Cái ý nghĩa thật của vấn đề phụ nữ ở xứ ta

Cái ý nghĩa thật của vấn đề phụ nữ ở xứ ta  (1933) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 1 (17. 9. 1933), trang 6-8.

Vấn đề phụ nữ! Bốn chữ rất đơn giản, nghe qua tưởng như không có gì, mà kỳ thực nó có một cái lịch sử sâu xa và rộng rãi. Sâu xa vì cái vấn đề ấy đâm rễ mọc mầm ở hàng mấy ngàn năm; rộng rãi vì nó, hoặc sớm hoặc muộn, đã phát sinh ra hầu khắp trong các dân tộc trên thế giới.

Ở nước nào cũng vậy, ngày nay với tìm đến thời kỳ mới có sử, thì thấy ra lúc bấy giờ loài người rất bình đẳng, giữa nam và nữ chưa hề có giai cấp phân cách ra, chưa hề có sự bất bình đẳng như về sau. Chẳng biết từ ngày nào, có lẽ là dần dần chứ không phải vụt một cái, quyền đàn bà suy đi, quyền đàn ông thịnh lên, ở xã hội nào cũng bày ra cái hiện tượng nam tôn nữ ty như chúng ta thường thấy. Cái hiện tượng ấy một ngày một quen với con mắt loài người, đến nỗi hàng mấy ngàn năm, ai cũng coi là sự cố nhiên, cho tới chính người đàn bà cũng coi là sự cố nhiên, chẳng hề hỏi thử tại làm sao.

Trong mấy ngàn năm ấy, người ta bảo phụ nữ là giống yếu thì phụ nữ phải chịu là giống yếu; người ta bắt phụ nữ chỉ làm được cái máy đẻ thì phụ nữ phải chỉ làm cái máy đẻ; cho đến bắt phụ nữ bó chân, che kín mặt, thì phụ nữ cũng phải bó chân, che kín mặt. Bảo thế nào, hay thế ấy, chẳng ai lấy làm lạ mà hỏi, bởi vậy trong mấy ngàn năm ấy phụ nữ là phụ nữ, chẳng thành ra vấn đề.

Vào khoảng vài trăm năm trở lại đây, nhất là từ hồi nước Pháp có cuộc cách mạng trở lại đây, bởi việc chính trị trong các nước thay đổi, tình thế của các xã hội cũng thay đổi, mà giữa phụ nữ đã xảy ra những sự biến động lớn. Từ đó đến giờ mới có người hỏi cho phụ nữ hay là phụ nữ tự hỏi lấy cho mình, hỏi về địa vị, hỏi về quyền lợi, hỏi về luân lý… Từ đó trong tiếng nói các dân tộc mới sinh ra cái danh từ “vấn đề phụ nữ”.

Đà thành ra vấn đề thì phải có cách giải quyết, phải thực hành sự giải quyết. Từ đó đến nay phụ nữ các nước đã bắt đầu và nối nắm thực hành sự giải quyết ấy hoài hoài không thôi; cho đến ngày nay họ đã chiếm được ít nhiều phần thắng lợi mà vẫn còn ở trong kỳ phấn đấu. Những sự thực hành giải quyết vấn đề ấy, tóm lại gọi là “cuộc phụ nữ vận động”, tức trong tiếng Pháp gọi là “féminisme”.

Những sự thực hành ấy, cuộc vận động ấy, bắt đầu từ nước Pháp rồi lan ra các nước phương Tây; gần nay lại tràn qua cả các nước phương Đông; chẳng có nước nào là phụ nữ chẳng thành ra vấn đề, chẳng có nước nào là từ chối được cuộc phụ nữ vận động.

Chẳng thế thì sao đàn bà Nhật Bổn xưa nay vẫn có tiếng là nhu thuận hơn hết mà ngày nay cũng xướng nữ quyền? Chẳng thế thì sao đàn bà Tàu bị bó chân gần ngàn năm nay, ngày nay bỗng mở ra và đã có những người như Trịnh Dục Tú, Tống Khánh Linh đi hầu khắp thế giới?

Nước Việt Nam này cái gì cũng ở sau thiên hạ hết, nhưng mà cái gì rồi cũng có; bởi vì cái gì đã là công lệ của loài người, ai cũng đều có mà ta không có, không được…

Gần trong mấy năm đây, phụ nữ xứ ta cũng đã thành ra vấn đề rồi. Mặc dầu ai có dã tâm mà bưng bít đi hay là không nhìn nhận chăng nữa, là những vấn đề đã mọc lên ở nước khác nó cũng đã và sẽ lù lù mọc lên ở nước này mà thôi. Có chậm chăng là tại khí hậu và hoàn cảnh, chứ hễ cái cây phải mọc thì rồi thế nào nó cũng mọc.

Ai biết nhận kỹ sự thực thì đều thấy rằng nước ta mới sinh ra vấn đề phụ nữ, chứ chưa hề có cuộc phụ nữ vận động. Vì cuộc vận động ấy phải nhờ tự lực của phụ nữ, mà phụ nữ xứ ta sức còn kém lắm thì làm thế nào cho có được? Ấy vậy mà bởi những người xốc nổi và hoảng hốt, họ đã làm cho mấy trang đầu của lịch sử phụ nữ cận đại nước ta sai cả đi.

Họ hô lên rằng đàn bà Việt Nam đòi bình quyền. Họ phao đồn rằng phụ nữ Việt Nam toan giải phóng. Thật lạ quá! chẳng biết quyền ở đâu mà bình? Còn nói giải phóng thì phải nói giải phóng cái gì mới được chứ.

Những câu vu khoát không đâu ấy thật là có hại cho bước đường tiến bộ của phụ nữ. Kỳ thực thì ở xứ ta chỉ mới sinh ra vấn đề phụ nữ mà thôi, hầu hết chưa được giải quyết và còn chờ giải quyết, cần nhất là chúng ta phải hiểu cái ý nghĩa thật của nó.

Vấn đề phụ nữ là tên gọi chung, chứ ở trong nó có bao nhiêu những vấn đề khác họp lại mà thành ra. Xét đến đây thì cái ý nghĩa thật của vấn đề phụ nữ tự nhiên trình bày ra vậy.

Hết thảy các vấn đề thuộc về phụ nữ chẳng có vấn đề nào là chẳng sinh ra bởi hoàn cảnh. Bởi vậy trong nữ giới có sự biến động gì, có cái khuynh hướng cải cách nào, cũng là do theo hoàn cảnh, do theo cái trình tự tiến hóa của lịch sử, chứ chẳng phải bởi ý riêng của người nào muốn mà được. Ai xướng ra cái thuyết này, ai phát khởi cái chủ nghĩa kia, cũng chỉ là vì phụ nữ mà hành động theo sự bắt buộc của luật tự nhiên đó thôi.

Một điều dễ thấy hơn hết là những nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, dệt vải, may vá, đặt rượu, nuôi heo, xưa nay vốn là nghề riêng của phụ nữ ta, từ ngày các nhà tư bản thịnh vượng lên luôn với cơ khí, cướp mất những nghề ấy trong tay họ thì phụ nữ hầu chẳng còn có phương thế nào mà sinh hoạt. Mất những nghề ấy đi thì tự nhiên là phải kiếm những nghề khác thay vào, bởi đó vấn đề phụ nữ chức nghiệp phải sinh ra.

Sinh kế mỗi ngày một khó, con cái lớn lên phần nhiều phải tự kiếm lấy mà ăn, dầu tay mềm chân yếu là phận nữ nhi cũng vậy, chứ không còn nhờ vả cha mẹ suốt đời như ngày xưa nữa. Vì đó mà sinh ra vấn đề hôn nhân, cả đến vấn đề gia đình.

Thuở trước người con gái nào đi làm đĩ, người ta cho rằng đồ cẩu trệ, đồ thối thây, có ai thèm kể đến làm chi, huống nữa là đem làm thành ra vấn đề. Nhưng ngày nay thì không thế, bởi sự sống khó khăn quá mà hạng kỹ nữ ngày một thêm nhiều ra, ta phải nhìn nhận rằng đó là một cái tội lỗi chung của xã hội, ta phải kể nó là cái vấn đề nghiêm trọng đáng cho ai nấy gia tâm mà tìm phương bổ cứu. Như thế lại sinh thêm ra một vấn đề nữa là mại dâm.

Kể sơ sơ nội mấy vấn đề trên đó, đủ thấy phụ nữ phải cần có sự tự lập cả về đường vật chất và đường tinh thần, thì mới có thể nuôi lấy thân và giữ lấy nhân cách. Như thế thì phải nhờ có học, nhờ có tri thức và tài năng cũng cao bằng đàn ông mới được. Bởi đó sinh ra vấn đề giáo dục cho phụ nữ hay là nữ học.

Ngoài ra đến những vấn đề cả lẽ, vấn đề sinh dục, vấn đề tài sản, cả đến những vấn đề vụn vặt mà không quan thiết mấy như vấn đề thể thao, vấn đề ngu lạc cũng dần dần tuỳ theo hoàn cảnh mà sinh ra. Những vấn đề ấy nó quan hệ nhau bằng một cách liên đới, khi đã sinh ra cái này thì nó cũng nhân thể mà sinh ra cái khác. Tóm lại, vấn đề nào cũng là bởi sự cần dùng, chẳng cần dùng thì chẳng sinh ra được vấn đề.

Coi đó thì thấy cái ý nghĩa thật của vấn đề phụ nữ ở xứ ta hiện nay, nó có tính chất hòa bình mà không phải khích liệt; nó là cải lương mà không phải […], nó sắm sửa đưa dân tộc ta lên con đường thành lập mà không phải phá hoại; sau hết, nó không phải là điềm dữ mà quả là điềm lành.

Thế thì chúng ta đây, bổn phận là phải hiểu thấu cái ý nghĩa ấy; kẻ có học thức và có lòng với tiền đồ của dân tộc, tưởng nên đem những vấn đề ấy ra mà nghiên cứu, giúp cho cuộc tiến hóa của phụ nữ tức là giúp cho cuộc tiến hóa của dân ta. Còn về phần chính mình phụ nữ thì bổn phận lại càng trọng đại lắm. Phụ nữ Việt Nam ngày nay cốt phải dưỡng thành một cái tự lực sao cho càng ngày càng sung túc, hầu một ngày kia thực hành được cuộc phụ nữ vận động để giải quyết những vấn đề cần thiết cho mình. Vấn đề phụ nữ ở xứ này đã phát sinh ra rồi; chẳng sớm thì chầy, cuộc phụ nữ vận động một ngày kia đáng phải có [……]

Hiện tình phụ nữ xứ ta chỉ có thế; thế mà một hạng người vừa nói ban nãy đã nhao nhao lên, họ làm như đàn bà Việt Nam đã […], mà họ là người đứng khống cáo. Họ tạo ra những câu bình quyền, giải phóng là câu vu vơ không vào đâu cả, rồi nhân đó họ ngăm đe doạ nạt, muốn chắn ngay cái đường bước tới của phụ nữ, họ quên lửng rằng sự bước tới ấy chẳng qua theo luật tự nhiên.

[……………]

Ngày nay cần nhất là trong nước ai ai cũng phải hiểu rõ cái ý nghĩa thật của vấn đề phụ nữ xứ ta ra thế nào. Chứ còn những câu bình quyền, giải phóng, là câu người ta phóng đại ra, chớ nghe mà lầm.

PHAN KHÔI