỉ Hoàng nhà Tần. ấy là một điều lầm lạc mà có nhiều tay văn nhân học sĩ cũng không khỏi. Ông Victor Forbin thấy đến chỗ đó. Trong bài trước, tôi nói cả bài của ông tôi chỉ chịu một chỗ mà thôi, ấy là chỗ đó vậy.

Ông Victor Forbin nói rằng:

Sau hết, người ta ấn định rằng Vạn Lý Trường Thành khởi đắp trong năm 247 trước Giáng sanh, cái điều nói ám xác ấy vừa sai lầm vừa đáng tức cười. Thiệt ra thì, mấy năm gần đây chúng tôi đã tìm ra được nhiều chứng cớ chắc chắn lắm, cái công trình vĩ đại ấy bắt đầu làm từ 12 hay là 15 thế kỷ trước Tây lịch, và sau đó rồi còn lục thục xây đắp luôn hơn hai ngàn năm nữa kia.

Lời ông Victor Forbin bác người ta đó thì phải, nhưng mấy chỗ ông đính chánh lại, theo như tôi biết, thì có chỗ nhằm mà có chỗ không nhằm. Trường Thành bắt đầu xây đắp, không phải từ Tần Thỉ Hoàng, không phải từ năm 247 trước Giáng sinh, và sau đó còn làm kế tiếp luôn đến 2000 năm nữa; mấy lời ấy thì quả thật. Nhưng nói rằng trước Tây lịch 12 hoặc 15 thế kỷ mà đã khởi công xây cất trường thành thì chỗ đó, tôi dám quyết là ông ấy lầm.

Theo sách Từ nguyên, về điều Trường Thành, giải rằng:

Thuở Chiến Quốc, ba nước Yên, Triệu, Tần, đều có nhơn chỗ hiểm trở sẵn của các núi phía bắc, đắp Trường Thành để ngăn mọi Hồ. Đến Tần Thỉ Hoàng sau khi diệt Lục quốc rồi, mới nối chắp những khúc thành của ba nước đã đắp đó cho liền lại. Về sau, Bắc Ngụy, Bắc Tề, và Đường, đều có tu bổ nhiều lần, mà lại hơi đổi cái vị trí của Trường Thành cũ đi. Trường Thành bây giờ đây là cái hình thế theo như từ nhà Đường về sau đã sửa đổi vậy. Kịp đến nhà Minh lại tu bổ lần nữa để ngừa quân Thát Đát, xây bằng gạch, dài 5440 dặm, kêu là Vạn Lý Trường Thành.

Theo sử thì vua Thỉ Hoàng đắp Trường Thành vào năm 33 đời vua ấy trị vì, tức là năm 214 trước Tây lịch; tác giả nói người ta ấn định vào năm 247, ấy là chỉ năm vua Thỉ Hoàng lên ngôi. Nhưng điều sai lầm ấy không quan hệ mấy, vì đầu năm 214, đầu năm 247 cũng là không trúng mà bị tác giả bác đi rồi.

Duy cứ như Từ nguyên nói trên, thì trường thành dầu đã có lâu đời mấy đi nữa cũng chỉ từ ba nước Yên, Triệu, Tần thuở Chiến Quốc. Chiến Quốc thì chỉ ở trước Tần Thỉ Hoàng cỡ một trăm năm mà thôi, có đâu đến 12 hay 15 thế kỷ trước Tây lịch?

Nếu là 12 hoặc 15 thế kỷ trước Tây lịch, nghĩa là trước Giáng Sanh đến một ngàn hai trăm năm hoặc một ngàn năm trăm năm, thì phải vào khoảng giữa nhà Thương hay cuối nhà Thương kia. Mà cứ theo sử Tàu, thì nước Tàu đến nhà Châu mới bắt đầu có những mọi rợ phương bắc lấn vào, chớ đời nhà Thương còn chưa có. Vậy mà tác giả nói 12 hay 15 thế kỷ trước Tây lịch đã có Trường Thành, chẳng biết bằng cứ vào đâu?

Tôi không có đủ sách để tra cho ra Trường Thành của ba nước hồi Chiến Quốc đắp vào năm nào nhưng có thể suy định rằng ở trước Thỉ Hoàng chừng một trăm năm, quá lắm cho đến hai trăm năm là cùng. Nói theo Tây lịch thì trước Giáng Sanh chừng ba thế kỷ rưỡi hay là bốn thế kỷ mà thôi vậy.

Cái gì chớ Trường Thành không phải do Thỉ Hoàng khởi đầu đắp ra, đã có người Tàu phát kiến sự ấy rồi. Trong sách Trung Quốc lịch sử nghiên cứu pháp của ông Lương Khải Siêu có một đoạn rằng:

Có đôi điều rõ ràng không phải sự thiệt trong sử mà người ta nhận lầm cho là sự thiệt trong sử. Ví như bây giờ hỏi một người nào bất kỳ, chớ Vạn Lý Trường Thành đắp từ đời nào, thì người ấy ắt không thèm nghĩ mà liền đáp rằng từ Tần Thỉ Hoàng. Nhưng câu trả lời đó ít nữa có một phần lầm hoặc lầm hết cả.

Bởi vì trước Thỉ Hoàng có Trường Thành của Yên, của Tề, của Triệu; sau Thỉ Hoàng có Trường Thành của Bắc Ngụy, của Bắc Tề, của Minh: những sự tích đó còn chép rành rành trong các sử. Lại còn các đời khác nữa, đắp thêm từng chặng ngắn ngắn cũng nhiều. Nay đem mà so sánh hết, có lẽ Trường Thành của Tần Thỉ Hoàng chỉ một bộ phận nhỏ mà thôi, sao lại kêu được là Trường Thành của Tần Thỉ Hoàng?

Coi lời ông Lương Khải Siêu nói đó thì cũng giống với Từ nguyên và cũng giống với ông Victor Forbin một điều, là Trường Thành không phải bắt đầu từ Thỉ Hoàng. Nhưng đến như nói bắt đầu từ giữa nhà Thương, trước Giáng sanh đến 12 hoặc 15 thế kỷ như ông Forbin nói đó, thì tôi tưởng ông Lương Khải Siêu cũng không công nhận vậy. Vì ông ấy cũng chỉ tin rằng từ ba nước đời Chiến Quốc mới có đắp Trường Thành, mà Chiến Quốc thì chỉ trước Thỉ Hoàng cớ hơn một trăm năm.

Tôi lấy làm lạ mà muốn biết cho ra ông Forbin nói những bằng cớ chắc chắn đó là bằng cớ nào? Hoặc giả có mà mình ở đây không biết đến chăng? (còn nữa)[2]

Phan Khôi

   




Chú thích

  1. Địa danh Turkestan chinois ở đây dịch là Trung Quốc Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây lầm lẫn. Turkestan là tên gọi hồi cuối thế kỷ XIX đến 1925 của một số vùng đất Trung Á (mà cư dân hầu hết là người Turk): Bắc giáp Sibérie, Nam giáp Tây Tạng, Ấn Độ, Afghanistan và Iran, diện tích trên 2.600.000km2, bao gồm Tây Turkestan (còn gọi là Turkestan thuộc Nga, bao gồm các lãnh thổ ngày nay của Turmenistan, Uzbekistan, Tajikistan, nam Kazakhstan) và Đông Turkesstan hay còn gọi là Turkestan thuộc Trung Quốc (gọi theo tiếng Pháp là Turkestan chinois, gọi theo tiếng Anh là Chinese Turkestan hay Eastern Turkestan), nay là vùng tự trị Tân Cương-Ugua (Hsinchiang-Uighur). Chữ Hán gọi địa danh này là Đông Thổ Nhĩ Kỳ Ki Tan nên tác giả mới ghi địa danh này là Trung Quốc Thổ Nhĩ Kỳ, có thể gây lầm lẫn với nước Thổ Nhĩ Kỳ (tiếng Anh: Turkey) ở Tây Á.
  2. Bài này chưa đăng hết.