Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta/XI
Nhẫn lên bốn chương, về cái thuyết minh đức tân dân, cái thuyết trung dung, cái chủ nghĩa làm quan, cái thuyết khinh nông, tôi cho là bốn điều trong Khổng giáo mà có ảnh hưởng xấu ở xã hội ta. Từ đây trở xuống, tôi sẽ kể ra những điều gì đã có ảnh hưởng tốt.
Có điều này tôi không vì mích lòng Khổng giáo mà phải nói thiệt : trong những cái ảnh hưởng xấu đã nói trên kia, tôi không thấy có phần nào tốt ; mà trong những cái ảnh hưởng tốt kể dưới này, lại thấy có phần hơi xấu.
Trước hết xin nói về cái ảnh hưởng của sách Xuân Thu.
Xuân Thu nguyên là một bổn sử ký chép chuyện nước Lỗ là quê hương của đức Khổng Tử và là một nước chư hầu ở dưới quyền thiên tử nhà Châu lúc bấy giờ. Ngài sửa sang bổn sử ký ấy lại mà làm ra sách Xuân Thu, về sau liệt vào làm một kinh trong ngũ kinh. Trong một bổn sách xưa nói về Xuân Thu có nói rằng : “Sách Xuân Thu do chính tay đức Khổng chép lấy, chỗ nào đáng chép thì ngài chép, chỗ nào đáng bỏ thì ngài bỏ ; tuy Tử Du, Tử Hạ là tay văn học trong cửa ngài, cũng không giúp được một lời”.
Sách Xuân Thu cốt để bao biếm. Bao, nghĩa là khen những điều phải ; biếm, nghĩa là chê những điều quấy. Có vì tiên nho tán dương cái nghĩa bao biếm của sách Xuân Thu mà rằng : “Ngài khen cho một chữ là vinh hơn áo mão của nhà vua ban cho ; ngài chê cho một chữ là nghiêm hơn dùng búa rìu mà giết”.
Sự khen chê của sách Xuân Thu là suốt từ việc lớn cho chí việc nhỏ. Đây nói những việc lớn : ai giúp kẻ yếu, chống kẻ mạnh, cứu những nước bị tai nạn, phò những nước bị diệt vong, ấy là được khen, còn những nước chiến tranh nhau, hoặc dùng mưu kế mà khi trá nhau, cùng những con giặc, tôi loàn, và những kẻ phản quốc, thờ quân thù nghịch, thì bị chê. Nói tóm lại, phàm việc gì hại đến cuộc hòa bình của xã hội là bị chê, mà trái lại, là được khen vậy.
Tuy vậy, xét kỹ lại thì cái hiệu nghiệm của sách Xuân Thu, bên khen không có quan hệ lắm bằng bên chê. Cũng có lẽ là vì sự cấm người ta làm điều dữ có công hiệu hơn là khuyên người ta làm điều lành. Bởi vậy ông Mạnh Tử có nói rằng : “Đức Khổng Tử làm nên sách Xuân Thu mà bọn con giặc tôi loàn phải sợ”.
Trên nền Khổng giáo ở nước Nam ta có những tư văn, văn chỉ, ấy là những cái cơ quan để phê bình xã hội theo như cái ý nghĩa của sách Xuân Thu.
Từ hồi có người Pháp đến xứ nầy, nhứt là sau khi cuộc bảo hộ đã thành lập, vì cớ mở miệng mắc quai, nên các hội nói trên đó ngoài một năm hai kỳ tế Thánh ăn thịt uống rượu rồi về không thấy có hành động sự gì ; chớ trước kia thì chính các hội ấy đã làm giềng mối, chủ trương cả dư luận trong xã hội. Mỗi một phủ huyện nào cũng đều có hội Văn chỉ, mỗi một ông thầy dạy học lâu năm và đông học trò thì có hội Đồng môn. Những hội ấy rất có thế lực ở dân gian ; người ta quen gọi là cái nền “danh giáo” hay là cái cơ quan “thanh nghị”. Chẳng những người trong hội, cho đến người thường ở ngoài nữa, nếu có làm một việc gì phạm tới luân lý, trái với đạo đức thì không thể nào tránh khỏi sự công kích của hội hoặc trực tiếp hay gián tiếp. Có khi một việc trái phép mới xảy ra, pháp luật của nhà nước chưa hỏi đến, mà chính người thủ phạm trong việc ấy đã bị “thanh nghị” làm cho sỉ nhục mà phải hối cải hơn là bị hình phạt. Bởi vậy cũng có khi, ở dân gian, người ta đem những việc bất bình mà cáo với các hội ấy, chớ không cáo với quan.
Hồi xưa người ta sợ “thanh nghị” lắm, sợ đắc tội với “danh giáo” lắm, hơn là sợ tù tội nữa. Bởi vì cái nhục của tù tội còn có chừng, lại có khi theo vua thì bị tù tội, song đối với công chúng lại được khoan thứ ; chớ còn đã bị “thanh nghị” công kích, đã bị “danh giáo” loại ra, thì gần như là không còn mặt nào trông thấy ai, không còn biết ở đời với ai, chỉ có nước vạch đất ra mà chui xuống ! Cho nên lúc bấy giờ, từ hàng tấn thân cho đến hạng dân giã, ít kẻ dám công nhiên làm bậy như ngày nay. Sự đó tôi không có thể trưng bằng cớ ra đây, nhưng tưởng ai ai cũng công nhận như vậy.
Cái “thanh nghị” do theo ý nghĩa bao biếm của Xuân Thu đó, tôi cho là đối với xã hội ta đã có hiệu lực nhiều hơn là các tín điều của tôn giáo đem buộc các giáo đồ. Cái lẽ đó là vì các tín điều chỉ lấy cái giáo nghĩa của một tôn giáo làm chuẩn đích ; còn bên “thanh nghị” thì lấy nhân cách làm chuẩn đích. Phàm người nào làm ra việc gì phạm tới luân lý, trái với đạo đức, tức là làm mất nhân cách của người ấy, “thanh nghị” cứ băm vào chỗ mất nhân cách ấy mà công kích thì nghe nó thiết thiệt hơn. Tôi xin cử ra đây một sự cấm hút thuốc phiện.
Đời Tự Đức, khi chưa hòa với Pháp về trước, triều đình ta vẫn cấm nhân dân hút thuốc phiện. Trong sự cấm ấy, phép vua tuy nghiêm mà cũng không bằng các hội Văn chỉ và Đồng môn. Tôi chưa kịp thấy, nhưng nghe các ông già nói lại rằng lúc bấy giờ thuốc phiện dầu nhiều và rẻ mà ít ai dám hút, nhứt là những người có học, không sợ hình phạt là mấy, nhưng sợ rủi bị hội Văn chỉ hoặc hội Đồng môn ngoại ra thì khốn.
Ta thử đem việc ấy so với hai việc sau nầy. Ở gần miền tôi có một người vô đạo mà ghiền thuốc phiện. Ông cố bắt xưng tội ấy thì anh ta không chịu xưng, nói rằng hút thuốc phiện không phạm vào mười điều răn của Chúa. Lại khi ở Hà Nội, tôi có gặp một ông thầy tu cũng hút. Tôi hỏi chớ thầy không sợ phạm giới sao. Ông ta trả lời rằng trong ngũ giới của Phật vẫn không cấm điều nầy, mà có lẽ hút á phiện thì tiệt được sự sắc dục, lại là có ích cho người tu hành nữa vậy ! Coi đó thì thấy rằng cũng đồng một sự cấm hút á phiện mà một bên nói rằng hút thì hư nhân cách, làm cho người ta dễ nghe hơn là bên kia nói rằng hút thì “trái ý Chúa” hay là “mang tội cùng Phật” vậy.
Cái thế lực của các hội Văn chỉ mạnh là như vậy, cho nên gặp khi trong nước có việc thì mọi sự phản động[1] đều do đó mà ra. Ông quan địa phương nào tham ô, bị “thanh nghị” trong hàng tỉnh hay hàng huyện công kích, ấy là có thể bị giáng bị cách, không thì cũng bị đổi đi nơi khác. Sau khi kinh thành thất thủ, các đám cần vương khởi nghĩa toàn là bắt đầu tổ chức từ trong các hội Văn chỉ, các hội Đồng môn. Nói tóm lại, các hội ấy chẳng những chủ trì dư luận mà thôi, lại cũng nắm luôn cái quyền ngấm ngầm về chánh trị nữa.
Hiện nay các hội ấy chỉ còn cái xác mà thôi, song cái hồn nó lại tản mác ra trong dân gian, nó bám vào trong lòng mọi người. Trong khoảng 5-7 mươi năm nay, những người nào tỏ ra là bất trung với bổn quốc, hãm hại đồng bào, thì bị người ta chửi mắng nhiếc móc riêng với nhau. Ở Bắc kỳ, có những sanh phần sanh từ của mấy ông quan to bị người ta đề thơ mà chửi bới, hay là đem đồ ô uế mà ném vào, cùng là lén mà phá cho hư đi. Lại có những người tuy chưa làm ra việc chi đáng trách, chỉ mới nói một vài câu chi đó mà thôi, cũng đã bị cáo là “bán nước dối dân”, rất là khó chịu. Một vạn cái lòng An Nam chẳng có cái nào là chẳng ghét những người làm mật thám, tức Nam kỳ kêu bằng lính kín. Mật thám ở các nước văn minh là những người có phần trong sự giữ cuộc trị an cho xã hội, song theo cái tình thế riêng ở xứ ta lại khác, cho nên người ta ghét cũng phải.
Trong khoảng 4-5 năm nay, có nhiều người khi không[2] mà bị nghi là mật thám. Tôi cũng là một người trong đám ấy. Tôi đã trải qua cái tình cảnh ấy nên nói ra chắc có ý vị. Trong khi ấy, tôi đi đến đâu, người ta chào sơ qua rồi thôi, ít hỏi han chi. Nếu là chỗ đông người thì họ lấy mắt ngó nhau, dường như bảo phải giữ mình vì tôi, chẳng khác nào giữ một đứa kẻ cắp. Ngoài sự giữ gìn ấy họ lại còn hằm hằm mà tỏ ra dáng khinh bỉ. Tôi lại có được thơ nặc danh gởi đến luôn luôn, cái thì khuyên tôi cải ác tùng thiện, cái thì chửi tôi tàn tệ. Tôi chịu những điều đoán phạt oan ức ấy mà lại lấy làm vui lòng, vì nội đó cũng đủ chứng rõ cái lòng ái quốc và cái đức chánh trực của dân tộc Việt Nam. Tôi nói : dân tộc ta mà sau nầy có ngày cất đầu lên được, là nhờ ở chỗ đó. Chỗ đó, ta phải cảm ơn Khổng giáo, ta phải nhận rõ ràng là sự ban tứ của sách Xuân Thu.
Tiện đây, ta cũng nên cứ thiệt mà trần khai cho chánh phủ Pháp ở đây biết rõ một điều. Chánh phủ làm việc gì mà nói rằng ấy là theo dân ý, là cái dân ý ở đâu ? Mấy ông hội đồng An Nam chăng ? Mấy tờ báo quốc ngữ chăng ? Không phải đâu. Nếu chánh phủ muốn tìm cho ra cái dân ý chơn chánh của An Nam thì hãy tìm ở trong những câu đàm tiếu của dân gian, trong những câu chuyện trò rất tầm thường ở đầu đường xó chợ. Vì cái hồn “thanh nghị” theo kiểu Xuân Thu của sĩ phu An Nam ngày xưa, bây giờ nó đã lẩn lút vào những nơi hạ tiện ấy, trong đó mới có câu chuyện thiệt tình, còn ở đâu cũng đều là giả dối hết. Mà thật vậy, người Pháp có biết cái chỗ bí yếu ấy rồi mới biết cái giá thật của dân tộc An Nam là thế nào.
Ngày nay dầu các hội nói trên kia không còn gì, cái thế lực của “thanh nghị” không có tỏ bày ra như trước, nhưng tôi nói rồi, nó đã bám vào trong lòng mọi người, thì không có bao giờ mất đi được, điều ấy khỏi lo. Lo là lo người An Nam mình kém học, ít nghe, cạn thấy, lại thêm không biết phán đoán, mà ôm cái lòng ghét điều ác quá nồng nàn, bao biếm nhiều khi thất thiệt, thì người ta lợi dụng cái nhược điểm ấy mà gieo điều nghi kỵ giữa chúng ta, thành ra ngờ vực nhau, chia rẽ nhau, thật là một điều rất hại vậy.
Lại còn, những người có tài lỗi lạc, hay cậy có thủ đoạn mà toan làm ra những việc phi thường. Trong khi làm chưa nên việc, bị cái sức ngầm của “thanh nghị” làm cho hư hỏng đi cũng nhiều lắm. Cho nên, làm anh hùng hào kiệt ở nước nào còn dễ, chớ làm anh hùng hào kiệt ở nước An Nam nầy mới thiệt khó, vì dư luận ý chừng nghiêm khắc quá.
Tức như ông Varenne bên Pháp, khi trước liều cho đảng Xã hội xóa tên mình để được đi Toàn quyền Đông Dương, khi trở về rồi lại xin vào đảng lại, thế mà dư luận người Pháp chẳng lấy làm điều, không ai nói chi hết, được ở bên mình thì người ta dị nghị biết bao.
Hai điều vừa nói trên đây là tôi muốn chỉ ra cái chỗ dở của cái ảnh hưởng sách Xuân Thu. Song chỗ đó chúng ta phải nhận là cái chỗ thiên lịch của mình chớ không phải tại chữ Xuân Thu vậy.
Chú thích
- ▲ Phản động: ở đây nghĩa là “chống lại” ; khác hàm nghĩa “phản động” thời nay
- ▲ Khi không: tình cờ, tự nhiên, không có chuyện gì (theo H.T. Paulus Của) ; bỗng dưng, tự dưng (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)