Tôi không phản đối sự làm quan. Làm quan cũng như làm các nghề khác, hoặc làm ruộng, hoặc đi buôn, hoặc làm thợ, cũng là một lối sanh nhai của người ta ở đời, việc chi mà phản đối ? Nhưng đến lấy sự làm quan làm như là một cái chủ nghĩa, coi nó là mục đích của sự học vấn, thì tôi phải phản đối.

Vì theo cái thuyết minh đức tân dân mà tôi đã nói rõ trong chương thứ VII, nên trong Khổng giáo đã thiệt tình lấy sự làm quan làm một cái chủ nghĩa. Mà hình như chính đức Khổng Tử cũng đã đem cả đời mình hy sanh cho cái chủ nghĩa đó, ví chẳng khác ông Bùi Quang Chiêu ta đã nói to trước mồ ông Tây Hồ mà rằng đem cả đời mình hy sanh cho cái chủ nghĩa Phát Việt đề huề !

Mạnh Tử có nói rằng : “Đức Khổng Tử ba tháng không có vua thì hình như băn khoăn, hễ ra bờ cõi là chở con t n[1] theo”[2]. Thật vậy, cả đời đức Khổng Tử chỉ châu du các nước chư hầu để kiếm một cái địa vị làm quan. Về sự đi của ngài, trong sách nói rằng “triệt hoàn liệt quốc” nghĩa là dấu bánh xe quanh khắp các nước, cũng như tiếng An Nam ta nói “đi mòn đường chết cỏ” vậy, thì biết rằng ngài đã đi lung lắm. Sau hết, các vua các nước không có ông nào dùng được ngài, mà ngài cũng đã già rồi, mới chịu về nước Lỗ là quê hương mình. Cái thái độ ngài như vậy, cho nên có một lần, Vi Sanh Mẫu, chừng cũng là vai lớn hơn ngài thì phải, xách quai nôi ngài ra mà bảo rằng : “Khâu ơi, chớ chú làm cái gì mà lăng xăng vậy, có lẽ là chú làm nịnh ư ?”[3]

Chữ “nịnh” đó theo tiếng An Nam ta là “lém lỉnh”, như kiểu bọn du thuyết hồi Chiến Quốc, đến đâu cũng trổ cái tài ba tấc lưỡi để được làm quan. Thế mà Vi Sanh Mẫu đến nỗi lấy điều ấy nghi cho ngài, đủ biết rằng sự đã quá lắm.

Tôi không khi nào nghi ngài như Vi Sanh Mẫu. Tôi vẫn hết lòng tin rằng ngài muốn ra làm quan là cốt để hành đạo cứu thời. Ngài từng nói rằng : “Nếu có ai dùng ta, ta sẽ làm nên nhà Châu ở phương Đông”[4]. Có một lần, người ẩn sĩ kia nói nhắn cùng ngài rằng thiên hạ đều loạn cả, ông toan cùng ai biến đổi, thì ngài trả lời rằng : “Nếu thiên hạ chẳng loạn thì Khâu nầy có biến đổi làm chi ?”[5]. Lại lần khác Công Sơn Phất Nhiễu và Bật Nật, là hai tên phản thần, đều có mời ngài đến giúp mình, thì ngài toan đến. Dầu về sau ngài không đến, nhưng trong khi Tử Lộ can ngài về sự ấy thì ngài nói quả quyết rằng đến là không hại gì cả, và rằng : “Ta có phải cái bầu đâu, thể nào treo mãi đó mà không ăn ?”[6].

Cứ như mấy lời trên đây thì thiên hạ hồi đó cũng như thiên hạ bây giờ, nghĩa là gặp lúc bước loạn ly, không còn có nhân đạo, mà ngài thì cũng như mấy nhà chí sĩ nhiệt tâm ở đời nay muốn đem cái tài học của mình ra mà xoay đổi cả cuộc đời. Ngài cứ lăng xăng kiếm một cái địa vị làm quan là vì cái lòng sốt sắng đó, chớ không phải là vì ham danh lợi, sự ấy tôi vẫn biết cho ngài và hết lòng tin nữa.

Song le, tôi tin ngài ở đó, mà tôi lấy làm lạ cho ngài cũng ở đó.

Cứ theo lời người thì lúc bấy giờ thiên hạ vô đạo, đại loạn, mà cái chí ngài là muốn biến đổi cả thiên hạ, muốn làm nên nhà Châu phương Đông kia, vậy thì chỉ làm quan mà đạt được cái chí ấy hay sao ? Tôi tưởng, làm quan mà đến bậc tướng đi nữa, là cũng không thiệt hành cái chí ấy được. Mà chỉ có làm vua thì họa may mới làm nổi công việc to tát ấy.

Thế mà, theo ý ngài thì ngài cứ mơ tưởng “nếu có ai dùng ta”. Ngài cứ phàn nàn “chẳng ai biết đến mình”. Có khi ngài bực mình vì “không làm đạo ra được mà toan cỡi bè trôi nổi trên mặt biển”. Sự đó tôi rất lấy làm lạ.

Tôi thì tôi nói : ngài đã có chí như vậy thì đợi chi ai dùng ? Cần chi ai biết ? Tội chi lại cỡi bè ra biển làm chi ? Sẵn có ba ngàn đệ tử đó, sao ngài không vận động mà nổi lên cuộc cách mạng ? Nổi cách mạng đi, rồi ngài lên làm vua quách đi, có thế mới biến đổi cả cuộc đời được chớ. Mà sự cách mạng ở nước Tàu thì có lạ gì, trong Kinh Dịch ngài vẫn nức nở khen vua Thang vua Võ cách mạng, là “thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân”? Thang Võ dám cách mạng, dám làm vua, thì sao ngài lại không dám ?

Còn như ngài giữ nghĩa quân thần, thì sao bọn phản thần kia mời ngài mà ngài lại toan đến, và quả quyết đến là vô hại ? Dữ kỳ theo lũ phản thần ấy thì thục nhược khởi binh cách mạng, đánh kẻ có tội, vớt dân ra khỏi bùn than, có phải là đường đường chánh chánh hơn không ?

Nếu ngài muốn hành đạo, thì, theo thời thế, theo địa vị, ngài chỉ có nước làm vua mà thôi, còn làm quan không ăn thua gì và cũng không xứng đáng gì cho ngài hết. Nhược bằng muốn truyền đạo thì hà tất phải làm quan ? Cứ làm như mấy ông giáo chủ kia, như Lão Tử, Thích Ca hay là Jésus Christ cũng được chớ.

Xin độc giả chớ tưởng tôi đem lý sự cùn mà nói tay đôi với ngài. Trên đây tôi chỉ có ý hỏi ngài đó thôi. Vương Sung nhà Hán ngày xưa, có làm sách Luận hoành trong đó có một thiên kêu là Vấn Khổng, va lại hỏi ngài nhiều điều ngặt hơn tôi nữa. Va hỏi được thì tôi đây cũng có quyền hỏi được.

Cái tư tưởng làm quan ấy di hại cho người nước ta nhiều lắm. Cái hồi còn học chữ nho, chẳng có người nào đi học mà không hằm hằm tính việc làm quan. Chỉ khác một điều là cái chủ nghĩa làm quan của Khổng Tử là để hành đạo cứu thời, còn cái chủ nghĩa làm quan của người mình là để cầu danh cầu lợi. Thế nhưng có ai chỉ trích đến chỗ đó thì người ta lại lấy Khổng Tử ra làm xương sống. Rất đỗi có người lại cho sự làm quan là một cái bổn phận của mình, không làm không được. Ông Hoàng Tế, người làng Trà Kiệu, tỉnh Quảng Nam, là một ông thầy dạy tôi năm xưa, đậu cử nhơn đã hơn 15 năm mà ở nhà luôn không ra làm quan. Không giấu chi, thầy tôi không làm quan là vì có ý không muốn hiệp tác với nhà nước bảo hộ. Song đến ngày trên 50 tuổi, thầy tôi thình lình đổi ý mà rằng : “Lẽ nào ta vì có người Pháp mà bỏ hết một cái bổn phận làm người, là bổn phận đối với vua !” Rồi thầy tôi được bổ làm Huấn đạo huyện Quế Sơn. Được mấy tháng thì vừa gặp ngày lễ Chánh chung, quan tỉnh sức trát biểu quan huyện và quan huấn phải đi hầu lễ. Thầy tôi cầm bút ký trong lá trát rồi ném bút mà thở dài và than rằng : “Ôi ! Ngũ kinh đem quét đất hết rồi !” – liền cáo bịnh mà về.

Đó là cái thái độ cao thượng của nhà nho ta đó. Song tôi phải lấy làm lạ, thế thì té ra thầy tôi vốn không biết hễ ra làm quan thì phải đi hầu lễ Chánh chung hay sao ? Đợi gì đến thò tay ký lá trát rồi mới ném bút đứng dậy về ? Hay là biết rồi mà vì nhìn sự làm quan là bổn phận của mình nên phải ra mới được ? Ai kia chớ còn thầy cử Trà Kiệu tôi thì chính là vì lẽ sau đó.

Cho đến ngày nay cũng vậy, hễ miễn được cái bằng cấp ở nhà trường rồi, ấy là chen nhau ra làm việc với nhà nước. Cái bụng dạ thì chưa chắc là bụng dạ của Khổng Tử, song cái kiểu cách thì thật là kiểu cách của Khổng Tử vậy...

   




Chú thích

  1. Ở bản đăng báo chỗ này rơi mất 1 chữ nguyên âm nên hơi khó đoán “con t n” là gì ? Nguyên câu trong sách Mạnh Tử là : “Khổng Tử tam nguyệt vô quân, tắc hoàng hoàng như dã, xuất cương tất tải chí” (= Khổng Tử nếu ba tháng không thờ vua nào thì lòng dạ như bàng hoàng thiếu thốn; mỗi khi ngài từ nước này sang nước khác đều mang sẵn theo lễ vật hiến tặng). Ở các từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh và Thiều Chửu có 2 từ “chí”, dạng chữ khác nhau, đều có nghĩa là “đồ lễ”, “của làm tin”, “đồ lễ tương kiến”. Khi dịch câu này của Mạnh Tử, có lẽ Phan Khôi không muốn dịch sát là “đồ lễ”, “lễ vật” nói chung mà muốn cụ thể hóa hơn một chút hành vi của Khổng Tử. Dựa vào gợi ý của một vài bạn nghiên cứu, tôi đoán chỗ này có lẽ Phan Khôi dịch là “... chở con tẫn theo”; tẫn, chữ Hán, trỏ con cái trong các giống chim, thú
  2. Mạnh Tử, thiên Đằng văn công, hạ
  3. Luận ngữ, thiên Hiến vấn
  4. Luận ngữ, thiên Dương hóa
  5. Luận ngữ, thiên Vi tử
  6. Luận ngữ, thiên Dương hóa